Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 27 °C / 23 - 36 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Phóng sự - Khám phá
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Nửa vầng trăng vẫn sáng

Cập nhật: 07:44 ngày 04/03/2023
(BGĐT) - Không gian cửa hiệu yên tĩnh, chỉ có tiếng kéo lách cách, tiếng máy sấy tóc chạy ù ù, mọi giao tiếp đều bằng chữ viết và dấu tay. Đó là điều đặc biệt khi đến salon tóc Duyên Trần của cặp vợ chồng khuyết tật (điếc bẩm sinh) ở khu 34, xã Song Mai (TP Bắc Giang).

Vượt lên số phận

Tiệm cắt tóc Duyên Trần do chính cô chủ Trần Thị Mỹ Duyên (SN 1995) thiết kế, sắp đặt gọn gàng, đẹp mắt. Duyên có gương mặt thanh tú luôn nở nụ cười thân thiện. Khách hàng vừa bước vào hiệu, cô chủ nhanh nhẹn giơ tay chào rồi đưa quyển sổ, chiếc bút để khách ghi yêu cầu. Chị Nguyễn Thị Vân Anh, ở thôn Phúc Hạ cùng xã, là khách quen lâu năm của Duyên muốn cắt ngắn mái tóc, chị giơ điện thoại chỉ ảnh mẫu, cô chủ hiểu ý và cầm bút viết vài dòng trên sổ tư vấn lại cho khách không cắt cao quá, để gương mặt được thon gọn. 

Khách hàng đồng ý, chủ quán bắt đầu các thao tác. Chiếc kéo nhỏ như múa trong bàn tay khéo léo của Duyên, phát ra tiếng lách cách. Quán cắt tóc không lời bởi cả Duyên và chồng đều không thể nghe được âm thanh, việc giao tiếp bằng lời nói cũng rất hạn chế. Câu chuyện giữa chúng tôi và cô chủ khuyết tật diễn ra lặng lẽ, chậm rãi qua những dòng chữ viết trên trang giấy và chiếc điện thoại. Có lúc không hiểu ý, tôi phải nhờ người thân của cô "phiên dịch" thêm.

Năm nay Mỹ Duyên 28 tuổi, là con gái đầu của ông Trần Văn Tuân và bà Thân Thị Thu Huyền, ở thôn Phúc Hạ, xã Song Mai. Sau Duyên còn một em gái hiện là sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2. Bà Huyền kể: “Khi mang thai được hơn 2 tháng, tôi bị rubella phát ban khắp người, phải dùng thuốc điều trị nhiều ngày mới khỏi. Tôi không ngờ loại virus quái ác đó đã ảnh hưởng đến đứa con trong bụng mà không hay”. Năm 1995, một bé gái xinh xắn chào đời được cha mẹ đặt cho cái tên thật đẹp là Mỹ Duyên với ước nguyện con gái lớn lên sẽ thông minh, xinh đẹp. 

Khi thấy con hơn một tuổi chậm nói cũng chẳng có phản xạ trước những tiếng động xung quanh, ông bà lo lắng đưa đi khám. Bác sĩ gọi vào thông báo con gái bị điếc bẩm sinh không có khả năng chữa trị, ông bà hụt hẫng đứng như trời trồng, tim như thắt lại, không dám tin vào sự thật. Đó là chuỗi ngày 2 vợ chồng phải trải qua nỗi buồn dai dẳng, thương con gái nhỏ sớm phải chịu thiệt thòi, ông bà đi tìm thầy, tìm thuốc khắp nơi, đến nhiều bệnh viện lớn tuyến trung ương nhưng thính lực của Duyên vẫn không cải thiện. Do bị điếc bẩm sinh nên khả năng nói của Duyên cũng rất hạn chế, cố gắng lắm em mới bập bẹ được vài tiếng ngọng nghịu.

{keywords}

Mỹ Duyên dùng giấy, bút viết ra sổ tư vấn làm đẹp cho khách hàng.

