Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 31 °C / 25 - 34 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Xã hội
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Nêu gương làm kinh tế giỏi

Cập nhật: 06:32 ngày 28/09/2021
(BGĐT) - Những năm qua, nhiều hội viên Hội Người cao tuổi (NCT) Bắc Giang đã tích cực tham gia phong trào “Người cao tuổi làm kinh tế giỏi”. Trên địa bàn tỉnh xuất hiện những tấm gương NCT cống hiến trí tuệ, sức lực, làm giàu cho gia đình, quê hương. Báo Bắc Giang giới thiệu hai trong số hàng nghìn NCT làm kinh tế giỏi trên địa bàn.

Bạn của nhà nông

Lâu nay, doanh nhân Lê Văn Thùa, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Việt Thắng (TP Bắc Giang) được người nông dân biết tới. Dù bắt đầu kinh doanh ở tuổi nghỉ hưu nhưng ooông đã thành công nhờ vào bản lĩnh, sự kiên trì, bền bỉ.

{keywords}

Doanh nhân Lê Văn Thùa.

Sinh ra và lớn lên tại xã Lãng Sơn (Yên Dũng), sau hơn 30 năm công tác trong quân đội, ông Thùa về nghỉ hưu và bắt tay vào phát triển kinh tế gia đình từ mô hình VAC. Từng làm đội trưởng đội sản xuất, ông thấu hiểu nỗi vất vả và thiệt hại của nông dân khi cây trồng bị sâu bệnh nên đã mở đại lý bán thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) tại TP Bắc Giang. 

Năm tháng trôi qua, bằng kiến thức, kinh nghiệm và nguồn vốn tích lũy cùng chính sách mở cửa thông thoáng của Nhà nước, năm 1994, người cựu chiến binh (CCB) ấy thành lập Công ty TNHH Việt Thắng chuyên gia công, kinh doanh thuốc BVTV. Ông nhận thấy lĩnh vực này sẽ có nhiều cơ hội phát triển ở nước nông nghiệp như Việt Nam. Vốn là con nông dân nên ông mong muốn ngành nghề hoạt động của Công ty sẽ phục vụ người dân quê hương.

Ông đầu tư thiết bị máy móc theo công nghệ Nhật Bản để lập xưởng gia công, đóng gói thuốc BVTV, mở hệ thống đại lý ở các địa phương cung cấp sản phẩm đến tận tay nông dân. Để tăng sức cạnh tranh trên thị trường, Công ty thường xuyên đổi mới mẫu mã bao bì, nâng cao chất lượng sản phẩm, đưa ra giá bán hợp lý và quan tâm chăm sóc khách hàng. Đến nay, thuốc BVTV mang thương hiệu VITHACO của Công ty đã trở nên quen thuộc với nông dân cả nước.

Hiện doanh nghiệp có gần 200 cán bộ, công nhân với mức thu nhập bình quân 7,5 triệu đồng/người/tháng; doanh thu hàng nghìn tỷ đồng/năm. Công ty có 4 nhà máy gia công sang chai đóng gói thuốc BVTV, sản xuất bao bì giấy ở Bắc Giang, Long An, TP Hồ Chí Minh; 5 chi nhánh, hơn 700 đại lý cấp 1 ở khắp cả nước. Cùng với tiêu thụ sản phẩm tại thị trường trong nước, Công ty còn xuất khẩu sang Lào, Campuchia, Thái Lan...

Nhiều người ngỡ ngàng khi biết doanh nhân Lê Văn Thùa năm nay đã 84 tuổi bởi ông vẫn giữ tác phong nhanh nhẹn, sự sáng suốt, dứt khoát trong chỉ đạo điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh. Dù tuổi cao nhưng doanh nhân Lê Văn Thùa không ngừng làm việc. Ông thấy mình còn sức khỏe thì cần nỗ lực xây dựng đơn vị phát triển vững mạnh. Qua đó có thể đóng góp tích cực cho ngân sách nhà nước, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động và thực hiện công tác an sinh xã hội. 

