Thứ bảy, 20/04/2024
Bắc giang 27 °C / 26 - 35 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa / Tác giả, tác phẩm
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Dấu xưa

Cập nhật: 09:56 ngày 11/09/2021
(BGĐT) - Một tảng đá thần kỳ. Ông Tượng không thể ngờ cái tảng đá ong méo mó nhẵn thín mặt ở ven đường nhỏ bên bãi cỏ hoang đầy sỏi đá hơn năm chục năm trước vẫn còn nguyên chỗ cũ. 

Chả hiểu cái tảng đá ở đâu ra, phải chăng xe đánh rơi khi người ta vận chuyển hay là vết tích của căn nhà, công trình nào đó bỏ hoang từ xa xưa. Khác chăng bây giờ, ngoài tảng đá, là con đường nhỏ thuở trước nay là con đường to rộng trải bê tông và bãi cỏ hoang đã biến thành khuôn viên rợp bóng cây.

{keywords}

Minh họa: ĐINH HƯƠNG

“Cậu về trước đi, độ nửa tiếng nữa đón tớ”. Ông bảo Quân - người vừa đèo xe máy đưa ông đến đây.

“Em cứ để bác hai tiếng để hai bác thỏa mãn tâm sự. Bác nhớ là phải về chỗ em ăn cơm, không ăn cơm nhà tình nhân nhé - Quân cười vang - Nhà bác Ngà ở phía trước ấy, có cây mít đầu hồi”.

Ông ngồi trầm lặng trên tảng đá, chăm chăm nhìn ra phía trước.

Ông được đi dự hội nghị biểu dương tập thể, cá nhân hoạt động nhân đạo khu vực phía Bắc tại thủ đô và ở đó ông gặp Quân người xã này. Thật là một dịp may hiếm có cho ông trở lại chốn xưa. Quân đèo xe máy đưa ông về đây, một chặng đường hơn ba chục cây số.

Ông Tượng vẫn ngồi như tượng đá, đưa mắt nhìn ra xung quanh. Ông rất muốn bước ra đường đến căn nhà ấy nhưng sao cứ ngại ngần. Ông bỗng phân vân, do dự. Có điều gì đó để ông bình tâm, ngẫm nghĩ. Những giả tưởng xảy ra. Những tình huống sẽ đến. “Ngà ơi, anh đã về đây để tạ lỗi với em”.

***

Anh giáo Tượng trẻ măng ở thị xã tỉnh lỵ giáp thủ đô khoác ba lô quân đội cũ rích đến trường cấp hai xã Lâm Đường này. Hồi đó khi tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm, anh làm đơn xung phong lên vùng cao biên giới nhưng người ta lại đưa anh về nơi vùng núi gần thủ đô. Ty giáo dục tỉnh chuyển anh về một huyện trọng điểm, có lẽ vì anh tốt nghiệp loại giỏi. Huyện tức tốc quyết định anh đến trường Lâm Đường - trường tiên tiến xuất sắc.

Ngà là một trong những giáo viên đón sẵn anh ở trường dẫu không cùng một cấp. Hồi ấy xã chỉ có sáu phòng học tường đá ong, lợp ngói tây chung cho hai cấp. Cấp hai học sáng, cấp một học chiều. Giáo viên hai cấp chỉ hơn hai chục người. Ở khu tập thể hai gian chỉ có Tượng và ông Hoán còn toàn người ở xã gần gặn, hết giờ dạy là về nhà. Ấy là nói giáo viên cấp hai.

Ngà sẽ khác xưa khi gặp lại ông? Không phải vì nhan sắc mà tính tình? Lạnh nhạt? Dửng dưng? Đôi ba câu xã giao nhạt nhẽo? Giả vờ vồ vập? Cảnh vật khác xa rồi như trong mơ nhưng còn người?

Vừa đến xã, ông tới ngay trường cũ, ngồi luôn ghế đá cạnh cây nhãn già cong queo còn sót lại từ ngày xưa. Chỗ ấy Ngà đã tươi cười, đăm đắm nhìn thầy giáo trẻ khoác ba lô tới đây. Đôi mắt đen long lanh làm anh nhớ mãi. Chỗ ấy nàng hay đứng trò chuyện với anh, thi thoảng hất đôi bím tóc đuôi sam từ bộ ngực căng phồng ra đằng sau, đôi lúc cười khe khẽ. Em có tiếng nói dịu dàng, êm ái, chỉ nghe cũng bị lôi cuốn. Hồi đó sao mà lúng túng, ngượng ngùng mà chính em bảo y như con gái. Anh người mảnh khảnh, dáng thư sinh, da trắng như em, vụng về mọi thứ làm hằng ngày. Thuở anh nhỏ, mẹ anh gọi là thằng Bột, ngây ngô, đã nhiều năm có tên là Tượng Bột. Lớn lên, anh chỉ cắm đầu vào học và luôn là học sinh dẫn đầu trong lớp. Giá không vì nhà nghèo, anh đã nộp đơn vào đại học. Bố anh, một công chức ngành văn hóa khuyên học Cao đẳng Sư phạm một năm, ra trường có việc ngay.