Mẹ là giáo viên tiểu học, bố thì chạy chợ buôn bán, hễ tiết kiệm được chút nào lại dồn hết cho Duyên ăn học, bởi ông bà luôn tâm niệm: “Dù thế nào cũng không được bỏ cuộc, phải cho con biết chữ để được giao tiếp với xã hội”. Ngặt nỗi, do không nghe được âm thanh, tiếng động nên dù ở nhà bố mẹ dành hết yêu thương, cố gắng đến mấy cũng không thể giảng giải giúp con gái hiểu. Bất đồng giao tiếp khiến cả nhà nhiều lần rơi vào bế tắc. Đến tuổi đi học, Duyên được mẹ cho đến trường mầm non, tiểu học để hòa nhập với các bạn. Từ năm 8 tuổi đến 17 tuổi, cô bé phải xa nhà học tập trung ở lớp chuyên biệt dành cho người điếc. Lúc đầu là tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh (nay là Cơ sở Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh), mấy năm sau hết chế độ ưu đãi, gia đình tìm cách gửi con sang tỉnh Bắc Ninh học tiếp.

Nhờ được cha mẹ hết lòng yêu thương chăm sóc, thầy cô chỉ bảo, Mỹ Duyên nhận thấy điếc chưa hẳn là tàn phế, cánh cửa cuộc đời không đóng chặt với bất cứ ai và quan trọng nhất là bản thân mình phải tự tin, nỗ lực không ngừng vượt lên số phận. Qua năm tháng rèn luyện, Mỹ Duyên học được kỹ năng giao tiếp ký hiệu của người điếc, biết viết tiếng Việt. “Con yêu bố mẹ nhiều lắm!”, “Con cảm ơn bố mẹ!” là những nét chữ đầu tiên được viết nắn nót thành câu hoàn chỉnh đong đầy cảm xúc về lòng biết ơn vô hạn được Duyên viết ra cho đến giờ bà Huyền, ông Tuân vẫn nhớ như in, lòng rưng rưng hạnh phúc.

Sống cùng đam mê

Từ nhỏ, Mỹ Duyên đã bộc lộ năng khiếu nghệ thuật, thích vẽ tranh, khâu vá, thêu thùa, may quần áo cho búp bê và đặc biệt rất kỹ tính, tỉ mỉ đến từng chi tiết. Học chữ xong, Duyên xin bố mẹ cho đi học nghề. Trước khi đến với nghề làm tóc, Mỹ Duyên từng học và làm nhiều công việc khác nhau như: May, làm móng… song thấy không phù hợp.

Thấy cô bé khuyết tật có gương mặt xinh xắn, đôi mắt linh lợi, khá nhanh nhẹn đến xin học việc, chủ một salon tóc ở TP Bắc Giang ngần ngại từ chối. “Em rất mong được học việc, mong anh giúp đỡ”, Duyên viết ra giấy. Cuối cùng cô cũng được nhận vào học thử, một tuần sau trở thành học viên chính thức. Cuối ngày, cô mượn đồ nghề về nhà thử nghiệm cắt tóc cho bố mẹ, các chị, em trong họ. Thấy cô bé thông minh, hiểu việc, khéo tay, chỉ sau 6 tháng đào tạo chủ cơ sở giữ Duyên ở lại làm thợ phụ rồi lên thợ cắt chính.

{keywords}

Mỹ Duyên - chủ salon tóc Duyên Trần làm đẹp cho khách.

Nhìn dáng vóc nhỏ nhắn, nụ cười tươi, ánh mắt trong veo sau cặp kính cận, đôi tay thoăn thoắt làm mọi việc như bao người khác, nếu mới gặp sẽ không ai nghĩ Mỹ Duyên là người khuyết tật. Thậm chí, có thời gian Mỹ Duyên lần theo địa chỉ trên mạng xã hội tự mình khăn gói ra Hà Nội tìm thầy dạy làm tóc cùng chung hoàn cảnh bị điếc để được học cắt tóc chuyên sâu. Đường kéo mỗi ngày “ngọt” hơn, chuyên nghiệp hơn, chỉn chu chăm sóc mái tóc làm vừa lòng khách, tên tuổi cô thợ cắt tóc khuyết tật ngày càng được nhiều người biết đến. Cô cũng được vinh danh trong nhiều cuộc thi “Nhà tạo mẫu xuất sắc”, “Nhà tạo mẫu tóc trẻ tiềm năng”. Sau nhiều năm kinh nghiệm, năm 2019, Mỹ Duyên về quê mở salon tóc Duyên Trần.

