Thứ bảy, 20/04/2024
Bắc giang 32 °C / 26 - 34 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa / Tác giả, tác phẩm
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Hoa vông đỏ

Cập nhật: 19:27 ngày 02/10/2021
(BGĐT) - Đã chiều mà cái nóng kinh người vẫn hầm hập. Thụy vác bó cây săn lẻ đi trên con đường đất. Hai bên đường gió thổi bụi đất phủ kín những lùm cây dại, những căn nhà sơ sài mái tranh vách đất. 

Đây là địa phận khu kinh tế mới Ninh Hải. Thụy dựng bó cây vào gốc cây vông có những nhánh thanh long xanh mướt đeo bám. Một cô gái ra chào anh. Trong một thoáng Thụy ngây người nhìn sững cô gái. Khuôn mặt cô toát lên một nét đẹp thánh thiện.

- Em cho anh xin ca nước.

Thụy cảm ơn cô gái rồi vác bó cây ra về. Hình ảnh cô gái lần đầu tiên gặp gỡ cứ theo Thụy suốt quãng đường dài để anh chợt nhận ra mình cứ mỉm cười một mình.

{keywords}

Minh họa: Đinh Hương

Sáng nay Thụy tiếp tục lên rừng chặt cây. Đã gần đến ngày đi nghĩa vụ quân sự, anh tranh thủ chặt cho đủ số cây làm chuồng gà cho gia đình. Và cũng để gặp Hồng. Từ hôm vào xin nước uống đến nay đã mười ngày. Mỗi ngày anh đều ghé lại nhà Hồng uống nước và đã hiểu qua gia cảnh của cô gái. 
Cha Hồng đi biển đánh bắt cá bị bão nhấn chìm ngoài khơi để lại một vợ và bốn con, đặc biệt bốn chị em Hồng là hai cặp song sinh. Gia đình Hồng thuộc diện giãn dân đi kinh tế mới ở Hòn Hấu. Người dân miền biển đi kinh tế mới lên miền đồng để sản xuất nhưng phải làm tiều phu để sống. Đã thế chứng sốt rét rừng luôn rình rập những người dân xứ lạ đến đây. Chị em Hồng cũng vừa bị sốt rét quật ngã.

Hôm nay là ngày cuối cùng Thụy lên rừng chặt cây. Anh đi với tâm trạng bồn chồn. Trái tim mười chín tuổi của anh đã biết thế nào là nhớ nhung. Thụy dựng bó cây vào cây vông. Anh thấy trên ngọn cây một bông hoa đỏ thắm. Lần đầu tiên Thụy được nhìn thấy hoa vông. Anh chợt nhớ đến câu chuyện ma mị về một loài hoa bà ngoại kể.

Thụy đi đến chum nước trước hiên nhà. Ở đây cũng như ở quê Thụy, mỗi nhà đều có một chum nước lã kê ở góc hiên nhà. Cái chum đất nung không hiểu sao luôn giữ nước ở độ thật lạnh dù ngoài trời rất nóng. Người ta lấy cái sọ dừa cưa bỏ một phần, nạo thật láng, dùi lỗ xỏ một cái cán bằng tre cỡ đầu ngón tay để múc nước. Khi nắng nóng, khát, cầm lấy cán gáo vục vào chum nước khoát vài cái rồi múc một gáo đầy ngửa cổ uống một hơi cạn sạch. Thật đã! Thật sảng khoái!... Ngoài việc để dùng trong gia đình, chum nước trước hiên nhà của mỗi nhà như thế còn để giúp người qua đường thỏa cơn khát như một việc làm phước ở đời.

Hồng đem ra một rổ khoai mì nóng hổi để trên chiếc chõng tre ngoài hiên, nói:

- Anh Thụy rửa tay rồi ăn khoai mì.

- Cảm ơn Hồng. Thím và các em đâu?

Hồng cười tủm tỉm:

- Anh Thụy bữa nay biết nói cảm ơn nữa cơ á. Con Hoa lên nói bà nội bệnh nên mẹ em về Ninh Hải rồi. Còn hai thằng nhỏ mới chạy chơi đâu đó.

Thụy ăn khoai mì. Anh hiểu qua những khúc khoai mì này, Hồng muốn thể hiện tình cảm với anh. Anh muốn nói với Hồng điều muốn nói nhưng sao khó nói quá...

- Còn mấy hôm nữa anh Thụy đi bộ đội?

Thụy để khúc khoai mì lại rổ, nắm bàn tay Hồng. Anh cảm nhận cái rùng nhẹ của bàn tay con gái. Nhưng Hồng vẫn để yên tay mình trong tay anh.

- Tuần sau anh đi. Chắc rồi anh nhớ Hồng lắm.