Hằng năm, Công ty nộp thuế từ 60-80 tỷ đồng; ủng hộ các quỹ: Đền ơn đáp nghĩa, vì người nghèo, phòng, chống lụt bão, khuyến học… với số tiền từ 1,5 - 1,7 tỷ đồng. Đơn vị duy trì hoạt động bán trả chậm thuốc BVTV cho hàng trăm nghìn hộ nghèo, hộ ở miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Năm nay, trước tình hình dịch Covid -19 diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, CCB Lê Văn Thùa đã tìm nhiều biện pháp để khắc phục khó khăn. Công ty thực hiện đúng các quy định phòng, chống dịch. Bên cạnh trang bị vật tư y tế tại nơi sản xuất và nhắc nhở người lao động đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn, Công ty bố trí nơi ăn nghỉ cho gần 200 lao động; tổ chức xét nghiệm định kỳ 3 ngày/lần, tiêm vắc-xin cho cán bộ, công nhân viên. Nhờ đó, trong thời gian địa phương thực hiện giãn cách xã hội, công nhân vẫn ở lại duy trì sản xuất bình thường. 

Doanh nghiệp còn tập trung mở rộng thị trường vào khu vực Tây Nguyên phục vụ nông dân canh tác hồ tiêu, cà phê. Từ đầu năm đến nay, đơn vị hoạt động ổn định, chấp hành nghiêm chính sách thuế đối với Nhà nước; đồng thời ủng hộ 150 triệu đồng cho công tác phòng, chống dịch Covid-19; hỗ trợ tiền, gạo, nhu yếu phẩm cho nhiều hộ hoàn cảnh khó khăn.

Với những đóng góp tích cực, trong những năm qua, Công ty TNHH Việt Thắng được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất; được tôn vinh danh hiệu Doanh nghiệp tiêu biểu; nhận Cờ thi đua của Chính phủ và nhiều cờ thi đua, bằng khen, cúp vàng của các bộ, ngành T.Ư và tỉnh Bắc Giang. Người chèo lái con thuyền lớn đó vững vàng trước sóng cả – Tổng Giám đốc Lê Văn Thùa cũng nhiều lần được khen thưởng, vinh danh là doanh nhân tiêu biểu của tỉnh và toàn quốc.

Nặng lòng với nghề làm gạch

CCB Đỗ Thành Đồng năm nay gần 70 tuổi. Ông là Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Gạch Bích Động (Việt Yên), nơi đang thu hút khoảng 50 lao động địa phương (chủ yếu là người thân của các CCB) với mức thu nhập bình quân từ 8 đến 9 triệu đồng/người/tháng.

{keywords}

Doanh nhân Đỗ Thành Đồng.

Năm 1971, khi tròn 17 tuổi, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông Đồng tình nguyện viết đơn nhập ngũ và được biên chế vào Sư đoàn 324 (Quân đoàn 2) tham gia chiến đấu tại mặt trận Bình Trị Thiên. Sau chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ông được cử đi Liên Xô học rồi về làm việc tại Tổng Công ty Thủy tinh và Gốm xây dựng (Bộ Xây dựng). 

Đến năm 2010, sau khi nghỉ hưu, sẵn có kinh nghiệm trong sản xuất gạch nên ông động viên các con góp vốn và vay ngân hàng để xây dựng nhà máy sản xuất gạch với tổng mức đầu tư khoảng 10 tỷ đồng. 

Nắm bắt được thị hiếu của người dân và tính bền vững của vật liệu, ông Đồng quyết định chỉ sản xuất loại gạch đặc truyền thống, với phương châm lấy chất lượng đặt lên hàng đầu, giá cả cạnh tranh nên sản phẩm của doanh nghiệp được nhiều người tiêu dùng ở thị trường Bắc Giang, Bắc Ninh ưa chuộng. Tâm huyết với nghề làm gạch, ông Đồng luôn quan tâm tìm hiểu trên các phương tiện thông tin đại chúng phương pháp tăng năng suất, giảm giá thành sản phẩm. 