Nói về cơ ngơi hiện tại, bố của Duyên chia sẻ: “Được làm công việc yêu thích nên Mỹ Duyên rất chăm chỉ, chịu khó, từ sáng cho đến khuya phục vụ khách hàng mà lúc nào cũng vui vẻ, nhiệt tình. Giáp Tết, salon phải thuê người phụ việc. Sau vài năm tích lũy, Duyên góp vốn được vài trăm triệu cùng bố mẹ mua đất, mở cửa hiệu rộng rãi hơn tại tổ dân phố số 3, khu 34, kết hợp làm tóc, làm móng, chăm sóc da và đào tạo nghề cho người khuyết tật".

Một ngày đầu năm 2022, facebook Duyên Trần nhận được tin nhắn lạ gửi đến bày tỏ nguyện vọng được học nghề. Đó là em Lưu Ngọc Khuê (SN 2003), ở thị trấn Xuân Trường, huyện Xuân Trường (tỉnh Nam Định) - cũng bị điếc. Duyên nhận lời, đón học viên về dạy nghề. Nói rồi Duyên mở điện thoại ra chỉ vào hình một cô bé trong ảnh và khoe với chúng tôi Tết Nguyên đán vừa qua, Khuê đã xin được việc làm tại một salon tóc lớn tại Hà Nội với thu nhập đủ trang trải chi phí sinh hoạt cho bản thân.

Hạnh phúc giản dị với tổ ấm nhỏ

Năm 2021, Trần Thị Mỹ Duyên kết hôn với Ngô Quang Quý (SN 1993), quê ở Đình Bảng (Bắc Ninh). Anh là bạn học cùng lớp chuyên biệt khiếm thính từ nhỏ. Lúc này, Quý cũng là thành viên nòng cốt của Câu lạc bộ người điếc quận Long Biên (Hà Nội). Quyết định trở về Song Mai lập nghiệp, Quý được vợ dạy cắt tóc, gội đầu và nay có thể đứng làm việc độc lập.

"Người điếc nếu có tâm hồn đẹp, đôi tay khéo sẽ dùng đôi tay để vẽ lên cuộc sống. Người khuyết tật rất cần được mọi người tin tưởng" -  Mỹ Duyên tâm sự.

Mỗi khi gợi lại những kỷ niệm trong chặng đường đời của con gái, vợ chồng bà Huyền, ông Tuân cảm thấy hạnh phúc. Đúng là ông trời không lấy hết của ai. Duyên thông minh và mạnh mẽ, khéo léo. Ước mơ lớn dần theo năm tháng, mới đầu chỉ mong con biết chữ, biết viết, thế rồi lại có nghề, có việc để làm. Giờ đây, Duyên còn có tổ ấm hạnh phúc với chồng và con gái nhỏ hơn 6 tháng tuổi; là chủ cửa hiệu làm đẹp đông khách. Không những tự chủ trong cuộc sống với thu nhập khá, Duyên còn nhận đào tạo nghề, tạo việc làm, san sẻ khó khăn cho người cùng cảnh.

Trên bước đường khởi nghiệp của cô chủ khuyết tật không phải lúc nào cũng thuận lợi, cũng có lúc nước mắt rơi vì tủi thân, khi gặp thất bại, đôi tay rớm máu khi không may va vào lưỡi kéo sắc nhọn. Thế rồi, hạnh phúc đã nở hoa, kết trái nhờ những nỗ lực, cố gắng không ngừng. Ngoài dành cho công việc, những lúc rảnh rỗi, Mỹ Duyên tự đặt vé máy bay đi Đà Lạt, Nha Trang hay các điểm du lịch nổi tiếng trong nước để trải nghiệm cuộc sống, mở mang kiến thức.

