Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 33 °C / 25 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Xã hội
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Kỷ niệm Ngày Quốc tế Người khuyết tật 3/12: Trao cơ hội vươn lên cho người khuyết tật

Cập nhật: 10:40 ngày 02/12/2022
(BGĐT) - Nhằm giúp người khuyết tật (NKT) tìm việc làm, hòa nhập với xã hội, các cơ quan chức năng trong tỉnh Bắc Giang đã tích cực triển khai những chính sách hỗ trợ và vận động doanh nghiệp vào cuộc.  

Động lực vươn lên

Trung tâm dạy nghề Ánh Tuyết (thuộc Công ty cổ phần May xuất khẩu Thương Giang), thôn Thượng Tự, xã Song Mai (TP Bắc Giang) thành lập từ năm 2004. Với mong muốn góp phần xoa dịu nỗi đau, tiếp thêm niềm tin cho NKT, những năm qua, trung tâm đã mở nhiều lớp dạy nghề miễn phí cho hàng trăm học viên khuyết tật vận động và câm điếc. Học viên đến từ nhiều địa phương trong tỉnh như Lục Ngạn, Lục Nam, Sơn Động, Yên Thế... 

Tại trung tâm họ sẽ được đào tạo nghề từ 2-4 tháng. Chị Nguyễn Thị Giang, xã Canh Nậu (Yên Thế) chia sẻ: “Tôi bị khuyết tật bẩm sinh, đi lại khó khăn. Khi biết trung tâm mở lớp dạy nghề từ thiện, tôi đã đăng ký theo học may túi mành tre vì khi ở nhà, tôi đã từng chuốt tăm, chẻ chổi bán”. 

Với đôi bàn tay khéo léo cùng sự chăm chỉ, chị Giang cùng nhiều học viên sau khi hoàn thành khóa đào tạo ngắn hạn đã thành thạo nghề và được nhận vào làm việc tại đây. Với thu nhập bình quân 6 triệu đồng/tháng, cuộc sống ổn định, chị Giang đã dần vơi đi nỗi mặc cảm, tự ti về bản thân. 

Có những học viên có tay nghề giỏi được trung tâm tuyển dụng làm giáo viên hướng nghiệp, dạy nghề cho các khóa đào tạo tiếp theo. Để đáp ứng nhu cầu thị trường, phù hợp với NKT, những năm gần đây, Trung tâm dạy thêm nghề trồng nấm cho học viên.

{keywords}

Học viên Công ty cổ phần Hỗ trợ nhân đạo tạo việc làm cho người khuyết tật.

Công ty cổ phần Hỗ trợ nhân đạo tạo việc làm cho NKT (xã Hợp Thịnh, Hiệp Hòa) thời gian qua vừa dạy nghề vừa bồi dưỡng năng khiếu nghệ thuật cho người tàn tật, mồ côi, người bị ảnh hưởng chất độc da cam không có điều kiện học tập tại các trường chuyên nghiệp. Sau 5 năm hoạt động, Công ty đã đào tạo miễn phí cho hàng trăm hạt nhân nghệ thuật về ca, kịch, ảo thuật... Các học viên sau khi đào tạo được biểu diễn tại các chương trình từ thiện, nhân đạo. 

Ông Lê Văn Tráng, Giám đốc Công ty cho biết: “Hiện nay Công ty chúng tôi nuôi dưỡng, tạo việc làm cho 42 NKT. Chỉ khi có việc làm, NKT mới có thể vơi bớt mặc cảm, vươn lên trong cuộc sống. Do đó, thông qua các hoạt động của Công ty, chúng tôi thường xuyên sắp xếp các em tham gia, tạo cơ hội để học viên NKT giao lưu, hoà nhập với cộng đồng”. 

Sau khi đào tạo, tùy theo năng lực, sở trường của từng cá nhân, Công ty bố trí công việc phù hợp. Ngoài những bạn có năng khiếu văn nghệ tham gia biểu diễn thì có nhiều trường hợp giỏi nấu ăn, có khả năng dẫn chương trình sẽ được bố trí làm đầu bếp, MC... Nhiều trường hợp khi mới đến rất e dè, ngại tiếp xúc với người xung quanh thì nay đã vui vẻ, hòa đồng, tự tin hơn.

Ngoài hai cơ sở trên, hiện trên địa bàn tỉnh còn có một số đơn vị đào tạo nghề cho NKT như: Trung tâm Công tác xã hội tỉnh, Trung tâm Nhân đạo Phú Quý, Trung tâm Nhân đạo Thiên Phúc (TP Bắc Giang), Hợp tác xã Tiểu thủ công nghiệp thương binh, xã Việt Lập (Tân Yên)... 

Từ năm 2012 đến nay, thực hiện Đề án trợ giúp NKT hòa nhập cộng đồng giai đoạn 2012- 2020 của Chính phủ và các chương trình, kế hoạch hỗ trợ NKT của tỉnh, mỗi năm, tỉnh dành gần 800 triệu đồng tổ chức lớp đào tạo nghề cho hàng trăm NKT. Nhờ sự quan tâm của nhiều hội, đoàn thể, địa phương, nhà hảo tâm, không ít NKT có công việc ổn định, hòa nhập cộng đồng.

