Thứ ba, 23/04/2024
Bắc giang 27 °C / 24 - 29 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Phóng sự - Khám phá
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Nặng lòng với học trò vùng cao

Cập nhật: 06:00 ngày 20/11/2021
(BGĐT)- “Tôi nhớ như in câu nói rưng rưng của em Vi Văn Hùng, cựu học sinh nhà trường: Cô giáo ơi, em đỗ Trường Sĩ quan Đặc công rồi. Em vui lắm, em gọi cho cô đầu tiên đấy” - cô giáo Phùng Thị Hoàn (SN 1986), giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Lục Ngạn (Bắc Giang) mở đầu câu chuyện với tôi đầy cảm xúc như thế. Nhìn ánh mắt hạnh phúc của cô, tôi hiểu sự trưởng thành của mỗi học trò là động lực để cô viết tiếp ước mơ của mình.

Mang “con chữ” đến học trò nghèo

Sinh ra, lớn lên tại thôn Bản Mùi Phú, xã Kiên Thành (Lục Ngạn) với gần 100% dân số là dân tộc Nùng, từ nhỏ, Phùng Thị Hoàn (người dân tộc Nùng) luôn ước mơ trở thành cô giáo. Nói về ngày bắt đầu đi học xa nhà, cô Hoàn nhớ lại: Ngày ấy, học hết lớp 9, trong khi anh chị và bạn bè bỏ học giữa chừng bởi cái nghèo bủa vây thì tôi lại xin bố mẹ cho tiếp tục đến trường để sau này trở thành cô giáo, đem cái chữ về với bản làng mình. 

{keywords}

Cô giáo Phùng Thị Hoàn chuẩn bị cho giờ thực hành môn Hóa học.

Thấy tôi khao khát bước tiếp, bố mẹ đồng ý để tôi thi vào Trường Phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) tỉnh. Cảm xúc ngày đầu xa nhà thật khó diễn tả, vui buồn lẫn lộn. Vui vì được đi học, được viết tiếp ước mơ, buồn vì phải xa gia đình. Tôi tự nhủ phải thật cố gắng vì bố mẹ, anh chị và vì muốn thoát cuộc sống khó khăn lúc bấy giờ. Cứ vậy, bằng sự nỗ lực của mình, tôi đã tốt nghiệp phổ thông.

Theo lời cô Hoàn, tuổi thơ gắn liền với núi rừng, những buổi chăn trâu, lấy củi… giúp cô thấu hiểu những thiệt thòi của học trò nghèo như mình. Qua bài giảng của thầy cô giáo, cô học trò nhỏ hiểu chỉ có đi học mới có thể thay đổi được cuộc sống sau này. Những nỗ lực dần được đền đáp khi Hoàn thi đỗ khoa Hóa, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. 

“Những năm học đại học, những bạn khác cố gắng một thì tôi phải cố gắng gấp đôi. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, để giảm gánh nặng cho cha mẹ, sau những giờ lên lớp, tôi làm thêm nhiều nghề để có tiền trang trải cuộc sống. Lúc đi rửa bát cho các quán ăn, khi làm gia sư, phát tờ rơi… Cứ thế 4 năm học đại học cũng qua”, Hoàn bộc bạch.

Tốt nghiệp ra trường, điều ước từ tấm bé đã thành hiện thực. Năm 2010 cô Hoàn về công tác tại Trường PTDTNT Lục Ngạn. Với sức trẻ, lòng nhiệt huyết, cô giáo trẻ đã vận dụng những kiến thức, kỹ năng học được tại trường để truyền dạy cho lớp học sinh dân tộc có nhiều kỹ năng hơn, bớt đi phần nào những thiệt thòi, thiếu thốn của trẻ em miền núi. 

Trước thực trạng hầu hết học sinh còn e dè, nhút nhát và thụ động trong học tập, cô tự lên kế hoạch, tìm kiếm tài liệu, học hỏi phương pháp giảng dạy mới, áp dụng cách truyền đạt kiến thức phù hợp với từng đối tượng học sinh. Với những em học lực yếu, cuối mỗi buổi lên lớp cô đều nán lại, bổ trợ kiến thức cho các em. Với những em học tốt, theo đuổi các môn khối tự nhiên, cô sẵn sàng giải đáp bài tập thông qua tin nhắn, kể cả đêm khuya. Cô thường xuyên gặp gỡ, trò chuyện để truyền động lực cho học sinh. 

