Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 33 °C / 25 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Quốc phòng
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Kỷ niệm những lần gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Cập nhật: 08:41 ngày 25/08/2021
(BGĐT) - Trong cuộc đời 43 năm binh nghiệp của mình, Đại tá Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị 1972 tỉnh Bắc Giang, nguyên cán bộ Cục Tác chiến thuộc Bộ Tổng tham mưu, Bộ Quốc phòng có 3 lần vinh dự được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. “Một vị Đại tướng đúng là huyền thoại. Một con người bình dị hiếm thấy”- Đại tá Sơn cảm nhận.

Tháng 12/1971, chàng thanh niên Nguyễn Văn Sơn lúc đó 17 tuổi quê xã Lan Mẫu (Lục Nam) nhập ngũ. Sau 5 tháng huấn luyện ở Tứ Sơn, đơn vị vào thẳng chiến trường Quảng Trị khói lửa. Sau này, trong những lần gặp mặt truyền thống, kỷ niệm về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông Sơn được nghe kể nhiều câu chuyện xúc động của Đại tướng dành cho bộ đội, thương binh và những người đã ngã xuống. Chẳng hạn như trong cuộc chiến 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ, chiến trường lúc đó vô cùng ác liệt, Đại tướng điện trực tiếp để chỉ đạo chiến dịch. 

{keywords}

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm, nói chuyện với các chiến sĩ tự vệ khu phố K và T Hà Nội - đơn vị đã dũng cảm, mưu trí bắn rơi máy bay E.111 của Mỹ đêm 22/12/1972. Ảnh tư liệu

Do đường dây thông tin bị đứt, lúc ấy một chiến sĩ thông tin trực, tuy bị thương nặng nhưng vẫn chịu đựng, dùng răng cắn chặt vào dây điện để nối mạch thông tin, quyết không để gián đoạn liên lạc. Sau đó, người chiến sĩ này đã hy sinh. Nghe câu chuyện, Đại tướng rất xúc động, lấy khăn mùi xoa lau nước mắt. Đại tá Sơn cho rằng, trong những năm tháng chiến tranh, mặc dù bận trăm công nghìn việc nhưng Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn ưu tiên, dành thời gian thăm hỏi đời sống bộ đội, nhân dân, hỏi cặn kẽ tình hình cán bộ và gia đình nơi hậu phương.

Nhắc đến ba lần được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tá Nguyễn Văn Sơn kể: Sau cuộc chiến 81 ngày đêm Thành cổ, tôi được cử đi đào tạo tại Trường Sỹ quan Lục quân 1. Tại đây, lần đầu tiên tôi được gặp Đại tướng khi ông đến thăm Trường vào năm 1973. Học viên ngồi trong hội trường, Đại tướng đứng trên bục nói chuyện, nhiều nội dung lắm. Về đường lối chính trị, quân sự và nghệ thuật quân sự Việt Nam; dặn dò cán bộ, học viên phải vinh dự, tự hào khi được chọn đào tạo tại ngôi trường này - ngôi trường đầu tiên của Quân đội ta (tiền thân là Trường Quân chính kháng Nhật). 

Đại tướng dặn dò: “Các đồng chí ngồi đây cố gắng học tập, rèn luyện cho giỏi, trước mắt để trở thành cán bộ phân đội. Sau này, các đồng chí phấn đấu trở thành những cán bộ tham mưu ở cấp chiến dịch, chiến lược, vì các đồng chí đã có kinh nghiệm, trải qua thực tế chiến đấu, vấn đề này rất quan trọng”. Chúng tôi ngồi phía dưới, nghe Đại tướng truyền đạt, dặn dò như được tiếp thêm sức mạnh, ý chí quyết chiến, quyết thắng, phấn đấu học tập, huấn luyện, rèn luyện chính quy.

{keywords}

Đoàn cán bộ Cục Tác chiến thăm, chúc Tết và xin ý kiến Đại tướng Võ Nguyên Giáp về dự thảo cuốn "Lịch sử Cục Tác chiến" (Đại tá Nguyễn Văn Sơn đứng thứ tư từ trái).

Sau gần 5 năm học tập, đào tạo tại Trường, năm 1977, ông Sơn nhận nhiệm vụ tại Quân đoàn 2. Mùa thu năm 1992, trong một lần đi an dưỡng ở Đồ Sơn (Hải Phòng), lần thứ hai ông Sơn được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông kể: Lần gặp này đối với tôi thật là hạnh phúc. Sáng hôm đó, thời tiết mát mẻ, tôi dậy sớm đi bộ, thấy Đại tướng cũng đi bộ ở đây. Mặc dù đã hơn 80 tuổi nhưng Đại tướng vẫn rất khỏe mạnh, bước đi vững chãi, uy phong; mái tóc bạc trắng; nụ cười hiền hậu... Tôi chợt sững lại ngỡ ngàng, nhưng rồi cũng đứng nghiêm chào bằng động tác điều lệnh. 

