Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 29 °C / 25 - 28 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Phóng sự - Khám phá
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Doanh nhân Hoàng Hữu Thắng: Hãy ước mơ, cứ đi rồi sẽ đến

Cập nhật: 07:50 ngày 03/06/2023
(BGĐT) - Từ một cậu bé sinh ra trong gia đình nghèo ở xã Đông Phú (Lục Nam - Bắc Giang),  với ý chí vươn lên mạnh mẽ, anh Hoàng Hữu Thắng (SN 1983) đã trở thành Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn kỹ thuật và công nghiệp Việt Nam. Mới đây, anh là 1 trong 10 doanh nhân vì cộng đồng được vinh danh tại chương trình “Tự hào Việt Nam năm 2023”.

Quyết tâm vượt khó

21 năm rời quê hương lập nghiệp, anh Hoàng Hữu Thắng luôn biết ơn gia đình và vùng quê nghèo đã thôi thúc anh quyết tâm vượt khó. Gia cảnh khó khăn, là con cả trong gia đình có 3 anh em nên mới 10 tuổi, cậu bé Thắng đã biết làm nhiều việc đồng áng. Lớn hơn một chút thì thay cha đi cày đêm. Có những buổi sớm tinh mơ, Thắng đã theo mẹ đi hái rau rồi đạp xe gần 20 km xuống chợ huyện bán lấy tiền ăn học. Không ít lần chợ vắng, rau chẳng có người mua, hai mẹ con lại ngậm ngùi trở về trong nỗi cơ cực.

{keywords}

Doanh nhân Hoàng Hữu Thắng. Ảnh: NVCC

Khi các bạn còn vô tư chơi đùa hồn nhiên thì trong suy nghĩ của cậu bé Thắng đã trở đi, trở lại những câu hỏi không lẽ cuộc sống cứ khổ mãi như thế này sao? Ý chí quyết tâm rời làng quê tìm kế thoát nghèo đã nhen nhóm từ những ngày thơ bé như thế. Nhưng làm gì thì chưa rõ, cậu bé Thắng chỉ biết đến trường học và về nhà là lao vào làm việc giúp đỡ bố mẹ, chăm sóc các em.

Năm 2002, chàng thanh niên 18 tuổi lần đầu tiên rời làng quê ra Thủ đô Hà Nội mang theo khát vọng thay đổi cuộc đời. Mải bươn chải kiếm sống, anh thi trượt đại học đến… 4 lần. Không thể theo học tại các trường tốp đầu như: Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Bách khoa, Đại học Kinh tế quốc dân như mong muốn, cuối cùng anh theo học nguyện vọng 2 tại Khoa Cơ khí, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội. Bước chân vào giảng đường đại học, anh nỗ lực học tập và tìm thấy niềm đam mê lớn với lĩnh vực cơ khí chế tạo.

Suốt những năm đầu sống giữa Thủ đô, anh Thắng vừa học, vừa làm mọi việc để trang trải cuộc sống, từ làm tiếp thị, nhân viên nhà hàng đến bán xổ số và gia sư. Tốt nghiệp đại học, anh xoay sở tìm việc như bao người trẻ mới ra trường, cảnh làm thuê không phát huy hết được sở trường và không có tích lũy. Năm 2011, qua mạng xã hội, anh biết ngành công nghệ tự động hóa, cơ khí chính xác rất phát triển trên thế giới trong khi tại Việt Nam còn khá mới mẻ.

Thấy rõ tiềm năng và cơ hội này, anh Hoàng Hữu Thắng quyết định thành lập Công ty cổ phần Tập đoàn kỹ thuật và công nghiệp Việt Nam do mình làm giám đốc chuyên về lĩnh vực thiết kế giải pháp ứng dụng công nghệ, sản xuất con lăn, băng chuyền tự động phục vụ vận chuyển hàng hóa. “Mọi thứ gần như bắt đầu từ con số không: Không tiền, không kinh nghiệm, không khách hàng, không quan hệ. Tôi lấy nhà trọ rộng hơn 10 m2 làm văn phòng đại diện, thuê nhà xưởng, tự thiết kế bản vẽ, tiếp thị, giới thiệu sản phẩm...” - anh Thắng nói. 

Nhờ chủ động phương thức chào hàng qua mạng, Công ty tiếp nhận những đơn hàng đầu tiên của đối tác trong nước thiết kế con lăn. Để từng bước gây dựng uy tín, anh trực tiếp giao dịch, gặp gỡ khách hàng, giới thiệu sản phẩm.

