Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 31 °C / 25 - 29 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Phóng sự - Khám phá
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Kỷ niệm 67 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2: Như cánh chim không mỏi

Cập nhật: 09:36 ngày 25/02/2022
(BGĐT) - Mặc trời mưa hay gió rét, bà Tống Thị Quang (SN 1953), tổ dân phố số 1, thị trấn Bích Động, huyện Việt Yên (Bắc Giang) vẫn đến từng gia đình có người nhiễm, nghi nhiễm Covid-19 hay có mặt tại điểm tiêm vắc-xin hỗ trợ kiểm tra, tư vấn, chăm sóc sức khỏe cho người dân. Suốt 36 năm công tác trong ngành Y tế và những năm nghỉ hưu, bà luôn tự hào về nghề cao quý, dù bao vất vả, gian nan.  

Nghỉ hưu không nghỉ việc

Năm 1972, sau khi tốt nghiệp Trường Cán bộ Y tế Hà Bắc, cô y sĩ trẻ Tống Thị Quang về công tác tại Bệnh viện Đa khoa huyện Lục Ngạn, 5 năm sau chuyển về Bệnh viện Đa khoa huyện Việt Yên. Thời kỳ đó, bà là Trưởng Khoa Bệnh xã hội (phụ trách chuyên khoa lao), nhiệm vụ hằng ngày là trực tiếp khám, điều trị cho bệnh nhân lao. 

{keywords}

Bà Tống Thị Quang và đại diện tổ dân phố thường xuyên nắm bắt công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.

Đây là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nên thời gian đầu, bà phải làm công tác tư tưởng rất nhiều với người thân để được tiếp tục theo con đường đã chọn. “Suốt bao năm, cả bệnh viện chỉ có mình tôi phụ trách chuyên khoa này. Những lần trò chuyện, thăm khám, hướng dẫn người bệnh điều trị, cảm nhận được nỗi mặc cảm, đơn độc vì nhiều người xa lánh nên tôi thấu hiểu, sẻ chia, động viên họ cố gắng vượt qua”, bà Quang chia sẻ.

Trong 36 năm công tác, bà Quang có hơn 30 năm tham gia vai trò ủy viên ban chấp hành, trưởng ban nữ công, chủ tịch công đoàn bệnh viện. Tháng 2/2008, bà nghỉ hưu. Vừa nhận sổ hưu, cán bộ khu phố đã đến nhà mời bà tham gia công tác ở cơ sở. 

Lúc đầu, bà Quang từ chối vì nghĩ tuổi cao, muốn dành phần cho thế hệ trẻ. Nhưng rồi cấp ủy tin tưởng, người dân trông mong, mọi người trong gia đình ủng hộ, động viên nên bà đồng ý. Vậy là nghỉ hưu nhưng không nghỉ việc, có thời gian bà làm cộng tác viên dân số, rồi chi hội trưởng chi hội phụ nữ, người cao tuổi, chữ thập đỏ, thậm chí còn bận rộn hơn lúc còn công tác.

Quả vậy, liên hệ nhiều lần nhưng phải sắp xếp mãi, chúng tôi mới gặp được bà. Ngồi chờ trong căn nhà nhỏ, bên cốc trà gừng còn hơi nóng giữa tiết trời mưa rét, chúng tôi được ông Đỗ Văn Cấp, chồng bà Quang chia sẻ về vợ - đồng nghiệp của mình. “Cùng công tác trong ngành Y nên tôi luôn thấu hiểu và chia sẻ với bà ấy; chung sống với nhau mấy chục năm, tôi còn thêm cảm phục nữa. Trước đây công việc bận rộn, bố mẹ già yếu, con còn nhỏ, bà nhà tôi cứ xong xóc cả ngày, vất vả lắm nhưng chả thấy kêu ca bao giờ. Nay tham gia việc chung, việc xã hội nhưng vẫn lo toan chu toàn mọi thứ”.

Ông Nguyễn Văn May, Tổ trưởng Tổ dân phố số 1 cho biết: “Tham gia nhiều vai mà vai nào bà Quang cũng tròn trách nhiệm, được cấp ủy tin tưởng, nhân dân yêu mến. Những đóng góp của bà đã góp phần đưa các phong trào của tổ dân phố luôn dẫn đầu thị trấn Bích Động”. Được biết, năm 2021, bà Quang được Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, Chủ tịch UBND huyện Việt Yên khen thưởng do có thành tích trong công tác chống dịch Covid-19.

