Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 26 °C / 26 - 36 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Tự hào người Bắc Giang
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Niềm tự hào của người chiến sĩ Thập Vạn Đại Sơn

Cập nhật: 09:10 ngày 27/02/2022
(BGĐT) - Một ngày đầu xuân, Thầy thuốc Ưu tú Thân Văn Nhã, bác sĩ chuyên khoa I, từng công tác tại Khoa Y học cổ truyền - Bệnh viện Hà Bắc (nay là Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang) đón chúng tôi tại nhà riêng ở TP Bắc Giang.  

Dù đã quen với hình ảnh lương y có gương mặt hiền hậu ngày ngày thăm khám, bốc thuốc cho bệnh nhân song ít người biết ông từng mang tinh hoa của đông y Việt đến với bạn bè các nước Đông Âu và là chiến sĩ vệ quốc trong những năm kháng chiến chống Pháp.

Tuy đã bước sang tuổi 90 nhưng đôi mắt người cựu chiến binh từng tham gia làm nhiệm vụ quốc tế đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam vẫn ánh lên niềm tự hào: “Trung tuần tháng 4/1949, chúng tôi được giao một nhiệm vụ vô cùng đặc biệt là tham gia chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn, giúp cách mạng Trung Quốc đánh đuổi quân Tưởng, giải phóng biên khu ba tỉnh Vân Nam, Quảng Tây và Quảng Đông. Chúng tôi về hội quân tại làng Bằng (Lạng Giang) để tham gia chỉnh huấn. Cán bộ, chiến sĩ được học tập về nhiệm vụ quốc tế, tìm hiểu phong tục tập quán và ngôn ngữ của nhân dân địa phương”.

{keywords}

Vợ chồng ông Thân Văn Nhã.

Theo dòng ký ức của ông, chúng tôi biết thêm bao điều về đội quân viễn chinh được bộ đội địa phương và nhân dân Trung Quốc khen tặng “Giải phóng quân Việt Nam, áo màu nâu, mũ mõm trâu, đánh phi thường ác liệt…”. Sinh ra và lớn lên tại Lục Ngạn, cậu thiếu niên Thân Văn Nhã mới 16 tuổi đã nhập ngũ, tham gia chiến đấu trong đội hình Tiểu đoàn 426, Trung đoàn 174. Chưa đầy một tuổi quân, song sự linh hoạt, nhạy bén và anh dũng của người chiến sĩ liên lạc ấy luôn được chỉ huy đánh giá cao, lựa chọn vào đội hình 2.000 cán bộ, chiến sĩ tham gia chiến dịch quan trọng này.

Bước vào chiến dịch, từ làng Bằng, cánh quân tham gia mặt trận Điền Quế vượt qua đường số 4 và các huyện lỵ của Lạng Sơn để đến biên giới. Ông Nhã nhớ lại: “Nắng hè như nung lửa, bộ đội phải hành quân tắt rừng, vượt qua những mỏm núi cheo leo nhất để tránh tai mắt của địch. Tới những khu vực có đồn Pháp chiếm đóng, cả đoàn chuyển sang đi đêm, ngày trú tạm trong các cánh rừng để tránh bị phát hiện. Quần áo khô rồi lại ướt, môi khô nẻ, mặt bạc gió sương; dứt trận sốt rừng lại phăm phăm tiến về phía trước. Bàn chân không giày dép ứa máu khi đi trên đá sắc, gai nhọn, nhưng ý chí của chúng tôi vẫn luôn kiên định”.

Cứ âm thầm đi như thế cho tới khi đến chân núi Thập Vạn Đại Sơn. Ngàn bước vượt vách đá dựng đứng, ngàn bước lần xuống khe sâu. Suốt một tháng hành quân, ngày 21/6/1949, bộ đội Việt Nam đã vượt Thập Vạn Đại Sơn, tới Pắc Lầu rồi tiến vào Phù Lủng, Nà Số, hội ngộ cùng quân bạn để bàn kế hoạch tác chiến. Cùng với đồng đội, chiến sĩ Thân Văn Nhã tham gia hầu hết các trận đánh ác liệt với quân Tưởng tại Khâm Châu, Phòng Thành. Địch rút về cố thủ tại các căn cứ lớn ở Nà Lường, Đông Hưng và những khu vực giáp biển, quân ta quyết định tiến công Trúc Sơn, một thị trấn gần Đông Hưng do ở đây có đường thủy thông ra biển. 

