Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 27 °C / 25 - 27 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa / Tác giả, tác phẩm
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Chiến thắng và khát vọng

Cập nhật: 08:12 ngày 30/04/2022
(BGĐT) - Ngày cuối cùng của tháng Tư năm 1975 mãi mãi là ký ức sâu đậm của mỗi người dân đất Việt. Đó là ngày lịch sử trọng đại trong hành trình giữ nước bi tráng của dân tộc. Sau hai mươi mốt năm không đêm nào ngủ được, chúng ta đã làm tròn lời Bác Hồ mong “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”. 

Đội quân viễn chinh hùng hổ kéo đến từ bên kia Thái Bình Dương đã chính thức cuốn cờ rút khỏi Việt Nam từ năm 1973 và đến trưa ngày 30/4/1975 thì ngụy quyền Sài Gòn coi như sụp đổ hoàn toàn. Cánh cửa hòa bình của đất nước từng chịu rất nhiều mất mát, thương đau vì chiến tranh, chia cắt mở ra; khát vọng độc lập, tự do của dân tộc trở thành hiện thực lộng lẫy từ đó. Lá cờ chính nghĩa phần phật tung bay trên Dinh Độc Lập (nay gọi là Dinh Thống Nhất), dưới bầu trời tự do xanh thắm mênh mông.

{keywords}

Xe tăng Quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975. Ảnh tư liệu.

Có bữa cơm chiều của những người lính trận tiến về Sài Gòn ở Dinh Độc Lập đã đi vào thi ca. Tôi đọc đi đọc lại nhiều lần bài thơ “Bữa cơm chiều trong Đinh Độc Lập” của nhà thơ Hữu Thỉnh vẫn thấy rưng rưng. Dấu tích lịch sử tự hào mãi còn lấp lánh trong dòng chảy trữ tình và cái làm cho ta xúc động khôn xiết chính là khát vọng của những người lính, nói chính xác hơn là của dân tộc mình trong thi phẩm. Bữa cơm của những người lính trận còn khét mùi thuốc súng, lấm láp bụi đường ngay tại sào huyệt của phía bên kia. 

Mới hôm qua, hôm kia, sáng nay, cuộc chiến của chặng cuối cùng còn vô cùng khốc liệt, thế mà buổi chiều những người lính chiến mang tên giải phóng đã bày bữa cơm thường của họ ở nơi kẻ thù từng coi là bất khả xâm phạm. Vì thế, bữa cơm thường trên cỏ cũng hàm chứa bao nhiêu yêu thương, khao khát vô cùng rộng lớn. Dẫu cố kìm lòng cho dịu bớt những say sưa khải hoàn nhưng rồi cái mê đắm tự do, cái tha thiết hòa bình, cái yêu thương đồng chí, đồng bào vẫn cứ dâng trào không cưỡng nổi:

Kìa gắp đi anh, ai nấy giục

Có gắp chi đâu, mải ngắm trời

Tự do xanh quá, mênh mông quá

Vượt mấy ngàn bom mới tới nơi.

Cái giá của tự do nào nhỏ bé gì, cái giá của xanh quá, mênh mông quá chẳng giản đơn gì, đâu dễ dàng vượt được mấy ngàn bom…

Không thể nghĩ khác được. Ngày Chiến thắng 30 tháng Tư đã trả lại giá trị cao quý nhất cho dân tộc và con người Việt Nam. Một dân tộc thiết tha yêu chuộng hòa bình và hằng cầu mong hạnh phúc. Hạnh phúc ấy chẳng phải là cái gì siêu hình cả, nó hoàn toàn không thuộc về thế giới khác mà gắn liền với mong mỏi muôn đời của nhân dân. Từ thế kỷ XV, Nguyễn Trãi đã viết: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”. Yên dân, trước hết phải lo trừ bạo. Yên dân là lo cho dân “ai cũng có cơm ăn, ai cũng có áo mặc, ai cũng được học hành” như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng mong mỏi. 