“Thời gian qua, dịch Covid-19 ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của doanh nghiệp, nhất là thời điểm lao động phải nghỉ để phòng dịch. Lúc này, chúng tôi càng thấy rõ vai trò của tự động hóa. Hiện doanh nghiệp đang phối hợp với các đơn vị liên quan thử nghiệm, lắp đặt hệ thống rô bốt trong khâu chế biến tạo hình. Hệ thống dự kiến sẽ đưa vào sử dụng cuối năm nay, khi được đưa vào hoạt động sẽ thay thế sức người ở những công đoạn nặng nhọc nhất, nâng cao năng suất lao động, hạn chế tối đa sai sót khi tạo hình sản phẩm”, ông Đồng nói.

Cùng đó, CCB Đỗ Thành Đồng còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện, nhân đạo, nhất là trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Ông Vũ Hồng Luân, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Bích Động cho hay: “CCB Đỗ Thành Đồng là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo. Cùng với quyết tâm làm giàu, ông còn tích cực vận động người dân ở tổ dân phố số 3, thị trấn Bích Động thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch; ủng hộ hàng chục triệu đồng và nhiều loại vật tư, nhu yếu phẩm cho thị trấn, tổ dân phố và các chốt kiểm soát dịch bệnh”. 

Được biết, mỗi năm ông Đồng chi hàng trăm triệu đồng ủng hộ công tác từ thiện, nhân đạo, hỗ trợ người lao động và đóng góp xây dựng cơ sở vật chất ở địa phương.

Với những nỗ lực của mình, CCB Đỗ Thành Đồng đã nhiều lần được nhận bằng khen, giấy khen của Chủ tịch UBND tỉnh, Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hội CCB tỉnh… Ông được vinh danh “Doanh nhân người lính thời bình”, “Doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam vàng”…

Bài ảnh: Việt Anh - Lệ Thanh

Doanh nhân Lê Văn Thùa: Khó nhất là vượt qua chính mình
(BGĐT) - Hơn 20 năm trước, sau khi xuất ngũ, doanh nhân Lê Văn Thùa, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Việt Thắng đã lựa chọn khởi nghiệp từ một cửa hàng kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) nhỏ ở thị xã Bắc Giang. Vững vàng chèo lái “con thuyền” doanh nghiệp (DN) vượt qua sóng gió đi đến thành công, ông đã nhiều lần được vinh danh là doanh nhân tiêu biểu của tỉnh và toàn quốc.
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Sơn: Doanh nhân gương mẫu, sản xuất, kinh doanh giỏi
(BGĐT) - Sau hơn bốn năm, trực tiếp chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc, xuất ngũ về quê hương (thôn Đông, Cảnh Thụy, Yên Dũng), cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Văn Sơn bắt đầu sự nghiệp của riêng mình, đi học nghề, làm dịch vụ phát triển kinh tế hộ rồi thành lập công ty tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động. 
​Chương trình Cà phê doanh nhân: Quan tâm hỗ trợ về đất đai, xây dựng hạ tầng
(BGĐT) - Sáng 20/3, tại Công ty TNHH Đại Hoàng Sơn OPERA (TP Bắc Giang), UBND tỉnh và Hiệp hội doanh nghiệp (DN) tỉnh Bắc Giang tổ chức Chương trình Cafe doanh nhân" tháng 3/2021. Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương chủ trì. Cùng dự có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ô Pích, lãnh đạo Hiệp hội DN tỉnh cùng nhiều sở, ngành, DN, doanh  nhân. 
Bắc Giang: Doanh nghiệp, doanh nhân thi đua sản xuất, phát triển KT-XH
(BGĐT) - Cách đây 75 năm, ngày 13/10/1945, Bác Hồ gửi Thư cho giới công thương (tức doanh nhân ngày nay) để động viên họ tham gia cứu quốc đoàn. Bức thư của Bác tuy ngắn gọn nhưng có ý nghĩa to lớn. Trong Thư Bác đã khẳng định giới công thương là bộ phận quan trọng của khối đại đoàn kết dân tộc, là thành viên của mặt trận Việt Minh, có nhiệm vụ tham gia xây dựng kinh tế đất nước.  
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...