Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 30 °C / 25 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Phóng sự - Khám phá
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Anh Vũ Trí Sức hiến tạng cứu người: Hồi sinh sự sống

Cập nhật: 07:00 ngày 26/09/2020
(BGĐT) - Nhận tin con trai là Vũ Trí Sức bị tai nạn lao động dẫn đến chết não không thể cứu được, bà Thi và những người thân như đứt từng khúc ruột. Trong tình cảnh tang thương đó, mọi người chỉ biết khóc gọi tên anh. Thế nhưng, khi biết một số bộ phận cơ thể anh Sức được hiến cho y học, hồi sinh sự sống cho nhiều mảnh đời khác, nỗi đau trong lòng những người ở lại dường như đã vơi đi.

Trụ cột gia đình

Ngôi nhà 3 tầng khang trang của gia đình bà Nguyễn Thị Thi (SN 1952) nằm sâu trong thôn Đức Thành, xã Trí Yên, Yên Dũng (Bắc Giang) từ nhiều ngày nay luôn có người qua lại hỏi thăm. Trong nhà, di ảnh người đàn ông trung niên 44 tuổi Vũ Trí Sức đặt ngay ngắn giữa ban thờ khói hương.

{keywords}

Bà Thi, ông Sang và con trai anh Sức là Vũ Công Mạnh trò chuyện với phóng viên.

Thắp nén hương cho con trai, bà Thi gạt nước mắt: “Tôi có 3 đứa con, Sức ở giữa, anh nó làm ăn trong miền Nam, còn em gái đang ở nước ngoài. Chồng tôi mất sớm, tôi vất vả nuôi các con khôn lớn trưởng thành. Trước Sức làm cai xây dựng, chịu khó làm ăn, nó đã từng sang tận Ả Rập, Malaysia, Lybi, Đài Loan (Trung Quốc) để làm nghề. 

Ngôi nhà này cũng do Sức thiết kế và vợ chồng chắt bóp xây dựng nên. Lấy vợ rồi đẻ hai con trai, khi các cháu dần lớn, vợ nó (chị Nguyễn Thị Như-PV) bảo rằng hai vợ chồng mà đi nước ngoài cả thì ở nhà không có người chăm sóc mẹ và bảo ban hai con đang tuổi ăn tuổi lớn. Thôi thì anh chịu khó làm ở nhà để em đi, 3 năm lại về”.

Từ ngày chị Như đi Đài Loan đến nay chưa được 10 tháng, bà Thi sang nhà anh Sức ở hẳn để lo cho các cháu. Còn anh vẫn túc tắc đi làm ở các công trình gần nhà. Hôm xảy ra tai nạn (23/8/2020), trong họ có đám giỗ. “Mọi lần nó hay sang sớm để làm giúp, hôm ấy thế nào lại bảo tôi và con trai mang lễ sang trước, nó tranh thủ đi làm công trình cho một gia đình trong xã rồi đến muộn. Lúc ấy khoảng 6 giờ sáng. Vậy mà gần tiếng sau đã thấy đứa cháu hốt hoảng chạy vào nhà bảo con tôi bị ngã từ trên tầng xuống, vào bệnh viện rồi". 

Ngồi bệt dưới sàn nhà, bà thổn thức: “Lúc Sức được đưa tới bệnh viện tỉnh, cơ thể đã tổn thương nhiều. Mổ rồi đấy nhưng sức khỏe có chiều hướng xấu đi, gia đình chuyển ra Bệnh viện Việt Đức với hy vọng còn nước còn tát. Mặc dù được các bác sĩ tận tình cứu chữa nhưng em nó không qua khỏi”.

Vượt qua rào cản

{keywords}

Bé trai 11 tuổi vừa được ghép quả tim do anh Sức hiến tặng. Ảnh chụp chiều 22/9/2020.

Tiên lượng sức khỏe bệnh nhân Vũ Trí Sức rất yếu, khó có thể cứu sống, thạc sĩ, bác sĩ Phạm Thị Đào cùng đồng nghiệp ở Trung tâm Ghép tạng, Bệnh viện Hữu nghị Việt-Đức đã trực tiếp gặp gỡ gia đình, đưa ra ý tưởng mong được người thân đồng ý hiến một số bộ phận cơ thể của anh Sức cho y học. 

Nghe thông tin này, ban đầu ông Nguyễn Văn Sang (SN 1967, là bác) và anh Vũ Trí Lực (anh trai) rất bất ngờ, hoang mang và rối trí vì gia đình, dòng họ và ở quê chưa từng có ai hiến tạng như thế. Sau khi được nghe bác sĩ tư vấn, đêm hôm đó, hai bác cháu thức trắng bên hành lang bệnh viện. 