Hồng rút tay lại, nhìn ra cây vông, nói:

- Cây vông trổ hoa. Hoa vông đẹp quá anh Thụy ơi!

- Hồng thích không? Anh hái cho!

-Thích! Nhưng cây vông có gai làm sao hái?

Vỏ cây vông có gai nhưng là những mủi gai nhỏ lu lú. Thụy mang dép lốp, hai bàn tay chịu đau bám vào cây trèo lên hái bông hoa đỏ thắm. Anh trao bông hoa cho Hồng.

- Nếu được làm em vui, có bị gai châm đau anh cũng sẵn lòng.

Một người phụ nữ xách chiếc giỏ lác nặng tay đi vào cổng. Mẹ Hồng. Thụy gật đầu chào. Bà hỏi Hồng:

- Con cầm cái gì đó Hồng? Hoa vông hả? - Bà sẵng giọng - Bỏ xuống ngay! Con gái không được chơi loài hoa này nghe chưa!

- Bà quay sang Thụy: Cháu hái cho nó đó hả? Đó là loài hoa yêu mị, cháu có biết không?

Thụy hơi ngượng. Anh lại nhớ lời ngoại kể về chuyện ma mị của một loài hoa...

Ngày xưa. Xưa lắm. Có một cặp vợ chồng trẻ sinh sống bằng nghề làm rẫy và đánh bắt cá ven sông. Một hôm người vợ thấy trong người nhuốm bệnh nên ở nhà, chỉ một mình người chồng lên thăm rẫy. Người chồng đi ba ngày mà chưa thấy về. Người vợ lên rẫy tìm chồng thì hỡi ơi chồng đâu không thấy, chỉ thấy những mảnh quần áo đẫm máu của chồng và vũng máu đã thẫm khô. Người vợ vật vã gào khóc tức tưởi, sau đó nạo hết vũng đất thấm máu và những mảnh quần áo của chồng đem về chôn, vun lên nấm mộ.

Một sớm mai nấm mộ mọc lên một loài cây xanh lá, vỏ cây chi chít những múi gai lu lú nhọn, trên ngọn cây nở một đóa hoa đỏ chót. Người vợ nhìn loài cây lạ và màu đỏ của hoa, chị nghĩ chắc là linh khí của chồng hóa thân thành loài cây này nên đặt tên là cây vong - nghĩa như vong hồn. Rồi người vợ vì nhớ thương chồng mà lâm bệnh nặng chết sau đó. Chị được những người hàng xóm tốt bụng chôn cạnh mộ chồng. Ít lâu sau người ta thấy một loài cây không lá, nhánh xanh mướt như nhánh xương rồng nhưng không có gai mọc bên mộ chị vươn thân bám vào cây vong đơm hoa kết trái chín đỏ au. 

Người ta khấn vái xin rồi hái ăn thử thấy có vị ngọt mát. Bởi thân không lá mà xanh mướt giống nhánh xương rồng nên đặt tên là thanh long - nghĩa như rồng xanh. Người ta chặt nhánh thanh long và nhánh cây vong đem về dâm trồng gây giống nhân rộng ra. Sau này cây thanh long đều bám được vào những cây khác để vươn nhánh, nhưng sẽ làm cây chủ chậm phát triển. 

Riêng cây vong thì lại phát triển hơn khi có nhánh thanh long bám vào, và trái thanh long ngọt mát hơn như tình vợ chồng dìu dặt, nâng đỡ, nương tựa lẫn nhau. Đã là con gái thì không ai không thích hoa, nhất là hoa đẹp như hoa vong. Nhưng vì truyền thuyết tạo nên tên của loài hoa này nên các cụ xưa cấm các cô gái không được ngắm hoặc hái hoa vong. Nếu cô nào cãi lời thì cứ y như là chuyện tình duyên không suôn sẻ. Và để bớt phần ma mị các cụ sửa tên vong thành vông.

***

Hết thời gian nghĩa vụ quân sự, Thụy xuất ngũ trở về đến nhà Hồng. Nhưng khu kinh tế mới xưa giờ đã đổi thay. Đa số những ngôi nhà tạm bợ đã dỡ đi hoặc bỏ hoang. Nhà của gia đình Hồng chỉ còn lại nền nhà cỏ mọc um tùm, cây vông trước nhà giờ là con kênh đang đào đắp dở dang để dẫn nước từ đập Đá Bàn về tưới đồng ruộng tăng vụ. Tất cả đã đổi khác!... Thụy thấy hụt hẫng trong lòng đồng thời anh cảm nhận một sự thôi thúc buộc anh phải tìm cho được Hồng. Nhưng tìm theo hướng nào thì anh không biết.

