Thứ bảy, 20/04/2024
Bắc giang 27 °C / 26 - 35 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Thế giới
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Chính khách quốc tế chia buồn khi thiền sư Thích Nhất Hạnh viên tịch

Cập nhật: 07:55 ngày 23/01/2022
Chính trị gia, nhà ngoại giao và lãnh đạo tôn giáo khắp thế giới đăng lời chia buồn trước tin thiền sư Thích Nhất Hạnh qua đời.

"Người dẫn dắt Phật học và nhà hoạt động hòa bình nổi tiếng thế giới Thích Nhất Hạnh đã viên tịch. Tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc nhất. Thích Nhất Hạnh được xem như 'Phật sống', được tôn quý và có nhiều sức ảnh hưởng", Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ngày 22/1 viết trên tài khoản Twitter cá nhân.

{keywords}

Thiền sư Thích Nhất Hạnh.

"Ông là một trong những nhà lãnh đạo tinh thần của nhiều người trên thế giới mà tôi rất kính trọng. Tôi tìm thấy ở nhà sư tình yêu thương nhân loại trong từng hành động, hành trình khắp thế giới với sứ mệnh phản chiến, ủng hộ hòa bình và quyền con người", lãnh đạo Hàn Quốc chia sẻ.

Tổng thống Moon nhớ lại hai lần nhà sư ghé thăm Hàn Quốc và ca ngợi những bài thuyết giảng của ông giúp mọi người trên thế giới hiểu hơn về Phật giáo, chánh niệm và lòng nhân ái. "Tôi mong ngài được an nghỉ", ông viết thêm.

Đại diện ngoại giao của nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế cũng chia sẻ lòng thương tiếc trước sự ra đi của thiền sư Thích Nhất Hạnh.

Bà Marie Damour, đại biện lâm thời Mỹ tại Việt Nam, sáng 22/1 thay mặt phái đoàn ngoại giao Mỹ gửi lời chia buồn sâu sắc. Bà đánh giá cao những hoạt động không mệt mỏi vì hòa bình của nhà sư trong 60 năm qua, cho hay nhiều quan chức cấp cao Mỹ đã có cơ hội gặp thiền sư Thích Nhất Hạnh và có ấn tượng sâu sắc về ông.

Bà Damour cho rằng thiền sư Thích Nhất Hạnh sẽ được nhớ đến như một trong những lãnh đạo tôn giáo nổi bật và có sức ảnh hưởng lớn nhất trên thế giới. "Những lời giảng của ông, đặc biệt là về việc đưa chánh niệm vào cuộc sống hàng ngày, đã làm phong phú thêm cuộc sống của rất nhiều người Mỹ", bà cho biết.

Đại sứ Australia tại Việt Nam Robyn Mudie và Đại diện Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam Caitlin Wiesen cũng đăng lời chia buồn trên mạng xã hội Twitter.

Bà Wiesen đánh giá "sự thông tuệ và lời giảng của thiền sư về hòa bình và chánh niệm sẽ được lưu giữ mãi", đồng thời nhận định phát biểu của thiền sư Thích Nhất Hạnh năm 2015 ở Hội nghị Biến đổi Khí hậu Liên Hợp Quốc vẫn còn nguyên giá trị với thế giới.

"Những lời dạy của ông về hòa bình, lòng biết ơn và tinh thần phi bạo lực sẽ là chân lý vĩnh hằng", đại biểu quốc hội Ấn Độ Rahul Gandhi, Bí thư Đoàn Thanh niên đảng Quốc Đại, chiều 22/1 đăng lời chia buồn sâu sắc sau khi biết tin thiền sư viên tịch.

Đức Đạt Lai Lạt Ma, một trong những nhà lãnh đạo Phật giáo thế giới, từ trụ sở tại Ấn Độ cũng công bố thông điệp thương tiếc về sự ra đi của thiền sư Thích Nhất Hạnh. Ông nhắc lại những đóng góp của thiền sư trong phong trào phản đối chiến tranh tại Việt Nam, sự đồng hành của thiền sư với nhà hoạt động Martin Luther King, cũng như tâm huyết lan tỏa chánh niệm và ước mơ hòa bình.

"Tôi tin rằng cách tốt nhất để tưởng nhớ ông chính là tiếp tục nỗ lực thúc đẩy hòa bình khắp thế giới", Đức Đạt Lai Lạt Ma viết.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh viên tịch lúc 0 giờ ngày 22/1, tại Tổ đình Từ Hiếu, TP Huế ở tuổi 96. Với những hoạt động không ngừng nghỉ, thiền sư Thích Nhất Hạnh trở thành giảng viên, nhà văn, nhà thơ, nhà hoạt động xã hội và là một trong những lãnh đạo Phật giáo có ảnh hưởng lớn nhất ở phương Tây.

Những năm tháng 'dấn thân' của Thiền sư Thích Nhất Hạnh
Thiền sư Thích Nhất Hạnh là người đưa ra khái niệm "Phật giáo dấn thân" và cả cuộc đời ông đã hoạt động không ngừng nghỉ để kêu gọi hòa bình, đưa Phật giáo Việt Nam vươn ra thế giới.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh viên tịch
Thiền sư Thích Nhất Hạnh viên tịch tại Tổ đình Từ Hiếu, phường Thủy Xuân, TP Huế lúc 0 giờ ngày 22/1, ở tuổi 96, theo cáo phó của Tăng đoàn Làng Mai.

Theo VnExpress

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...