Không thể nghĩ khác được, ngày Chiến thắng 30 tháng Tư đã trả lại giá trị cao quý nhất cho dân tộc và con người Việt Nam. Một dân tộc thiết tha yêu hòa bình và hằng cầu mong hạnh phúc. Hạnh phúc ấy chẳng phải là cái gì siêu hình, nó hoàn toàn không thuộc về thế giới khác mà gắn liền với mong mỏi muôn đời của nhân dân.

Nhìn thế giới hiện nay đang tồn tại nhiều thù hận, chia rẽ, xung đột, chiến tranh, đói khổ, bệnh tật, ô nhiễm môi trường… chúng ta càng thấm thía hơn giá trị lớn lao, có thể nói không gì sánh nổi của một đất nước hòa bình, thống nhất và đang từng bước đi tới cuộc sống tốt đẹp. Mới thấy hết giá trị cao cả của tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc và cuộc sống giàu tình thương trên đất nước mình. 

Qua thiên tai, dịch bệnh chúng ta càng thấy rất rõ hơn điều đó; nó là minh chứng hùng hồn cho tính nhân văn trong chế độ xã hội ta. Dẫu rằng, đây đó vẫn còn những cái làm cho chúng ta chưa bằng lòng hoặc xót xa, thậm chí căm giận nhưng sòng phẳng mà nói rằng những gì dân tộc ta có được hiện nay là rất đáng trân trọng. Cứ nhìn vị thế của Việt Nam trên thế giới hiện tại, ta sẽ có câu trả lời đúng về đất nước mình.

Kết thúc cuộc chiến tranh chống giặc ngoại xâm lớn nhất trong lịch sử Việt Nam ở thế kỷ XX, dân tộc ta không lấy thù hận để đối xử với kẻ từng là đối thủ của mình. Mặc dù trong chiến tranh, vì quá đớn đau, uất hận, có lúc chúng ta đã kêu lên rằng “thù muôn đời muôn kiếp không tan”. Không gì, không ai bị lãng quên; đó là điều chúng ta tự nhắc nhủ. Nhưng, lớn hơn và căn bản hơn đó là chúng ta thấu hiểu chẳng gì quan trọng và cần thiết hơn lòng yêu thương con người. 

Một dân tộc luôn đề cao nhân nghĩa sẽ biết ứng xử linh hoạt trong mọi hoàn cảnh; giặc đến nhà đàn bà cũng đánh, “còn cái lai quần cũng đánh”, nhưng thắng giặc rồi thì đã biết khép lại quá khứ hướng tới tương lai, muốn làm bạn với tất cả các nước trên thế giới, thực lòng mong hòa giải, hòa hợp dân tộc… Chính điều đó đã cảm hóa được không ít người từng chống lại ta. 

Ngôi nhà Tổ quốc đủ rộng và đủ ấm để mở cửa đón chào đồng bào ta ở năm châu bốn bể muốn trở về quê hương xứ sở và sẵn lòng mong đợi bạn bè thân thiện đến thăm chơi hay làm ăn. Thế giới ngày càng nhận ra văn hóa Việt Nam và những giá trị cốt lõi dân tộc ta đã vun đắp lên không phải không có sức hấp dẫn bè bạn bốn biển năm châu. Tôi có niềm tin rất vững chãi rằng, văn hóa Việt Nam sẽ ngày càng thêm sáng tỏa trong lòng thế giới.

Qua sóng gió thời cuộc, tầm vóc bản lĩnh Việt Nam được thử thách và khẳng định. Khi gặp tình huống oái oăm, ở trong khe hẹp của thế sự chúng ta cũng biết chọn cách hành xử thích hợp nhưng không bao giờ đánh mất mình. Tôi nghĩ có những bài học hết sức quý giá được rút ra từ hành trình dựng nước và giữ nước của bao nhiêu thế hệ người Việt Nam, trong đó không thể không nói đến cuộc kháng chiến chống Mỹ với đỉnh cao chiến thắng 30 tháng Tư. 

{keywords}

TP Hồ Chí Minh hôm nay.