Rồi công tác xã hội và mưu sinh cuốn trôi thời gian của anh. Hình bóng người thương của tuổi yêu đầu đời cũng mờ dần theo năm tháng. Cuộc sống đưa đến cho anh vài mối tình nhưng đều kết thúc không có hậu. Thấm thoát mà từ buổi đầu quen Hồng đến nay đã mười năm. 

Một lần đến Ninh Hải tìm thăm người bạn thân cùng đơn vị, anh ghé chợ mua ít trái cây làm quà cho vợ con bạn. Anh sửng sốt nhìn cô bán hàng... Hồng đó thật sao?! Anh như mụ mị đi trước nụ cười và ánh nhìn của người phụ nữ đối diện. Anh để rơi túi trái cây lên sạp hàng, lắp bắp "Hồng... Hồng". Cô bán hàng ngạc nhiên "Anh là...". "Anh là Thụy! Em không nhớ sao? Mười năm trước anh hái hoa vông cho em ở khu kinh tế mới Ninh Hải". "À... em nhớ ra rồi. Thì ra là anh đây sao? Nhưng không như anh nghĩ đâu. Anh đợi em tí nhé". 

Người phụ nữ xếp gọn lại những thúng trái cây lấy một khoảng trống trên sạp, tiếp "Nếu anh không vội lắm, em mời anh ngồi tạm lại đây anh em mình nói chuyện một lúc. Có nhiều điều anh cần phải biết". Thụy ngồi lên mép sạp, nhìn cô chờ đợi. "Anh cho em hỏi trước. Hiện giờ anh sống ở đâu? Anh đã có gia đình chưa?". "Anh xuất ngũ về vẫn ở chỗ cũ. Anh chưa lập gia đình. Anh xin lỗi Hồng, bao nhiêu năm anh muốn tìm gặp em nhưng không biết tìm em ở đâu. Ngày còn ở bộ đội anh viết biết bao nhiêu thư gửi em nhưng không được em hồi âm. 

Em biết không, bây giờ anh vẫn nhớ cảm giác hai bàn tay bị gai vông châm đau khi leo lên cây hái hoa vông cho em đó". Người phụ nữ cười, nhìn anh, khẽ lắc đầu "Anh bị lầm rồi. Em là Hoa. Chị Hồng không nói với anh là em và chị là hai chị em sinh đôi, chúng em giống nhau như hai giọt nước sao?". "À có". 

Hồng có nói. Mà sao ngày ấy anh không thấy em? Vậy bây giờ Hồng sống ra sao? Đã có gia đình chưa? Ở đâu?". Hoa lắc đầu, nụ cười tắt trên môi "Chuyện dài lắm anh ạ. Thôi thế này nhé. Cũng đã trưa, sẵn dịp được gặp anh, em đóng sạp và mời anh đến nhà em thăm chơi biết nhà rồi em sẽ kể anh nghe mọi chuyện".

***

"... Chị Hồng đã thương anh. Anh ạ, với phụ nữ chúng em thì tình yêu đầu đời khó mà phôi phai, nhất là mối tình ấy không vì phản bội mà vì cảnh trái ngang. Mẹ em cấm chị em em ngắm hoặc hái hoa vông, nhưng chị vẫn giấu mẹ hái hoa vông. Đôi khi em về thăm nhà thấy chị cầm hoa vông mà khóc. Em hỏi chị mới kể cho em nghe chuyện chị với anh. 

Chị yêu anh, nhưng anh vẫn biền biệt với nghĩa vụ làm trai của mình... Anh uống nước đi". Hoa dùng đầu ngón tay khẩy hai giọt nước mắt vừa rướm, tiếp "Chị đi phát rẫy bị nhiễm sốt rét ác tính... Chị đã chết... Chị chết trong nỗi nhớ mong anh...". "Trời ơi!... Hồng ơi!... Hoa ơi! Anh cũng đã yêu và vẫn nhớ chị Hồng em. Ở đơn vị anh đã gửi thư về nhưng không nhận được thư hồi âm. 

Xuất ngũ anh về tìm Hồng nhưng không biết tìm ở đâu. Nhà ở Hòn Hấu không còn, xuống Ninh Hải thì địa bàn rộng lớn quá anh không được ai trả lời chính xác". "Anh Thụy, anh có biết hồi đó bốn chị em của em không người nào biết chữ. Con nhà nghèo miền biển thì đâu có thời gian và tiền bạc để đến trường hở anh, nên có nhận được thư anh cũng làm sao đọc được. Mà anh gửi địa chỉ nào?". "Kinh tế mới Ninh Hải thuộc xã Ninh An". "Vậy là do người thừa hành thiếu trách nhiệm, hoặc là do sau đó gia đình em về Ninh Hải sau khi chị em mất nên không nhận được thư".

