Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 27 °C / 23 - 36 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Phóng sự - Khám phá
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Chuyện về hai mẹ con nghệ nhân quan họ

Cập nhật: 06:00 ngày 26/03/2023
(BGĐT) - "Năm 2019, lúc mẹ tôi bị ốm tưởng chừng không qua khỏi, bà nắm chặt tay tôi dặn dò, dẫu có thế nào con cũng cố gắng gìn giữ, truyền dạy quan họ cho thật nhiều người con nhé! Tôi chỉ biết ôm mẹ khóc mà không nói nên lời" - Nghệ nhân quan họ Đàm Thị Bùi, thôn Nội Ninh, xã Ninh Sơn, huyện Việt Yên (Bắc Giang) xúc động nói. 

Bơi qua sông để hát

Nghệ nhân Đàm Thị Bùi (SN 1957) được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú tháng 9/2022 vì những cống hiến trong gìn giữ và phát huy di sản quan họ. Trước đó, vào năm 2015, mẹ của bà Bùi là nghệ nhân Đoàn Thị Tình (năm nay 96 tuổi) cũng nhận danh hiệu cao quý này. Hôm tôi đến thăm, căn nhà của cụ Tình rộn ràng tiếng nói cười của con, cháu trong gia đình. Dù gần 100 tuổi nhưng cụ Tình vẫn minh mẫn, trò chuyện rôm rả, chỉ có điều tai cụ hơi nặng, phải nói thật to cụ mới nghe rõ. 

{keywords}

Một buổi sinh hoạt của CLB Quan họ Nội Ninh.

Sinh ra và lớn lên ở thôn Nội Ninh-một trong 5 làng quan họ cổ của huyện Việt Yên nổi tiếng vùng Kinh Bắc xưa, từ nhỏ, cụ Tình đã nặng lòng đam mê quan họ. Thời niên thiếu, nhiều lần làm đồng xong, cụ để quang gánh trên bờ, cùng chúng bạn bơi qua sông Cầu sang Bắc Ninh thi hát đối đáp. Những lần bị thua do không thuộc nhiều làn điệu, cụ cảm thấy "ấm ức" phát khóc, về nhà quyết tâm học thật nhiều để lần sau thi tiếp. Có hôm đang nấu cơm lại mải tập hát, cụ bị bố mẹ mắng vì để cơm cháy khê. 

{keywords}

Nghệ nhân Ưu tú Đoàn Thị Tình cùng các chắt nội.

Hơn 80 năm qua, những làn điệu quan họ cứ ngấm sâu vào tâm hồn, theo suốt cuộc đời cụ. Trước kia, mọi người không gọi là câu lạc bộ (CLB) quan họ như bây giờ mà dùng thuật ngữ "bọn quan họ" (tốp, nhóm). Mỗi khi làng mở hội, cụ Tình lại cùng bọn hát giao duyên; khi đi làm đồng, hái rau, cắt cỏ mọi người cũng tranh thủ hát đối. Nhiều thế hệ của làng Nội Ninh được cụ truyền dạy hàng trăm làn điệu quan họ cổ. Cụ Tình như "cây đại thụ quan họ" của xã Ninh Sơn, là nghệ nhân quan họ cao tuổi nhất trên địa bàn tỉnh.

"Sự cống hiến của nghệ nhân Đoàn Thị Tình và Đàm Thị Bùi rất đáng ghi nhận. Trong các cuộc thi, hội diễn do huyện tổ chức, cụ Tình, bà Bùi đã quy tụ các liền anh, liền chị tiêu biểu của thôn tham gia, có nhiều đóng góp vào sự nghiệp bảo tồn dân ca quan họ" - Bà Dương Thị Hoài Thu, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện  Việt Yên.

Ngồi trò chuyện với phóng viên, chốc chốc cụ Tình lại đọc những câu ca dao xuất hiện trong các bài quan họ lời cổ, như: "Giăng bao nhiêu tuổi giăng già. Núi bao nhiêu tuổi gọi là núi non. Sương mai tính cuộc vuông tròn. Phải dò cho đến ngọn nguồn đáy sông". Cụ Tình sinh được 4 người con (2 gái, 2 trai), các con, cháu, chắt của cụ cũng rất đam mê quan họ. Bà Nguyễn Thị Đức (SN 1968), là con dâu sống chung, phụng dưỡng cụ Tình 38 năm qua chia sẻ, hồi mới về làm dâu, bà không biết hát quan họ mặc dù rất yêu thích. Được mẹ truyền dạy cách lấy hơi, nhấn nhả ca từ, bà đã nhanh chóng bắt kịp, đồng thời tiếp tục dạy cho con, cháu trong nhà. Giờ đây, bà Đức thuộc hơn 100 bài quan họ lời cổ. "Mỗi lần dạy hát, cụ Tình vỗ tay làm nhịp phách, uốn nắn từng câu, đoạn bao giờ thành thục, nhuần nhuyễn, trôi chảy mới chuyển sang dạy bài khác", bà Đức nói. Còn trong trí nhớ của bà Đoàn Thị An (SN 1960) cháu ruột của cụ Tình, hồi trẻ, bà An thường sang nhà xem cụ vừa quấn tơ, chăn tằm vừa ngân nga câu hát và tập theo. Những ca từ trong các bài hát cứ vấn vương tâm trí, khiến bà yêu, say quan họ lúc nào không hay. Hiện bà An có thể biểu diễn hơn 150 làn điệu quan họ.

