Thứ năm, 18/04/2024
Bắc giang 25 °C / 25 - 31 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Phóng sự - Khám phá
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Lấp đầy "khoảng trống" nỗi đau da cam

Cập nhật: 05:39 ngày 25/07/2021
(BGĐT) - Chiến tranh đã qua đi gần nửa thế kỷ song sự khốc liệt vẫn hiện hữu trong không ít gia đình của người trở về từ cuộc chiến bởi di chứng chất độc hóa học do quân đội Mỹ rải xuống chiến trường miền Nam. Ở nhiều gia đình, nỗi đau da cam còn đó dù sau 3 thế hệ.

Nỗi đau xuyên thế hệ

Con đường đến nhà thương binh mất sức 24% Hà Ngọc Xoan (SN 1952) ở thôn Hoàng Phúc, xã Đồng Phúc (Yên Dũng) khấp khểnh bên sườn dốc. Căn nhà cấp bốn cũ với khoảng sân và bậc thềm xi măng rêu mốc. Đây là nơi 4 người trong gia đình ông Xoan cùng sinh sống. 

{keywords}

Ông Vi Hồng Công và con cháu chuẩn bị bữa cơm trưa.

Nhiều năm nay, người dân trong vùng vẫn ái ngại, thương cảm trước hoàn cảnh gia đình người thương binh ấy. Vợ chồng ông sinh được 4 người con (3 trai, 1 gái) thì hai con trai là Hà Văn Đức (SN 1977) và Hà Văn Hưởng (SN 1981) đều bị thiểu năng trí tuệ. 

Anh Hưởng, mỗi lần trở bệnh lại quậy phá, bỏ nhà đi, thậm chí có lúc không kiểm soát được hành vi. Khi ấy, dẫu thể xác đau đớn và tinh thần mỏi mệt nhưng những bậc làm cha mẹ chưa một phút nào dù chỉ là trong suy nghĩ sẽ buông bỏ khúc ruột đời mình.

Chất độc da cam còn khiến cháu nội Hà Văn Tú, 16 tuổi, con trai anh Hà Văn Đức; cháu ngoại Lê Văn Cường 21 tuổi, con trai chị Hà Thị Hường bị hỏng một bên mắt. Bao năm qua, vợ chồng ông phải gồng mình để chăm lo cho những đứa con tội nghiệp. Ông Xoan nghẹn ngào: “Sức khỏe tôi mỗi ngày mỗi yếu. Khi trái gió trở trời những mảnh đạn còn ở cơ thể lại chẳng để tôi yên. Cuộc đời mình vất vả đã đành nhưng khi nghĩ đến các con, cháu bị di chứng chiến tranh thật đau xót”. Suốt buổi trò chuyện, người cựu binh già chốc chốc lại dùng khăn ngăn dòng nước mắt.

Nỗi đau xuyên thế hệ không phải là chuyện hiếm gặp dưới mái nhà của nạn nhân da cam. Với vợ chồng ông Vũ Văn Cần (SN 1946), tổ dân phố Đồn Lương, thị trấn Bích Động (Việt Yên), biết mình chịu ảnh hưởng của chất độc khủng khiếp ấy nên khi mỗi đứa con chào đời khỏe mạnh là một lần ông bà thở phào nhẹ nhõm. Những tưởng cuộc sống yên bình trôi qua vì 5 đứa con (2 gái, 3 trai) lớn lên bình thường và xây dựng gia đình riêng. Nào ngờ nỗi đau ập đến với cháu ngoại của ông bà. 

Nguyễn Thị Yến Nhi 17 tuổi, nhưng hình hài chỉ như đứa trẻ dưới 10 tuổi. Qua khe cửa, Yến Nhi ngồi khom trên chiếc giường mà từ khi sinh ra, nó đã "buộc chặt" vào đời em. Gương mặt dị dạng, đôi mắt vô hồn, thi thoảng Nhi ngây ngô cười. 

{keywords}

Ông Thân Văn Nhau, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh tặng quà cháu Nguyễn Thị Yến Nhi.

Ông Cần tâm sự: "Những năm tháng ấy, mỗi khi thấy vợ con khóc, nhìn đứa cháu không lành lặn, lòng tôi đau như cắt. Nhưng rồi tôi nghĩ, không thể cứ nhìn mãi vào vết đau của quá khứ mà mình phải mạnh mẽ để làm điểm tựa cho vợ con”. Chừng ấy năm Nhi lớn lên cũng là chừng ấy thời gian ông bà thay cha mẹ chăm sóc em để bố mẹ cháu đi làm, có đồng ra đồng vào trang trải cuộc sống.

Bất cứ ai dẫu không tận mắt chứng kiến cuộc chiến nhưng giờ đây đến những mái nhà của cựu binh, nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC) đều có thể cảm nhận được sự tàn khốc của cuộc chiến tranh hóa học, bởi con cháu của họ phải chịu nỗi bất hạnh đeo đẳng hằng ngày.

