Thứ bảy, 20/04/2024
Bắc giang 33 °C / 26 - 31 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Quốc hội
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Nâng cao hiệu quả cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, chống thất thu thuế

Cập nhật: 15:20 ngày 08/06/2022
Nhấn mạnh doanh nghiệp sau khi cổ phần phải thực hiện đúng mục đích sử dụng đất, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định, cổ phần hóa là nhằm mục tiêu nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp chứ không phải để chuyển quyền sử dụng đất nhằm lấy địa tô chênh lệch.

Sáng 8/6, thực hiện Chương trình Kỳ họp thứ ba, Quốc hội tiếp tục tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn về nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực tài chính. 

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc chịu trách nhiệm chính trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về lĩnh vực này.

{keywords}

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội tại phiên chất vấn sáng 8/6.

Chỉ rõ nguyên nhân cổ phần hóa doanh nghiệp chậm 

Tại phiên chất vấn, các đại biểu: Nguyễn Thị Lệ (TP Hồ Chí Minh), Nguyễn Thành Công (Ninh Bình) và Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) nêu câu hỏi về nguyên nhân và giải pháp cho tình trạng chậm cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Đồng tình với nhận định của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, sắp xếp nhà đất và phê duyệt phương án sử dụng đất là một trong những nút thắt trong quá trình cổ phần hóa.

Nhấn mạnh cổ phần hóa thời gian qua chậm cũng là từ khâu này, Bộ trưởng nêu rõ, khi trình phương án sắp xếp tài sản công của các doanh nghiệp nhà nước, UBND các tỉnh được giao thẩm quyền phê duyệt phương án nhưng việc này triển khai rất chậm.

Từ tình trạng trên, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc thông tin, năm 2021 mới chỉ thực hiện bán vốn được 18 doanh nghiệp, cổ phần hóa được 4 doanh nghiệp, tổng thu ngân sách chỉ được 4.402 tỷ đồng. Đây là vấn đề về mặt luật pháp cần phải được hoàn thiện, Bộ trưởng nêu rõ.

Ngoài ra, Bộ trưởng cũng cho rằng, nhiều sai phạm xảy ra trong thời gian qua chủ yếu liên quan đến đất đai, chuyển quyền sử dụng đất trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Dịch bệnh Covid-19 gây ảnh hưởng lớn đến tình hình thị trường tài chính, chứng khoán trong nước và khu vực, ảnh hưởng đến công tác xác định giá trị doanh nghiệp, lập phương án sử dụng đất để thực hiện cổ phần hóa, triển khai công tác đấu giá phần vốn nhà nước theo quy định. Việc tính giá đất không sát giá thị trường tạo ra thất thoát, tài sản nhà nước chuyển sang tài sản tư nhân.

Theo Bộ trưởng, các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp cổ phần đều sử dụng đất - tài sản toàn dân do Nhà nước đại diện, cho nên khi doanh nghiệp nhà nước sử dụng đất thuê với mục đích sản xuất kinh doanh khi chuyển qua doanh nghiệp cổ phần hay doanh nghiệp tư nhân cũng phải thực hiện đúng mục đích đó, tức sử dụng đất để sản xuất kinh doanh đúng mục tiêu đã được phê duyệt trong phương án sử dụng đất.

“Nếu doanh nghiệp không có nhu cầu sử dụng thì trả lại Nhà nước và Nhà nước sẽ thanh toán tiền tài sản trên đất cho doanh nghiệp đó và tổ chức đấu giá để thu về ngân sách. Điều đó có nghĩa địa tô chênh lệch sẽ không rơi vào túi doanh nghiệp mà do Nhà nước điều tiết”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nêu rõ.

Nâng cao năng lực sản xuất sau cổ phần hóa

Bộ trưởng nhấn mạnh, điều này sẽ giúp thúc đẩy năng lực của nền kinh tế, tức doanh nghiệp cổ phần hóa là để nâng cao năng lực sản xuất, chứ không phải sau cổ phần hóa để giải tán doanh nghiệp, để thải hồi công nhân, hay bán máy móc thiết bị và lấy khu đất này bán để lấy địa tô chênh lệch và chuyển qua đất ở hay các loại đất khác.

{keywords}

Đại biểu Phạm Văn Thịnh (Đoàn Bắc Giang) nêu câu hỏi chất vấn. Ảnh: Minh Đông- TTXVN.

“Nếu làm được điều nay, chắc chắn năng lực của nền kinh tế, đặc biệt sức mạnh của doanh nghiệp sẽ nâng lên, và như vậy cũng không khuyến khích doanh nghiệp nhìn những khu đất có lợi thế thương mại để tổ chức cổ phần hóa”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nêu rõ.