- Ông cần gặp ai đấy ạ? - Một giáo viên trẻ măng từ văn phòng đi tới, oang oang.

- Không. Tôi mỏi ngồi nghỉ. Với lại…

Người giáo viên ấy đã quay lại chẳng chờ ông nói hết câu.

Mình già rồi. Ừ đã bảy sáu tuổi đời. Ngà chắc cũng vậy. Đương nhiên là thế. Ngà kém ông năm tuổi. Không hiểu Ngà thế nào nhỉ? Liệu bà ấy có nhuộm tóc đen như mình? Gầy, lưng còng hay béo tốt? Phụ nữ vào tuổi ấy do đời sống sung túc bây giờ dễ béo phì lắm. Ở thị xã ông là vậy nhưng ở nhà quê có thế không?

Giá Quân không phóng xe tới đón đi tiếp, ông còn ngồi lặng lẽ rất lâu với cây nhấn trước mặt. “Đến Cam Lâm, bác ạ. Nhà bác Ngà ở đấy. Chồng bác là thương binh suýt chết ở thành cổ Quảng Trị. Kinh tế khá lắm”.

Ông Tượng vẫn ngồi như tượng đá, lại đưa mắt nhìn căn nhà phía trước có cây mít đầu hồi.

“Xã Ngà có mấy thôn nghe rất buồn cười”.

“Thôn nào hả anh?”

“Mông Phụ. Thế có Mông Chính không?”

“Có chứ” - Ngà cười khanh khách.

“Lại nữa, Đồng Dúi, Đồng Dấm”.

“Em chả nghe chuyện ấy nữa, chuyện khác cơ”.

“Ngay tên chợ cũng lạ, đã chợ Mía lại chợ Gạo”.

“Chán anh quá. Ghét thế không biết”. Ngà dẩu môi, cười cười.

Chính ở trên ghế đá này, Tượng ngồi bên Ngà toàn nói chuyện không đâu. Nàng cứ chăm chắm nhìn anh khiến anh ngượng ngùng quay mặt đi chỗ khác.

- Anh không thích em hả?

- Vớ vẩn - Anh lắp bắp.

- Thế sao không nhìn em?- Nàng cười mủm mỉm.

Anh nghe rõ tiếng thở gấp gáp của nàng. Bộ ngực căng tròn trong áo mỏng phập phồng. Người anh nóng rực tựa như cơn sốt, lại chòng chành nghiêng ngả giống ngồi trên thuyền giữa sóng. Anh quàng ôm chặt nàng làm nàng suýt ngã xuống đất.

- Anh yêu em thật chứ?- Nàng thỏ thẻ.

- Th…ậ…t. Mãi mãi.

Phải, vẫn ở trên tảng đá méo mó, mặt nhẵn thín này…

Ông Ân hiệu trưởng vỗ vai Tượng:

- Ngà được đấy, cả người lẫn nết. Cưới béng đi. Trường sẽ đứng ra tổ chức long trọng. Trai tài gái sắc, hiếm có.

Tượng đỏ mặt, ấp úng:

- Em với Ngà đã có gì đâu.

- Đừng có giấu tao. Cấm ăn cơm trước kẻng đấy. Vớ vẩn là kỷ luật đích đáng.

Tượng chả hiểu ông ấy nói ý gì. Sao lại cơm với kẻng ở đây. Mãi sau này anh mới vỡ nhẽ.

Gặp Ngà, ông sồn sồn:

- Yêu nhau thì lấy nhau đi, rồi sau quá lứa nhỡ thì lại kêu.

- Em lấy ai hở bác?

- Gớm, sao hai đứa lại khéo nói giống nhau đến thế. Định lấy vải thưa che mắt thánh hả? Đúng là Ngà voi. Tượng có phải là voi không?

Rồi chẳng biết ở đâu ra loang truyền một câu ca ngộ nghĩnh, nghe thấy ai cũng phải bật cười: Thầy Tượng mà lấy cô Ngà/ Đẻ ra mấy đứa toàn là học sinh. Hình như một cậu học trò lớp cuối đã làm ra câu ấy. Thuở đó, học trò lớn tuổi học lớp bảy cũng khá nhiều. Có em đã có vợ, có chồng. Tốp trò này mạnh mồm mạnh miệng lắm.

***

“Ngà ơi, anh đã về đây tạ lỗi với em”. Ông thì thầm, như sợ ai nghe thấy tiếng mình.

Tượng nhận được thư của gia đình báo tin mẹ ốm rất nặng, phải về ngay. Anh vội vã trở về, báo tin cho Ngà. Ông hiệu trưởng cho phép anh về một tuần. Dạo ấy bom đạn ngút trời. Ngày nào cũng có máy bay gầm rú. Xe khách cũ nát chật ních người đi từ lúc tờ mờ sáng nhiều chỗ như bò giữa đường vì qua thùng vũng dày đặc, có khi men theo hố bom hoặc con đường đất mới đắp.

