Thứ tư, 17/04/2024
Bắc giang 25 °C / 25 - 31 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Phóng sự - Khám phá
Phóng sự - Khám phá
icon
0.5 1.0 1.5
Chia sẻ:

Chuyện "gieo" chữ nơi vùng cao

Cập nhật: 12:56 ngày 12/05/2023
(BGĐT) - Đều đặn mỗi tối thứ Hai đến thứ Sáu hằng tuần, những lớp học đặc biệt ở huyện vùng cao Sơn Động (Bắc Giang) lại sáng đèn. Gọi là đặc biệt bởi đây là những lớp xoá mù chữ mà học viên thuộc nhiều thành phần dân tộc khác nhau và đều đã cao tuổi.

Tuổi 60 “ê, a” tập đánh vần

20 giờ tối thứ Sáu, 3 phòng học tại điểm lẻ của Trường Tiểu học xã Yên Định ở thôn Khe Táu vẫn sáng đèn. Vừa bước vào cổng, chúng tôi đã nghe tiếng đánh vần đoạn văn “Nhớ bố” của các học viên lớn tuổi. Ghé vào lớp học ngay bên phải cổng vào, hơn 20 học viên trong trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc Cao Lan đang tập trung nghe, đánh vần theo cô giáo.

{keywords}

Cô giáo Phạm Thị Yến Nga hướng dẫn học viên viết chữ.

“Nhờ ơ nhớ sắc nhớ… bờ ô bô sắc bố… Nhớ bố” - giọng bà Nịnh Thị Quý (SN 1957, học viên lớn tuổi nhất lớp) vang lên trong sự chú ý lắng nghe của các học viên khác. Vui mừng vì vừa hoàn thành đánh vần đoạn văn, bà Quý bộc bạch: “Trước đây gia đình tôi nghèo lắm, chả được học nhiều, cái chữ cứ thế rơi rớt theo con trâu, cái măng, cây củi trên rừng. Nay được mọi người đến tận nhà động viên nên tôi quyết tâm đi học để biết lại cái chữ”.

- Tuổi này đi học, bà có ngại? - tôi hỏi.

Trầm ngâm một lát rồi bà kể: “Khi tôi mới có ý định đi học, các con, cháu đều phản đối. Chúng nó bảo tôi tuổi đã cao, đi học chẳng để làm gì. Thế nhưng tôi vẫn quyết tâm đến lớp để tới đây tự viết được tên mình, tự đọc được. Thấy thế, chúng nó cũng phải nghe”.

Dời Khe Táu, chúng tôi đến lớp học xoá mù chữ tại điểm trường lẻ thôn Lái (xã An Bá). Lớp học có 30 học viên, 100% là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Học viên cao tuổi nhất 56 tuổi, ít tuổi nhất cũng gần 45. 

Theo cô giáo Nguyễn Thị Minh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học An Bá, trước khi mở lớp, nhà trường đã phối hợp với các hội, đoàn thể và ban quản lý thôn rà soát số lượng người mù chữ, tái mù chữ độ tuổi từ 15-60 để vận động tham gia học tập. Lúc đầu nhiều người còn e dè do đã lớn tuổi, sợ không tiếp thu được kiến thức song sau một thời gian kiên trì vận động, các học viên đến lớp đông đủ, chăm chỉ ghi chép.

Bà Lục Thị Liên (56 tuổi), dân tộc Cao Lan ở thôn Lái chia sẻ: “Quên mất cái chữ nên làm cái gì cũng khó, cũng vấp, lên xã làm giấy tờ gì đều phải lăn tay, điểm chỉ và phải nhờ người viết giúp. Giờ tôi được đi học lại, biết chữ, tự viết được nên sung sướng lắm”.

Nỗ lực “gieo” chữ

Đã thành thói quen, đều đặn 5 buổi/tuần, hai vợ chồng chị Hoàng Thị Sị (SN 1979), anh Dương Văn Phóng (SN 1976), dân tộc Nùng ở thôn Làng Khang (xã Đại Sơn) lại sửa soạn để đến trường học cái chữ. Ở phòng ngủ, anh chị cũng bố trí thêm bàn học nhỏ đã cũ để cả hai cùng rèn chữ khi có thời gian.

{keywords}

Các học viên rèn chữ tại lớp học.

