Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 30 °C / 25 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa / Tác giả, tác phẩm
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Câu chuyện vùng đồi

Cập nhật: 20:45 ngày 19/06/2021
(BGĐT) - Lâu lâu mới thấy bà Sim gọi điện. Vẫn cách nói gần gũi mà lịch lãm quen thuộc: Năm nay vướng Covid. Không mời ông bà với các cháu về hái vải được. Có ít vải sớm gửi ông bà nếm lấy thảo… Ông Khánh bất giác bật cười. Rồi thì cũng đến lúc họ gọi nhau ông ông, bà bà như thế này…

Đó là một vùng đồi trung du yên ả. Vào cữ tháng 3 tháng 4, mùa hoa sim nở, những chùm hoa tím mát xen trong thảm lá xanh tạo một khung cảnh yên bình, ngắm không chán mắt. Ấy là Sim nói với anh như vậy. Còn khi Khánh đến vùng đồi ấy trong một chuyến công tác thì đang mùa sim chín. 

Ngay buổi chiều đầu tiên Sim đã dẫn anh ra đồi, cô tìm những quả chín nhất, căng mọng, tím sẫm như những giọt mật đưa cho Khánh. Sau này nhớ lại, Khánh hiểu Sim muốn khoe với anh, người khách từ thành phố, một nét đẹp của vùng đồi mà cô gắn bó. Và anh cũng không ngờ cuộc gặp gỡ với cô Tổng phụ trách Đội thiếu niên của trường cấp II vùng đồi này lại làm cho chuyến công tác của anh đáng nhớ đến như vậy.

{keywords}

Minh họa: ĐINH HƯƠNG

Tốt nghiệp khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp, Khánh được phân công về Viện nghiên cứu của một cơ quan cấp bộ. Ngày ấy là thế. Sinh viên ra trường phải chịu sự phân công của tổ chức, cũng đồng nghĩa là họ được bảo đảm chắc chắn một chỗ làm việc với đồng lương, chế độ tem phiếu… ổn định.

Công việc khá nhàn hạ. Sáng cắp ô đi, tối cắp về. Tham gia một vài đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, mà ai cũng biết là đa phần nghiệm thu xong rồi cất vào ngăn kéo. Vài năm nữa, với cái mác cán bộ một viện nghiên cứu, anh sẽ thi nghiên cứu sinh, rồi đi học nước ngoài như con đường của nhiều trí thức trẻ ngày ấy. Nhiều người bảo Khánh gặp may. Riêng Khánh, anh hiểu đó là sự ưu ái của tổ chức với mình, một thương binh từng chiến đấu ở mặt trận.

Vậy mà Khánh không yên tâm với sự ưu ái đó. Anh luôn có cảm giác những gì mình đang làm có vẻ như chẳng có ích cho ai, mình đang bỏ phí thời gian, công sức một cách đáng trách. Vậy là sau khi hết thời hạn tập sự theo quy định, đọc hết mấy hòm sách toàn truyện chưởng của Kim Dung mà các bậc tiền bối của Viện mang từ Sài Gòn ra hồi mới giải phóng với danh nghĩa nghiên cứu, anh tìm mọi cách để xin đi làm báo, đầu quân cho Đài Tiếng nói Việt Nam.

Ở chương trình phát thanh dành cho thiếu nhi, bài học nhập môn mà các đàn anh, đàn chị trong cơ quan nhắc nhở là vừa phải làm nhà báo, vừa là một anh phụ trách Đội. Để làm quen với công việc, Khánh có một chuyến công tác dài ngày về một trường cấp II vùng đồi, nơi có cô Tổng phụ trách Đội với cái tên dân dã: Sim.

Về phần mình, ngay từ lúc gặp nhau, Sim đã thấy có thiện cảm với anh chàng phóng viên này. Vừa đạp xe mấy chục cây số từ Huyện đoàn về, chưa kịp uống chén nước, Khánh đã vội kiểm tra cái máy ghi âm R7 cũ kỹ mà anh gọi vui là cái hòm thợ cạo. Nhìn anh chăm bẵm cái máy, thở phào khi nó vẫn hoạt động tốt, cô cảm nhận đây là một chàng trai có trách nhiệm, không chỉ với công việc…

Tuổi trẻ dễ chia sẻ. Chỉ vài hôm sau, Sim đã cho phép Khánh vào chơi ở phòng mình trong dãy nhà cấp 4, khu tập thể của giáo viên nhà trường. Nhìn giá sách đóng bằng gỗ thùng hàng giản dị, Khánh biết chủ nhân của nó là một người yêu văn học. Sách không nhiều, nhưng có chọn lọc. Câu chuyện của họ lại có thêm đề tài về các tác phẩm văn học, từ Lép Tônxtôi đến Victor Hugo, từ "Vang bóng một thời" đến "Dấu chân người lính"… Điểm họ gặp nhau hơn cả, là cùng yêu trẻ. Cả hai đều có thể chơi với lũ trẻ không biết chán. Trong những lần như vậy, Khánh học được ở Sim kỹ năng làm việc, vui chơi cùng lũ nhỏ, điều rất cần cho công việc của một nhà báo viết cho trẻ em, vì trẻ em.

