Thứ ba, 23/04/2024
Bắc giang 28 °C / 24 - 29 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Xã hội
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Thiêng liêng nơi địa đầu Tổ quốc

Cập nhật: 07:54 ngày 19/01/2022
(BGĐT) - Đã là con dân nước Việt ai cũng mong muốn được một lần đặt chân đến đỉnh núi Rồng- điểm cực Bắc, để chiêm ngưỡng lá cờ Tổ quốc tung bay phấp phới giữa bầu trời biên cương hùng vỹ; đến Đất Mũi - điểm cực Nam, để tận thấy “Tổ quốc ta như một con tàu/ Mũi thuyền ta đó mũi Cà Mau”; được vượt trùng dương sóng vỗ thăm quân, dân Trường Sa đang ngày đêm kiên cường bảo vệ đảo tiền tiêu giữa biển trời bao la. 

Tin rằng, đã đến những nơi này, ai ai cũng thêm yêu Tổ quốc mình, cũng muốn được tri ân tổ tiên đã tạc nên dải đất mẹ mang hình chữ S, cũng muốn làm được nhiều việc có ích cho quê hương, đất nước.

Xúc động trào dâng dưới cột cờ Lũng Cú

Tôi may mắn đã đôi lần đến thăm cột cờ quốc gia Lũng Cú sừng sững trên đỉnh núi Rồng, thuộc xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Thú thật, dù đã từng đi nhưng tôi vẫn muốn đến nơi này khi có cơ hội. Mỗi lần kính cẩn nghiêng mình dưới ngọn cờ thiêng trên đỉnh mái nhà Tổ quốc (cao 1.468 m so mực nước biển), trong tôi lại trào dâng xúc động, tự hào về non sông gấm vóc nước Việt.

Bất giác tôi nhớ về những dấu mốc lịch sử gắn liền với mảnh đất này mà mình đã được đọc trong sử sách. Đó là khi Lý Thường Kiệt đi trấn ải biên thuỳ đã cho treo một lá cờ đại và đặt một viên đá tảng để đánh dấu nơi đỉnh núi thiêng Lũng Cú. Đó là Quang Trung - Nguyễn Huệ cho đặt trống cầm canh tại đây. Sau mỗi canh giờ phải gióng ba hồi trống lên báo hiệu nước Nam có chủ quyền lãnh thổ.

{keywords}

Dưới chân cột cờ Lũng Cú.

Trải qua nhiều lần trùng tu, nâng cấp, hiện nay cột cờ quốc gia Lũng Cú được xây dựng theo mô hình cột cờ Hà Nội có tổng chiều cao 33,15 m, chân đế hình bát giác có gắn 8 bức phù điêu khắc họa các dấu mốc lịch sử trọng đại của đất nước, lịch sử văn hoá các dân tộc bản địa, phía trên là 8 mặt trống đồng. Theo sáng kiến của cán bộ huyện Đồng Văn, lá cờ rộng 54 m2, tượng trưng cho 54 dân tộc anh em chung sống trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam đã được sử dụng, thay cho lá cờ nhỏ hơn trước đó.

Được biết, sáng thứ Hai đầu tuần, cán bộ, chiến sĩ biên phòng và địa phương đều tổ chức lễ chào cờ. Nhưng xúc động nhất là lễ chào cờ trên đỉnh cực Bắc vào sáng mùng Một Tết Nguyên Đán. Theo các chiến sĩ biên phòng, giữa tiết xuân sang và tiếng Quốc ca trầm hùng vang lên dưới nền cờ đỏ sao vàng tung bay, niềm tự hào và tình yêu Tổ quốc, yêu nhân dân như được nhân lên trong mỗi người.

Đất Mũi hiên ngang

Tôi đã từng đến Đất Mũi bằng cả đường thuỷ và đường bộ. Nhưng với tôi đi đường thuỷ vẫn ấn tượng hơn cả.

Lần đầu đến Cà Mau cách đây đã hơn mười năm song tôi vẫn nhớ không quên từng chi tiết nhỏ. Mấy nhà báo chúng tôi đều lần đầu đến Cà Mau nên ai cũng háo hức muốn đi thăm Đất Mũi. Các bạn đồng nghiệp Báo Cà Mau rất muốn chiều lòng khách từ phương xa tới, song ngặt nỗi ngoài khơi có cơn bão đang rình rập, cơ quan chức năng cấm tàu thuyền hoạt động. Chúng tôi ai cũng buồn thiu, vì đã vượt hàng nghìn cây số để được “mục sở thị” điểm đầu đất nước, giờ lại quay về thì không buồn mới lạ.

{keywords}

Du khách thăm Mũi Cà Mau.

Sau phút chia tay các bạn Cà Mau, một thành viên trong đoàn đề xuất đến bến tàu du lịch tìm thuê tàu đi Đất Mũi. Dù trời đang mưa tầm tã nhưng tất cả đều hưởng ứng. Khoảng 30 phút sau chiếc xuồng cao tốc rẽ sóng đưa chúng tôi về nơi địa đầu phía Nam Tổ quốc. Hai bên bờ sông nước thuỷ triều dâng ngập ngang những cánh rừng xanh thẫm. Trời mưa mỗi lúc một nặng hạt, cả đoàn ai cũng ướt sũng. Lúc này chúng tôi mới hiểu các bạn ở Báo Cà Mau khuyên không nên đi Đất Mũi khi trời có bão là đúng. 

