Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 27 °C / 25 - 26 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Phóng sự - Khám phá
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Hồn quê yêu dấu

Cập nhật: 07:30 ngày 19/12/2020
(BGĐT) - Làng tôi nằm giữa sông Thương và sông Cầu, thuộc không gian quan họ bờ bắc sông Cầu của huyện Việt Yên (Bắc Giang). Từ đê tả Cầu qua Trúc Tay, Trung Đồng, Vân Cốc của xã Vân Trung, qua cánh đồng làng Yên Ninh là đến làng tôi.

Ngược ra sau làng là Đình Trám, Như Thiết, Tân Mỹ rồi tới đê hữu Thương. Nếu tính đường chim bay có lẽ làng tôi chỉ cách sông Thương, sông Cầu dăm bảy cây số là cùng.

Làng Yên Ninh nổi danh lâu đời là “làng tiến sĩ’. Họ Thân làng này có công mở mang học vấn, cung cấp nhiều hiền tài cho đất nước. Thời nhà Lê, làng có đến 10 tiến sĩ, riêng gia đình cụ Thân Nhân Trung gồm 4 người cả ông, cha, con, cháu đều đỗ tiến sĩ. Bia đá ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội hiện còn khắc ghi câu bất hủ của tiến sĩ Thân Nhân Trung: "Hiền tài là nguyên khí quốc gia…”.

{keywords}

Minh họa: ĐINH HƯƠNG

Cũng nổi danh dòng họ Thân nhưng ở làng Như Thiết, xã Hồng Thái có Tả Đô Đốc, Hán Quận công Thân Công Tài là một viên quan dưới triều Lê trung hưng. Được giao trấn ải vùng biên cương Lạng Sơn, Thân Công Tài cho khai mở chợ Kỳ Lừa để dân hai bên biên giới qua lại giao lưu buôn bán. Chợ Kỳ Lừa nhanh chóng thành nơi buôn bán tấp nập. Ghi nhớ công lao ấy, nhân dân hai bên biên giới lập đền thờ tôn ông là "Sư phụ Lưỡng quốc khách nhân".

Còn làng tôi, đời vua Lê Thần Tông có Tể tướng Trần Đăng Tuyển. Sử sách chép rằng, năm 1640, Trần Đăng Tuyển khi đó 27 tuổi đỗ Đại khoa rồi tiến thân bằng con đường binh nghiệp. Sự nghiệp kinh bang tế thế của ông góp phần củng cố vương triều Lê -Trịnh, đưa đất nước phát triển ổn định giai đoạn nửa cuối thế kỷ XVII.

Vậy là làng trên, xóm dưới và làng tôi trong lịch sử đều có các vị hiền tài cả quan văn, quan võ và “quan kinh tế”, như thế đã đủ để không hổ danh là vùng đất địa linh nhân kiệt.

Ở làng tôi còn có những con người tuy chẳng có đền, miếu thờ phụng nhưng dân trong làng vẫn nhớ tới họ, lưu truyền đời này qua đời khác bằng các giai thoại, thơ ca hò vè. Ngày tôi bé, làng tôi còn nghèo lắm. Khi mà chỗ chui ra chui vào của nhiều nhà còn lợp tranh, vách đất thì cánh đồng phía trước làng có ngôi mộ rất to xây kiên cố. Người ta bảo đó là mộ mẹ ông Lý Thiêm. Nghe kể ông Lý Thiêm là người giàu có, những năm mất mùa đói kém ông thường bảo người nhà mang gạo nấu cháo cứu đói dân làng.

Gần mộ mẹ ông Lý Thiêm có một gò đất nổi lên giữa cánh đồng chiêm, từ đấy thấy đỉnh núi Bài Xanh thuộc dãy Nham Biền, thầy tôi dặn khi mất thì đặt thầy tôi nằm đó. Chúng tôi thực hiện đúng di nguyện ấy. Vậy là mỗi lần tảo mộ dịp tất niên tôi đều đi qua mộ mẹ ông Lý Thiêm, bất giác nhớ mấy câu mà người làng bảo là cụ Cổ ngày xưa hay hát: “Ông Lý Thiêm lắm bạc nhiều vàng/ Chết xuống âm phủ chẳng mang được gì/ Cổ đây rượu ốc tì tì/ Chết xuống âm phủ chẳng kém gì ông Lý Thiêm”.