Ngoài công việc, họ còn tâm sự với nhau nhiều điều. Những câu chuyện như không dứt, kể cả trong bữa cơm chiều ở khu tập thể chỉ có hai người vì đa số giáo viên đang nghỉ hè, lúc cô đãi anh món nộm thân chuối, vắt chanh, trộn lạc rang mà anh cứ tấm tắc khen ngon. Những tối không xuống sinh hoạt với các em, họ hay ngồi với nhau rất khuya. Cô thích thú nghe anh kể câu chuyện lính tráng tếu táo ở chiến trường, chuyện vui vui khi thu băng ghi âm của những nhân vật trong bài viết ở vùng Đồng bằng Bắc bộ với cách nói lẫn lộn “lờ cao, lờ thấp”, về ông chủ tịch xã hô dân quân đuổi ve cho anh tác nghiệp, bởi tiếng ve khi vào băng ghi âm, như tiếng rít của máy hỏng…

Cũng trong những ngày ấy, Khánh thổ lộ với Sim mơ ước trở thành nhà văn, điều mà anh giấu kín ngay cả với những đồng nghiệp cùng cơ quan. Sở dĩ anh chọn nghề báo cũng là để có sự chuẩn bị, tích lũy cho việc thỏa mãn đam mê viết lách lâu dài. Và chắc chắn, chuyến đi này, cuộc gặp gỡ với Sim cùng những thầy cô, học trò bình dị vùng đồi sẽ làm đầy thêm cái hành trang ấy. Cái mơ ước ấy như đã lan tỏa tới Sim, cô gái có sẵn tình yêu văn chương từ thuở học trò.

Có những cuộc gặp gỡ dường như là tình cờ mà tạo ra những thay đổi quan trọng trong cuộc sống, thậm chí số phận của một con người. Có lẽ niềm hy vọng mơ hồ hôm chia tay, ước mơ theo nghiệp cầm bút mà Khánh truyền cho đã là động lực để Sim thi vào khoa Báo chí Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.

Gần chục ngày công tác đã qua. Tư liệu cho đợt công tác đã hòm hòm. Hôm sau là ngày Khánh rời vùng đồi. Tối ấy, họ cùng nhau xuống chia tay với các em học sinh và thanh niên chi đoàn của thôn mà Sim đưa Khánh xuống làm việc. Lúc về, họ chọn con đường qua vạt đồi sim hôm nào. Dưới ánh trăng mười sáu, Sim vẫn tìm hái được cho Khánh những trái sim chín mọng.

Cô ý tứ:

- Để mai em ra đồi sớm, hái ít sim chín, anh Khánh mang về làm quà cho người yêu.

- Anh đâu đã có người yêu…

Câu trả lời bật ra một cách vô thức. Hình như Sim thở ra rất nhẹ, như vừa trút được điều gì canh cánh trong lòng. Cô hỏi:

- Liệu anh có còn quay trở lại đây không?

- Chắc chắn là anh sẽ quay lại. Khánh bồng bột trước cặp mắt con gái thăm thẳm loáng ánh trăng đang ngước nhìn mình. Vô tình lời hứa ấy đã gieo vào lòng cô gái một niềm hy vọng mơ hồ. Chính Khánh cũng không ngờ phải rất lâu anh mới quay lại vùng đồi ấy.

***

Có những cuộc gặp gỡ dường như là tình cờ mà tạo ra những thay đổi quan trọng trong cuộc sống, thậm chí số phận của một con người. Có lẽ niềm hy vọng mơ hồ hôm chia tay, ước mơ theo nghiệp cầm bút mà Khánh truyền cho đã là động lực để Sim thi vào khoa Báo chí Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.

