Thứ ba, 16/04/2024
Bắc giang 30 °C / 24 - 29 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Quốc phòng
Quốc phòng
icon
0.5 1.0 1.5
Chia sẻ:

Chung một tấm lòng

Cập nhật: 08:43 ngày 29/04/2022
(BGĐT) -  Họ từng là những người lính, chiến đấu cả trong thời chiến và thời bình. Dù là thời điểm nào thì khi hoàn thành nhiệm vụ trở về địa phương, những cựu binh ấy vẫn tỏa sáng phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, xung kích trên mặt trận kinh tế, xóa đói giảm nghèo, có chung tấm lòng thiện nguyện, đóng góp nhiều cho hoạt động nghĩa tình.

Trụ sở Công ty TNHH một thành viên Thương mại và Dịch vụ Yến Duy nằm trong một con ngõ ở thôn Voi, xã Quỳnh Sơn (Yên Dũng - Bắc Giang) cũng là nơi đặt cơ sở sản xuất hàng may mặc xuất khẩu của gia đình cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Quang Vinh. Không biển hiệu cầu kỳ, không khang trang bề thế, nơi đây là chỗ làm việc của 150 công nhân trong xã suốt chục năm qua. 

{keywords}

CCB Nguyễn Quang Vinh kiểm tra dây chuyền may.

Ông Vinh năm nay bước sang tuổi 77, là bệnh binh mất sức 42% nhưng vẫn tham gia cùng con điều hành, quản lý công ty. Ông Vinh kể: “Tôi có tròn 10 năm ở chiến trường chống Mỹ, là lính tình báo thuộc Tổng cục 2. Sau khi miền Nam giải phóng, năm 1977, tôi trở về địa phương tiếp tục cuộc chiến chống đói nghèo”.

Được biết, vợ chồng con ông Vinh có thời gian dài sang Hàn Quốc làm nghề may. Nghe con kể về công việc bên đó, rồi nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc sang Việt Nam thành lập công ty may, ông băn khoăn: “Người ta sang tận nước mình làm, sao mình có vốn, có tay nghề, có lao động dồi dào lại không làm nhỉ?”. Nghĩ vậy nên ông mạnh dạn định hướng, hướng dẫn con mở cơ sở may công nghiệp. 

Ban đầu thành lập (năm 2012), cơ sở chỉ có 30 công nhân với 30 máy may. Đến nay Công ty đã có 150 lao động, thu nhập bình quân từ 8-12 triệu đồng/người/tháng. Điều đáng quý là ông đã nhận hàng chục con em, vợ của thương binh, bệnh binh, những lao động có tuổi ở mấy xã lân cận vào làm việc. 

Bà Hoàng Thị Hằng (51 tuổi) ở xã Lãng Sơn kế bên đã có 8 năm làm ở đây xúc động nói: “Tôi tuổi cao, khó xin vào làm ở những công ty khác. Nhưng ở đây, bác Vinh tạo điều kiện cho tôi làm ở bộ phận hoàn thiện sản phẩm, công việc không quá vất vả, thu nhập ổn định. 

Bác cũng luôn cảm thông, chia sẻ với người lao động, ai có công việc gia đình, hiếu hỉ, bác đều tạo điều kiện bố trí thời gian giải quyết - điều mà nhiều công ty khác không có”. Mọi phong trào, hoạt động quyên góp ủng hộ quỹ nghĩa tình, nhân đạo ở địa phương ông đều tiên phong đóng góp mỗi năm cả chục triệu đồng.

Có hơn 4 năm tham gia cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, CCB Trần Trọng Khắc (SN 1957) ở xã Yên Lư (Yên Dũng) trở về địa phương tích cực tham gia hoạt động phát triển kinh tế, làm từ thiện. Năm 2015, ông đứng ra thành lập Công ty TNHH BGVN Tuấn Hùng do ông làm Tổng Giám đốc với ngành nghề kinh doanh dịch vụ tư vấn du học, đào tạo bồi dưỡng ngoại ngữ theo chương trình giáo dục thường xuyên; dạy tiếng Anh, Trung, Nhật, Hàn. 

Đến nay Trung tâm đã mở rộng quy mô hoạt động ở 8 địa điểm, trong đó có 6 điểm ở huyện Yên Dũng, 2 điểm ở TP Bắc Giang. Mỗi năm Công ty đào tạo khoảng 3 nghìn học sinh theo hình thức dạy ngoài giờ.

CCB Trần Trọng Khắc tâm sự, nghĩ đến những trận chiến, những người lính đã anh dũng hy sinh hay mất một phần thân thể để bảo vệ Tổ quốc, ông thấy sự lành lặn trở về của mình thật may mắn. Vì vậy, ông coi sự tri ân đồng đội là trách nhiệm thiêng liêng. Với vai trò Trưởng Ban liên lạc, Chủ tịch Hội CCB Sư đoàn 338 huyện Yên Dũng; Ủy viên Ban chấp hành Hội doanh nhân CCB tỉnh; Ủy viên Ban chấp hành Hội hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh, ông luôn tích cực tham gia các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, nghĩa tình đồng đội (mỗi năm khoảng 200 triệu đồng) thông qua những phần quà Tết, những chuyến xe nghĩa tình chở đồ dùng, quà Tết tặng thương binh nặng, gia đình liệt sĩ. Với danh nghĩa Công ty, năm vừa qua, ông tặng 138 suất quà Tết (mỗi suất 500 nghìn đồng) cho hộ nghèo; ủng hộ 30 triệu đồng phòng, chống dịch Covid-19...

