Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 26 °C / 26 - 36 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa / Tác giả, tác phẩm
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Một chấm nhân gian

Cập nhật: 10:00 ngày 27/11/2021
(BGĐT) - Nắng gì nắng khiếp. Mấy công trình nhà xây dở dang lóa lên trong chói chang. Chủ nhà đã vây dây thép gai vòng quanh, rào cửa.

Vậy là đám thợ của cai Thềm nghỉ hết. Hai tháng tiền công của Định ở đó. Không thông báo, thông tin gì, rụp cái đêm mấy người nhắn cho nhau mai nghỉ. 

{keywords}

Minh họa: Đinh Hương

Hỏi tiền công thế nào. Chịu. Cai bảo đã xong việc đâu mà chủ họ trả tiền. Không biết, làm cho cai thì cai phải trả chứ, ăn bằng gì bây giờ?. Không biết. Điện thoại cai Thềm cứ tút dài, không tắt cũng không ai trả lời. Nhóm phụ hồ mười hai người tan như bọt nước. Lại khăn gói về xó làng đợi việc thôi. Phố xá vắng ngắt. Mười hai cái lưng áo bạc mồ hôi thu dọn đồ cá nhân ra khỏi công trình như những dấu chấm rạc rời…

Định dậy sớm đun nồi cám lợn. Lửa cứ tràn ra ngoài. Lòng chợt nghĩ, hay cai Thềm bị nhiễm Covid-19 như lời đồn nhỉ? Chẳng có lẽ? Hai tháng phơi lưng mưa nắng, chục triệu bạc chứ ít đâu. Lúc đi ra thôn đứng xếp hàng lấy mẫu xét nghiệm nhanh, người ta cũng thông báo mỗi nhà khó khăn được hỗ trợ 5 kg gạo. Đành muối mặt đi mà nhận thôi. Còn hơn chết đói.

Chồng Định vẫn ngủ với hai thằng con. Chẳng còn chuyến xe ôm nào sớm cả. Hai thằng bé, một lớp 4 một lên 5 tuổi vô tư gác chân lên nhau ngủ. Định nhớ giấc mơ hồi đêm. Một ngôi nhà mới trên quả đồi rộng mênh mông. Định đang dẫn người nhà đi xem căn bếp đầy đủ tiện nghi, nấu điện hẳn hoi. Đúng là mơ. Ba gian nhà xây gạch lợp tôn này đã là cố gắng nhiều năm qua của cả hai vợ chồng rồi. Nấu rơm rác, củi khô cho tiết kiệm. 

Than tổ ong dành để nấu cám lợn, chứ mùi khó ngửi. Nuôi nốt lứa lợn ba con này thì thôi, tạm nghỉ. Chắc mai kia phải bán hết đi, không nhỡ dịch đến làng, tính sao. Mà đúng rồi, bán đi, chí ít vợ chồng Định cũng có một món giắt lưng, ăn vài tháng qua khó khăn. 

Chẳng lẽ mang tiếng hai vợ chồng bươn chải quanh năm, đi từ sớm, đêm mới về làng, cả năm không gặp người làng, giờ lại đến nhận gạo cứu trợ. Xấu hổ lắm. Hai tháng lương chỗ cai Thềm, tiếc đứt ruột. Chắc là sẽ được trả, muộn cũng được, chứ không thể ăn không công sức người ta thế được.

Chồng Định xuống bếp bảo: - Này, không nấu gì cho người ta ăn à?

Định lườm chồng, “tưởng người ta cứ ngủ hết ngày luôn, ăn cơm rang thôi. Tí anh có ra hóng khách không”? “ Có, tí ra ngoài ngã ba đi thành phố, chứ khu gần nhà máy họ cấm rồi, khách giờ cũng sợ đi xe ôm, sợ lây bệnh”.

“Khách vãng lai chả biết họ thế nào, anh đeo hai cái khẩu trang vào cho chắc”. “Mẹ mày ở nhà an dưỡng nhỉ, đủ tiền ăn cháo nửa tháng không?”. “Em tính mai gọi khách vào bán lợn thôi, dù sao cũng cầm chắc được ít tiền, cùng lắm ở nhà vài tháng, ăn rau cháo cũng không chết được”. “Tùy, làm thế nào thì làm, nhưng có khi phải chuẩn bị tinh thần”. “Tinh thần gì”. “Biết đâu làng mình chẳng làm sao cả, mình sống khỏe”. 