Dù kể từ khi chia tay, họ có qua lại vài bức thư, thậm chí có lần Sim nhờ người chuyển cho Khánh một túi sim chín mọng, nhưng sự xuất hiện của Sim ở cơ quan vẫn làm Khánh bất ngờ. Sự lúng túng của anh dù thoáng qua cũng được Sim nhận biết. Bằng tâm hồn nhạy cảm của một người con gái, Sim hiểu là mình đã lỡ mất một điều gì đó.

Giữa họ chưa hề có sự hứa hẹn, nhưng là một chàng trai nghiêm túc, Khánh cảm thấy mình có trách nhiệm với Sim. Cái trách nhiệm ấy, anh chỉ thực hiện được với tư cách một người bạn, vì lúc đó, anh đã có người yêu sắp cưới, việc anh làm có phần vì mẹ, người chỉ mong anh lấy vợ, có cháu cho bà bế ẵm.

Có lẽ sự thẳng thắn của Khánh, cả với Sim và người yêu sắp cưới, đã giúp cho họ có một quan hệ tay ba tốt đẹp. Người yêu, là vợ của Khánh sau này sẵn sàng chấp nhận để anh chăm sóc, hỗ trợ Sim những ngày cô học ở Hà Nội, trong những đợt thực tập và cả khi viết khóa luận tốt nghiệp.

Còn Sim, cô vui vẻ xuất hiện trong đám cưới của Khánh như một cô em gái, hết lòng vì anh chị…

Là thủ khoa ngày ra trường, Sim được nhận về làm phóng viên tờ báo của tỉnh. Tâm huyết, yêu nghề, năng động, cô dần trở thành một cây bút sắc sảo của làng báo Đảng địa phương. Điều thú vị là Khánh, người khơi lên mơ ước làm báo, viết văn ở cô gái vùng đồi lại rẽ sang ngả khác. Nhiều người nghĩ cương vị lãnh đạo một công ty truyền thông tầm cỡ khiến Khánh không có thời gian cầm bút. Nhưng với Khánh, nguyên nhân chính là sau khi xuất bản vài cuốn sách không mấy gây ấn tượng với bạn đọc, dù rất buồn, anh vẫn phải thừa nhận mình không nên tiếp tục theo đuổi ước mơ này.

Chỉ có Sim miệt mài với ước mong ngày nào. Những câu chuyện dung dị cô viết về vùng đồi, đặc biệt là cho trẻ em đã có chỗ đứng trong lòng bạn đọc.

***

Ngay từ những năm còn công tác, bà Sim đã cùng chồng, một đại tá về hưu, gây dựng khu trang trại ở quê, cũng chính là vùng đồi bà gắn bó từ lúc còn là cô Tổng phụ trách Đội nhiệt tình, lãng mạn. Khi nghỉ hưu, bà cùng chồng về ở hẳn trang trại, nơi bà có thể dành hết thời gian, tâm huyết cho công việc sáng tác. Đến thăm trang trại với vườn cây, ao cá của vợ chồng bà, bên những vườn vải chín đỏ, nhiều vị khách ngạc nhiên đến thích thú trước một vạt đồi toàn sim.

Ông đại tá thì cho rằng đó là một ý thích vô hại của bà vợ lãng mạn, yêu văn chương. Còn ông Khánh, vạt sim nở tím nhắc ông nhớ lại một thời tuổi trẻ vô tư mà đẹp đẽ…

Truyện ngắn của Lê Ngọc Minh Anh
Phía làng ngày giông bão
(BGĐT) - Trà bật dậy nhìn đồng hồ. Mới 3 rưỡi sáng. Cơn mơ làm Trà toát mồ hôi. Hình như sắp mưa thì phải, một tia chớp rạch ngang trời. Trà chợt nghĩ, hay không có đường về quê nữa nhỉ, mẹ đang ngủ, phải đợi sáng mới hỏi được. 
Những sợi dây ân tình
(BGĐT) - Vừa biết tin ông nghỉ hưu, bà tổ trưởng phố Cẩm đã đến nhà. Bà có tính nói chuyện rất dai. Nhưng mà nói hay. Cứ cái xe đạp cun cút bà đạp hết ngõ này đến ngõ khác. Chỗ nào có bà là cứ oang oang cả.
Những ngày không quên
(BGĐT) - Người ta nói, làm nhà là việc lớn nhất của đời người quả chẳng sai. Ngôi nhà mơ ước mới nằm trên bản vẽ nguệch ngoạc, vợ chồng Mai đã cãi nhau ỏm tỏi. Anh Khương thích nhà vườn, còn Mai nằng nặc đòi xây nhà tầng. Thay đổi năm lần bảy lượt mới ra được cái bản vẽ hoàn chỉnh.

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...