Theo lời chị Sị, trước đây chị cũng được đến lớp song chỉ học hết lớp 3 đã phải nghỉ học theo bố, mẹ lên nương làm rẫy. Không được tiếp xúc với con chữ nữa, chị cũng dần quên rồi… tái mù chữ. “Ngày các thầy, cô giáo cùng trưởng thôn đến nhà tuyên truyền, vận động, tôi cũng ngại vì đã lớn tuổi. Được chồng động viên rồi tình nguyện đăng ký đến lớp cùng, tôi thêm tự tin. Những hôm có lịch học, tôi thường tranh thủ lên rừng sớm hơn để về nấu cơm rồi cùng chồng đi học”, chị Sị kể.

- Bài học đầu tiên của chị thế nào? - tôi hỏi.

- Hôm ấy, sau bữa cơm tối, hai vợ chồng tôi cùng nhau đến lớp. Dù chưa dến giờ học song đã có hơn 30 “bạn” có mặt, nhiều người còn được con, cháu đưa đi. Thấy chúng tôi, cô giáo đến bắt chuyện rồi hướng dẫn ngồi vào chỗ. Sau khi nói qua về nội quy lớp học, chúng tôi được phát bảng, phấn và bắt đầu học những chữ cái đầu tiên - chị Si đáp.

Nói rồi chị khoe, sau những buổi đầu bập bẹ học chữ, đến nay, cả hai vợ chồng chị đã biết đọc, biết viết. Để có được kết quả ấy, ngoài nỗ lực của bản thân, theo chị chính sự ân cần, trách nhiệm và gần gũi của thầy, cô giáo đã tiếp thêm động lực để chị đến lớp. “Có hôm tôi bị sốt nên không đến lớp. Biết vậy, giáo viên đến tận nhà động viên rồi còn tặng quà. Từ hôm ấy, dù có mệt hay bận việc thế nào, tôi cũng đến lớp để không phụ tấm lòng của các thầy, cô giáo”, chị Sị nói thêm.

Được biết, từ cuối năm 2022, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sơn Động phối hợp với các địa phương tổ chức được 16 lớp xoá mù chữ với 479 học viên tham gia ở mọi lứa tuổi. Người cao tuổi nhất cũng ngoài 60, nhỏ nhất cũng đã hơn 40; có người đã lên chức ông, bà, lại có người đang là trụ cột gia đình, phải lăn lộn với cuộc sống mưu sinh. Mỗi người một hoàn cảnh, một suy nghĩ song với những giáo viên được giao “gọi” chữ về cho đồng bào thì việc đưa học sinh đến lớp, giữ được họ ở lại để truyền dạy con chữ là sứ mệnh cao cả.

Cô giáo Phạm Thị Yến Nga, hiện đang dạy lớp học xóa mù chữ mức độ 2 (tương đương lớp 4-5) tại điểm trường lẻ Khe Táu nói: “Ngày đầu, tôi cũng như nhiều giáo viên khác gặp khó khăn do học viên chưa mở lòng, vốn hiểu biết về tiếng, văn hóa của đồng bào dân tộc Cao Lan chưa nhiều nên giữa cô - trò có khoảng cách nhất định. Để níu chân học viên, tôi chủ động đến từng nhà, cùng trò chuyện, cùng làm việc nhà để cô - trò xích lại gần nhau hơn. Nhiều lúc chúng tôi trở thành bạn bè, thậm chí giáo viên trở thành “học trò” khi được học viên kể cho nghe về những câu chuyện, truyền thống và tiếng nói nguyên bản của đồng bào, từ đó có thêm kiến thức thực tế”.

Cũng theo cô giáo Nga, nội dung học của lớp xóa mù chữ tương đương với chương trình của bậc tiểu học. Giáo viên biết cách truyền cảm hứng thì bà con học rất hào hứng. Với những học viên đã biết viết rồi thì giáo viên sẽ dạy chép bài vào vở và trình bày lại cho đẹp. Còn những ai chưa biết, giáo viên sẽ dạy, luyện lại bảng chữ cái.

“Chúng tôi luôn cố gắng, kiên trì để bà con đến được gần hơn với con chữ. Bằng sự chân thành, tình cảm, dần dần khoảng cách giữa cô - trò không còn, học viên đến lớp đông và đều hơn. Tôi cũng dần bị cuốn vào những tiết học và thấy hạnh phúc khi những học trò “đặc biệt” của mình biết đọc, biết viết”, cô giáo Nga tâm sự.

Để đồng bào đọc thông, viết thạo

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2025, huyện Sơn Động được phân bổ gần 4,9 tỷ đồng để mở các lớp xoá mù chữ cho 1.263 người. Những lớp xóa mù chữ kéo dài 6 tháng và được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, các học viên học các môn: Tiếng Việt, Toán, Tự nhiên và Xã hội với tổng số 1.005 tiết học; giai đoạn 2 sẽ học các môn: Tiếng Việt, Toán, Khoa học, Lịch sử và Địa lý với 949 tiết học.