“Hấp quá, giật cả mình, người ta chỉ chuẩn bị tinh thần để chịu khổ, ai chuẩn bị chịu sung sướng bao giờ”. “Thật không”?... Vinh cười hề hề đi tìm chai mắm rang cơm. Vốn tính tếu táo, vui đùa nhưng mấy ngày nay, hai vợ chồng không có việc cũng thấy lòng chùng xuống, chẳng may hai thằng con mà ốm là gay go.

Tiếng loa gọi ra nhà văn hóa thôn đăng ký nhận hỗ trợ. Định bảo, “có đi không anh Vinh”? “Xem nào, nhẩm tính làng này cũng nhiều người lắm, bà Côi mù sống với con gái này, cụ Lành bị liệt nửa người , thằng Phiên tàn tật, cái Tâm mẹ góa con côi… dễ đến 15 người chứ ít đâu. Thôi, mình chẳng nhận nữa, nhường người khác. 

Đúng là, nếu không có dịch bệnh, chưa biết bao giờ Định được ở nhà cùng các con. Lúc này Định nghĩ ra, có khi không phải cứ kiếm thật nhiều tiền đã là nhất. Mai này, bọn trẻ con lớn hết, lấy vợ cả, muốn gần gũi trò chuyện với con có khi cũng khó ấy chứ.

.

Nếu mai mình bán được lợn, mình có tiền đong gạo rồi”. “Vâng, thế em ở nhà. Em tính sẽ mua rau cỏ, bầu bí, ổi mít của mọi người mang ra đường to đứng bán, không vào chợ đâu mà lo. Bán kiếm được đồng nào thì được, nhỉ?”. 

Vinh đã phóng xe đi. Định giục con dậy ăn cơm, quét quáy dọn dẹp nhà cửa và cái sân nhỏ. Từ ngày đi làm phụ hồ, nay mới được ở nhà và bên các con lâu lâu. Ngắm hai thằng con ngồi bên bậc thềm xúc cơm ăn, lòng Định thấy bình yên và hạnh phúc. Mọi ngày, mẹ đi từ sớm, bố nấu gì ăn đấy. “Mẹ ở nhà chơi với bọn con à”- thằng bé hỏi. “Ừ, từ nay mẹ ở nhà”. 

Hai anh em bỏ bát nhảy cẫng lên “Zê! Mẹ ở nhà rồi”. Kỳ cục, có thế mà bọn này sao vui vậy nhỉ? Định chợt nhận ra, những ngày tháng qua, vợ chồng Định chỉ mải làm, kiếm tiền mang về trang trải nợ nần và lo cái ăn cái mặc, quên mất rằng các con tự lầm lũi trông nhau cả ngày. Định gọi hai thằng con lại, ôm lấy chúng một lúc rồi sai thằng lớn ra quán cóc đầu làng mua hai gói bim bim. Hai cậu bé vui vẻ, lăng xăng chạy đi chạy lại.

Cơm trưa có rau muống luộc và lạc rang. Cơm tối, bố về mua được ít chả cá. Vậy là sang rồi. “Nay có ba khách, được hơn trăm nghìn, ngày nào cũng thế thì có sữa tươi cho con” – Vinh bảo với vợ thế rồi cất dây sữa vào tủ lạnh. Cái tủ cũ được nhà chủ trên thành phố cho. 

Họ làm nhà mới, dọn nhà cũ, Định xung phong dọn giúp nên được cho tủ lạnh, siêu điện cũ và một đống giày dép, quần áo. Nhiều váy áo đẹp nhưng Định không mặc được, chỉ lấy vài bộ quần áo mặc ở nhà được thôi. Về làng, ăn mặc như ngoài phố người ta cười cho. Định gọi điện thoại cho nhà chuyên thịt lợn ngoài chợ xã, họ đã nhận lời, dù giá mua có bớt đi chút. Thôi bớt tí cũng được, đồng tiền trước là đồng tiền khôn, Định tự nhủ thế.

Bờ ao hoa mướp nở vàng rực. Sẽ nấu canh cua hoa mướp – Định tìm cái xô nhựa cũ lội bờ ao bắt cua. Hai thằng con ngồi trên bờ thích thú nhìn mẹ giơ con cua lên. Định buộc dây vào chân một con cua to để thằng bé làm đồ chơi. Hai anh em hí hoáy cả buổi trên bờ cỏ với con cua. Ước chừng đủ bữa canh, Định lên bờ, nằm dài ra bãi cỏ cạnh hai thằng con. 