Tăng cường hỗ trợ, sẻ chia

Những nỗi đau, di chứng da cam trên thân thể các nạn nhân và con cháu họ khó nói hết bằng lời. Trước mỗi số phận nghiệt ngã, những người làm ông bà, cha mẹ đã dành hết sức lực, tình thương để chăm sóc con cháu. Những mảnh đời ấy vẫn luôn cần sự hỗ trợ, quan tâm và chia sẻ từ cộng đồng để tiếp thêm động lực, niềm tin cuộc sống.

{keywords}

Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Lạng Giang và xã Hương Lạc thăm gia đình ông

Vi Hồng Công.

Đưa chúng tôi đến thăm gia đình nạn nhân da cam, ông Đỗ Trường Giang, Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin xã Hương Lạc (Lạng Giang) cho biết: Toàn xã có 50 hội viên nhưng chỉ 19 người trong số này được hưởng chế độ; nhiều gia đình có ba thế hệ bị ảnh hưởng chất độc da cam, hoàn cảnh rất khó khăn”. 

Trong đó gia đình ông Vi Hồng Công (SN 1946), dân tộc Nùng ở thôn Bén Rộng có con trai cả đã gần 50 tuổi và cháu gái 22 tuổi đều bị thiểu năng trí tuệ do di chứng chất độc hóa học từ ông Công. Thấy khách đến, ông Công hướng dẫn con trai lấy ghế, đun nước pha chè và không quên căn dặn chạy đi tìm con gái về.

Ánh mắt ái ngại, ông Công kể: "Cái Thao con nó bề ngoài trông lành lặn, khỏe mạnh nhưng cháu không biết gì cả. Ngày nào cũng đi lang thang khắp nơi đến tối mới về. Chưa kể bố nó lớn tuổi nhưng cũng ngờ nghệch".

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, toàn tỉnh có hơn 7,6 nghìn người bị nhiễm chất độc hóa học, trong đó hơn 6,1 nghìn người đang hưởng trợ cấp hằng tháng (đối tượng trực tiếp là hơn 4,5 nghìn người, còn lại là gián tiếp).

Khoảng hai năm trước, con dâu qua đời bởi căn bệnh ung thư, thương con trai và cháu gái, ông Công đón về ở cùng để tiện chăm sóc. Căn nhà cấp 4 mái tôn của gia đình ông là do Hội Chữ thập đỏ huyện, xã Hương Lạc và anh em, họ hàng chung tay xây dựng. 

"Từ nhà tôi ra huyện cũng xa, thêm nữa năm ấy làm hồ sơ nhưng chưa được giải quyết thì con trai út qua đời do tai nạn giao thông nên tôi không còn tâm trí để nghĩ đến việc gì. Nay tuổi đã cao, chỉ mong trường hợp của tôi sớm được giải quyết để sau này con cháu được hưởng chế độ NNCĐDC, có thêm điều kiện lo cho cuộc sống”, ông Công nói.

Hoàn cảnh bà Thân Thị Mơ, xã Đan Hội (Lục Nam) có 4 trong số 5 người con bị di chứng chất độc da cam. Hằng ngày, bà tất bật bên đứa con gái chỉ biết ú ớ, con trai bị liệt hai chân. Chồng mất do ảnh hưởng của chất độc hóa học, hai mươi năm qua, một tay bà Mơ chăm sóc các con. 

Mỗi con được trợ cấp gần 1 triệu đồng/tháng cũng chỉ đủ trang trải một phần cuộc sống trong khi bà Mơ hiện đã hơn 60 tuổi, sức yếu dần nhưng chưa được hưởng chế độ của người chăm sóc. Với bà, một ngày còn được thấy các con trên đời là còn hạnh phúc song trong lòng bà luôn đau đáu nỗi lo, rằng nếu chẳng may bà qua đời thì lấy ai chăm sóc các con.

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, toàn tỉnh có hơn 7,6 nghìn người nhiễm chất độc hóa học, trong đó hơn 6,1 nghìn người đang hưởng trợ cấp hằng tháng (đối tượng trực tiếp là hơn 4,5 nghìn người, còn lại là gián tiếp). Có thể khẳng định, sự hoàn thiện hệ thống chính sách ưu đãi người có công với cách mạng đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước với những cống hiến, hy sinh của người có công, trong đó có nạn nhân da cam.

Tuy vậy, theo ông Thân Văn Nhau, Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin tỉnh, chính sách với người nhiễm chất độc hóa học vẫn còn những “khoảng trống” cần lấp đầy. 

Trong câu chuyện chia sẻ về những đồng đội, hội viên của mình, ông Nhau nghẹn lòng khi nhắc đến gần 800 người thuộc thế hệ thứ 3 chịu di chứng và hàng nghìn người chăm sóc, phục vụ nạn nhân da cam chưa được hưởng trợ cấp. Vài năm trở lại đây đã có nhiều nạn nhân đã chết do mắc các căn bệnh quái ác song người mất đi đã đành, người còn sống mới thật cơ cực.