Vẳng bên trong giường bệnh có những tiếng rên đau đớn của bệnh nhân; rồi tận mắt chứng kiến cả những giọt nước mắt, sự tuyệt vọng của người nhà khi người thân vật vã mà bó tay không thể làm gì được. Nhớ lại lời bác sĩ Đào nói: “Mong gia đình hãy mở lòng, có biết bao bệnh nhân đang chờ cái gật đầu của người nhà. Anh Sức mất đi nhưng có thể mang lại sự sống cho nhiều người khác đang mắc bệnh hiểm nghèo, chỉ mong có mô, tạng để được ghép”, ông Sang trầm ngâm: “Thôi thì không cứu được cháu thì ít nhất cháu cũng để lại cái gì đó cho đời”.

Suy nghĩ, cân nhắc, gọi điện cho những người thân, thấm thía từng lời bác sĩ tư vấn nên hai bác cháu ủng hộ việc hiến tạng. Thế nhưng, khó nhất lại là bà Thi. Ông Sang kể lại, khi gọi điện nói về ý tưởng hiến tạng, bà Thi khóc lóc thảm thiết, ban đầu bà kiên quyết phản đối: “Không được, bác nhất định phải đem con tôi về nhà, nó chết phải được toàn thây. Con tôi ra đi thế nào các bác phải mang về y nguyên thế ấy. Tôi không cho phép ai động đến cơ thể con tôi đâu”. Rồi vợ anh Sức là chị Nguyễn Thị Như cũng không đồng tình để chồng hiến tạng.

Thấy tình huống như vậy, bác sĩ Đào đã trực tiếp gọi điện cho chị Như đang ở Đài Loan. Nghe bác sĩ tư vấn, lúc đầu chị Như cũng rối bời chả biết nên thế nào. Nếu mình đồng ý liệu gia đình nhà chồng có để yên khi mình trở về; hàng xóm, xã hội có dị nghị? Chị Như lại tiếp tục một lần nữa gọi điện cho những người thân, trong đó có cả em gái đang làm ở Viện Tim mạch để nhờ tư vấn. 

Cuối cùng, chị Như đã nén nước mắt thuyết phục bà Thi: “Mẹ ơi, mẹ đồng ý cho chồng con hiến tạng được không. Nhiều người bệnh đang chờ cái gật đầu của mẹ. Sau này con nhìn người ta con biết chồng con vẫn còn sống. Anh chết xác nhưng còn phần hồn mẹ ạ”. Mưa dầm thấm lâu, nghe con dâu bày tỏ nỗi lòng như vậy, bà Thi đồng ý.

Nhận được sự đồng thuận của gia đình nhưng theo quy định của pháp luật, anh Lực và ông Sang không thể thay gia đình ký vào tờ đơn đăng ký hiến tạng. Chỉ có mẹ, vợ và con trai của anh Vũ Trí Sức mới được ký. Do dịch Covid-19, chị Như chưa thể về Việt Nam ngay. Từ Đài Loan xa xôi, chị đã gọi điện ủy quyền cho con trai cả là Vũ Công Mạnh (SN 2002) thay mẹ ký vào đơn đăng ký hiến mô tạng. “Tôi cùng vợ, các con và anh em nó đồng ý làm việc phúc đức, em nó ra đi chắc cũng được thanh thản nhẹ lòng”- bà Thi ngậm ngùi.

"Anh đi xa nhưng vẫn ở lại với đời"

Gọi điện đến Bệnh viện Việt Đức, tôi được Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Thị Đào thông tin: “Phần cơ thể của anh Sức đã được ghép cứu sống một số người. Anh Sức đã hiến quả tim, lá gan, 2 quả thận, 2 giác mạc và 4 đoạn mạch”.Tính đến chiều 22/9, đã có 6 bệnh nhân được ghép các bộ phận cơ thể anh Sức. 

Để tri ân, ghi nhận nghĩa cử cao đẹp của anh Sức và gia đình, Bộ trưởng Bộ Y tế đã có quyết định truy tặng Kỷ niệm chương "Vì sức khỏe nhân dân" cho anh Vũ Trí Sức, coi đây là tấm gương sáng, lan tỏa sâu sắc giá trị nhân đạo trong cộng đồng.

Đó là bé trai 11 tuổi ở tỉnh Thái Bình với một quả tim đã đập bình thường trong lồng ngực; là bệnh nhân 53 tuổi ở TP Hải Phòng được ghép lá gan; một bệnh nhân 24 tuổi và một bệnh nhân 44 tuổi ở TP Hà Nội mỗi người nhận một quả thận; giác mạc cũng được ghép cho hai bệnh nhân. 4 đoạn mạch đang được lưu giữ trong ngân hàng mô của Bệnh viện Việt Đức chờ ghép cho những bệnh nhân khác. 

