Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 31 °C / 25 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Phóng sự - Khám phá
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Kỷ niệm 68 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5 (1954- 2022): Một thời khắc cốt, ghi tâm

Cập nhật: 10:17 ngày 06/05/2022
(BGĐT) - Ở xã Thường Thắng, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang), có một “Hội những người tham gia chiến dịch Điện Biên”. Hội gồm 13 chiến sĩ tham gia chiến đấu ở chiến trường Điện Biên năm xưa, người còn sống nay đã ở tuổi 90. 

Tôi về xã Thường Thắng vào một ngày đầu tháng Năm, lúa trên đồng xanh mướt; nắng vàng tràn trên những con đường bê tông rộng đẹp uốn lượn vào từng ngõ xóm; những ngôi nhà khang trang thấp thoáng sau vườn cây. Ngôi nhà ông Văn Hữu Nhì đang ở thuộc thôn Dinh Đồng cũng khang trang như vậy. Nghe tiếng gọi cổng, ông sang sảng nói vọng ra. 

{keywords}

Tôi thật ngỡ ngàng, ở tuổi 90 nhưng ông vẫn rất minh mẫn và khỏe mạnh, đi lại phăm phăm. Ngồi trong nhà treo nhiều kỷ vật liên quan, ông Nhì ngậm ngùi: “13 người tham gia chiến dịch Điện Biên năm xưa nay chỉ còn 4, 9 ông kia đã theo tướng Giáp về nơi tiên tổ rồi”. 

Nói rồi ông chỉ vào từng người trong bức ảnh các chiến sĩ Điện Biên xã Thường Thắng chụp trong một lần gặp mặt: “Ông Thử ở thôn Đồng Tâm đã 99 tuổi nay bị điếc, nặng tai lắm không thể nghe được gì. Ông Lược, 90 tuổi ở thôn Đoàn Kết bị liệt, phải ngồi xe lăn nhiều năm rồi. Bây giờ có chuyện trò được chỉ có tôi và ông Đinh Xuân Nam ở thôn Thống Nhất”. 

Tôi tự nhủ: “Chiến thắng Điện Biên Phủ đã qua 68 mùa hoa ban. Những chiến sĩ năm ấy người ít nay cũng đã trên dưới 90 tuổi. Quy luật “sinh, lão, bệnh, tử” đâu chừa ai”.

Ông Nhì kể: "Tôi tham gia bốn chiến dịch lớn là Hòa Bình, Tây Bắc, Thượng Lào và Điện Biên. Bắt đầu đi từ năm 1949, sau đó về quê cưới vợ rồi lại đi tiếp. Ngày ấy ở quê, cứ nghe thấy kẻng báo động là thanh niên tập trung đi luôn, không ai nề hà gì. Cùng đi với tôi đợt ấy (năm 1951) còn có 3 ông khác cùng xã. Hành trang mang theo là bộ quần áo, đôi dép cao su và… khí thế chiến đấu. Bốn chúng tôi cùng ăn một nồi, chỉ là ngủ khác giường thôi". 

{keywords}

Ông Đinh Xuân Nam.

Chiến trường Điện Biên nóng bỏng, ông Nhì là chiến sĩ thuộc Đại đội 241, Tiểu đoàn 11, Trung đoàn 141, Đại đoàn 312. Đơn vị ông nhận nhiệm vụ đánh đồi E1, quân Pháp đặt nơi đây là cứ điểm quan trọng trong cụm cứ điểm phòng ngự. Chúng xây dựng thành một cứ điểm rất mạnh, có hệ thống giao thông hào bao quanh, nối dọc ngang rất cơ động trong tác chiến. Cứ khoảng 3 m lại có một hố đựng sẵn vài chục quả tạc đạn màu vàng, trên xếp những bao cát, đất dày, rất khó phá bằng đạn pháo. 

Từ E1 có thể quan sát, khống chế mọi hoạt động tiếp cận của ta từ phía đường 42 vào và là lá chắn bảo vệ an toàn cho trận địa pháo và Sân bay Mường Thanh của địch. Chính vị trí quan trọng như vậy nên trận chiến đấu ở đồi E1 luôn trong tình huống “ngàn cân treo sợi tóc”. Để miêu tả về trận chiến ác liệt ở cứ điểm này, ông Nhì đã đọc cho tôi nghe bài thơ ông sáng tác: “Đồi E1 cao chừng trăm mét. Chiều dài chừng độ trăm ôm. Giữa lòng đồi giao thông hào chằng chịt. Bốn phía lỗ châu mai bắn khói mù. Tiến lên tiến lên phải dùng bằng xương máu. Nhìn về đồi Him Lam nghĩa địa lánh ánh vàng. Bao đồng chí, đồng đội ta nằm đó. Cách đây 17 ngày còn đánh trận Him Lam. Ước gì máy ảnh có đây. Chụp để kỷ niệm sau này cho dân”.