Theo Bộ trưởng, thời gian tới, trong việc chuyển mục đích sử dụng đất, doanh nghiệp sau cổ phần hóa phải tuân thủ quy hoạch, bảo đảm điều kiện, trình tự, thủ tục đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định. Bên cạnh đó, kiên quyết thu hồi đất theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp vi phạm.

Nêu rõ 2 vướng mắc nhất trong quá trình cổ phần hóa là xác định giá trị doanh nghiệp và phương án sử dụng đất được phê duyệt trước cổ phần hóa, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, một số nút thắt về pháp lý sẽ tiếp tục được hoàn thiện để bảo đảm cổ phần hóa thực hiện đúng kế hoạch.

Ngoài ra, trong quá trình sắp xếp thực hiện cổ phần hóa, Bộ trưởng kiến nghị, đối với cổ phần hóa doanh nghiệp dưới 5% vốn nhà nước thì nên tiến hành cổ phần hóa hết. Trong khi đó, những doanh nghiệp quản trị tốt, làm việc tốt, giải quyết được việc làm, điều tiết được ngân sách thì nên giữ, và nên tăng cường năng lực để giúp các doanh nghiệp này hoạt động tốt.

Quản lý thị trường chứng khoán, chống thất thu thuế bất động sản

Cùng thời, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã trả lời câu hỏi chất vấn của các đại biểu Quốc hội: Trần Văn Lâm, Leo Thị Lịch, Phạm Văn Thịnh (Đoàn Bắc Giang).

{keywords}

Đại biểu Leo Thị Lịch (Đoàn Bắc Giang) nêu câu hỏi chất vấn.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Văn Lâm về "bong bóng" trong thị trường chứng khoán, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc chỉ ra rằng, những năm vừa qua, thị trường chứng khoán phát triển tương đối tốt, số lượng tài khoản của nhà đầu tư tăng 21,1% so với cuối năm 2021, giá trị giao dịch bình quân cổ phiếu, chứng chỉ quỹ tăng 8,1% so với bình quân năm 2021. Tuy nhiên, trên thị trường cổ phiếu, thị trường chứng khoán phái sinh xuất hiện các hiện tượng thao túng giá, làm giá ngày càng tinh vi, nhiều mã chứng khoán được đẩy giá lên cao không gắn với tình hình hoạt động kinh doanh, nghĩa vụ công bố thông tin của một số doanh nghiệp đại chúng, công ty niêm yết, nhà đầu tư còn chưa đảm bảo chất lượng.

Để khắc phục tình trạng này, hiện nay Bộ Tài chính đang nghiên cứu để sớm trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 153 ngày 31/12/2020 về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế, trong đó tập trung vào quản lý chặt chẽ việc xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, việc đầu tư của nhà đầu tư cá nhân; giám sát phương thức phân phối trái phiếu để tránh việc bán cho nhà đầu tư không đúng đối tượng; yêu cầu xếp hạng tín nhiệm; tăng cường trách nhiệm và có biện pháp quản lý giám sát các tổ chức trung gian. Đồng thời, Bộ Tài chính đã có kế hoạch rà soát Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp để sớm trình Quốc hội sửa đổi các quy định về điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp, điều kiện về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, các biện pháp và chế tài xử phạt để tăng tính răn đe….

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Bộ Thông tin và truyền thông, các cơ quan báo chí để bảo đảm hiệu quả tuyên truyền, cung cấp thông tin xác thực về quan điểm, định hướng chỉ đạo của Chính phủ để ổn định tâm lý thị trường, hỗ trợ hoạt động huy động vốn và hoạt động đầu tư trên thị trường vốn; tiếp tục chủ động thông tin tuyên truyền phổ biến chính sách về chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp cho thị trường.

Trả lời chất vấn của đại biểu Phạm Văn Thịnh về chống thất thu thuế trong lĩnh vực bất động sản, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, trong Luật Thuế cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành quy định, khi chuyển nhượng bất động sản phải kê khai theo giá chuyển nhượng hai bên đã thỏa thuận. Trường hợp kê khai thấp hoặc không kê khai trên hợp đồng thì thu theo bảng giá đất đã ban hành.

Từ những quy định này, người bán chuyển nhượng bất động sản kê khai giá rất thấp dẫn đến thất thu về bất động sản. Bộ trưởng cho rằng đây là lỗ hổng làm thất thoát tiền thuế của nhà nước. Bộ Tài chính đã có văn bản đôn đốc Tổng cục thuế, Chi cục thuế các địa phương có văn bản chỉ đạo để chống thất thu trong lĩnh vực bất động sản. Bộ Tài chính hướng dẫn theo hướng nếu kê khai giá thấp thì tính theo bảng giá đất do UBND tỉnh ban hành.