Trao truyền cho thế hệ sau

Kể về tuổi thơ của mình, nghệ nhân Đàm Thị Bùi vẫn nhớ như in những lần mình theo bà, theo mẹ đi xem hát ở hội làng, đình, chùa thâu đêm đến nỗi quên ăn, khi ấy cô bé Bùi mới khoảng 9-10 tuổi. Hồi học cấp 2, cấp 3 (nay là THCS, THPT), cô nữ sinh duyên dáng thường được chọn tham gia giao lưu, biểu diễn quan họ ở nhiều sự kiện do trường, địa phương tổ chức. Học hết phổ thông, bà Bùi tham gia công tác xã hội ở thôn, làm bí thư chi đoàn phụ trách mảng văn hóa, văn nghệ. 

Với mong muốn bảo tồn di sản quý giá cha ông để lại, năm 2004, từ chỗ chỉ là đội văn nghệ thôn với hơn 7 người, bà Bùi đứng ra thành lập CLB Quan họ Nội Ninh do bà làm chủ nhiệm. Cũng trong năm này, bà vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Đến nay, CLB đã thu hút hơn 40 thành viên, phần lớn là những người làm ruộng, buôn bán nhỏ, lao động tự do, trong đó có cụ Đàm Thị Tình. Điều đáng mừng trong CLB có cả em dâu, 2 cháu nội của bà Bùi và gần 10 em nhỏ từ 6-10 tuổi cũng tham gia sinh hoạt.

{keywords}

Nghệ nhân Ưu tú Đàm Thị Bùi (bên trái) cùng thành viên CLB Quan họ Nội Ninh chuẩn bị trang phục cho buổi sinh hoạt quan họ.

Nghệ nhân Đàm Thị Bùi, chia sẻ, quy tụ được nhiều thành viên đã khó song làm thế nào để mọi người hiểu và hát quan họ thật hay, đi vào lòng người càng khó hơn, nhất là quan họ lời cổ, hát không nhạc đệm. Đặc trưng của hát quan họ là vang, rền, nền, nẩy. Để đạt được những yếu tố này đòi hỏi người hát phải luyện tập kiên trì, bền bỉ, từ kỹ thuật lấy hơi, mở khẩu hình đến cách luyến láy mới có thể tạo nên sắc thái âm thanh đặc trưng của phong cách hát.

Không chỉ đơn thuần biết hát, nghệ nhân và thành viên trong CLB còn phải hiểu được cái hay, đặc sắc của văn hoá quan họ, đó là cách ứng xử khéo léo, tế nhị, kín đáo. Nhiều người ban đầu tham gia CLB bỡ ngỡ, chưa thuộc lời, chưa biết lấy hơi, luyến láy, được bà Bùi kèm cặp, hỗ trợ đã tiến bộ rất nhiều. Người ít, giờ cũng có thể hát từ 50 bài, người nhiều, từ 120-150 bài. Riêng bà Bùi thuộc và hát gần 200 bài quan họ lời cổ.

{keywords}

Hai mẹ con Nghệ nhân Ưu tú Đoàn Thị Tình và Đàm Thị Bùi.

Năm 2008, nhà văn hóa của thôn xuống cấp, dẫu kinh tế chưa hẳn khá giả, bà Bùi bàn với chồng, con sửa chữa, nâng cấp ngôi nhà cổ của gia đình để CLB Quan họ Nội Ninh hoạt động thuận tiện hơn. Những lần CLB hay các canh hát giao lưu tại gia đình, bà Bùi sẵn sàng nấu cơm, mua đồ ăn, thức uống, hoa quả, bánh kẹo tiếp đón nhiệt tình. Trong câu chuyện bà Bùi chia sẻ, bà cảm thấy biết ơn mẹ mình rất nhiều-người truyền cảm hứng, kèm cặp, uốn nắn, chỉ bảo bà về "lối chơi" quan họ, luôn động viên, mong muốn bà tiếp tục hoạt động bảo tồn di sản. 

"Năm 2019, lúc mẹ tôi bị ốm tưởng chừng không qua khỏi, bà nắm chặt tay tôi dặn dò, dẫu có thế nào con cũng cố gắng gìn giữ, truyền dạy quan họ cho thật nhiều người con nhé! Tôi chỉ biết ôm mẹ khóc mà không nói nên lời"- bà Bùi xúc động nói. Để nâng cao kỹ thuật hát, bà còn nhận được sự hướng dẫn, giúp đỡ của nhiều nghệ nhân tên tuổi, những giảng viên chuyên nghiệp, chuyên gia lĩnh vực quan họ của tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh.