“Địch bắn rào rào từ các lô cốt hòng chặn đường tiến công của ta và chờ viện binh. Sau 5 ngày đêm bao vây, diệt viện, quân ta không đánh chiếm được căn cứ Trúc Sơn nên đã rút quân, nhưng liên quân cũng kịp thời giải phóng 3 xã ở xung quanh Phòng Thành. Khi đó, tôi cùng 4 chiến sĩ liên lạc của các đơn vị chạy như con thoi để đưa thông tin, truyền mệnh lệnh tác chiến của chỉ huy xuống các mũi xung kích. Nguy hiểm cận kề nhưng chúng tôi đã cố gắng hết sức để hỗ trợ các đồng đội chiến đấu và chiến thắng”, ông Nhã kể.

Sau trận Trúc Sơn, ta tiếp tục đánh tập kích các điểm đóng quân nhỏ lẻ của quân Tưởng, tiến vào các làng bản làm công tác vận động quần chúng, thiết lập an ninh trên vùng mới giải phóng. Quần chúng nhân dân từ chỗ e dè, sợ hãi đã hân hoan chào đón bộ đội Việt Nam và giúp đỡ triển khai các hoạt động để gấp rút thành lập chính quyền cách mạng. 

Hơn bốn tháng vừa hành quân vừa chiến đấu, vừa triển khai công tác dân vận, bộ đội ta đã vượt qua biết bao gian nan, nguy hiểm để hoàn thành nhiệm vụ quốc tế đầu tiên đầy tự hào. Trong lúc chiến đấu, bộ đội ta đặc biệt chú ý giữ an toàn cho dân, tránh lạm sát người vô tội bị quân Tưởng đẩy lên trước làm lá chắn. Nhân dân bạn khen ngợi bộ đội Việt Nam đánh giỏi, kỷ luật nghiêm, tôn trọng, bảo vệ dân.

Dẫu chịu đói, nhưng bộ đội ta không tơ hào của dân, không lạm dụng chiến lợi phẩm mà thường chỉ lấy đủ ăn để tiếp tục chiến đấu. Cuối tháng 9/1949, khi chính quyền cách mạng và lực lượng vũ trang của biên khu Điền Quế và Việt Quế đã liên lạc được với Giải phóng quân Trung Quốc Nam Hạ, bộ đội ta được lệnh rút về nước. Lãnh đạo và nhân dân các vùng thuộc biên khu Việt Quế trang trọng tiễn đưa. Sau này, để ghi công và tưởng nhớ các chiến binh đã tử trận trong chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn, năm 1956, tại TP Đông Hưng (Trung Quốc) đã xây dựng đài liệt sĩ, trên bia khắc dòng chữ song ngữ “Nhân dân Trung Quốc đời đời nhớ ơn các chiến sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và tình hữu nghị giữa các dân tộc”.

Sau khi về nước, người chiến sĩ Thập Vạn Đại Sơn Thân Văn Nhã tiếp tục chiến đấu ở biên khu thuộc Tỉnh đội Hải Ninh cho đến khi kháng chiến chống Pháp thành công. Tiếp đó, ông xin chuyển ngành, theo học tại Trường Đại học Y Hà Nội và công tác tại Bệnh viện Bạch Mai. Từng kinh qua lửa đạn chiến tranh, ông càng thấu hiểu đạo lý của những “cuộc chiến”.

Trước đây, chiến đấu vì độc lập, tự do của dân tộc thì nay chiến đấu với bệnh tật, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Những kinh nghiệm được tích lũy từ sách vở và qua thực tiễn làm việc đã giúp ông lĩnh hội được nhiều bài thuốc tinh hoa của dân tộc và trở thành một thầy thuốc giỏi. Ông không những hiểu biết uyên thâm về cơ thể người cũng như hiệu quả công dụng của vô số dược liệu trong đông y mà còn đặc biệt nổi trội với đôi “bàn tay vàng” trong lĩnh vực châm cứu.

