Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 33 °C / 25 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Xã hội
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Vượt qua lỗi lầm, giúp ích cho cộng đồng

Cập nhật: 15:42 ngày 02/10/2020
(BGĐT) - Từng vấp ngã và phải trả giá bằng những năm tháng cải tạo trong trại giam nhưng anh Chu Thúc Lực (SN 1975), Phó trưởng thôn Đông Long, xã Quảng Minh, huyện Việt Yên (Bắc Giang) đã nỗ lực vượt lên sửa chữa sai lầm, làm những việc ý nghĩa giúp ích cho cộng đồng. 

Bài học không quên

Đã chục năm trôi qua nhưng anh Lực vẫn luôn ân hận về những lỗi lầm của mình. Suy nghĩ nông nổi thời trẻ khiến anh có việc làm vi phạm pháp luật. Năm 2006, với tội danh tổ chức cho người khác đi nước ngoài trái phép, anh bị tòa tuyên án 6 năm tù. Ngỡ như cánh cửa cuộc đời đã đóng lại, những đêm không ngủ sau song sắt vì nhớ thương bố mẹ, vợ con khiến nỗi ân hận trong anh càng lớn hơn. 

{keywords}

Anh Chu Thúc Lực (giữa) cùng cán bộ thôn Đông Long kiểm tra công trình đường bê tông do cán bộ, hội viên nông dân đóng góp kinh phí nâng cấp.

Những ngày trong trại giam, sự quan tâm động viên của cán bộ quản giáo giúp anh có thêm động lực phấn đấu sửa chữa sai lầm, cải tạo tốt. Được trở về với người thân trước hai năm là niềm vui lớn với anh. Nhưng lúc này, hoàn cảnh kinh tế gia đình rất khó khăn, bố anh đã mất, mẹ già yếu, hai con đang tuổi ăn học.

Làm gì để gây dựng lại cuộc sống, phụng dưỡng mẹ già và cùng chia sẻ gánh lo cơm áo với vợ? Rất cần tiền để ổn định cuộc sống nhưng anh Lực luôn nhớ đến bài học đắt giá đã trải qua trên đường đời. “Vấp ngã đã giúp tôi nhìn nhận lại mình. Tôi tự nhủ bản thân sau này làm gì cũng phải tuân thủ pháp luật” - Anh Lực giãi bày.

Tính cách hiền lành, chất phác, xởi lởi nên anh Lực được mọi người quý mến. Nhiều người thương cảm khi anh không may vấp ngã và khi anh trở về đã luôn gần gũi động viên, giúp đỡ chứ không e ngại, kỳ thị. Nhờ vậy anh thêm vững tâm vượt qua mặc cảm làm lại cuộc đời. 

Trước kia từng tốt nghiệp trung cấp chăn nuôi thú y, có sẵn kiến thức chuyên môn nên anh vay vốn ngân hàng và người thân đầu tư trang trại nuôi lợn đồng thời kinh doanh phân bón, thức ăn chăn nuôi, phục vụ nhu cầu của bà con trong vùng. Có thời điểm, trang trại hơn 1,5 nghìn m2 của gia đình anh nuôi gần 100 lợn nái và lợn đực giống; có cả phòng trữ tinh, phòng thí nghiệm; riêng việc bán tinh lợn đã mang lại thu nhập mỗi ngày hơn 4 triệu đồng. Kinh tế gia đình anh ngày càng ổn định.

Là chủ trang trại, anh sẵn sàng chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm chăn nuôi với mọi người và chữa bệnh cho vật nuôi của nhiều hộ. Đến nay, ông Đỗ Văn Giang, tổ dân phố Sen Hồ, thị trấn Nếnh vẫn cảm kích khi thời điểm đàn lợn gần 100 con của gia đình bị mắc dịch tai xanh đã được anh Lực hướng dẫn cách phòng, trị bệnh và vừa trực tiếp chữa trị nên không bị thiệt hại. 

Nhiều người quanh vùng và từ các huyện, tỉnh lân cận cũng tìm gặp anh Lực để học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi. Anh được khen thưởng trong phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” cấp tỉnh giai đoạn 2012 - 2016. Anh cũng được Hội đồng Thi đua khen thưởng huyện Việt Yên biểu dương, trở thành nhân vật trong cuốn sách “Một số mô hình hay, điển hình tiên tiến trên địa bàn huyện Việt Yên”. 