Khuyến khích DN tham gia hỗ trợ

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), toàn tỉnh hiện có 30,1 nghìn NKT, trong đó khoảng 6 nghìn người còn khả năng lao động và có mong muốn tìm việc làm song cơ hội dành cho họ hạn chế. Trong số gần 5 nghìn NKT trong tỉnh có việc làm thì chưa đến 7% có công việc ổn định, thu nhập khá và phù hợp với năng lực tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh uy tín. Đa số NKT có tâm lý tự ti, mặc cảm nên thường gặp trở ngại trong quá trình học nghề, làm việc. Trình độ học vấn cũng quyết định đến cơ hội và mức lương của NKT khi được DN tiếp nhận. Hiện toàn tỉnh mới có 5,8% NKT học hết THPT. Khó khăn trong xin việc, gặp nhiều rào cản khiến không ít NKT dù còn khả năng lao động nhưng phải mưu sinh bằng nghề tự do, thu nhập bấp bênh hoặc sống dựa vào gia đình.

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội , toàn tỉnh hiện có hơn 30,1 nghìn NKT, trong đó có khoảng 6 nghìn người còn khả năng lao động và có mong muốn tìm việc làm.

Về cơ chế, chính sách hỗ trợ việc làm đối với NKT, ông Nguyễn Văn Ngọc, Trưởng Phòng Bảo trợ xã hội (Sở LĐTBXH) cho rằng: Theo các quy định trước đây, DN phải nhận từ 2-3% NKT/tổng số lao động vào làm việc hoặc nếu không thực hiện đủ chỉ tiêu thì phải trích kinh phí đóng vào Quỹ việc làm dành cho NKT. Tuy vậy, từ khi áp dụng Bộ luật Lao động năm 2012, Luật NKT (năm 2010), Nghị định số 28/2012/NĐ-CP của Chính phủ đã có sự thay đổi. 

Theo đó, các văn bản này chỉ nêu chung chung về việc Nhà nước khuyến khích và ưu đãi người sử dụng lao động tạo việc làm và nhận lao động là NKT vào làm việc. DN có trên 30% lao động là NKT được hưởng chính sách vay vốn với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ kinh phí cải tạo môi trường làm việc, miễn thuế thu nhập DN song không DN nào mong muốn đạt tỷ lệ này. Nếu tiếp nhận NKT vào làm việc, DN phải tuân thủ các quy định pháp luật riêng với nhóm lao động đặc thù này như: Sắp xếp công việc phù hợp, áp dụng chế độ lương, thời gian làm việc, bố trí hệ thống đi lại, nhà vệ sinh riêng biệt. Vì thế, nhiều DN e ngại khi tuyển dụng lao động khuyết tật.

Ông Trương Đức Huấn, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH cho biết, để hỗ trợ việc làm cho NKT, ngành LĐTBXH tiếp tục vận động DN tuyển dụng NKT; khảo sát, nắm bắt nhu cầu học nghề theo từng dạng khuyết tật để dạy nghề phù hợp, kết hợp đào tạo theo hướng vừa học vừa làm hoặc liên kết với DN tạo việc làm bền vững cho NKT. Chính quyền các địa phương cần khuyến khích các DN đóng chân trên địa bàn đón nhận NKT vào làm việc, tạo cơ hội cho những người yếu thế dựa trên những chính sách hiện hành. Tăng cường giám sát, kiểm tra việc thực hiện chính sách cho NKT tại các cơ sở, DN có đối tượng này làm việc.

Bài, ảnh: Ngọc Anh

Trao 100 suất quà cho người khuyết tật, trẻ mồ côi tại Tân Yên
(BGĐT) - Sáng 14/11, tại UBND xã Việt Lập (huyện Tân Yên), Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi (NKT&TMC) Việt Nam phối hợp với Hội Bảo trợ NKT&TMC tỉnh Bắc Giang trao quà cho người dân tại huyện Tân Yên.
Đại hội đại biểu Hội Bảo trợ Người khuyết tật - Trẻ mồ côi huyện Yên Thế nhiệm kỳ 2022-2027
(BGĐT)- Sáng14/9, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi (NKT-TMC) huyện Yên Thế  tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ II, nhiệm kỳ 2022-2027. 
Hội Chữ thập đỏ huyện Tân Yên trao tặng 26 xe lăn cho người khuyết tật
(BGĐT)- Hưởng ứng Tháng Nhân đạo 2022 với chủ đề “Gắn kết cộng đồng - Lan tỏa hành động nhân ái”, ngày 29/4, Hội Chữ thập đỏ huyện Tân Yên (Bắc Giang) tổ chức trao tặng xe lăn cho 2 người khuyết tật ở thị trấn Cao Thượng. Đồng chí Ngô Quốc Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện dự.
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...