“Con thoi” giữa tâm dịch

{keywords}

Bà Tống Thị Quang kiểm tra sức khỏe cho F0 đang cách ly tại nhà.

Trong căn nhà nhỏ, hàng chục bằng khen, giấy khen, chứng nhận, kỷ niệm chương của các cấp, ngành tặng được bà Quang sắp xếp cẩn thận. Nhắc lại kỷ niệm những lần cứu chữa người bệnh không may gặp nạn hay hoạt động tình nguyện chống dịch Covid-19 đầy cam go khiến người y sĩ lại xúc động.

Ngày 6/5/2021, trong những ngày hè chống dịch căng thẳng khi huyện Việt Yên trở thành tâm dịch của cả nước, bà Quang nhận được quyết định trưng tập của UBND thị trấn Bích Động tham gia phòng, chống dịch Covid-19. Lúc bấy giờ, bà là người cao tuổi nhất trong danh sách tình nguyện viên. Bà cố gắng đem hết tâm sức, khả năng giúp quê hương sớm đẩy lùi dịch bệnh. 

{keywords}

Tham gia nhiều vai mà vai nào bà Quang cũng làm tròn trách nhiệm, được cấp ủy tin tưởng, người dân yêu mến. Những đóng góp của bà đã góp phần đưa các phong trào của tổ dân phố luôn dẫn đầu trong 14 tổ dân phố của thị trấn Bích Động”.

Ông Nguyễn Văn May, Tổ trưởng tổ dân phố số 1.

Từ sáng sớm đến đêm khuya bà luôn tay với những công việc như: Nhận và bàn giao quyết định cách ly y tế cho người nhiễm Covid-19, người nghi nhiễm; vận chuyển rau xanh, gạo và nhu yếu phẩm khác từ nhà tài trợ đến 43 khu cách ly, phong tỏa trên toàn huyện. 

Giữa lúc khó khăn ấy, con trai đang công tác tại Công an huyện Việt Yên đằng đẵng cả tháng trời không thể về thăm nhà; con dâu là nhân viên Trung tâm Y tế huyện Việt Yên thuộc vùng phong tỏa, chồng thì mắc kẹt tại Hà Nội vì đang bị phong tỏa. Không còn cách nào khác, bà đành gửi hai cháu nội về gia đình thông gia ở TP Bắc Giang chăm sóc để tập trung chống dịch.

Như cánh chim không mỏi, hàng chục ngày liền bà Quang chỉ ngả lưng chừng 2-3 tiếng mỗi ngày. Có đêm trăn trở, lo lắng thương bà con, công nhân, lao động nghèo ở tâm dịch thiếu cái ăn, cái mặc rồi những đồng nghiệp lúc nào áo quần cũng ướt sũng mồ hôi, thậm chí có người ngất vì sốc nhiệt và kiệt sức khiến bà càng thêm cố gắng làm việc. “Những lúc ấy, tôi thường nói với mọi người là sao ngủ ít mà mình lại khỏe thế, chẳng hề thấy mệt mỏi. Chỉ mong trời nhanh sáng để tiếp tục công việc, cầu sao cho dịch mau qua để bà con trở lại cuộc sống bình thường”, bà tâm sự.

Thời điểm ấy, hình ảnh người phụ nữ gần 70 tuổi với bộ đồ bảo hộ màu xanh, đi trên chiếc xe máy đã cũ chở theo đồ đạc lỉnh kỉnh trở nên quen thuộc với người dân. Ngoài những nhiệm vụ về chuyên môn y tế, vận chuyển nhu yếu phẩm, bà Tống Thị Quang còn huy động người cao tuổi, phụ nữ trong tổ dân phố thức đêm rang lạc, giã muối vừng hoặc làm sấu ngâm gửi đến lực lượng tuyến đầu đang ngày đêm giữ chốt phong tỏa, khu cách ly y tế tập trung. Trong tháng 5/2021 - tháng cao điểm chống dịch đó, bà Quang là cầu nối với nhiều tổ chức, cá nhân hảo tâm ở Bộ Y tế và TP Hà Nội ủng hộ địa phương nhiều hàng hóa, nhu yếu phẩm với tổng trị giá hơn 2 tỷ đồng.