Tự nhiên thấy thật hạnh phúc và yên bình. Cảm giác này rất lâu rồi Định chưa có. Những trưa chợp mắt ở công trường xây dựng thường mệt nhoài, lòng đầy lo lắng. Đúng là, nếu không có dịch bệnh, chưa biết bao giờ Định được ở nhà cùng các con. Lúc này Định nghĩ ra, có khi không phải cứ kiếm thật nhiều tiền đã là nhất. Mai này, bọn trẻ con lớn hết, lấy vợ cả, muốn gần gũi trò chuyện với con có khi cũng khó ấy chứ.

Vinh muốn chạy xe phải làm xét nghiệm ba ngày một lần, không rõ tiền kiếm được có đủ chi phí xét nghiệm không, hơn nữa dạo này khách vắng lắm. Vinh bàn với vợ xin đi làm tình nguyện viên khi thấy bệnh viện dã chiến đang thiếu người làm giúp các việc bê vác, sắp đặt. Vậy là đi, 

Vinh hằng ngày làm giúp trong bệnh viện, trưa ăn suất cơm do nhà từ thiện cấp, chiều tối mới về. Định cầm số tiền bán lợn đăm chiêu suy nghĩ, chẳng lẽ không giúp gì cho ai lúc hoạn nạn này, mà nếu không có việc, chỉ vài tháng ở nhà ăn tiêu tối thiểu cũng sẽ hết. Vinh mang 1 triệu đồng đến nhà trưởng thôn nói góp vào quỹ vắc- xin và quỹ hỗ trợ người khó khăn. 

Trưởng thôn tròn mắt ngạc nhiên, khi trên tay ông còn tên vợ chồng Vinh trong danh sách nhận hỗ trợ. Vinh bảo, cháu vừa bán được đàn lợn, không đói nữa rồi, cháu xin nhường suất của mình cho người khác, cháu góp một ít cho thôn mình. Trưởng thôn cứ ngớ ra, sống mũi cay cay. Chờ cái bóng nhỏ thó của Vinh đi mãi xa như chấm nhỏ, ông mới quay vào hội trường.

Buổi họp thôn trong giãn cách tổ chức đột xuất. Mọi người truyền tai câu chuyện của Vinh. Nhiều gia đình xung phong đóng góp tiền của cho lực lượng tuyến đầu. Tinh thần tự lực tự cường của bà con bỗng mạnh mẽ khác thường. Ngày mai, sẽ có mấy ông bố tầm tuổi Vinh cũng gia nhập đội quân tình nguyện đi giúp các cơ sở y tế.

Định nghe xong cuộc điện thoại của cai Thềm ngồi thừ ra, hắn bảo sớm muộn sẽ trả tiền công cho Định, vừa rồi vợ và con hắn đều bị nhiễm Covid-19. Ừ thôi, trả cũng được, không trả cũng được, mấy tháng cực nhọc vất vả, nhưng họ bị hoạn nạn vậy, ai nỡ đòi. Định rời hội trường về sớm. 

Không ai bảo ai, mọi người đều ngoái nhìn và rất lâu rồi, hình như dân làng mới lại nhận ra có một điều gì đó đổi thay, ấm áp len lỏi trong cộng đồng. Hóa ra nhân gian rộng lớn đến đâu cũng cần những chấm nhỏ bình dị chứa đựng tình người.

Truyện ngắn của Nguyễn Thị Mai Phương

Bìm bìm nở muộn
(BGĐT) - Bố cháu gọi cô lên.Thằng Hoàn lên tiếng gọi. Mùi nghĩ là mình ù tai nên nghe nhầm. Cô tiếp tục đảo thuốc. Tiếng đũa cọ vào thành chảo loạt xoạt. 
Hồn xoan
(BGĐT) - Sớm mai, nhà ông Khắc có tiếng khởi động của cái xe máy cóc ghẻ, con cub 81 cổ nhất còn sót lại của làng Cổ Cò. Ngày trước nó long lanh lắm. Kim vàng giọt lệ. Cúp tôm, yếm trắng. Vỏ nhựa màu cọ rêu bóng loáng... 
Vị muối
(BGĐT) - Nhiều người bảo biết gì khổ nấy. Ông Hỏa không công nhận. Thế ông biết buôn kiếm tiền nuôi vợ con cũng khổ à? Mấy chục năm bươn bả bán muối khiến mùi mồ hôi túa ra cũng xè xè mặn. 
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...