Dân làng tôi vốn mê ca hát. Nếu nói huyện Việt Yên có nhiều làng quan họ cổ bờ bắc sông Cầu và “làng chèo giữa miền quan họ” thì không thể thiếu cái tên làng tôi - “làng chèo Hoàng Mai”. Còn nhớ những đêm diễn chèo ở sân kho hợp tác bao giờ cũng chật cứng người xem. Tôi thường phải mang chiếu trải giữa sân từ lúc chiều tối để xí chỗ cho cả nhà. Cơm nước xong mọi người lục tục kéo đến. Trống ba hồi chín tiếng, cánh màn nhung từ từ mở ra thì kìa là dì Tĩnh, chị Tâm, chị Khoa, anh Hoàng, các cậu, các mợ họ hàng nhà tôi vừa buổi chiều còn cày cuốc, bới đất lật cỏ giờ đã thành ông vua, bà chúa, hoàng tử, Thị Kính, Thị Màu, cô Tấm, chú hề đồng… Oai phong lẫm liệt, xinh đẹp nết na, gian trá và trừng phạt, oan khiên cùng cực, tếu táo mà chua cay... ấy là những cung bậc cảm xúc đã đi suốt tuổi thơ tôi và in đậm cho đến hôm nay.

Trải qua bao năm tháng, thế hệ nọ tiếp nối thế hệ kia, tiếng trống chèo Hoàng Mai vẫn vang lên mỗi dịp hội hè, Tết đến xuân về. Bà Đỗ Thị Khoa biết hát chèo từ nhỏ, nay gần 80 tuổi vẫn say mê trao truyền cho người trẻ, năm vừa rồi bà đã được Nhà nước phong tặng Nghệ nhân Ưu tú. Ai đó bảo người tốt bụng thường lạc quan và mê ca hát, cứ nhìn vào người làng mình thì tôi tin là như vậy.

Qua tiếng hát chèo, câu đồng dao những địa danh, con người quê tôi hiện lên gần gũi, thân thương. Có mấy câu vui tai tôi còn nhớ: “Hoàng Mai có thuổng Hoàng Mai đào, Vân Cốc có mõ Vân Cốc rao, Me Điền có ruộng Me Điền cấy…”. Và những tên người bọn trẻ chúng tôi thường nghêu ngao lúc chăn trâu hay hóng mát dưới rặng tre ao làng, chẳng biết nay ai còn ai mất: Thật thà như chú Thức, tức như ông Đệ, mặc kệ chú Kim, im lìm chú Phố…

Làng quê nào mà chẳng có những cái ao, lại có người bảo đấy là mảnh hồn quê thì tôi cũng thấy chí lý lắm. Có rất nhiều thứ mình đã quên nhưng cái chuyện “chuồn chuồn cắn rốn biết bơi” bên cái ao làng kia thì chẳng thể nào quên được, thi thoảng nó vẫn hiện về trong giấc mơ.

Làng tôi có ba ao lớn. Ao Hậu, ao Đình và ao Ngòi. Tên là ao Hậu có thể là vì nó là đoạn cuối cùng của con ngòi thông sang ao Đình, ao Ngòi, rồi qua Me Điền chảy sang cánh đồng mạn Yên Dũng đến một cửa sông nào đó.

Nhà tôi gần ao Hậu. Cả tuổi thơ tôi gắn bó với ao Hậu. Tôi đánh khăng, đánh đáo, câu cá, thả diều bên bờ ao Hậu. Ngày ấy tôi có cảm giác ao Hậu rộng lắm, bờ nọ bờ kia như hai bờ sông Thương bây giờ. Nước ao Hậu cũng xanh trong như nước sông Thương mùa thu soi bóng cây tre già khắc khổ cong trĩu gật gù. Tôi ước mơ bơi vượt qua ao Hậu nên đã chịu đau điếng cho chuồn chuồn cắn rốn trước khi cởi truồng nhảy tùm xuống ao. Và đến một ngày tôi hả hê lắm khi chạm tay được vào bờ kia ao Hậu.