Nhưng bất chấp nguy hiểm, sự khát khao khám phá đã thôi thúc mỗi chúng tôi quyết một lần được tận thấy “mũi con tàu Tổ quốc” thiêng liêng đến nhường nào. Đang dõi ánh mắt vào những làng mạc bồng bềnh theo con sóng, anh tài công cho chiếc xuồng lượn một vòng ra cửa biển rồi khoát tay chỉ Đất Mũi kia rồi. Chúng tôi hướng mắt theo, đó là một vạt rừng đước, mắm vươn ra biển Đông. Sau mỗi con sóng xô, từng chùm rễ cây mắm, cây đước, cây tràm hiện ra như những bàn tay khổng lồ cắm sâu xuống bùn đất, giữ cho đất không bị xói mòn. Theo năm tháng, phù sa bồi đắp đến đâu, rừng mọc đến đó, mỗi năm Đất Mũi tiến ra biển vài mét.

Giữa nền xanh của rừng và biển là Đài quan sát vươn cao với cờ Tổ quốc tung bay kiêu hãnh. Mang hình cây đước, được tỉnh Cà Mau chọn làm biểu tượng, Đài quan sát cao 21m tượng trưng cho thế kỷ XXI, cao 54 bậc tượng trưng cho 54 dân tộc anh em. Chúng tôi từ từ leo lên đỉnh Đài, toàn bộ vùng Đất Mũi hiện ra. Cảm giác như được đứng trên mũi con tàu đất nước đang rẽ sóng hiên ngang vươn khơi khiến ai cũng lâng lâng xúc động, tự hào.

Trường Sa - nước Việt giữa trùng khơi

Sau hai ngày vượt biển, con tàu đưa đoàn công tác chúng tôi cập cảng Trường Sa lớn lúc nửa đêm. Tàu buông neo cho các thành viên nghỉ ngơi, sáng hôm sau mới lên đảo. Nhưng tôi chẳng thể chợp mắt. Từ trên boong tàu nhìn vào đảo chỉ thấy lấp lánh ánh đèn điện mà bao ý nghĩ cứ chộn rộn. Mới hôm qua tôi biết đến Trường Sa qua những trang sử, qua sách báo, nay “đôi mắt biên cương” hiển hiện trước mặt. 

Tôi miên man nghĩ về những đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa do các vua chúa nhà Nguyễn thành lập từ xa xưa. Trong đội quân làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh hải của Tổ quốc đã có bao người nằm lại nơi đảo tiền tiêu, giữa biển khơi? Nghĩ về tầm nhìn chiến lược và bài học kinh nghiệm xây dựng, bảo vệ biển, đảo của Tướng Giáp Văn Cương vẫn còn nguyên giá trị cho đến hôm nay.

{keywords}

Biểu diễn quan họ ở đảo Trường Sa.

Tiếng còi tàu hú vang, đúng 7 giờ đoàn chúng tôi lên đảo. Hai hàng chiến sĩ hải quân chỉnh tề chào đón đoàn. Trong không khí thành kính, trang nghiêm, đoàn công tác và quân, dân trên đảo thực hiện nghi lễ chào cờ và diễu duyệt đội danh dự. Với mỗi người, chào cờ là việc không thể thiếu và rất đỗi quen thuộc khi tổ chức các sự kiện có ý nghĩa. Nhưng tôi bảo đảm rằng, tham gia chào cờ ở Trường Sa ai cũng thấy thiêng liêng và xúc động khôn tả. Trên đỉnh cột mốc chủ quyền, cờ Tổ quốc đỏ thắm tung bay giữa bốn bề sóng vỗ, hình ảnh hồn thiêng sông núi, hồn cốt nước Việt quyện tiếng hát Quốc ca vang lên hùng tráng như thúc giục lòng người xích lại gần nhau hơn, thêm yêu hơn “biển trời quê ta… đẹp như gấm hoa”.

Trong hải trình thăm và làm việc tại Trường Sa, chắc chắn mọi người không thể quên những phút giây bùi ngùi xúc động khi tưởng niệm các chiến sĩ hy sinh trên nhà giàn DK1. Trong làn khói hương bảng lảng bay trước bàn thờ trên boong tàu, tiếng nhạc “Hồn tử sĩ” cất lên trầm buồn, từng vòng hoa được truyền tay thả xuống biển. Dường như khoé mắt ai cũng cay cay, đó đây tiếng sụt sịt khe khẽ.

Đất trời đang vào xuân mới. Những con tàu chở cả mùa xuân lại hối hả vượt trùng dương mang theo tấm lòng đất mẹ ra với Trường Sa thân thương. Không xa đâu Trường Sa ơi… Thương nhớ sao nguôi người chiến sĩ Trường Sa ơi!

Trịnh Văn Ánh
Vải thiều Bắc Giang có trong bữa cơm của cán bộ, chiến sĩ huyện đảo Trường Sa
(BGĐT) - Qua kết nối của Hội Nữ doanh nhân Việt Nam và Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bắc Giang, 4 tấn vải thiều Bắc Giang do Hội Nữ doanh nhân Việt Nam gửi tặng đã đến tay cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 146 thuộc Vùng 4 hải quân. Trong đó, có một tấn vải thiều Bắc Giang được chuyển tặng cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ ở huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa). 
Hậu phương vững chắc của lính đảo Trường Sa
(BGĐT) - Với những cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ tại Trường Sa thì hậu phương vững chắc của các anh là người vợ đảm đang gánh vác việc gia đình. Đó là nguồn động viên lớn, động lực để mỗi người lính quyết tâm bám biển, bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Tản mạn Trường Sa...
Cả tuần dông gió, vậy mà đêm trước ngày chúng tôi trở về đất liền, Trường Sa vằng vặc trăng nghiêng. Ánh trăng dịu dàng buông xuống mặt biển dềnh lên những tâm tư, khát vọng của người canh giữ đảo xa.
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...