Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 28 °C / 27 - 38 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Phóng sự - Khám phá
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Về Lục Ngạn ngắm "kỳ hoa, dị thảo"

Cập nhật: 07:00 ngày 13/11/2021
(BGĐT) - Nhắc tới Lục Ngạn (Bắc Giang), nhiều người nghĩ ngay đến vùng cây ăn quả trù phú ngút mắt. Nhưng ít ai biết rằng, nơi đây còn có những vườn sinh vật cảnh (SVC) với những “kỳ hoa, dị thảo” hàng trăm năm tuổi.

Từ những “đôi bàn tay vàng”

Theo con đường bê tông phẳng rộng qua những vườn cam, bưởi quả vàng ruộm, xoà ra khỏi tường rào bao quanh những ngôi nhà khang trang, chúng tôi tìm đến gia đình ông Nguyễn Đắc Bích (SN 1957), thôn Áp, xã Tân Quang, nghệ nhân SVC Việt Nam, Chủ tịch Hội SVC Lục Ngạn. 

{keywords}

Khách đến tham quan vườn sinh vật cảnh của ông Quản Văn Long.

Đón chúng tôi ở cổng, trên tay ông Bích vẫn cầm cây kéo tỉa cành, trang phục làm vườn đẫm mồ hôi. Với dáng vẻ ấy, ít ai nghĩ ông là một trong những tỷ phú trồng cây ăn quả của Lục Ngạn từ hàng chục năm trước đến nay. Chưa hết ngỡ ngàng bởi khung cảnh làng quê nơi đây, tôi lại sững sờ trước vẻ đẹp trăm dáng, thế cầu kỳ của cây cối trong khu vườn. Chỉ tay về phía ngôi nhà ngói đỏ xây theo lối kiến trúc Nhật Bản đang hoàn thiện, ông Bích xởi lởi:

- Nhà đang xây bừa bộn quá, mời các anh ngồi tạm dưới tán bưởi uống nước, rồi ta thăm vườn sau.

Nói đoạn, ông Bích nhanh tay pha trà, giục vợ mang trái cây mời khách. Đón chén trà vàng sánh, tôi vô tình chạm vào đôi tay chai sạn của ông. Đoán ý khách, ông Bích cười khà khà, nói:

- Tôi lấy vợ từ năm 18 tuổi, trải qua quân ngũ, sinh 7 người con, lại làm Đội trưởng, Trưởng thôn, rồi công tác tại UBND xã Tân Quang mấy chục năm, bận canh tác hơn 5 ha vải thiều, cam, bưởi nên ít khi chăm chút bản thân, thành thử tay thô ráp như vậy.

Sau khi thưởng thức những múi bưởi ngọt lịm, ông Bích đưa chúng tôi thăm vườn SVC. Đến mỗi chậu cây, ông đều giới thiệu tỷ mỉ: Tên cây, dáng, thế, nguồn gốc, cách chăm sóc và giá trị của chúng. Nhờ bàn tay tài hoa mà cây nào cũng có vẻ đẹp riêng, hút mắt. 

{keywords}

Ông Nguyễn Đắc Bích chăm sóc vườn sinh vật cảnh.

Dừng bên ba cây duối cổ thụ nổi bật nhất vườn, thân to chừng 2 người ôm, cao hơn 2,5 m, tán rộng từ 2-4 m với dáng thế cầu kỳ: “Tích thụ phát lộc”, “Cổ mộc đại thụ” và “Quần long hội tụ”, ông Bích đưa tay vuốt nhẹ tán lá, tâm đắc: “Những cây này đều hơn 350 năm tuổi, được tôi sưu tầm về chăm tỉa gần 20 năm trước”. Mỗi cây được khách trả giá hơn nửa tỷ đồng nhưng chủ vườn không bán. Bởi ông muốn giữ những cây “độc”, lạ như một nét riêng, tạo vị thế cho mình trong làng SVC để hút khách tham quan.

-Ba “cụ” duối đại thụ này thuộc hàng “độc nhất vô nhị” nên ông Bích đã làm hồ sơ đề nghị T.Ư Hội SVC Việt Nam tặng danh hiệu “Cây cổ thụ có giá trị lịch sử, văn hoá”. Dự kiến T.Ư Hội sẽ trao tặng danh hiệu này vào cuối năm nay - Ông Vi Văn Vũ, Phó Chủ tịch Hội SVC liên xã: Tân Quang, Phì Điền, Giáp Sơn (Lục Ngạn) nói xen vào câu chuyện giữa chúng tôi.