Ao Đình, ao Ngòi rộng dài hơn. Mỗi dịp hội hè dân làng tổ chức hát trên thuyền rồng và trò bịt mắt bắt vịt ở ao Đình. Riêng ông Tố mang mấy cái vạc nấu mật mía to tướng ra để thi bơi. Dân làng được phen cười nghiêng ngả khi ai đó vừa bước lên thì cái vạc đã chòng chành quay tít rồi ụp một cái làm bổ chửng người chơi xuống nước.

Gọi là ao Đình vì gần đình. Nghe thầy tôi kể đình, chùa làng tôi rất to. Đình, chùa mà tôi biết là được làm lại. Còn đình, chùa cũ lúc tiêu thổ kháng chiến đã bị đốt, cháy mấy ngày mới hết. Trong sân đình có cây thị già trăm tuổi. Ngày trước cái thân rỗng của nó đủ cho mấy đứa chúng tôi chui vào. Giờ thì chỉ còn một mé, phải chống đỡ bằng cột bê tông nhưng cành lá còn sum suê lắm.

Làng tôi có cả nhà thờ thuộc giáo xứ Đạo Ngạn, giáo phận Bắc Ninh vừa được phục dựng sau hơn 60 năm hoang phế. “Chuông ngân mây trắng mong manh chiều tà” cũng là một khoảnh khắc chiều thu ở cái xóm giữa làng tôi bây giờ.

Hoàng Mai là một làng cổ, cái tên ấy đã có hàng mấy trăm năm. Làng rộng, dân đông cho nên cách đây dăm năm được tách làm ba thôn: Hoàng Mai 1, Hoàng Mai 2, Hoàng Mai 3. Bao năm qua, nhiều người Hoàng Mai bôn ba sinh cơ lập nghiệp khắp nơi trong nước và nước ngoài. Kẻ ở, người đi cũng là chuyện bình thường ở mỗi làng quê Việt .

Có thể cũng như nhiều người con xa quê khác, tôi mãi gọi Hoàng Mai bằng hai tiếng “làng tôi” thân thương như thời còn thơ bé, nhưng gọi thế sẽ không còn đúng như trong văn tự bây giờ. Từ năm 2020, làng Hoàng Mai, xã Hoàng Ninh có cái tên mới là tổ dân phố Hoàng Mai, sáp nhập vào thị trấn Nếnh. Làng tôi đã thuộc đô thị Nếnh. Cái tên xã Hoàng Ninh cũng không còn nữa.

Trong tùy bút “Về quê đốt lửa” của nhà văn Đỗ Chu, chữ Nếnh được giải thích thế này: “Nếnh là nánh đọc chệch đi, nó là một tiếng cổ. Nó gợi một hình ảnh bên cao bên thấp, bên nặng bên nhẹ. Từ Nếnh hắt lên là đồng cao, từ Nếnh hắt xuống là vùng chiêm trũng. Vùng chiêm trũng vào mùa nước sóng đánh ì oạp, thuyền câu trôi nổi, qua Ninh Khánh, Núi Hiểu, Bài Xanh, Trúc Tay, xuống mãi Lục Đầu…

…Chỉ dích lên một tị, đồng đất làng tôi đã khô ráo, một năm hai vụ chính, gặt xong lúa là bắt tay vào cày vỡ làm đất chuẩn bị gơ khoai lang, trồng khoai sọ, trồng rau, trồng ngô, gieo đỗ, gieo lạc. Ở mấy vạt đất thấp gần nước thì trồng dâu nuôi tằm, vây ao vây chuôm thả sen nuôi cá…”