Trên địa bàn tỉnh còn nhiều hoàn cảnh kém may mắn, nhất là những em nhỏ bị khiếm thính. Tiếc rằng đâu đó vẫn có người chưa hiểu, chưa thực sự quan tâm hoặc ở cộng đồng vẫn thiếu thiết chế văn hóa, thể thao, giáo dục phù hợp tạo điều kiện cho người khuyết tật được hòa nhập. Khi trở về nhà, Mỹ Duyên gửi cho tôi dòng tin nhắn: “Người điếc có tâm hồn đẹp, đôi tay khéo và sẽ dùng đôi tay để vẽ lên cuộc sống. Người khuyết tật rất cần được mọi người tin tưởng”. Duyên ước mơ có nhiều lớp dạy tiếng Việt, dạy nghề phù hợp với năng lực, sở trường của mỗi người để cánh cửa vào đời không đóng chặt với người khuyết tật. Dự định tới đây, Mỹ Duyên sẽ tổ chức các chương trình cắt tóc miễn phí cho trẻ em ở Cơ sở Bảo trợ xã hội tổng hợp và một số bệnh viện trong tỉnh; tiếp tục đào tạo nghề cho học viên đồng thời cập nhật xu hướng thời trang hiện đại để phục vụ khách hàng ngày một tốt hơn.

Bài, ảnh: Mai Toan

Tìm lại nụ cười cho trẻ khuyết tật
(BGĐT) - Hiếm nơi nào mà thầy thuốc thuộc hết cả tên, tuổi, quê quán, tính cách, sự phát triển của bệnh nhân như ở Khoa Nhi (Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh Bắc Giang). 
Chàng trai Bắc Giang "gieo" chữ Việt trên đất bạn Lào
(BGĐT) - Vừa tốt nghiệp đại học, quãng thời gian đẹp nhất của tuổi thanh xuân, chàng trai Nguyễn Thành Ngọc (SN 1991) ở thôn Tó, xã Nghĩa Phương, huyện Lục Nam (Bắc Giang)  đã tạm gác lại hạnh phúc riêng tư, dành gần 9 năm sang nước bạn Lào giảng dạy tiếng Việt. Tâm nguyện của anh là được gieo con chữ và văn hoá Việt cho học sinh Lào và kiều bào tại đây.
Trung tá Vũ Thị Liên: Dấn thân, cống hiến vì nhiệm vụ thiêng liêng
(BGĐT) - Giữa bộn bề khó khăn ở Cộng hòa Trung Phi - nơi mà tiếng súng đạn có thể vang lên bất cứ lúc nào, cùng với khí hậu, thời tiết khắc nghiệt,  Trung tá Vũ Thị Liên (SN 1981), cán bộ Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam (quê ở thôn Liễu Nham, xã Tân Liễu, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang) đã nhanh chóng vượt qua những lo lắng, nỗi nhớ quê hương, gia đình để thực hiện nhiệm vụ của người lính với tinh thần dấn thân và cống hiến.
Lưu luyến chợ tình Thác Lười
(BGĐT) - Đầu xuân, khi hoa mận nở trắng sườn đồi, không khí mùa xuân vẫn lan toả cũng là lúc phiên chợ tình Thác Lười ở xã vùng cao Tân Sơn, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) quay trở lại. Những bóng áo chàm nô nức xuống núi; câu hát sli, lượn, sloong hao ngân nga khắp núi rừng báo hiệu mùa hội mới lại về, để thương, để nhớ, để luyến lưu qua những ánh mắt, nụ cười...
Việt Yên - thị xã trong tầm mong
(BGĐT) - Với tôi, có một Việt Yên ký ức và một Việt Yên hiện tại. Gọi là ký ức nhưng cũng không xa xôi mấy bởi gần chục năm trước, tôi lần đầu tiên được đến vùng quê quan họ Bắc sông Cầu. Mới đây trở lại, câu quan họ vẫn mặn nồng như xưa, còn huyện Việt Yên đã mang hình dáng của một thị xã - thị xã trong tầm mong.
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...