Thấy khách trầm trồ khen, ông Bích khiêm tốn nói:

- Lục Ngạn có 5 nghệ nhân SVC, ngoài tôi còn có các ông: Nguyễn Công Đồn, Lương Xuân Hải, cùng xã Quý Sơn; Mai Hùng Sơn, tổ dân phố Mi, thị trấn Chũ và Quản Văn Long, thôn Bồng 1, xã Thanh Hải. Đây là các nghệ nhân có “đôi bàn tay vàng” trong phong trào chơi và làm cây cảnh của Lục Ngạn, họ có rất nhiều những cây thế độc, lạ đáng ngưỡng mộ. Đơn cử như các tác phẩm của nghệ nhân Quản Văn Long: “Cây túc 12 con giáp” hàng trăm năm tuổi, “Mai chiếu thủy rồng ngậm ngọc” 70 năm tuổi, “Mai chiếu thủy 11 cầu thủ bóng đá”, hay tác phẩm “Rùa đá ngàn năm thiên nhiên ban tặng” (đoạt giải Vàng, Triển lãm SVC 1.000 năm Thăng Long tại Hà Nội năm 2010)…

Đến phong trào cả làng làm sinh vật cảnh

Rời thôn Áp, ông Bích đưa chúng tôi tới thôn Bồng 1. Trên đường đi, ông chia sẻ: “Năm 1993, tôi bắt đầu sưu tầm và theo nghề SVC. Chăm cây cảnh giúp đầu óc tôi luôn sảng khoái, từ đó tìm ra các dáng, thế độc đáo. Cùng với trồng cây ăn quả, nghề SVC đem lại nguồn thu cho tôi hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Ngoài ra tôi còn được gặp gỡ, giao lưu, học hỏi nhiều bạn bè chơi SVC khắp nơi”. Theo ông Bích, một cây cảnh có giá trị phải hội tụ đủ ba yếu tố: Cổ - kỳ - mỹ. Nghĩa là cây phải già - dáng độc đáo - cành, tán đẹp. 

{keywords}

Ông Quản Văn Long chăm sóc cây cảnh.

Do đó, người chơi phải có khiếu thẩm mỹ, cần cù, tỉ mỉ. Cây chỉ chết vì “no”, không chết vì “đói”, do đó nếu bón chất dinh dưỡng nhiều, cây sẽ phá thế, thậm chí chết. Theo ông Bích, chăm những loài lá to, mỏng như: Khế, dâu, ổi… là khó nhất. Bởi tưới nhiều hay để khô hạn cây đều dễ chết. 

Từ đam mê của mình, ông đã sáng tạo ra nhiều tác phẩm như: Bồ đề bon sai (70 năm tuổi), tạo hình “Thánh Gióng đánh giặc Ân”, đoạt giải Vàng Triển lãm SVC tỉnh Bắc Giang năm 2016; “Cây sanh dáng huyền” hơn 100 năm tuổi, giải Vàng Triển lãm SVC chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Giang lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015-2020; “Cây phi lao dáng trực huyền” hơn 100 tuổi, giải Vàng Hội thi SVC tỉnh Bắc Ninh năm 2019… cùng nhiều giải thưởng khác.

Là hộ sản xuất, kinh doanh giỏi, nhà vườn tiêu biểu nên gia đình ông vinh dự được đón nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và tỉnh về thăm, như: Vũ Oanh, Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Dân vận T.Ư (năm 1993); Thủ tướng Võ Văn Kiệt (năm 1994); Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh (năm 1994); Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Huy Ngọ (năm 2002)…

Đường đến thôn Bồng 1 như ngắn lại bởi câu chuyện của ông Bích. Là thôn kiểu mẫu nên cảnh quan nơi này ngăn nắp, sạch sẽ. Từ cổng làng đến nhà văn hoá thôn, khuôn viên các gia đình đều được bài trí đẹp mắt, thoáng rộng với nhiều giàn hoa, cây cảnh xen những vườn cây ăn quả. 

{keywords}

"Mong muốn lớn nhất của Hội SVC chúng tôi là được các cấp chính quyền hỗ trợ, quảng bá hình ảnh để nghề SVC trở thành một ngành nghề kinh doanh gắn với du lịch sinh thái, trải nghiệm vùng cây ăn quả của Lục Ngạn. Bởi ngoài làm đẹp cho đời, giữ môi trường sinh thái, nghề này còn tạo việc làm, thu nhập cho người dân".

Ông Nguyễn Đắc Bích.

Đường nội thôn vừa cho cả xe ô tô 45 chỗ đi lại dễ dàng. Tới thăm hộ ông Quản Văn Long, quả đúng như những gì ông Bích chia sẻ, vườn SVC này có những “kỳ hoa, dị thảo” hiếm có với hàng chục loài. Hơn 1 nghìn chậu lớn, nhỏ được kê đặt gọn gàng. Theo ông Long, mỗi năm có hàng trăm khách đến thăm, giao lưu, trao đổi cây. Gia đình ông có nguồn thu từ SVC khoảng 400 triệu đồng/năm.