Những lần đi cứu trợ giữa tâm dịch, bà Quang nhớ nhất lần gặp nhóm công nhân đang đói lả trong một xóm trọ ở thị trấn. Những công nhân vừa mới đến địa bàn nên không quen biết ai, chủ nhà trọ lại đang mắc kẹt dưới khu công nghiệp. Vậy là bà Quang vội về nhà lấy thùng mỳ ăn liền, mấy vỉ sữa tươi, ít gạo, lạc và chục trứng mang đến cho họ. Mãi sau này, được chủ nhà trọ chuyển lời cảm ơn khiến bà rất xúc động, hăng hái làm việc hơn.

Ngay cả sau đợt cao điểm chống dịch, khi địa phương cần, người dân thị trấn Bích Động vẫn thấy bà có mặt tại các điểm xét nghiệm, tiêm vắc-xin. Hưởng ứng Chiến dịch tiêm chủng thần tốc mùa xuân, ngay từ ngày mùng 4 Tết Nhâm Dần, y sĩ Tống Thị Quang có mặt từ sớm tại Trạm Y tế thị trấn hỗ trợ người dân khai báo y tế. 

Dù tuổi đã cao song sử dụng thành thạo zalo, facebook, nhờ vậy nhanh chóng lan tỏa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, kế hoạch tiêm chủng, tư vấn điều trị F0 tại nhà... đến mọi người. Bà tự hào khi có chồng, hai con gái, con dâu, con rể làm cùng ngành Y. Họ là điểm tựa và sức mạnh để bà có thêm động lực cống hiến nhiều hơn cho xã hội. Luôn sống hết mình vì cộng đồng, cố gắng lao động khi còn có thể là tâm nguyện của người thầy thuốc có tấm lòng nhân ái Tống Thị Quang.

Bài, ảnh: Hải Vân - Tường Vi 

Thành lập mạng lưới "Thầy thuốc trẻ đồng hành" hỗ trợ điều trị F0 tại nhà, nơi lưu trú
Được sự phân công của lãnh đạo Sở Y tế, Ban chấp hành Hội thầy thuốc trẻ tỉnh Bắc Giang thành lập mạng lưới "Thầy thuốc trẻ đồng hành" hỗ điều trị F0 tại nhà, nơi lưu trú trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.

Thầy thuốc trẻ Phùng Văn Cương: Giàu ý tưởng sáng tạo
(BGĐT) - Ở huyện Tân Yên (Bắc Giang), Bí thư Chi đoàn Phùng Văn Cương (SN 1992) kiêm Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Thầy thuốc trẻ huyện được nhiều người biết đến bởi anh luôn là tấm gương nhiệt tình, trách nhiệm và giàu ý tưởng sáng tạo. Anh đã đề xuất và tổ chức thành công nhiều hoạt động tình nguyện, phong trào thi đua, tạo dấu ấn đậm nét cho phong trào Đoàn của đơn vị.
Hàng trăm thầy thuốc quân dân y tiếp tục lên đường vào Nam chống dịch
Tỉnh Thanh Hóa, thành phố Hải Phòng, Bệnh viện Phổi Trung ương, Quân khu 1 vừa tổ chức lễ xuất quân, tiễn các thầy thuốc lên đường chống dịch tại TPHCM và các tỉnh phía Nam. 
Hàng trăm thầy thuốc Thủ đô tiếp tục đổ vào miền Nam chống dịch
Sáng 19/8, 122 y bác sĩ Bệnh viện (BV) Phụ sản Trung ương lên đường vào miền Nam hỗ trợ chống dịch Covid-19. BV Bạch Mai, BV Mắt Trung ương, Bệnh viện E... cũng tiếp tục chi viện các đoàn tiếp theo vào miền Nam.
Thủ tướng Chính phủ khen thưởng 32 thầy thuốc tiêu biểu chống dịch Covid-19
Thủ tướng vừa ban hành Quyết định 977/QĐ-TTg tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 32 cá nhân thuộc Bộ Y tế đã có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Đoàn thầy thuốc tình nguyện tỉnh Lào Cai đến Bắc Giang hỗ trợ chống dịch
(BGĐT) - Ngày 28/5, Đoàn thầy thuốc tình nguyện của ngành y tế tỉnh Lào Cai đã đến Bắc Giang hỗ trợ tỉnh chống dịch Covid-19. 
Đoàn thầy thuốc tình nguyện tỉnh Quảng Ninh xuất quân cùng Bắc Giang chống dịch Covid-19
(BGĐT) – Ngày 15/5, tỉnh Quảng Ninh tổ chức lễ xuất quân đoàn thầy thuốc tình nguyện tỉnh Quảng Ninh chung tay cùng tỉnh Bắc Giang và cả nước đẩy lùi dịch bệnh Covid-19. 
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...