Bộ trưởng cho biết, theo Luật Đất đai, bảng giá đất sẽ ban hành 5 năm một lần, trong thời gian này UBND các tỉnh phải ban hành hệ số sử dụng đất để điều chỉnh giá đất. Vì vậy, bảng giá đất và hệ số điều chỉnh chính là giá đất để thu thuế bất động sản, điều này không sai pháp luật, hoàn toàn đúng pháp luật và đúng với Nghị định 14 về phương pháp hệ số xác định đúng thời điểm. Bộ trưởng cho biết, trong quá trình thực hiện theo chỉ đạo của Bộ, 4 tháng đầu năm đã thu được 16.200 tỷ đồng, tăng so với cùng kỳ năm ngoái 6.600 tỷ đồng. Đặc biệt, có trường hợp, sau khi được vận động, giải thích, kê khai giá 500 triệu đã tiến hành kê khai lại là 10 tỷ đồng…

Trả lời chất vấn của đại biểu Leo Thị Lịch, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nêu về trách nhiệm chỉ đạo việc cổ phần hóa, Chính phủ đã lập Ban Chỉ đạo về cổ phần hóa, gồm thành viên là các Bộ, ngành hữu quan, trong đó có Bộ Tài chính. Trách nhiệm chỉ đạo trực tiếp trong vấn đề cổ phần hóa là chủ sở hữu của doanh nghiệp. Ở tỉnh thì trách nhiệm thuộc về UBND tỉnh thực hiện cổ phần hóa theo đúng danh mục đã được Thủ tướng ban hành, đúng kế hoạch cổ phần hóa. Với các doanh nghiệp thuộc Bộ, Bộ trưởng là người trực tiếp chỉ đạo, Chủ tịch Hội đồng thành viên và Tổng Giám đốc phải chịu trách nhiệm về phương án cổ phần hóa.

Trong những năm qua, quá trình cổ phần hóa diễn ra chậm, vì hồ sơ cổ phần hóa không được lập, phương án cổ phần hóa không hoàn chỉnh, không được phê duyệt. Vướng mắc chủ yếu trong công tác này là ở khâu đánh giá giá trị của doanh nghiệp, phương án sử dụng đất khi UBND các tỉnh không phê duyệt, các vướng mắc khác trong nội tại doanh nghiệp ngay từ khi chưa cổ phần hóa.

Liên quan đến ý kiến thu cổ phần hóa còn thấp, Bộ trưởng cho biết kết quả này thể hiện sự chưa quyết tâm, chưa trách nhiệm của các doanh nghiệp, các cơ quan chủ sở hữu trong thúc đẩy cổ phần hóa, còn vướng mắc trong sự phối hợp, nên phương án cổ phần hóa không được phê duyệt, không lên sàn và bán được, dẫn tới thu ngân sách thấp hơn dự toán.

Bắc Giang: Gần 94% doanh nghiệp, tổ chức sử dụng hóa đơn điện tử
(BGĐT) - Theo quy định của Chính phủ, Bộ Tài chính, từ ngày 1/4 năm nay, các doanh nghiệp (DN), tổ chức kinh tế, hộ, cá nhân kinh doanh tại 57 tỉnh, TP trực thuộc T.Ư, trong đó có tỉnh Bắc Giang bắt đầu áp dụng hóa đơn điện tử (HĐĐT) thay hóa đơn giấy và bắt buộc thực hiện từ ngày 1/7/2022. 
Bắc Giang: Khai trương cửa hàng phúc lợi cho đoàn viên công đoàn
(BGĐT) - Sáng 8/6, tại TP Bắc Giang, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Bắc Giang phối hợp với Công ty cổ phần Nutriday Việt Nam tổ chức khai trương cửa hàng phúc lợi cho đoàn viên công đoàn và người lao động. 
Bắt 2 đối tượng sử dụng phương tiện điện tử để chiếm đoạt tài sản
Ngày 8/6, Công an TP Hà Nội cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Đống Đa đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Văn Thành (SN 2002), trú tại xã Thiện Kế, huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc) và Nguyễn Như Nguyên (SN 2000), trú tại xã Thụy Hòa, huyện Yên Phong (Bắc Ninh) để điều tra về hành vi “Sử dụng mạng máy tính viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”. 

Theo Nhân Dân- Thu Hằng

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...