Địa thế “nánh” được coi là cái may mắn của làng tôi so với mấy làng bên vì có cả đồng chiêm, đồng màu. Ngoài hạt lúa còn có thêm con củ, con khoai cho ấm bụng lúc nhỡ nhàng giáp hạt. Tuy thế, nhiều năm mất mùa vẫn bị đói lay đói lắt. Năm tôi học cấp 2, hôm ấy gần Tết, thầy Cẩn dạy toán làm bài thơ “Tết nghèo” đọc cho cả lớp nghe: “Bụng nửa khoai lang nửa khoai tây/ Sắn khô lổn nhổn dạ vơi đầy/ Dăm ba hôm nữa tin xuân đến/ Nước mắt tràn dâng đẫm cuộc đời”. Tôi nhớ lắm bài thơ này vì cũng nếm trải cái Tết nghèo buồn thương năm ấy.

Cánh đồng chiêm trước làng tôi có cái tên rất đẹp là đồng Vàng. Mùa lúa chín màu vàng no ấm tít tắp tận chân dãy Nham Biền. Còn vào tháng Bảy nước nổi sóng sánh ánh bạc nó lại là một vựa tôm cua cá. Mùa ấy chúng tôi thường đi đánh dậm từ tờ mờ sáng, lúc mặt trời lên là có giỏ cua đầy. Bởi thế dân làng tôi mới có câu tự trào “trai tài đánh dậm đùi đen sạm, gái giỏi mò cua chân mốc meo”. Sau này có trạm bơm Trúc Tay nên cánh đồng Vàng cấy được hai vụ, dân trong làng, trong xã bớt đói khổ đi nhiều.

Một ngày nọ, quốc lộ 1A mới như dải lụa vắt qua đồng Vàng. Các khu công nghiệp Đình Trám, Quang Châu, Vân Trung với rất nhiều nhà máy mọc lên. Cánh đồng chiêm vốn chỉ có ba màu xanh, vàng, ánh bạc thì nay là nhấp nhô nhà máy và nhà máy. Những nhà máy ấy đã thu hút hàng trăm nghìn công nhân khắp nơi đến làm việc.

Đồng chiêm đã lấp đầy nhà máy, đồng màu đang san lấp mặt bằng để xây dựng Khu đô thị Đình Trám – Sen Hồ, ruộng canh tác đã chuyển gần hết sang làm công nghiệp, đô thị; người làng tôi chẳng mấy ai còn cấy cày hay trồng rau màu gì nữa. Thanh niên vào làm ở nhà máy hoặc dịch vụ buôn bán, “trai tài đánh dậm, gái giỏi mò cua” giờ đã lên ông, lên bà ở nhà trông cháu hoặc xây nhà trọ cho thuê. Nghe nói số công nhân đến trọ đã gần bằng số dân của làng.

Tôi xa nhà đi công tác thấm thoắt đã mấy chục năm. Vẫn nặng lòng với “mảnh hồn quê yêu dấu”, nặng lòng với cái ơn cha sinh mẹ dưỡng, cái ơn đùm bọc sẻ chia của dân làng là những cái ơn phải mang theo suốt cả cuộc đời nhưng đền đáp thì chẳng được là bao, cũng chẳng biết thế nào là đủ. Từ ngày thầy tôi mất, tôi năng về thăm mẹ hơn. Mẹ tôi năm nay đã gần 90 tuổi, nhưng ơn giời vẫn khỏe mạnh, minh mẫn. Mỗi lần gặp mẹ vẫn kể cho tôi chuyện vui buồn trong làng. Có lần mẹ tôi bảo của cải ở đâu mà cứ ùn ùn đổ về làng mình thế nhỉ.

Quả đúng như mẹ tôi nói. Làng tôi đổi thay nhiều lắm. Khi hoàng hôn thấp thoáng có khi tôi ngỡ ngàng chẳng còn nhận ra đây là quê mình. Phố làng sáng rực. Quán xá nhộn nhịp. Loa nhạc xập xình. Ô tô, xe máy mới cóng đầy đường… Thật mừng cho dân làng đã khá giả. Nhìn rộng ra cả xã, cả huyện cũng đã khá giả; từ một vùng thuần nông nay đã thành vùng trọng điểm công nghiệp, đô thị của tỉnh. Và một lộ trình không xa nữa thị trấn Nếnh sẽ trở thành phường, huyện Việt Yên sẽ trở thành thị xã. Năm 2020, huyện Việt Yên vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Vậy là, vùng đất địa linh nhân kiệt xưa đã từng được vinh danh anh hùng trong kháng chiến nay lại được vinh danh anh hùng trong lao động.