{keywords}

Công việc thường ngày của ông Thân Văn Nhã.

Điều đáng quý là khi Khoa Y học cổ truyền của Bệnh viện Hà Bắc được thành lập, cần nhiều bác sĩ giỏi, cùng với việc thương người vợ tào khang vất vả chăm sóc con thơ, dù đang ở bệnh viện lớn, ông Thân Văn Nhã đã trở về quê hương, mang theo những tinh hoa của kỹ thuật châm cứu và tứ chẩn, bát cương của y học cổ truyền đề ra phương pháp điều trị bằng thuốc y học cổ truyền để chăm sóc cho người dân. Ông miệt mài tìm những bài thuốc, vị thuốc lưu truyền trong dân gian để điều trị cho từng căn bệnh, cho từng bệnh nhân nhằm mang lại hiệu quả cao nhất, ít tốn kém chi phí nhất cho người bệnh.

Ông cũng là thầy thuốc đại diện cho trí tuệ Việt và tinh hoa đông y Việt Nam được Bộ Y tế Ba Lan mời sang hợp tác, trao đổi kinh nghiệm điều trị. Tại đất nước xinh đẹp này, ông Thân Văn Nhã đã chữa trị cho rất nhiều người dân, trong đó có người bị tai nạn, thương tật tưởng như sẽ vĩnh viễn không thể cử động. Vậy mà dưới mũi kim nhỏ bé của người thầy thuốc Việt Nam, họ đã hồi phục một cách thần kỳ. Ông Nhã cũng là người truyền dạy cho nhiều thầy thuốc Việt Nam và Ba Lan về kỹ thuật châm cứu và phương pháp kết hợp điều trị giữa y học hiện đại và đông y.

90 tuổi đời, 64 tuổi Đảng, cả một đời tận hiến với nghề chữa bệnh cứu người, người cựu chiến binh Thập Vạn Đại Sơn năm xưa đã được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Thầy thuốc Ưu tú, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huy chương “Vì sự nghiệp Đông y”, Giải thưởng Hải Thượng Lãn Ông… cùng nhiều Bằng khen, danh hiệu cao quý khác của ngành Y tế trao tặng như một sự ghi nhận những gì ông đã đóng góp cho nền y học nước nhàn.

Bài, ảnh: Phạm Vân Anh
Thầy thuốc trẻ Phùng Văn Cương: Giàu ý tưởng sáng tạo
(BGĐT) - Ở huyện Tân Yên (Bắc Giang), Bí thư Chi đoàn Phùng Văn Cương (SN 1992) kiêm Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Thầy thuốc trẻ huyện được nhiều người biết đến bởi anh luôn là tấm gương nhiệt tình, trách nhiệm và giàu ý tưởng sáng tạo. Anh đã đề xuất và tổ chức thành công nhiều hoạt động tình nguyện, phong trào thi đua, tạo dấu ấn đậm nét cho phong trào Đoàn của đơn vị.
Hàng trăm thầy thuốc quân dân y tiếp tục lên đường vào Nam chống dịch
Tỉnh Thanh Hóa, thành phố Hải Phòng, Bệnh viện Phổi Trung ương, Quân khu 1 vừa tổ chức lễ xuất quân, tiễn các thầy thuốc lên đường chống dịch tại TPHCM và các tỉnh phía Nam. 
Những thầy thuốc mang sắc phục công an
(BGĐT) - Mỗi chiến công của lực lượng Công an tỉnh Bắc Giang đều có sự đóng góp quan trọng của những người chiến sĩ - thầy thuốc. Không chỉ chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, họ còn lo sức khỏe cho cả can phạm, phạm nhân; giám định pháp y giúp cơ quan điều tra làm rõ các vụ án mạng.
Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2: Góp sức giành sự sống cho người bệnh
(BGĐT) - Không ngừng học tập, trau dồi và sáng tạo trong chuyên môn, nghiệp vụ, những thầy thuốc giỏi, giàu y đức của ngành y tế Bắc Giang đã tích cực đóng góp tâm huyết, trí tuệ cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân. 
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...