{keywords}

CCB Nguyễn Xuân Chiến với cô và trò Cơ sở mầm non tư thục Mùa Xuân.

Ra đời sau khi đất nước đã hòa bình, 20 tuổi, anh Nguyễn Xuân Chiến (SN 1979) ở xã Tiền Phong (Yên Dũng) xung phong nhập ngũ. Sau hai năm hoàn thành nghĩa vụ, anh lấy vợ sinh con rồi ra ở riêng. Ngày đó, địa bàn xã có nhiều công nhân tỉnh ngoài đến thuê trọ, không ít gia đình có con nhỏ khó khăn trong việc gửi con đi làm; bản thân vợ chồng anh cũng gặp khó trong việc gửi con. 

Mặt khác nhiều cô giáo mầm non ra trường chưa xin được việc làm. Từ thực tế đó, năm 2016, anh mạnh dạn vay vốn ngân hàng, mượn thêm người thân tổng cộng khoảng 1,5 tỷ đồng để mở cơ sở mầm non tư thục mang tên Mùa Xuân. Đây là cơ sở tư thục đầu tiên của xã cũng là thứ 5 của huyện. 

Đến nay, cơ sở mầm non tư thục đã mở rộng quy mô gồm 15 cán bộ, giáo viên, nhân viên được đóng bảo hiểm xã hội, cơ sở nuôi dạy hơn 170 cháu (từ 18 tháng đến 5 tuổi). Năm 2018, nhận thấy nhiều công nhân có nhu cầu thuê nhà trọ, gia đình anh đầu tư xây dựng 16 phòng. 

Mỗi tấm lòng, tình cảm của các hội viên - doanh nhân CCB đã, đang và sẽ là động lực, là điểm tựa giúp các hội viên, những người có hoàn cảnh khó khăn vươn lên.

Số tiền thu nhập hằng tháng khoảng 50 triệu đồng, hằng năm anh trích một phần làm từ thiện, ủng hộ các gia đình đặc biệt khó khăn, hộ nghèo trong xã và thường xuyên ủng hộ các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao ở thôn, xã. 

Mỗi năm, cơ sở giảm từ 30- 50% tiền học phí, tiền ăn cho nhiều cháu, đồng thời hỗ trợ toàn bộ kinh phí cho 2 cháu hoàn cảnh gia đình khó khăn suốt thời gian theo học tại trường. Tính ra mỗi năm CCB Nguyễn Xuân Chiến trích khoảng 50 triệu đồng làm thiện nguyện. Năm 2020, thôn Quyết Tiến nơi gia đình sinh sống xây dựng nhà văn hóa, anh Chiến đã hiến 125 m2 đất, ủng hộ 60 triệu đồng để mua sắm trang thiết bị.

Mỗi tấm lòng, tình cảm của các hội viên - doanh nhân CCB đã, đang và sẽ là động lực, là điểm tựa giúp các hội viên, những người hoàn cảnh khó khăn vươn lên. Chia tay những cựu binh giỏi làm kinh tế, có trái tim nhân hậu, tôi thầm chúc các bác, các anh có nhiều sức khỏe để tiếp tục cống hiến cho xã hội, góp phần tô đẹp thêm phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ.

Bài, ảnh: Thu Phong

Phát huy vai trò cựu chiến binh ở cơ sở
(BGĐT) - Hiện trong Hội Cựu chiến binh (CCB) có một thế hệ cán bộ dưới 50 tuổi, đa số sinh ra sau chiến tranh. Họ đã phát huy sự năng động, sáng tạo, qua đó thúc đẩy các phong trào của hội ngày càng sôi nổi, hiệu quả.
Cựu chiến binh xuất ngũ trở thành triệu phú ngỗng sư tử
Xuất ngũ, ông Nguyễn Văn May về Bắc Giang, nơi chôn rau cắt rốn của mình để sinh sống và lập nghiệp. Vốn đam mê với nghề nông, khát khao làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, gia đình lại có sẵn trang trại rộng tới 2 mẫu tại xã Tân Hưng, huyện Lạng Giang, ông May hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi để làm nông nghiệp.
Cựu chiến binh giữ an ninh trật tự
(BGĐT) - Thành lập các tổ an ninh tự quản, lắp camera, đường điện chiếu sáng, lập barie kết hợp kẻng báo động, tham gia phòng, chống tệ nạn xã hội... là những mô hình hay, cách làm hiệu quả của Hội Cựu chiến binh (CCB) các cấp (Bắc Giang) trong công tác bảo đảm an ninh trật tự (ANTT).
Cựu chiến binh Đào Duy Tống khởi nghiệp thành công
(BGĐT) - Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, sau hơn 7 năm gắn bó với nghề chế biến gỗ, cựu chiến binh (CCB) Đào Duy Tống (SN 1962), thôn Cổng Châu, xã Đồng Hưu (Yên Thế-Bắc Giang) đã trở thành ông chủ với doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm.


Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...