Sau mấy hôm mê sảng, li bì, mẹ anh mất. Bố anh bảo, từ nay ở nhà sẽ có việc mới, không quay lại nơi cũ nữa. Thì ra, gia đình anh sơ tán về đúng nơi ở của ông trưởng ty Giáo dục tỉnh nhà. Ông trưởng ty và bố anh tình cờ gặp nhau mới biết cả hai đều cùng học một trường tây Hà Nội. Bố anh học sau một khóa. Ông trưởng ty giúp bạn bằng cách điện thoại cho ông trưởng ty giáo dục nơi Tượng dạy cũng là người bạn thân tình giải quyết hồ sơ cho Tượng chuyển về quê.

Tượng bần thần bao ngày, viết thư cho trường cũ và Ngà. Bức thư thứ nhất cũng vậy, bức thư thứ hai cũng thế không có hồi âm. Mà chiến tranh ác liệt làm sao Tượng trở lại khi anh đến dạy ở môi trường xa nhà cả thầy và trò phải đi sơ tán.

“Ngà ơi, anh có lỗi với em. Nhưng em có hiểu hoàn cảnh hồi đó của anh không?”. “Không, anh ơi. Người ta bảo: Yêu nhau mấy núi cũng trèo/ Trăm sông ngàn suối, vạn đèo cũng qua. Bao lời nói chắc nịch đã bay lên trời rồi. Anh không thật lòng, nói một đằng làm một nẻo....”. “Ừ, anh có lỗi…”

Ông Tượng vẫn ngồi như tượng đá. Dường như ông và Ngà đang trò chuyện, giãi bày lúc này. Cả hai cùng ngồi bên nhau trên tảng đá đây.

Ông đăm đăm nhìn ra căn nhà hai tầng khang trang, cạnh bên là nhà ngói thấp bé, đầu hồi là cây mít hơi nghiêng. Sân gạch rộng rãi lát gạch đỏ au.

Một phụ nữ đi xe máy kèm đứa bé gái lướt qua đường trước mặt ông rồi ngoặt đỗ trước cổng song sắt. Đứa trẻ nhảy xuống, vụt chạy vào sân, kêu toáng lên:

- Bà ơi, bà ơi…

Một bà lão từ trong nhà rảo bước ra sân. Ôi, Ngà. Cái dáng người ấy, ông làm sao quên được. Tiếng bà cháu ồn ã. Vẫn giọng nói ấy. Ngà ơi… Một ông thấp bé, lưa thưa tóc trắng trên đầu, tươi cười từ trong nhà chầm chậm bước ra. Hẳn là chồng Ngà.

Ông Tượng vẫn ngồi thừ trên tảng đá. Vậy là Ngà đã yên ổn, hạnh phúc. Điều ông mong ước đã thành. Ngà ơi, anh thanh thản rồi. Anh đã nhìn thấy em, đã thấy cuộc sống của em. Cái ước nguyện gần suốt cuộc đời anh đã có hôm nay.

Quân phóng xe máy tới. Anh oang oang:

- Ô, sao bác vẫn ở đây? Bác gặp bác Ngà chưa?

- Rồi - Ông khẽ cười.

- Sao bác lại không ở trong nhà bác Ngà? Bác ấy…

- Sao trăng gì. Miễn là gặp rồi. Rất vui. Nào, anh bạn đi chứ.

Ông quay lại nhìn bà cháu trong sân rồi lững thững bước ra khi Quân vẫn đang ngơ ngác nhìn ông.

Truyện ngắn của Đỗ Nhật Minh
Tình người ở quê
(BGĐT) - Gần đến ngày giỗ mẹ, thấy chồng nhiều lúc cứ bần thần, bà Hảo ướm lời: Ông lại nhớ bác à? Đúng là hiểu lòng ông chẳng ai bằng bà. Vậy là mong muốn tập trung anh em con cháu nhân 40 năm ngày giỗ mẹ mà ông ấp ủ đã không thể thực hiện. 
Hy vọng nảy mầm
(BGĐT) - Ðêm đã khuya lắm rồi. Bốn bề yên tĩnh, chỉ có bầy dơi ăn đêm thỉnh thoảng thảng thốt bay ngang, lẫn vào vòm cây đen sẫm. Trăng giữa tháng hãy còn trong, tỏa ánh sáng ngời ngợi khắp nơi. Ðồi keo vừa tròn ba năm tuổi bạt ngàn đẫm dưới trăng, lai láng.
Thềm nhà dấu yêu
(BGĐT) - Bạn ngồi bên thềm từ lúc chiều chạng vạng, rưng rưng nhìn gió thổi những chiếc lá vàng. Xoay, xoay, xoay… Rồi sà xuống bậc thềm. Nơi in những dấu chân bình lặng. Thổn thức.
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...