Thế nhưng, mừng nhiều đấy mà lo cũng nhiều đấy. Mừng vì đói nghèo được xua đi, nhà to cao ngày càng nhiều nhưng dường như thiếu những bàn tay sắp xếp sao cho ngăn nắp, sạch sẽ. Mấy năm qua ở làng tôi nhà tầng, nhà trọ mọc lên như nấm chen chúc nhau lộn xộn, ngột ngạt. Công nhân ùn ùn về làng nên bảo đảm an ninh trật tự trở thành vấn đề khó khăn, phức tạp. Tội phạm trộm cắp, cướp giật, cờ bạc gia tăng. Ma túy, mại dâm, tín dụng đen len lỏi vào ngõ xóm. Môi trường không khí, môi trường nước đang bị ô nhiễm.

Thật xót xa cho cái ao Hậu kia xanh trong là thế mà nay đang thoi thóp, nước đen ngòm, bị đổ đất, đổ rác, lấn chiếm làm nhà nên hai bờ đã gần sát nhau, tôi có cảm giác chỉ nhảng vài bước chân là vượt qua ao Hậu.

Rõ ràng ở làng tôi và cả khu đô thị Nếnh đang có cái “nánh” giữa kinh tế và văn hóa. Vì đâu như thế? Ngẫm nghĩ có lẽ chẳng riêng làng tôi, chẳng riêng đô thị Nếnh mà ở nhiều nơi chúng ta chưa chuẩn bị kỹ càng để mà khá giả, để mà giàu có. Cái “mau” của văn minh, tiến bộ chưa theo kịp cái “mau” của kinh tế. Vì cái “nánh” ấy nên có chỗ giàu mà chưa đẹp, thậm chí gây ra nhiều hệ lụy. Cái “nánh” này cần phải điều chỉnh cho “cân” thì mới có thể gọi là giàu sang được. Nhưng giải pháp điều chỉnh thế nào thì câu trả lời cũng không hề đơn giản? Đó là việc lớn, việc khó. Nhìn nhận nó là việc lớn, việc khó để mà lo và chung sức cùng lo thì mới thật sự là điều mừng.

Dàn dựng chương trình nghệ thuật đặc biệt chào mừng 200 năm thành lập huyện Việt Yên
(BGĐT) - Chuẩn bị cho Lễ kỷ niệm 200 năm thành lập huyện Việt Yên và đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, chương trình nghệ thuật đặc biệt với chủ đề “Việt Yên - văn hiến và anh hùng” đang được các đơn vị chuyên môn tập trung dàn dựng.
Dấu mốc ra đời tên huyện Việt Yên
(BGĐT) - Việt Yên là huyện có bề dày lịch sử và nền văn hóa phong phú của tỉnh Bắc Giang. Tính đến nay, trải qua 200 năm hình thành và phát triển (1820 - 2020), mảnh đất kiên cường ấy vẫn tiếp tục đóng góp nhiều thành tích trong việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong số những tài liệu quý thuộc khối Mộc bản triều Nguyễn có bản khắc về dấu mốc xuất hiện tên gọi huyện Việt Yên.
Chào mừng kỷ niệm 200 năm thành lập huyện Việt Yên (1820-2020): Ưu tiên nguồn lực cho những công trình trọng điểm
(BGĐT) - Chào mừng đại hội đảng các cấp và kỷ niệm 200 năm thành lập, huyện Việt Yên (Bắc Giang) đã triển khai xây dựng nhiều công trình trọng điểm góp phần thúc đẩy phát triển KT- XH của địa phương, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của người dân.  

Tùy bút của Trần Đức

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...