Sau khi chiếm lĩnh được trận địa E1, đơn vị lại có lệnh rút ra ngoài, ông Nhì ăn cùng đồng đội bắt đầu học cách đánh tập đoàn cứ điểm. Những thuận lợi, khó khăn của cả hai bên, địch ra sao, ta thế nào được chỉ huy quán triệt. “Ta bé, nó to, chúng tôi phải rất tinh ý, cẩn trọng đề phòng địch giả vờ đầu hàng rồi quay lại bóp cổ mình thì khó mà chống cự”. Để cho tôi dễ hình dung, ông đứng hẳn dậy diễn tả lại những thế đánh nơi chiến trường. Năm 1953, ông được kết nạp vào Đảng, vinh dự này càng thôi thúc ông tiến lên chiến đấu.

Kỷ niệm chiến trường nhiều, nhưng ông Nhì nhớ rất rõ hai trận đánh quan trọng. Trận đợt 1 từ ngày 13/3/1954, ông vinh dự được trực tiếp tham gia chiến đấu ở đồi Him Lam- nơi có một tiểu đoàn địch rất tinh nhuệ. “3 giờ chiều chúng nổ súng thì gặp pháo binh ta bắn tới tấp, bị bộ đội ta tấn công, tiểu đoàn địch khoảng 300 tên bị ta tiêu diệt tại chỗ 100 tên, còn lại là bắt sống. Mừng lắm, văn công biểu diễn, bộ đội ta mừng công vui như hội”- ông Nhì kể. 

{keywords}

Ông Văn Hữu Nhì (bên phải).

Bước sang đợt 2 bắt đầu từ ngày 29/3, quân ta mượn đường đồi E1 rồi tiến vào Sân bay Mường Thanh. Là Tiểu đội phó, ông Nhì vào tận phía trong sân bay với nhiệm vụ cắt đứt đường tiếp viện bằng không quân của Pháp. Trên đường vào, giao thông hào khó có thể bước được nhanh do thương binh nằm la liệt, án ngữ lối đi. Ông tự nhủ phải chạy lên phía trên của giao thông hào thì mới di chuyển nhanh được. Chạy được khoảng 10 m thì đại bác địch bắn trúng vị trí cũ, ông thoát chết trong gang tấc nhưng lại bị thương khi tiến vào phía trong Sân bay Mường Thanh. 

Đến ngày 31/3/1954 có lệnh đi ra, lúc này súng đạn đã cạn, cấp trên phổ biến các chiến sĩ tự đánh, tự làm, tự ăn, tự lấy súng của địch để chiến đấu. Thời điểm này, ông Nhì không may bị địch bắn vào tay (tỷ lệ thương tật 21%), sau này ông được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba.

Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, 13 chiến sĩ quê hương Thường Thắng đều sống sót trở về, thành lập “Hội những người tham gia chiến dịch Điện Biên xã Thường Thắng”. Tình đồng chí, đồng đội và cuộc sống trong chiến tranh, những gian khổ, mất mát được các ông ôn lại. Khi sức khỏe cho phép, những người chiến sĩ ấy vẫn tích cực tham gia Hội Cựu chiến binh ở địa phương, đóng góp cho các hoạt động xã hội.

Đối với ông Đinh Xuân Nam (90 tuổi), mỗi lần nhắc đến Chiến thắng Điện Biên Phủ là ký ức trong ông lại tràn về những cảm xúc khó tả xen lẫn niềm vinh dự, tự hào. Hình ảnh đoàn quân của ta dũng mãnh, đeo súng còn quân địch đầu hàng, giơ tay là khoảnh khắc không bao giờ quên với ông. Những ngày “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt, máu trộn bùn non” nhưng “gan không núng, chí không mòn” đúng như bài thơ “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên” của nhà thơ Tố Hữu là hành trang theo ông suốt cuộc đời.