{keywords}

Đây là chương trình ý nghĩa, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Để công tác xoá mù chữ đạt hiệu quả cao, UBND huyện giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị, địa phương và huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc. Biết chữ, người dân sẽ biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế, giảm nghèo”.

Bà Tống Thị Hương Giang, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Động

Vừa dẫn tôi đi thực tế tại các lớp học xoá mù chữ tại Trường Tiểu học Đại Sơn, thầy giáo Vũ Mạnh Cường, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện vừa chia sẻ, việc dạy chữ cho học sinh vùng cao đã khó, dạy chữ cho người lớn tuổi quả không dễ dàng gì. Có người tuổi bằng bố mẹ giáo viên nên việc tiếp thu của họ cũng khó khăn, nhiều người còn tự ái khi phải thưa gửi, lễ phép với người đáng tuổi con, tuổi cháu mình.

Dừng lại bên cửa sổ lớp học, mắt thầy giáo Cường ánh lên niềm vui khi trực tiếp nghe bà Vũ Thị Nhằm (63 tuổi), dân tộc Nùng đánh vần từng chữ. Giọng hơi yếu do tuổi đã cao song bà Nhằm đọc rõ từng từ. Khi giọng bà Nhằm vừa dứt, thầy Cường cũng lặng lẽ bước đi rồi trăn trở: “Bà con đọc, viết ở lớp thì thế nhưng khi kết thúc khoá học, cũng chẳng biết việc duy trì được thói quen đọc, viết của bà con thế nào? Nếu không được rèn giũa thường xuyên, dần dần họ sẽ lại quên mặt chữ, lại tái mù chữ”.

- Vậy địa phương, ngành có giải pháp gì không?

- Trước mắt, chúng tôi đang tập trung để mở thêm hơn 30 lớp xoá mù chữ trong năm nay và năm sau, bảo đảm đến năm 2025, 100% người từ 15 - 60 tuổi đọc thông, viết thạo. Về lâu dài, chúng tôi sẽ tham mưu cho ngành, UBND huyện bố trí nguồn lực mở các lớp bồi dưỡng kiến thức (chủ yếu là đọc và viết) cho các đối tượng để học viên không tái mù - thầy Cường chia sẻ.

Chia tay lớp học xóa mù chữ ở huyện Sơn Động khi đã gần 22 giờ đêm, chúng tôi vẫn nghe văng vẳng tiếng học bài. Thế mới biết, chuyện học chữ của đồng bào DTTS không bao giờ là muộn…

Ghi chép của Sỹ Quyết

Trong lớp học
(BGĐT) - “Trong lớp học” được thầy giáo Phí Văn Trân- nguyên Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Bắc Giang viết từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước. Một bài thơ giản dị, gần như tả thực chuyện trong lớp học mà đọc lại vẫn rất đáng suy ngẫm. 
Lớp học đặc biệt ở Trường Sa
(BGĐT) - Không có trường, lớp học nào đặc biệt như những gì chúng tôi thấy được ở Quần đảo Trường Sa thân yêu. Giữa mênh mông sóng gió, các thầy giáo ngày ngày giáo dục, bồi đắp kiến thức về chủ quyền biển đảo thiêng liêng cho học sinh.
Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất trường, lớp học
(BGĐT) - Nhận thức rõ vai trò của giáo dục, đào tạo, huyện Lạng Giang (Bắc Giang) đã tập trung các nguồn lực đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất trường lớp học. Nhờ vậy, tỷ lệ trường chuẩn quốc gia ở cả 3 bậc học của huyện tăng nhanh, hiện đạt 98,6%. Đây là tiền đề, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học. 
Lớp học hạnh phúc của bệnh nhi ung thư
Lớp học hạnh phúc dành cho bệnh nhi ung thư sẽ có hai ngày/tuần để dạy cho các bạn nhỏ từ 3-10 tuổi học các kiến thức được học ở trường, trang bị thêm kỹ năng sống để giúp các con lạc quan, tự tin chiến thắng bệnh tật. 
Sơn Động: Huy động nguồn lực kiên cố trường lớp học
(BGĐT) - Tranh thủ các nguồn vốn đầu tư, xác định lộ trình đạt chuẩn, các trường học trên địa bàn huyện Sơn Động (Bắc Giang) đang từng bước được kiên cố hóa. Cơ sở vật chất được đầu tư xây dựng khang trang, đầy đủ tiện nghi tạo thuận lợi cho thầy, trò các nhà trường nâng cao chất lượng dạy và học.
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...