Thời gian qua do dịch tả lợn châu Phi bùng phát gây thiệt hại nặng nề cho các hộ chăn nuôi khiến trang trại của gia đình anh phải đóng cửa. Hiện chưa tái đàn mà chủ yếu duy trì kinh doanh thức ăn chăn nuôi, phân bón nhưng anh vẫn ấp ủ dự định sẽ khôi phục lại trang trại khi có điều kiện thích hợp bởi chăn nuôi là nghề anh luôn tâm huyết.

Giúp ích cho cộng đồng

Bằng nỗ lực trong công việc và cuộc sống hằng ngày, anh Lực dần lấy lại niềm tin với bà con nơi thôn xóm. Năm 2018, anh được tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn Đông Long. “Lúc đầu tôi cũng băn khoăn, e ngại, bày tỏ hoàn cảnh của mình với bà con trong thôn nhưng mọi người đều động viên và ủng hộ để tôi đảm nhiệm công việc. Đã được tin tưởng thì mình phải cố gắng làm việc cho tốt” - Anh Lực bày tỏ.

Vốn đã nhiệt tình giúp đỡ mọi người nay với vai trò là Chi hội trưởng Chi hội Nông dân, anh Lực càng tích cực chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm về chăn nuôi cho hội viên. Thấy nhiều hộ nuôi lợn lang hồng cho hiệu quả kinh tế không cao, anh hướng dẫn hội viên và các hộ nông dân ở thôn lân cận về kỹ thuật nuôi lợn cao sản, lợn ngoại lai ba máu. Do đó nhiều hộ chuyển sang nuôi giống lợn này mang lại hiệu quả kinh tế cao.

{keywords}

Anh Lực dù có những va vấp trong cuộc sống song thời gian qua đã cố gắng vươn lên làm được nhiều việc tốt. Không chỉ cần, kiệm, chất phác, năng động trong làm ăn kinh tế, anh còn nhiệt tình trách nhiệm với công việc tập thể, luôn chia sẻ, giúp đỡ người xung quanh. Mọi người trong thôn xóm cũng tạo điều kiện để anh Lực có cơ hội được cống hiến, phát triển và hoàn thiện bản thân”.

Ông Chu Bá Dự, Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn Đông Long

Từ tháng 4/2019 đến nay, anh tiếp tục được tín nhiệm làm Phó trưởng thôn. Anh đã cùng lãnh đạo thôn, Ban Công tác Mặt trận khu dân cư và các tổ chức chính trị - xã hội cụ thể hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, nghị quyết của chi bộ vào thực tiễn đời sống ở địa phương, xây dựng thôn Đông Long ngày càng phát triển. 

Hiện người dân trong thôn có thu nhập bình quân đạt 45 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn 3,1%, giảm gần một nửa so với năm 2018. Ba năm liên tục, thôn đạt danh hiệu văn hóa cấp huyện. Chi hội Nông dân thôn Đông Long là một điểm sáng trong công tác hội và phong trào nông dân ở xã Quảng Minh nên thu hút số lượng hội viên ngày càng đông.

Thôn Đông Long vốn đông dân với hơn 700 hộ, gần 2,7 nghìn nhân khẩu. Nhiều năm trước, công tác vệ sinh môi trường là vấn đề nan giải. Không ai đứng ra đảm nhận công việc thu gom rác thải lại thêm nhiều người dân có thói quen vứt rác bừa bãi ở cống, rãnh, kênh mương, đường ngõ xóm khiến tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng. Một vài lần thôn phải huy động lực lượng dọn kênh mương do rác lấp, gây ách tắc dòng chảy ảnh hưởng đến sản xuất song cũng chỉ giải quyết tạm thời. 

Trước thực trạng đó, anh Lực đề xuất và nhận trách nhiệm thành lập tổ vệ sinh môi trường. Hơn một năm nay, tổ vệ sinh môi trường do anh thành lập hoạt động ổn định, không chỉ thu gom rác thải tại thôn mà còn thu gom toàn bộ rác thải sinh hoạt tại tổ dân phố Phúc Lâm và Sen Hồ thuộc thị trấn Nếnh. Cùng đó, các thành viên trong tổ tuyên truyền, vận động người dân để rác đúng nơi quy định, nâng cao ý thức giữ gìn môi trường sống. Bà Nguyễn Thị Mơ, thôn Đông Long phấn khởi nhận xét: “Từ khi có tổ vệ sinh của anh Lực, việc thu gom rác thải nền nếp, đúng thời gian nên đường làng ngõ xóm sạch sẽ hơn nhiều”.