Nhờ một phần công sức của cô, từ một trường nằm trong tốp cuối các trường THPT của tỉnh về điểm trung bình môn Hóa học tại kỳ thi tốt nghiệp THPT, năm học 2018-2019, nhà trường đã vươn lên xếp thứ 8 và tăng thêm 4 bậc tại kỳ thi tốt nghiệp năm học 2020-2021; tỷ lệ học sinh đi học các trường cao đẳng, đại học cũng tăng lên.

{keywords}

Hơn 10 năm công tác tại trường, cô giáo Phùng Thị Hoàn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, nhiều năm liền được công nhận giáo viên dạy giỏi. Không chỉ truyền dạy kiến thức cho học sinh, cô Hoàn còn góp sức giữ gìn, phát huy truyền thống, nét riêng của dân tộc mình, trở thành điển hình tiên tiến vùng đồng bào dân tộc thiểu số".

Thầy giáo Leo Nhâm Bình, Phó Hiệu trưởng Trường PTDTNT Lục Ngạn

“Tôi nhớ như in câu nói rưng rưng, nghèn nghẹn của em Vi Văn Hùng, cựu học sinh nhà trường: Cô giáo ơi, em đỗ Trường Sĩ quan Đặc công rồi. Em vui lắm, em gọi cho cô đầu tiên đấy. Với nghề giáo viên, có hạnh phúc nào hơn thế nữa. Đó là một trường hợp rất đặc biệt, nhà nghèo, mẹ già, bố mất khi đang học lớp 12, trong khi em là lao động chính trong gia đình. Khi học cấp 2, Hùng đã nhiều lần có ý định nghỉ học nhưng tôi cùng cô giáo chủ nhiệm lớp luôn sát cánh động viên và hỗ trợ em, định hướng cho em con đường phía trước. Và chúng tôi đã thành công”, cô giáo Hoàn kể.

Giữ gìn nét riêng dân tộc Nùng

Vừa dẫn tôi đi thăm khuôn viên nhà trường, cô Hoàn vừa chia sẻ may mắn khi được về công tác tại nơi nuôi dưỡng, chăm sóc, dạy dỗ các thế hệ con em người dân tộc vùng cao của huyện. Dừng lại tại thư viện nhà trường, thấy một nhóm học sinh đang tìm tài liệu cho bài học mới, cô Hoàn lại gần rồi trao đổi với các em bằng tiếng dân tộc Nùng: “Mặn lục sim ca lăng tế? Ắ sọi lăng đảy mỉ?” (Các con tìm gì thế? Cô có thể giúp gì không?). Thấy vậy, nhóm học trò cũng nhanh nhảu đáp: “Mặn nọng đáng sim tai liễu tẹc hẹt bài ma ợc mớ” (Chúng em đang tìm tài liệu để làm bài luận về ước mơ). Cứ thế, câu chuyện của cô trò cứ ríu rít, vui vẻ.

{keywords}

Cô giáo Phùng Thị Hoàn hướng dẫn học sinh ôn tập..

Thấy tôi có vẻ tò mò, cô Hoàn nói: Nhóm học sinh này đều là dân tộc Nùng đang tìm tài liệu cho một bài luận về ước mơ. Bình thường vào giờ lên lớp, tôi và học trò sử dụng tiếng phổ thông song những lúc ngoài giờ, tôi lại sử dụng tiếng nói của đồng bào dân tộc mình. Qua đó vừa giúp các em trau dồi thêm tiếng nói, giữ gìn bản sắc dân tộc, vừa tạo sự thân thiện, gần gũi.

Nói rồi Hoàn kể, ngay từ khi về trường công tác, nhận thấy học sinh dân tộc Nùng chiếm số lượng khá đông (khoảng 50%) nhưng những em biết nói tiếng Nùng rất ít, hầu hết chỉ bập bõm hoặc không biết nghe, nói. Cũng vì thế hiểu biết về truyền thống văn hóa dân tộc mình lại càng hiếm. “Nếu thực trạng ấy mãi tiếp diễn thì không biết các thế hệ sau này sẽ ra sao? Trong tôi luôn nung nấu ý định sẽ khôi phục giữ gìn tiếng nói và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc Nùng cho các em”, cô nói.

Nói là làm, những ngày sau đó cô Hoàn khảo sát nguyện vọng và nhận thấy đa số các em đều rất ủng hộ và mong muốn được tham gia Câu lạc bộ tiếng Nùng. Thấy vậy, cô mạnh dạn đề xuất mong muốn với Ban Giám hiệu nhà trường mở Câu lạc bộ tiếng Nùng. Thật may, ý tưởng ấy nhận được sự ủng hộ và giúp đỡ nhiệt tình từ nhà trường. Thế rồi Câu lạc bộ tiếng Nùng của nhà trường ra đời năm 2018 với 7 thành viên.