Lan toả niềm đam mê SVC từ các ông: Nguyễn Công Đồn, Nguyễn Đắc Bích, Quản Văn Long…, đến nay, Hội SVC Lục Ngạn có 260 hội viên, nhiều nhất tỉnh. Trong đó, xã Quý Sơn 70 hội viên; Hội SVC liên xã: Tân Quang, Phì Điền, Giáp Sơn có 30 hội viên… 

Riêng thôn Bồng 1, chỉ với hơn chục người chơi cây cảnh ban đầu như các cụ: Nguyễn Văn Hoạt (87 tuổi), Vi Huyền Miên (84 tuổi), đến nay đã có hơn 60 hội viên, hơn 100/136 hộ trong thôn làm nghề SVC. Từ nghề này, mỗi năm, người dân thôn Bồng 1 thu gần 5 tỷ đồng. Mỗi vườn SVC giá trị từ vài trăm triệu đến hơn chục tỷ đồng. 

Năm 2014, thôn Bồng 1 được công nhận Làng nghề SVC đầu tiên của Bắc Giang. Vì thôn có vùng cây ăn quả và những nhà vườn SVC đẹp, mấy năm gần đây, Công ty TNHH Giáo dục, Trải nghiệm Green Dream đã phối hợp với UBND huyện Lục Ngạn tổ chức nhiều tour du lịch trải nghiệm tới thôn Bồng 1, giúp tăng thu nhập cho người dân.

Trước khi chia tay, ông Bích bộc bạch: Lục Ngạn là mảnh đất giàu tiềm năng du lịch với những vườn cây ăn quả, hệ thống hồ, đập hữu tình cùng hàng trăm di tích lịch sử, văn hoá và những nét văn hoá riêng của đồng bào các dân tộc. Ngoài các làng nghề, Lục Ngạn còn có nhiều hộ nuôi ong lấy mật theo cách truyền thống, nếu kết nối sẽ tạo thành các tour, tuyến du lịch hấp dẫn. 

“Mong muốn lớn nhất của Hội SVC chúng tôi là được các cấp chính quyền hỗ trợ, quảng bá hình ảnh để nghề SVC trở thành một ngành nghề kinh doanh, gắn với du lịch sinh thái, trải nghiệm vùng cây ăn quả của Lục Ngạn. Bởi nghề này ngoài làm đẹp cho đời, giữ môi trường sinh thái còn tạo việc làm, thu nhập cho người dân”, ông Bích chia sẻ.

Bài, ảnh: Thế Đại

Hội Sinh vật cảnh tỉnh Bắc Giang kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập
(BGĐT)- Ngày 15-7, Hội Sinh vật cảnh (SVC) Bắc Giang tổ chức kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập 13-5 (1989-2019). Tới dự có ông Nguyễn Hữu Vạn, Chủ tịch Hội SVC Việt Nam và đại diện Hội SVC các tỉnh: Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hải Dương. Về phía tỉnh Bắc Giang có: Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thu Hà; đại diện lãnh đạo một số sở, ngành cùng gần 400 hội viên tiêu biểu ở các câu lạc bộ (CLB) SVC trong tỉnh. 
Xây dựng tổ chức Hội Sinh vật cảnh Bắc Giang vững mạnh, quan tâm thu hút hội viên
(BGĐT) - Hội Sinh vật cảnh (SVC) tỉnh Bắc Giang thành lập ngày 13-5-1989. Qua 30 năm hoạt động, với vài trăm thành viên ban đầu, nay Hội đã thu hút hàng nghìn người tham gia. Hội lấy nội dung trọng tâm là phát triển văn hóa, môi trường, KT-XH thông qua hoạt động SVC. Nhờ đó phong trào hoạt động ngày càng phát triển, có nhiều hội viên sản xuất, kinh doanh giỏi. 
Hội Sinh vật cảnh huyện Lạng Giang có hơn 800 hội viên
(BGĐT)- Sáng 12-11, Hội Sinh vật cảnh huyện Lạng Giang (Bắc Giang) tổ chức Đại hội lần thứ VI, nhiệm kỳ 2018 - 2023. Lạng Giang là đơn vị được Hội Sinh vật cảnh tỉnh chọn tổ chức Đại hội điểm cấp huyện. 
Hàng độc tại Hội chợ triển lãm sinh vật cảnh tỉnh Bắc Giang
(BGĐT)-Hội chợ triển lãm sinh vật cảnh tỉnh Bắc Giang lần thứ XIII vừa diễn ra tại khu vực Quảng trường 3-2 (TP Bắc Giang) và kéo dài tới ngày 26-10. Tại đây, nghệ nhân, nhà vườn của 15 tỉnh, thành phố trong cả nước giới thiệu hơn 3 nghìn tác phẩm gồm cây cảnh, đồ gỗ gia dụng, đồ gỗ mỹ nghệ...Trong đó có nhiều sản phẩm độc đáo, giá từ vài triệu đến hàng trăm triệu đồng, thậm chí cả tỷ đồng.
Hơn 3 nghìn tác phẩm đặc sắc trưng bày tại Hội chợ triển lãm sinh vật cảnh tỉnh Bắc Giang
(BGĐT)- Ngày 12-10, Hội Sinh vật cảnh tỉnh Bắc Giang tổ chức sơ kết 3 năm Chương trình "Làng lúa - làng hoa"; khai mạc Hội chợ triển lãm Sinh vật cảnh lần thứ 13. 


Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...