Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 29 °C / 25 - 28 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Phóng sự - Khám phá
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Đổi thanh xuân gieo mầm hy vọng

Cập nhật: 08:09 ngày 01/09/2022
(BGĐT) - Gần 30 năm trước, họ lên vùng đèo dạy học theo sự phân công. Nhưng tình yêu, sự khao khát con chữ của những đứa trẻ vùng cao đã níu họ ở lại. Và rồi họ đã gửi trọn tuổi thanh xuân của mình nơi núi rừng để “cõng” chữ lên non, thắp lên ước mơ, gieo mầm hy vọng vươn ra khỏi núi, thoát ra khỏi nghèo cho bao lớp học trò. 

Đó là câu chuyện của vợ chồng nhà giáo Đoàn Văn Sơn - Đinh Thị The, Trường Tiểu học Hộ Đáp (huyện Lục Ngạn) gần 30 năm bám bản.

Gian nan vượt đèo “gieo chữ”

Hộ Đáp là một trong 4 xã vùng lòng hồ Cấm Sơn thuộc diện khó khăn nhất của huyện miền núi Lục Ngạn. Bà con nơi đây chủ yếu là người dân tộc Nùng, tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 40%. 

{keywords}

Đường tới trường ngày mưa của thầy trò khu lẻ, Trường Tiểu học Hộ Đáp.

Thầy Nông Xuân Huỳnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hộ Đáp cho biết: Vì đường sá xa xôi, cách trở bởi hồ đập, dốc cao, dân cư thưa thớt nên trước kia, ngoài điểm chính, trường có 11 khu lẻ, nay thu gọn lại còn 5 thì vợ chồng thầy Sơn, cô The đi dạy gần như hết các khu. Đi tới đâu, họ cắm chốt ở luôn nhà tập thể ở đó, bám bản, bám trường.

Tại “đại bản doanh” khu Héo B- nơi được cô The giới thiệu là khang trang nhất trong số các nơi vợ chồng cô ở là căn nhà ngói 2 gian xuống cấp nằm chênh vênh trên sườn núi. Trong căn phòng, ngoài chiếc máy tính và máy in là có giá trị thì không có thứ nào đáng giá. 

Cô The kể: "Vợ chồng em bằng tuổi, cùng sinh năm 1975. Học xong sư phạm, năm 1994, chồng em lên đây công tác; năm sau thì em lên. Cùng là giáo viên vùng xuôi, anh Sơn quê ở huyện Lương Tài (tỉnh Bắc Ninh), em quê xã Yên Mỹ (huyện Lạng Giang) nên chúng em bén duyên. 

Từ ngày ra trường tới nay đã gần 30 năm, vợ chồng em chỉ dạy ở Trường Tiểu học Hộ Đáp và cũng chỉ dạy ở khu lẻ. Ai cũng bảo sao không xin về xuôi cho gần nhà nhưng đất lạ thành quen, ở rồi không nỡ rời xa; nhất là ở các khu lẻ, cổng trường mở ra là thêm cơ hội, động lực cho trò nghèo tới trường".

{keywords}

Lãnh đạo Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh, Liên đoàn Lao động huyện Lục Ngạn và thầy Nông Xuân Huỳnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hộ Đáp thăm vợ chồng thầy Sơn, cô The ở khu lẻ.

Ở Hộ Đáp, mỗi điểm trường lẻ cách nhau tầm 5, 6 km; nơi xa lên tới cả chục cây số. Đường sá mấy năm gần đây đã được bê tông nhưng vẫn dựng đứng, ngoằn ngoèo. Ngày nắng còn khá chứ ngày mưa, nhiều ngầm qua suối bị ngập, cô trò chỉ còn nước đi thuyền hoặc đi bộ tới trường.

Khó khăn là thế nhưng bà con nơi đây thấy vợ chồng cô giáo người Kinh địu con nhỏ đến từng nhà, ở cùng bản, gần gũi vận động đưa trẻ tới trường nên không ai nỡ phụ. Nhiều năm nay, xã không có trẻ bỏ học, không có trẻ mù chữ, trẻ khuyết tật cũng ra lớp, học sinh mạnh dạn, tự tin hơn trong giao tiếp, học tập.

25 năm sinh cơ lập nghiệp ở vùng cao Hộ Đáp, dạy ở khu lẻ nào, vợ chồng thầy Sơn, cô The lại bồng bế con thơ tới đó. Năm 2007, khi con gái lớn học lớp 4, con trai mới 3, 4 tuổi, vợ chồng mỗi người dạy một khu, không có ai trông con, cô The đành bàn với chồng gửi con về nhà ngoại.