Tổ vệ sinh có 8 thành viên, ngoài vợ chồng anh Lực thì những người còn lại đều có hoàn cảnh khó khăn. Đơn cử gia đình anh Chu Bá Hương vốn là hộ nghèo, bản thân anh bị khuyết tật, hai vợ chồng nuôi con nhỏ nhưng chỉ có hơn một sào ruộng nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Công việc thu gom rác thải mang lại thu nhập khoảng 5 triệu đồng/tháng nên gia đình anh đã ổn định cuộc sống.

Người dân trong thôn còn nhắc đến nhiều việc làm ý nghĩa của người cán bộ thôn Chu Thúc Lực với xóm làng. Anh giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn như hỗ trợ kinh phí tặng hộ nghèo; cùng một số cá nhân quyên góp quần áo cũ tặng bà con miền núi, vùng cao. 

Anh Lực chia sẻ: “Được cấp ủy, lãnh đạo thôn và người dân tin tưởng, tôi thấy mình cần phát huy vai trò, trách nhiệm để góp sức xây dựng nông thôn mới. Tôi sẽ tiếp tục bám sát sự chỉ đạo của cấp ủy cùng với tập thể lãnh đạo thôn đưa công tác vệ sinh môi trường đi vào nền nếp, giữ cho làng xóm xanh, sạch, đẹp. Cùng đó tích cực phối hợp, đề xuất với các ngành cấp trên tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, giúp bà con nông dân sản xuất hiệu quả trên đồng đất quê hương.”

Nỗ lực đứng lên sau vấp ngã, vững vàng bước đi và xây dựng cuộc sống mới tốt đẹp hơn, Phó trưởng thôn Chu Thúc Lực đã và đang tích cực làm những công việc hữu ích cho mình và cho cộng đồng. Mới đây gia đình anh được UBND huyện khen thưởng gia đình văn hóa tiêu biểu.

Bắc Giang: Cảm hóa, giáo dục người lầm lỗi và chấp hành án tại địa phương
(BGĐT) - Để bảo đảm an ninh trật tự (ANTT), lực lượng công an và chính quyền các địa phương trong tỉnh Bắc Giang xác định phải làm tốt công tác phòng ngừa tội phạm ngay tại cơ sở. Một trong những nội dung quan trọng là tăng cường quản lý, cảm hóa, giáo dục người lầm lỗi, người đang chấp hành án tại cộng đồng dân cư.
Giúp người lầm lỗi hòa nhập cộng đồng
(BGĐT) - Mặc cảm, tự ti với bản thân, gặp sự kỳ thị của cộng đồng, đó là rào cản thường thấy đối với những người chấp hành xong án phạt tù trở về. Với vai trò nòng cốt, lực lượng công an xã tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương có biện pháp giúp đỡ. 
Chị Nguyễn Thị Kim Dung- thôn Đồng, xã Tân Mỹ, TP Bắc Giang: Vươn lên để khẳng định mình
(BGĐT) - “Với một người phụ nữ bình thường hoặc chị em có trình độ học vấn, cán bộ công chức, để làm chủ và cân bằng cuộc sống khó một thì với phụ nữ nông thôn, vừa ít học vấn vừa nghèo sẽ là khó 10”. Chị Ngụy Thị Tuyến- Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Bắc Giang chia sẻ với chúng tôi như vậy khi giới thiệu về chị Nguyễn Thị Kim Dung (ảnh)- sinh năm 1964, chủ đại lý sơn ở thôn Đồng, xã Tân Mỹ (TP Bắc Giang). 
Vượt qua mặc cảm vươn lên học giỏi
(BGĐT) - Ở xã Canh Nậu, huyện Yên Thế (Bắc Giang), nhiều người biết Nguyễn Thị Thu Thảo, bản Đống Cao nhà nghèo, sức khỏe yếu vì bị khuyết tật từ nhỏ nhưng giàu nghị lực vươn lên. Vừa qua, Thu Thảo xuất sắc đạt 25,3 điểm trong kỳ thi THPT quốc gia (điểm cao thứ nhì của Trường THPT Yên Thế) và đỗ vào Trường Đại học Y Hà Nội chuyên ngành bác sĩ đa khoa.

Đỗ Tập - Quế Thương

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...