“Mừng nhất là các bộ phận anh Sức hiến khi ghép vào cơ thể người bệnh đều tương thích, bệnh nhân ghép tim và hai bệnh nhân ghép thận đã được ra viện. Âu cũng là cái duyên giữa người ra đi và người ở lại”. Nói rồi bác sĩ Đào gửi cho tôi tấm ảnh cháu bé 11 tuổi ở Thái Bình đang cười tươi ngồi trên giường bệnh: “Nhờ anh Sức mà bé trai này được sống lại một cuộc đời thứ hai”.

Cho đi một phần cơ thể của mình để làm sống lại một cuộc đời khác. Việc làm của bà Thi, chị Như, ông Sang, anh Lực... và đại gia đình anh Vũ Trí Sức rất cao đẹp. Nhờ quyết định của họ mà đã nối dài sự sống cho những người bệnh tưởng chừng như đã tắt hết hy vọng.

Đăng ký hiến tạng: Hồi sinh cho những cuộc đời
(BGĐT) - Người làm nông dân, thợ mộc, thợ may, cũng có người là giáo viên, cán bộ nhà nước, họ cùng có mong muốn hiến mô, tạng giúp hồi sinh cuộc đời người khác. Những lá đơn lần lượt được gửi đến Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người. 
Sau tai nạn giao thông, chàng trai 19 tuổi ở Bắc Giang hiến tạng cứu người
(BGĐT) - Trước thông tin gia đình anh Nguyễn Tiến Mạnh (SN 2000), thôn Cấm, xã Lương Phong (Hiệp Hòa) hiến tạng cứu người sau khi qua đời, chúng tôi về địa phương để tìm hiểu sự việc.
Hiến tạng khi qua đời, anh Ngọ Văn Soái ở Bắc Giang cứu sống 4 người
(BGĐT) - “Nhiều người bảo tôi gàn dở khi quyết định hiến tặng mô, tạng của chồng nhưng cứ nghĩ anh ấy không thể qua khỏi mà lại cứu sống được nhiều người khác thì tôi thấy đó là việc rất nên làm”- chị Nguyễn Thị Giang nói trong nước mắt.
Ca ghép thận đầu tiên trên thế giới từ người hiến tạng nhiễm HIV còn sống
Một ca ghép thận hy hữu mới đây đã được các bác sĩ phẫu thuật tại Đại học Johns Hokins ở Baltimore, Mỹ, tiến hành, trong đó người được ghép thận và người hiến tạng còn sống đều nhiễm virus HIV. Đây là ca ghép thận đầu tiên trên thế giới với điểm đặc biệt như vậy.
Vượt qua định kiến, tăng nguồn hiến tạng
(BGĐT) - Trước đây, việc hiến mô, tạng ít được bạn trẻ quan tâm. Kể từ cuối tháng 2-2018, câu chuyện cảm động về bé Nguyễn Hải An, 7 tuổi ở Hà Nội hiến giác mạc sau khi qua đời đã góp phần làm thay đổi cách nhìn nhận về vấn đề hiến mô, tạng, nhất là đối với các bạn trẻ. 
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: Hiến tạng cứu người là hành động cao nhất của tấm lòng từ thiện
Ngày 2-1, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đến thăm, làm việc với Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội); truy tặng Kỷ niệm chương cho anh Dương Hồng Quý (người hiến 7 mô, tạng) cứu 6 người giữa tháng 12-2018; tặng Bằng khen cho Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện kỹ thuật ghép phổi lần đầu tiên do ê kíp thầy thuốc Việt Nam thực hiện và trao quà cho các gia đình người nhận tạng.
Người đàn ông hiến tạng ở Ninh Bình sau chết đã cứu thêm người thứ 6
Sau khi qua đời, anh Quý đã hiến tạng, cứu sống 5 người và con số chưa dừng lại ở đó, người thứ 6 cũng đã được sống nhờ mạch máu của người đàn ông này. 
Tri ân Thiếu tá Lê Hải Ninh - người hiến tạng cứu 6 người bệnh
Chiều 28-3, tại Hà Nội, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã tổ chức Lễ tôn vinh Thiếu tá Lê Hải Ninh (45 tuổi, quê ở huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình), cán bộ thuộc Lữ đoàn Tăng thiết giáp 202, Quân đoàn 1 - người đã hiến tạng cứu 6 người.

Thu Phong - Quốc Trường 

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...