Ngày đầu, câu lạc bộ gặp nhiều khó khăn do các em chưa mở lòng, bản thân lại vốn hiểu biết về tiếng và văn hóa dân tộc Nùng lại hạn chế. Để khắc phục, cô Hoàn chủ động tìm gặp những người cao tuổi ở các thôn bản, các già làng - nơi lưu giữ các câu chuyện, hiện vật truyền thống, tiếng nói nguyên bản của dân tộc Nùng. Dần dần vốn hiểu biết của cô đã đủ để trao đổi, truyền dạy cho các em. Đến nay câu lạc bộ có 35 thành viên, sinh hoạt vào thứ Bảy hằng tuần. 

{keywords}

Buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ tiếng Nùng, Trường PTDTNT Lục Ngạn.

Tại đây, cô và các em học sinh không chỉ học hỏi, giao lưu tiếng nói, văn hóa dân tộc Nùng mà còn hỏi thăm về gia đình, chia sẻ khó khăn, vướng mắc trong cuộc sống, học tập. Đến nay, hầu hết các em trong câu lạc bộ đều nghe, nói thành thạo tiếng Nùng, số lượng học sinh đăng ký tham gia câu lạc bộ ngày càng tăng. Bản thân các em yêu thích và tự ý thức được vai trò của mình trong việc giữ gìn và tiếp lửa truyền thống văn hóa dân tộc cho thế hệ sau. “Đã rất nhiều lần khi đi trên sân trường chợt nghe có tiếng gọi “Mế ơi”, lòng tôi ấm áp vô cùng, các em coi tôi như mẹ và gọi tôi bằng hai từ thân yêu ấy”, cô Hoàn phấn khởi nói.

11 năm công tác, cô Phùng Thị Hoàn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; được công nhận giáo viên dạy giỏi. Đặc biệt, năm 2021, cô được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen do có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước. Tuy nhiên, với cô Hoàn, phần thưởng lớn nhất là sự trưởng thành của các em học sinh.

Chia tay cô Hoàn cùng những học sinh dân tộc Nùng đang theo học tại Trường PTDTNT Lục Ngạn, tôi cảm thấy con đường phía trước của những học sinh dân tộc thiểu số rộng mở hơn bởi những nhà giáo tâm huyết, trách nhiệm. Và tôi tin chắc rằng ước mơ của cô sẽ tiếp tục được những lớp học trò ở mái trường này viết tiếp trên hành trình chinh phục con chữ, góp phần xây dựng bản làng, quê hương ngày càng giàu đẹp.

Ghi chép của Sỹ Quyết
Thầy giáo xin điện thoại cũ cho học trò
Không muốn học sinh hoàn cảnh khó khăn trong xã bị gián đoạn học tập, thầy Ngọc Dũng, giảng viên Đại học Phương Đông, xin điện thoại cũ về sửa rồi mang tặng.
Thầy cô hiến máu cứu học trò
Máu tràn ổ bụng sau tai nạn, nam sinh lớp 10 Nguyễn Thanh Hải có thể tử vong nếu không lập tức được mổ song nguồn máu tại bệnh viện không đủ.
Vinh danh các nhà giáo, cán bộ quản lý tiêu biểu năm 2021
Sáng 14/11, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức Lễ trao tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú và tuyên dương nhà giáo, cán bộ quản lý tiêu biểu năm 2021.
Bắc Giang có hai nhà giáo được vinh danh tiêu biểu toàn quốc năm 2021
(BGĐT) - Dự kiến ngày 13 và 14/11, tại TP Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức chương trình “Tri ân thầy cô” nhằm tuyên dương các nhà giáo tiêu biểu năm 2021. Trong số 191 giáo viên và cán bộ quản lý có nhiều thành tích được vinh danh, tỉnh Bắc Giang có hai nhà giáo đó là: Đoàn Thị Thuý, giáo viên tiếng Anh, Trường THPT Lục Nam; Nguyễn Văn Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Thắng (Hiệp Hoà). 
Tuyên dương 50 nhà giáo có sáng kiến giảng dạy trong đại dịch
Từ 116 hồ sơ trên khắp cả nước, chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” đã lựa chọn 50 gương mặt tiêu biểu, có nhiều sáng kiến, đổi mới trong phương pháp giảng dạy trong điều kiện khó khăn để tuyên dương, đồng thời khởi động chương trình “Báo chí chia sẻ cùng thầy cô” dành cho nhà báo, phóng viên.
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...