Chung tay xoa dịu nỗi đau với những gia đình nạn nhân da cam, những năm qua, Hội NNCĐDC/dioxin các cấp thường xuyên hỗ trợ tư vấn cho các đối tượng tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, hoàn thiện hồ sơ, thủ tục đề nghị các cấp có thẩm quyền xét giám định đủ điều kiện được hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước. 

Giai đoạn 2015-2020 đã có thêm gần 400 đối tượng được thụ hưởng. Cùng đó vận động hội viên đóng góp và kêu gọi ủng hộ từ các nguồn lực để có kinh phí thăm hỏi, động viên gia đình hội viên khi ốm đau, không may gặp hoạn nạn hoặc qua đời. 

Hội phối hợp với Hội Cựu chiến binh tỉnh hỗ trợ sửa chữa, làm mới hàng chục ngôi nhà, tặng hàng nghìn suất quà, học bổng, xe lăn… tổng trị giá hơn 10 tỷ đồng. Tuy vậy, hành trình xoa dịu nỗi đau da cam cần nhiều hơn sự quan tâm của các cấp chính quyền và ngành chức năng trong xem xét, giải quyết chế độ cho chính nạn nhân và người thân của họ.

Bài, ảnh: Đỗ Quyên - Hoài Thu

Bắc Giang: Trao quà cho nạn nhân da cam hoàn cảnh khó khăn
(BGĐT) - Ngày 8 và 9/4, Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin tỉnh Bắc Giang phối hợp với Công ty TNHH Samsung Display Việt Nam tổ chức chương trình trao quà cho nạn nhân da cam trên địa bàn tỉnh. 
Mang Tết đến người nghèo, nạn nhân da cam
(BGĐT) - Với hộ nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, ngày Tết luôn đi liền với nỗi lo bởi sự “thiếu trước, hụt sau”. Thấu hiểu và sẻ chia với những trường hợp đó, mỗi dịp Tết đến, phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam (CĐDC)" được Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) các cấp trong tỉnh Bắc Giang phát động. Nhờ đó, hàng nghìn suất quà đã mang mùa xuân đến sớm với người nghèo, trở thành nguồn động viên không nhỏ giúp họ có thêm nghị lực vươn lên.
Thành lập Chi hội Chăm sóc nạn nhân chất độc da cam
(BGĐT) - Ngày 15/1, Hội Nạn nhân chất độc da cam (CĐDC)/dioxin tỉnh phối hợp với Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh tổ chức công bố quyết định thành lập Chi hội Chăm sóc nạn nhân CĐDC/dioxin. Đây là chi hội đặc thù đầu tiên trực thuộc Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin tỉnh với nhiệm vụ chăm sóc nạn nhân da cam.
Bàn giao nhà tình nghĩa cho nạn nhân da cam
(BGĐT) - Ngày 28-8, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Bắc Giang tổ chức khánh thành và bàn giao nhà tình nghĩa cho ông Nguyễn Văn Quý (SN 1954), tổ dân phố Tân Thành, phường Đa Mai (TP Bắc Giang). Đến dự có ông Nguyễn Văn Khanh, Phó Chủ tịch T.Ư Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam.
Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam
(BGĐT) - Ngày 26-7, Hội Nạn nhân chất độc da cam (CĐDC)/dioxin tỉnh và Hội Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh phối hợp tổ chức hội thảo “Thực trạng và giải pháp khắc phục hậu quả chất độc hoá học (CĐHH) do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam”. 
Giáp Văn Kiên - Gương sáng vượt qua nỗi đau da cam
(BGĐT)- Sinh năm 1955 tại tổ dân phố Phú Mỹ, phường Dĩnh Kế (TP Bắc Giang), ông Giáp Văn Kiên từng có thời gian tham gia vào Đoàn giao liên 559, nhiệm vụ vận chuyển lương thực, vũ khí xuyên Trường Sơn để chi viện cho chiến trường miền Nam. Do nhiễm chất độc hóa học màu da cam nên để lại di chứng cho con cháu, gia đình gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, bằng nghị lực vượt khó, ông đã tập trung phát triển kinh tế, trở thành gương sáng cho nhiều người noi theo.
“Nối vòng tay nhân ái - Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam”
(BGĐT) - Ngày 11-4, tại Trường THPT Chuyên Bắc Giang, Hội Nạn nhân Chất độc da cam/dioxin tỉnh phối hợp với nhà trường tổ chức chương trình Giao lưu tuyên truyền “Nối vòng tay nhân ái - Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam”. 
Nỗi đau da cam
(BGĐT) - Cha đâu có tội tình gì/ Nếu như trời phạt, cha quỳ, cha xin.

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...