Bài học về lòng dân phải được đặt lên hàng đầu. Nhân dân là sức mạnh của đất nước, của chế độ. “Phúc chu thủy tín dân do thủy” (Nguyễn Trãi); thuyền bị lật mới tin câu nói dân như nước. Và, trong các cuộc kháng chiến giải phóng và bảo vệ Tổ quốc do Đảng lãnh đạo thì câu “Dễ trăm lần không dân cũng chịu. Khó vạn lần dân liệu cũng xong” trở thành nhận thức và hành động của chúng ta. Xây dựng chế độ của dân, do dân, vì dân là mục đích, lý tưởng của Đảng. 

Chế độ đó phải thực sự mang lại hạnh phúc cho mọi người dân. Chương trình xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới là những cái mọi người dễ thấy nhất về tính ưu việt của chế độ xã hội ta. Tuy nhiên, còn bao nhiêu mục tiêu nữa đất nước còn phải vươn tới để Việt Nam trở thành là nơi đáng sống. Khát vọng về một Tổ quốc gìn giữ được hòa bình vững chắc, toàn vẹn lãnh thổ và xanh - sạch - đẹp đúng nghĩa luôn đồng hành với dân tộc ta. 

Để đạt được mục tiêu đó, chắc chắn dân tộc mình sẽ phải vượt qua nhiều thử thách lớn; phải cần cù, dũng cảm, sáng tạo hơn nữa. Tạo ra sự đổi thay vượt bậc về nguồn lực con người. Tôi nghĩ, đó là điều mấu chốt trong công cuộc dựng xây đất nước và bảo vệ Tổ quốc hôm nay.

Chiến thắng dù vĩ đại đến mấy vẫn chỉ thuộc về quá khứ khi hiện tại không đáp ứng được lòng mong mỏi của nhân dân. Chiến thắng phải và cần trở thành năng lượng tinh thần của cuộc sống hiện tại và tương lai thì ý nghĩa của nó mới không bị mai một hoặc mất đi. Tôi tin, dưới sự lãnh đạo của Đảng, dân tộc ta tiếp tục làm nên những kỳ tích mới. Những kỳ tích tiếp nối chiến thắng 30 tháng Tư, mang trong đó tầm vóc bản lĩnh, kết tinh trí tuệ của dân tộc Việt Nam.

Tùy bút Nguyễn Hữu Quý

Nghĩ từ đỉnh Chiến thắng 30/4
(BGĐT) - Hãy khoan nhắc tới dấu mốc lịch sử chói lọi ấy, dẫu ngày tháng năm đó đã khắc sâu trong lòng người yêu nước Việt Nam và bạn bè yêu chuộng hòa bình trên thế giới. 
Triển lãm lưu động "Quân đoàn 2 trong đại thắng mùa xuân năm 1975"
(BGĐT)-Bảo tàng Quân đoàn 2 (đóng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang) vừa tổ chức triển lãm lưu động với chủ đề “Quân đoàn 2 trong đại thắng mùa xuân năm 1975” tại ba đơn vị gồm: Trung đoàn 18; Trung đoàn 95 và Trung đoàn 101 thuộc Sư đoàn 325 và Lữ đoàn Xe tăng 203.
Đóng góp của Ngoại giao Việt Nam vào chiến thắng lịch sử mùa xuân năm 1975
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước, ngoại giao luôn có đóng góp quan trọng. Trong thời đại Hồ Chí Minh, thắng lợi vẻ vang của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước 45 năm trước là sự kết hợp nhuần nhuyễn của mặt trận quân sự và mặt trận ngoại giao. 
Đại thắng mùa xuân 1975 - Sức mạnh khát vọng hòa bình và thống nhất đất nước
Đại thắng mùa Xuân 1975 kết thúc thắng lợi chặng đường 21 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975), đồng thời kết thúc vẻ vang quá trình 30 năm chiến tranh giành độc lập, bảo vệ Tổ quốc kể từ cách mạng tháng Tám năm 1945, mở ra kỷ nguyên mới cho lịch sử dân tộc.

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...