Bền bỉ cho mục tiêu

Để đưa doanh nghiệp phát triển vững chắc, vị lãnh đạo trẻ đã tham gia các khóa đào tạo về quản trị doanh nghiệp, quản trị tài chính. Anh lấy câu nói của người thầy giáo năm xưa làm phương châm hành động: Cứ đi rồi sẽ đến, hãy ước mơ và quyết liệt hành động, kiên trì theo đuổi mục tiêu đến cùng. Từ làng quê nghèo, anh đặt chân đến nhiều quốc gia như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hà Lan, mang về cho doanh nghiệp những bản hợp đồng giá trị, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động.

Sau nhiều năm bền bỉ và kiên định thực hiện mục tiêu, hệ sinh thái của Công ty đã thành hình và dần khẳng định vị thế trong nước và quốc tế trong các lĩnh vực cơ khí, tự động hóa, năng lượng mặt trời, giải pháp công nghệ. Doanh nghiệp có nhiều sản phẩm chủ lực như: Con lăn băng tải, con lăn côn, con lăn công nghiệp, băng tải con lăn, dàn con lăn, máy đóng thùng carton, máy quấn màng pallet. Ngoài ra cung cấp các giải pháp tự động hóa như giải pháp kho tự động; dây chuyền robot bốc xếp bao hàng tự động; dây chuyền lắp ráp máy khâu; dây chuyền đóng chai tự động... 

Công ty cổ phần Tập đoàn kỹ thuật và công nghiệp Việt Nam có 5 công ty thành viên, 2 nhà máy tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, tạo việc làm cho gần 400 nhân sự, thu nhập bình quân từ 10-12 triệu đồng/người/tháng.

3 năm gần đây, Công ty cổ phần Tập đoàn kỹ thuật và công nghiệp Việt Nam đã hình thành hệ sinh thái đa ngành trong các lĩnh vực cơ khí, tự động hóa, năng lượng và công nghệ, khẳng định được vị thế trong nước và quốc tế với 5 công ty thành viên, 2 nhà máy tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, tạo việc làm cho gần 400 nhân sự, thu nhập bình quân từ 10-12 triệu đồng/tháng. Doanh nghiệp có hàng trăm đối tác trong và ngoài nước.

Anh Thắng nhớ lại chuyến ký đơn hàng xuất khẩu đầu tiên với đối tác Nhật Bản cách đây vài năm, cảm xúc vui mừng khó tả vẫn vẹn nguyên. Bao tâm sức của ban lãnh đạo trong suốt thời gian dài nghiên cứu, thiết kế sản xuất đã tiệm cận được với yêu cầu của thế giới, được khách hàng đón nhận. Anh chia sẻ: “Đất nước mình khi đó không phải là quốc gia có thế mạnh về lĩnh vực kỹ thuật chính xác nhưng tôi luôn tin bằng sự năng động, người trẻ có thể học hỏi công nghệ, từ đó ứng dụng trong sản xuất để cung ứng toàn cầu”. 

Sản phẩm con lăn và băng tải của doanh nghiệp được chuẩn hóa về kỹ thuật theo yêu cầu nghiêm ngặt của đối tác, được kiểm tra chặt chẽ và chỉ những sản phẩm chất lượng mới đến tay khách hàng. Nhờ gây dựng thương hiệu bằng uy tín, chất lượng, các sản phẩm con lăn, băng tải dây chuyền sản xuất công nghiệp đã vươn ra thế giới và chinh phục các quốc gia như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Mexico... 

Thương hiệu của Công ty đã được người tiêu dùng bình chọn top 10 thương hiệu uy tín hàng đầu châu Á, vị trí số 1 về thương hiệu trong ngành cơ khí chính xác. Chia sẻ về kế hoạch trong thời gian tới, anh Thắng cho biết hiện doanh nghiệp đang tập trung cho chiến lược phát triển tiếp tục tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu, mang thương hiệu Việt vươn tầm thế giới. 

Từ câu chuyện khởi nghiệp của bản thân và quan sát thực tế, doanh nhân Hoàng Hữu Thắng nhiều lần dành thời gian chia sẻ, truyền cảm hứng khởi nghiệp sáng tạo với sinh viên các trường đại học, THPT. Anh cho rằng người trẻ có kiến thức được đào tạo trong môi trường giáo dục chuyên nghiệp, có hoài bão, khát vọng, nhiệt huyết nhưng vẫn chưa đủ. Cần phải trải nghiệm, va vấp để tích lũy vốn sống, kinh nghiệm.