Ông Nam sinh ra ở xã Thường Thắng trong gia đình có 4 anh em trai. Mới lấy vợ, 3 anh em lại cùng đi bộ đội, ông thuộc diện tạm hoãn nhưng đã giấu gia đình xung phong đi chiến trường vào tháng 3/1951, trực tiếp tham gia chiến dịch Tây Bắc. Tháng 10/1953, đơn vị ông ém quân ở tỉnh Yên Bái, tất cả đều hành quân bí mật vào ban đêm. 

Những ngày tháng 3/1954, địch liên tục bắn pháo lên Đồi Xanh, nhưng quân ta vẫn đào hào để chuẩn bị chiến đấu. Với cách đánh phù hợp đã hạn chế tối đa thương vong ở phía ta. Trời lạnh căm căm, đói rét hoành hành, giày không có, chỉ là đôi dép cao su đi bộ. Để chống lại đói rét, đi đào công sự, mọi người tích cực nhổ cỏ, một phần để chống pháo, còn phần lớn để chống rét. Thức ăn là rau rừng, củ mài, măng hái dọc đường. Chiến lợi phẩm thu được của địch làm của mình, chăn cắt đôi mỗi người một nửa… 

“Lúc ấy hăng hái lắm, ở nhà thì sợ chứ ra chiến trường ai cũng hừng hực khí thế chiến đấu. Đồng bào Tây Bắc thật tốt, hỗ trợ bộ đội rất nhiều; gạo nếp bà con hết nấu xôi lại làm các loại bánh mang tặng bộ đội, rất xúc động”- ông Nam nhớ lại. Trong điều kiện địa hình hiểm trở, thời tiết khắc nghiệt và chỉ bằng những dụng cụ thô sơ, khó khăn, gian khổ là vậy nhưng nhờ sức mạnh đoàn kết của cả dân tộc, quân và dân ta đã làm nên chiến thắng "Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu".

Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, 13 chiến sĩ quê hương Thường Thắng đều sống sót trở về, thành lập “Hội những người tham gia chiến dịch Điện Biên xã Thường Thắng”. Tình đồng chí, đồng đội và cuộc sống trong chiến tranh, những gian khổ, mất mát được các ông ôn lại. Khi sức khỏe cho phép, những người chiến sĩ ấy vẫn tích cực tham gia Hội Cựu chiến binh ở địa phương, đóng góp cho các hoạt động xã hội. 

{keywords}

Những người lính xã Thường Thắng nơi chiến trường Điện Biên năm xưa trong một lần gặp mặt. Ảnh tư liệu

Ông Ngọ Văn Bẩy, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Thường Thắng cho biết: Địa phương vinh dự có nhiều người tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Khi còn khỏe, năm nào chính quyền, Hội Cựu chiến binh xã cũng tổ chức gặp mặt, ôn lại những ngày tháng chiến đấu vô cùng gian khổ, hiểm nguy nhưng đầy anh dũng”. Đây cũng chính là hành trang của những chiến sĩ Điện Biên năm xưa, cũng là những nhân chứng sống truyền lửa cho bao thế hệ trẻn.

Bài, ảnh: Thu Phong
Giới chuyên gia Nga ca ngợi Chiến thắng Điện Biên Phủ
Tại Moskva, nhân kỷ niệm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2021) của nhân dân Việt Nam, Tiến sĩ Evgeny Vlasov – Phó Hiệu trưởng phụ trách Quan hệ Quốc tế Đại học Tổng hợp Liên bang Viễn Đông, LB Nga (FEFU) đã chúc mừng các bạn Việt Nam làm nên sự kiện "Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu".
Chiến thắng Điện Biên Phủ- Mốc son chói lọi
Chiều 7/5/1954, quân đội nhân dân Việt Nam đã tiêu diệt hoàn toàn Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ mạnh nhất Đông Dương của thực dân Pháp, bắt sống tướng chỉ huy De Castries, kết thúc thắng lợi trận quyết chiến chiến lược kéo dài suốt 56 ngày đêm. Chiến thắng Điện Biên Phủ chấm dứt ách thống trị của thực dân Pháp kéo dài hàng thế kỷ, mở ra bước phát triển mới cho cách mạng Việt Nam, Lào, Campuchia.
Chiến thắng Điện Biên Phủ: Sức mạnh Việt Nam và tầm vóc thời đại
Chiến thắng Điện Biên Phủ là đỉnh cao của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, tạo cơ sở căn bản đi đến ký kết Hiệp định Genève 1954 về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương.
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...