“Con mình gửi đi, ở lại vùng cao dạy con thơ, vợ chồng em nghĩ nhiều chứ! Đã thế lúc ấy đi lại khó khăn, điện thoại không có, xe máy thì không, hai tuần vợ chồng em mới về thăm con một lần; mỗi lần về đi hàng trăm cây số. Sau có điện thoại, chiều tối về là em leo lên đỉnh núi để bắt sóng, dạy con từ xa. 

Con bé thương bố mẹ, tự giác, ngoan ngoãn, từng đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh và đỗ vào Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Cháu trai học ở bản, hiện là sinh viên năm thứ 2 Trường Đại học Kinh doanh Công nghệ Hà Nội”- thầy Sơn chia sẻ.

Càng trên đèo càng dạy tốt

So với học sinh thành thị, học trò vùng cao nhận thức phần nào hạn chế, chậm hơn. Chưa kể, bố mẹ, người thân cũng ít sát sao, quan tâm hơn tới việc học của con cái. 

Có em vào lớp 1 vài tháng vẫn chưa biết cách cầm bút; chữ O, chữ A viết nguệch ngoạc, kín cả quyển vở. Có em phép cộng trừ, bản cửu chương đơn giản dạy mãi không thuộc. “Những lúc đó, mình phải kiên trì, động viên các con, bực mấy cũng không mắng chúng bởi nếu mắng, trẻ sẽ bi quan, chán nản” - cô The cho hay.

{keywords}

Một giờ lên lớp của cô The.

Dạy ở khu lẻ từ hàng chục năm trước nên cô The, thầy Sơn được giáo viên trong trường suy tôn là “chuyên gia lớp ghép”. Mỗi lớp ghép bảng chia 3 phần, 3 trình độ nên quan trọng nhất là rèn học sinh có ý thức, tự giác để khi thầy/cô dạy lớp này, lớp kia phải tự học.

Cô The bảo, khó khăn lắm học sinh mới đến được trường. Khó khăn lắm mới thay đổi nhận thức của bà con dân tộc nên nếu người thầy không thay đổi phương pháp, chỉ dạy cho xong, cho hết giờ thì chả mấy, trò sẽ chán học. Ti vi em có thể chưa mua nhưng máy tính, máy in thì em mua từ rất sớm để phục vụ giảng dạy.

Từ những năm 1999, cô The đã là một trong số ít giáo viên cắm bản đăng ký thi giáo viên dạy giỏi. Khi đó, ở Lục Ngạn là chuyện hiếm bởi thật sự, có giáo viên bám bản đã tốt, mong gì đến đổi mới, chất lượng. 

Cô cũng là người đầu tiên tự bỏ tiền túi đi học đại học ở Bắc Ninh để như cô nói, được tiếp cận kiến thức mới, không bị lạc hậu. “Vợ chồng em bàn nhau lần lượt đi học, vợ học trước, chồng học sau để còn có người trông con, trông bọn trẻ ở bản”.

Đoạn đường từ xã Hộ Đáp ra thị trấn Chũ gần 30 cây số trèo đèo, lội suối; từ Chũ về TP Bắc Ninh cũng ngót nghét 6, 7 chục cây số nên cô The tranh thủ đi từ 4 giờ sáng thứ 7, học 2 ngày, tối Chủ nhật tới gần đêm cô mới về tới nhà để sáng mai đi dạy tiếp. Cứ thế, năm 2011, cô học xong đại học; sau tới chồng. Năm 2000, 2001, vợ chồng cô lần lượt vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng.

Năm 2016, cô đăng ký thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, sau liên tiếp từ năm 1999 là giáo viên dạy giỏi cấp cơ sở và cấp huyện. Nhiều người bảo, già còn đi thi; rồi dạy ở bản, một mình một khoảnh ai kiểm tra mà cần dạy giỏi… song cô The đã làm nhiều người phải nghĩ lại. 

Cô là một trong số ít giáo viên tiểu học của huyện Lục Ngạn đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp tỉnh chu kỳ 2016-2019 và là giáo viên bám bản duy nhất của tỉnh là giáo viên giỏi cấp tỉnh.

Yêu thương xin gửi nơi này

Bám bản dạy học 27, 28 năm, một năm vợ chồng thầy Sơn, cô The chỉ về quê hai lần, vào dịp hè, mấy ngày Tết và cũng phải chia đều cho 2 quê. Gần đây, vợ chồng cô dành dụm xây được căn nhà nhỏ ở Yên Mỹ, gần ông bà, con gái, gọi là có chỗ chạy đi chạy lại. 