Luôn hướng về quê hương

Tuổi thơ cơ cực nên khi thành đạt anh luôn nghĩ về quê hương, về những người trẻ đang bỡ ngỡ trước ngưỡng cửa lập thân, lập nghiệp và sẵn sàng chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và giá trị mình đang có. Những năm qua, anh đã dành ra một khoản quỹ của cá nhân để giúp những hoàn cảnh khó khăn ở quê nhà. 

{keywords}

Anh Hoàng Hữu Thắng trao học bổng cho học sinh giỏi Trường THCS Đông Phú (Lục Nam).

Đơn cử như đóng góp kinh phí giúp bà con thôn Tân Tiến nơi anh sinh ra làm đường giao thông, xây nhà văn hóa; ủng hộ cấp ủy, chính quyền xã Đông Phú chăm lo đời sống cho hộ nghèo dịp Tết; quan tâm tạo việc làm cho nhiều con em quê hương Bắc Giang. Tháng 5 này, dù bận rộn song anh sắp xếp thời gian về quê tận tay trao học bổng, chia sẻ câu chuyện của bản thân, truyền cảm hứng vượt khó vươn lên cho gần 100 học sinh giỏi của xã.

"Tôi coi đội ngũ trong Công ty là người đồng hành, cùng tôi kiến tạo nên các giá trị cho cuộc sống, chứ không quan niệm họ là người làm công ăn lương. Mình phải làm sao để lợi ích một phần cho doanh nghiệp tái tạo sản xuất, một phần lo cho người lao động và một phần để lo cho cộng đồng", anh Thắng chia sẻ. Hiện anh là thành viên tích cực của Câu lạc bộ Đầu tư và khởi nghiệp Việt Nam với hơn 200 thành viên; Ban giám khảo, cố vấn chuyên môn cuộc thi Sáng tạo khởi nghiệp do Trường Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức hằng năm.

Câu chuyện về anh Hoàng Hữu Thắng đi lên từ gian khó, khởi nghiệp từ đôi bàn tay trắng, từng bước xây dựng và phát triển thương hiệu doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường trong và ngoài nước đã trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều bạn trẻ.

Hải Vân - Khôi Nguyên

Doanh nhân Lê Văn Đức: Hạnh phúc của tôi là đưa niềm vui tới học trò
(BGĐT) - Anh Lê Văn Đức (SN 1991), xã Việt Lập, huyện Tân Yên (Bắc Giang) đang là Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Đức Thiện và Tổng Giám đốc hệ thống Anh ngữ Quốc tế DILA. Điều hành hai công ty giáo dục, anh luôn tìm tòi, áp dụng những cách làm hay để học sinh phát triển toàn diện cả kiến thức và kỹ năng mềm. Bên cạnh đó, anh thường xuyên tổ chức các lớp học miễn phí, hoạt động thiện nguyện nhằm giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn. 
Nữ doanh nhân sông Lục: Ấm áp những việc thiện vì người nghèo
(BGĐT) - Huyện Lục Nam là địa phương đầu tiên trong tỉnh Bắc Giang thành lập Câu lạc bộ Nữ doanh (nay là Chi hội Nữ doanh nhân) huyện từ năm 2002. Tròn 20 năm hoạt động, nơi đây trở thành ngôi nhà chung gắn kết hội viên. Nhiều nữ doanh nhân vừa sản xuất, kinh doanh giỏi vừa tích cực tham gia hoạt động thiện nguyện vì cộng đồng. 
Khai thác lợi thế, đưa Bắc Giang thành trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
(BGĐT) - Tại diễn đàn “Định hướng phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo (ĐMST) tỉnh Bắc Giang năm 2023”, nhiều đại biểu chia sẻ kinh nghiệm, gợi mở giải pháp, ý tưởng đưa Bắc Giang trở thành trung tâm khởi nghiệp, ĐMST. Báo Bắc Giang trích đăng một số ý kiến.
Khởi nghiệp từ lợi thế của địa phương
(BGĐT) - Nhiều năm qua, Tỉnh đoàn Bắc Giang đã triển khai các chương trình nhằm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp bằng sản phẩm có lợi thế của địa phương, giúp nhiều đoàn viên ổn định kinh tế, thậm chí có thu nhập cao. 
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...