Đại tướng dừng lại vẫy tay, tôi lại gần: “Em chào Đại tướng”. Đại tướng ân cần hỏi: “Thế đồng chí ở đơn vị nào”. Tôi đáp: “Dạ, em ở Quân đoàn 2”; “Công tác ở đó lâu chưa?”. “Thưa Đại tướng, em được 15 năm rồi”. “Quân đoàn 2 có truyền thống chiến đấu anh dũng, quả cảm lắm. Được ở đây là vinh dự đấy” - Đại tướng nói. Nhắc đến đây, Đại tá Sơn nhớ đến bức mật điện được Đại tướng gửi động viên cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 2 vào đầu tháng 4/1975 với nội dung: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng phút, từng giờ, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng. Truyền đạt tức khắc đến đảng viên, chiến sĩ”.

Sau đó, với cử chỉ thân thiện, Đại tướng hỏi: “Thế quê đồng chí ở đâu?”, tôi nói: “Em ở Hà Bắc”. Đại tướng quay sang phía tôi: “Hà Bắc có cuộc khởi nghĩa Yên Thế của thủ lĩnh Hoàng Hoa Thám, vậy đồng chí có ở Yên Thế không?”; “Dạ không, em ở Lục Nam”. Đại tướng tỏ ra ngạc nhiên: “Ồ Lục Nam, Hà Bắc, Mai Sưu, Tứ Sơn cũng là nơi luyện quân cho chiến trường miền Nam nhiều đấy”; “Dạ vâng ạ, em cũng được luyện quân ở đây trước khi vào Quảng Trị”… Tôi đi theo sau Đại tướng một đoạn dài. Đại tướng cũng thăm hỏi tình hình sức khỏe, gia đình, vợ con, động viên tôi mạnh khỏe, hoàn thành tốt nhiệm vụ.

{keywords}

Đại tá Nguyễn Văn Sơn với những kỷ niệm về Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Lần thứ ba được gặp Đại tướng là vào năm 2005. Khi ấy ông Sơn đang công tác tại Cục Tác chiến. Chuẩn bị kỷ niệm 60 năm thành lập Cục Tác chiến 7/9 (1945-2005), Đại tá Sơn được tháp tùng Đoàn cán bộ đơn vị đến nhà riêng Đại tướng ở số 30 Hoàng Diệu (Hà Nội) chúc Tết, đồng thời xin ý kiến về dự thảo cuốn “Lịch sử Cục Tác chiến”. Với vai trò thư ký cuốn sách, Đại tá Sơn đã ghi lại rất cụ thể, cẩn thận những góp ý, chỉ đạo của Đại tướng. Những ý kiến này đã được Cục Tác chiến lấy làm lời nói đầu cho cuốn sách dày gần 1.000 trang. Sau đó, Đại tướng chụp ảnh lưu niệm cùng đoàn chúng tôi. 

Ngày 4/10/2013, Đại tướng Võ Nguyên Giáp về an nghỉ tại đất mẹ Quảng Bình. Ba lần về thăm chiến trường xưa là cả ba lần Đại tá Nguyễn Văn Sơn đều dành thời gian đến Vũng Chùa - Đảo Yến, thành kính thắp nén tâm nhang viếng mộ Đại tướng. Ông xúc động: “Cùng với Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đúng là huyền thoại. Một con người văn võ song toàn, một trái tim lớn nhưng vô cùng ấm áp, bình dị. Những lần được gặp Đại tướng, tôi luôn coi đó là hành trang quý giá trong cuộc đời”.

Năm 2012, về nghỉ hưu tại thôn Trung Hậu, xã Lan Mẫu (Lục Nam), Đại tá Nguyễn Văn Sơn sống bình dị cùng gia đình; từng làm Bí thư Chi bộ thôn. Hiện ông là Chủ tịch Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng trị 1972; Trưởng Ban công tác mặt trận khu dân cư, có nhiều đóng góp đưa Lan Mẫu trở thành xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Bài, ảnh: Thu Phong
Những câu nói nổi tiếng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Ngọn lửa sống và tình yêu nước của Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn cháy rực trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Nhìn lại lịch sử, dường như những câu nói bất hủ của Đại tướng luôn gắn với sinh mệnh của dân tộc Việt Nam, không chỉ trong lúc điều binh khiển tướng, mà cả khi đã về với đời thường, con người ông vẫn toát lên trách nhiệm đó.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp với giai cấp nông dân Việt Nam
Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người Anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, người chiến sĩ cách mạng kiên trung, một người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh... Ông sinh ngày 25/8/1911 tại làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Chính mảnh đất quê hương giàu truyền thống cách mạng và anh hùng, cùng với truyền thống yêu nước của dòng tộc, gia đình đã nuôi dưỡng, hun đúc nên nhân cách, tài năng và sự nghiệp cách mạng của Đại tướng.
Quân Đoàn 2 khắc ghi lời dặn của Đại tướng
(BGĐT) - Mãi ghi nhớ những lời dặn dò của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cán bộ, chiến sĩ  Quân đoàn 2 (Binh đoàn Hương Giang) luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, viết nên truyền thống “Thần tốc - Táo bạo -  Quyết thắng”.
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...