{keywords}

Gian nhà tập thể bám bản của vợ chồng thầy Sơn, cô The.

Hỏi nhà xây rồi, vợ chồng có định chuyển về gần không, thầy Sơn bảo: “Thú thực, ngày trước em nghĩ chỉ ở vùng cao vài năm rồi xin về, ai dè cắm chốt đến tận bây giờ. Giờ thì suy nghĩ chuyển về quê không còn đau đáu nữa, chỉ mong bố mẹ hai bên khỏe để vợ chồng em yên tâm công tác, bám bản, bám trường thôi”.

Nhiều lớp học trò của thầy Sơn, cô The giờ đã trưởng thành, thực hiện được ước mơ vươn ra khỏi núi, thoát ra khỏi nghèo, là đồng nghiệp của chính thầy cô mình. 

Thầy Pòn, cô Thảo tiếp tục “truyền lửa” ở khu lẻ; cô Kèo, cô Ngọc, cô Hương là giáo viên mầm non; có người là chủ trang trại, người làm kinh doanh, người mở mang đi nước ngoài làm việc…

Chủ tịch UBND xã Hộ Đáp Tô Văn Sơn bảo, giờ thầy Sơn, cô The đã là người của bản, họ biết nói tiếng đồng bào, biết phong tục tập quán địa phương và được bà con quý mến, tin tưởng. 

Trong làng ngoài xã, xóm trên xóm dưới ai cũng biết thầy cô; người già người trẻ, cả bản đều gọi bằng Thầy, bằng Cô, nghĩa tình lắm.

Gần trọn đời cống hiến “cõng” con chữ lên non, chưa một lần cô The được ra tỉnh nhận bằng khen. Cô bảo được xã, huyện khen là quý rồi bởi vì yêu mà cô ở lại, gắn bó với nơi này, để học trò nghèo vùng cao biết chữ, ham học chứ không vì thành tích.

Trên tường lớp học khu chính cô mới được chuyển ra ít hôm, cô viết dòng chữ “Nếu sống trong khích lệ, em có lòng tự tin”. Đấy cũng là lời nhắc của cô, mấy chục năm dạy ở khu lẻ, làm sao gieo lên sự tự tin, gieo lên niềm hy vọng cho những đứa trẻ thiệt thòi về một ngày mai tươi sáng hơn.

Và đúng là chỉ khi có tình yêu, lòng yêu nghề, thầy Sơn, cô The và biết bao giáo viên bám bản trên toàn quốc mới dám gửi cả tuổi xuân, quên những toan tính đời thường để cho con chữ nảy mầm, cho cuộc đời tươi đẹp.

Phóng sự của Thu Hương - Minh Thu

Vinh danh 50 giáo viên có nhiều sáng kiến dạy học trong điều kiện khó khăn
Sáng 20/11, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tập đoàn Thiên Long tổ chức Chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" 2021 theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Tự chủ trong dạy học: Phát huy tính sáng tạo của giáo viên
(BGĐT) - Ngành Giáo dục tỉnh Bắc Giang đang đẩy mạnh trao quyền tự chủ trong chuyên môn, tạo nên nhiều thay đổi về cơ chế quản lý, tổ chức giảng dạy. Đây là điều kiện thuận lợi để mỗi nhà giáo phát huy năng lực, sức sáng tạo trong mỗi giờ lên lớp giúp học sinh nắm vững, hiểu sâu bài học.
Thầy giáo Việt và hành trình 10 năm gieo chữ trên đất Lào
Bằng lòng yêu nghề và nhiệt huyết tuổi trẻ, hơn 10 năm qua, thầy giáo Trương Văn Phương đã hết mình với nhiệm vụ dạy tiếng Việt trên đất Lào cho các thế hệ con em Việt kiều và học sinh nước bạn.
Thanh xuân gieo chữ ở vùng cao
(BGĐT) - Dạy học ở các xã vùng cao đặc biệt khó khăn không còn gian nan như trước bởi trường lớp khang trang, đường sá được đổ bê tông, trải nhựa giúp cho việc đi lại dễ dàng hơn. Nhiều thầy cô đã coi nơi đây là quê hương thứ hai. 
Gieo chữ trên non
Cô và trò Trường Tiểu học Cấm Sơn - Lục Ngạn.
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...