Còn khỏe còn cống hiến

Mấy thập kỷ trôi qua, trải qua biết bao khó khăn, thăng trầm của làng quê, cụ Tình, bà Bùi đã quy tụ, truyền dạy cho hàng trăm người dân trong thôn, xã biết hát quan họ; thúc đẩy phong trào văn hóa, văn nghệ của địa phương phát triển. Ở nhiều hội diễn, liên hoan, canh hát do huyện, xã và các CLB tổ chức đều có sự đóng góp tích cực của 2 mẹ con bà. Nhiều giải thưởng đã được trao cho 2 mẹ con nghệ nhân và CLB Quan họ Nội Ninh. 

Vài năm trước, khi còn khỏe, dù ở tuổi 90 song cụ Tình vẫn tích cực tham gia Liên hoan hát quan họ do huyện Việt Yên tổ chức tại chùa Bổ Đà. Mỗi lần dự thi, các con, cháu đều đưa cụ đi, dìu lên sân khấu trước sự vỗ tay cổ vũ nồng nhiệt của đông đảo nhân dân, du khách thập phương. Hiện nay, tuy không tham gia sinh hoạt CLB như trước vì lý do sức khỏe, cụ Tình vẫn thường xuyên hỏi thăm, động viên kịp thời con cháu mỗi khi tham gia các hội diễn, giao lưu quan họ.

{keywords}

Nghệ nhân Ưu tú Đàm Thị Bùi (ngoài cùng bên trái) và các thành viên CLB Quan họ Nội Ninh chuẩn bị trang phục cho buổi sinh hoạt.

Với bà Bùi, vào những tháng hè vẫn tích cực phối hợp với Trường Tiểu học Ninh Sơn tổ chức truyền dạy quan họ miễn phí cho các em học sinh. Nhiều em trưởng thành thi đỗ vào các trường văn hóa, nghệ thuật. Hiện nay, ngoài duy trì hoạt động của CLB Quan họ Nội Ninh 1 buổi/tuần vào tối Chủ nhật tại Nhà Văn hóa thôn, bà Bùi còn thường xuyên phối hợp với một số chủ nhiệm CLB ở xã khác trong huyện tổ chức các canh hát giao lưu với các nghệ nhân của làng quan họ cổ ở Bắc Ninh. Vất vả, bận rộn với công việc của thôn và CLB song bà Bùi vẫn làm 8 sào ruộng, đồng thời có cửa hàng bán lân, đạm phục vụ bà con. Bà Bùi từng có 16 năm làm Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ, 6 năm làm Chi hội trưởng Chi hội Nông dân của thôn. Nay bà làm Trưởng Ban Công tác mặt trận thôn Nội Ninh.

Chia tay cụ Đoàn Thị Tình và bà Đàm Thị Bùi, trong tâm trí tôi vấn vương câu nói mộc mạc, chân thành của nghệ nhân Đàm Thị Bùi "Còn khỏe ngày nào, mẹ con tôi còn cống hiến".

Bài, ảnh: Công Doanh

Một chuyến Đồng Cao
(BGĐT) - Cách nay dăm năm, có một doanh nghiệp nghìn tỷ ở TP Hồ Chí Minh ra Bắc Giang khảo sát định đầu tư một dự án văn hóa - du lịch khá quy mô ở khu vực Tây Yên Tử. Quá trình khảo sát lập dự án, họ mời nhà văn Sương Nguyệt Minh đi cùng với tư cách là Giám đốc truyền thông tương lai của dự án.
Đinh ninh lời dạy của Người
(BGĐT) - Tháng Ba, tại Khu lưu niệm Sáu điều Bác Hồ dạy công an nhân dân (CAND) thuộc thị trấn Nhã Nam, huyện Tân Yên (Bắc Giang) những đoàn khách nối tiếp nhau tìm về. Tròn 5 năm kể từ khi công trình khánh thành (11/3/2018), mỗi cán bộ, chiến sĩ công an đến đây như được tiếp thêm động lực, nuôi dưỡng tâm hồn đạo đức trong sáng, từ đó nỗ lực học tập, làm theo lời dạy của Người.
Nửa vầng trăng vẫn sáng
(BGĐT) - Không gian cửa hiệu yên tĩnh, chỉ có tiếng kéo lách cách, tiếng máy sấy tóc chạy ù ù, mọi giao tiếp đều bằng chữ viết và dấu tay. Đó là điều đặc biệt khi đến salon tóc Duyên Trần của cặp vợ chồng khuyết tật (điếc bẩm sinh) ở khu 34, xã Song Mai (TP Bắc Giang).
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...