Có người đi vào cổng. Hoa nói "Anh Thụy ngồi chơi uống nước đợi em tí". Hoa đi ra gặp người vừa đến. Giây lát chị gọi "Anh Thụy ơi! Hoa vông nở kìa anh". Thụy bước ra ngoài nhìn theo tay Hoa chỉ. Cây vông bám đầy những nhánh thanh long ở mé bên trước nhà trổ một bông hoa đỏ chót nơi đầu ngọn. Kỷ niệm xưa lại ùa về trong anh. 

Anh như thấy lại cảnh tiêu điều của vùng kinh tế mới và hình ảnh người con gái năm nào... "Để em lấy thang hái cho anh đi thăm mộ chị nhé". "Hoa không sợ khi hái hoa vông sao?". "Không anh ạ. Khắp nơi trên đất nước mình có biết bao loài cây, loài hoa đã được dân gian hóa nên những truyền thuyết để mà trân trọng hay kiêng kị. Như anh đã biết chị em em là một cặp song sinh, chúng em giống nhau từ hình sắc đến tính tình nhưng số phận lại không giống, chứng tỏ điều kiêng kị không đúng".

Có tiếng xe máy hãm ga trước cổng. Một người đàn ông mặc quân phục đi xe vào cổng. Hoa nói "Chồng em về đấy. Anh công tác ở Huyện đội".

Người đàn ông vào nhà nhìn Thụy, mắt chữ O, miệng chữ A "Ông Tú! Sao tìm được nhà hay vậy?". Thụy và Hoa cùng ngạc nhiên. Hoa hỏi chồng "Anh cũng biết anh Thụy à?". "Hoa là vợ ông à? Trời đất! Tìm bao năm không gặp. Hóa ra quả đất thật hẹp... Mà Hoa này, anh chưa nói với vợ chồng em là giấy tờ anh tên Tú còn ở nhà tên Thụy". Hai người đàn ông bắt tay nhau. 

Chồng Hoa nói "Cái thằng!... Tao hiểu rồi! Cũng tại mày có hai tên chi cho rắc rối. Hoa có kể tao nghe chuyện tình chị Hồng nhưng tao đâu biết người chị thương nhớ là mày... Ủa! Hoa vông mới hái hả?. "Dạ. Em hái cho anh Thụy đi thăm mộ chị".

Trước ngôi mộ phảng phất khói nhang của gió chiều miền biển, Thụy đặt đóa hoa vông đỏ thắm trước khung ảnh chìm của Hồng. Kỷ niệm xưa ùa về lớp lớp như sóng cồn. Lòng anh dội lên một tình cảm không định được tên. Không hẳn là nỗi đau, cũng không là niềm thương cảm xót thương. Nó như một báu vật vô giá bị mất vừa tìm lại được nhưng bây giờ không còn giá trị vật chất, nên kỷ niệm về nó trở thành vô giá với người sở hữu.

Truyện ngắn của Trần Xuân Thụy

Người mẫu đặc biệt
(BGĐT) - Căn nhà đẹp ở khu phố cổ là tư gia của cặp vợ chồng nghệ sĩ nhiếp ảnh. Trên tường giăng đầy ảnh nữ chủ nhân. Khách mới đến sẽ có cảm giác chủ nhân cố tình khoe vợ đẹp.
Cây đa hồn làng
(BGĐT) - Tin đồn về việc xã quyết định chặt bỏ cây đa giữa làng để mở con đường trong chương trình xây dựng nông thôn mới loang ra làm nóng lên khắp làng trên xóm dưới. Ai cũng tỏ ra thạo tin. Ai cũng có chính kiến của mình. Đến cả trẻ con chúng cũng tranh khôn rằng phải thế nọ, phải thế kia. Quán nước bà Huê dưới gốc đa trở nên rôm rả hơn bao giờ hết.
Hồn xoan
(BGĐT) - Sớm mai, nhà ông Khắc có tiếng khởi động của cái xe máy cóc ghẻ, con cub 81 cổ nhất còn sót lại của làng Cổ Cò. Ngày trước nó long lanh lắm. Kim vàng giọt lệ. Cúp tôm, yếm trắng. Vỏ nhựa màu cọ rêu bóng loáng... 
Vị muối
(BGĐT) - Nhiều người bảo biết gì khổ nấy. Ông Hỏa không công nhận. Thế ông biết buôn kiếm tiền nuôi vợ con cũng khổ à? Mấy chục năm bươn bả bán muối khiến mùi mồ hôi túa ra cũng xè xè mặn. 
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...