Thứ tư, 24/04/2024
Bắc giang 26 °C / 24 - 27 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Pháp luật
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Bắc Giang: Tập trung tuyên truyền, phản bác thông tin xuyên tạc về dự án CCN Việt Nhật

Cập nhật: 16:43 ngày 17/11/2022
(BGĐT)- Mặc dù đã được các cấp ủy đảng, chính quyền, ngành chức năng nhiều lần tuyên truyền, đối thoại làm rõ những vấn đề liên quan đến công tác bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) thực hiện dự án Cụm công nghiệp (CCN) Việt Nhật song một số người dân thôn Hương Câu, xã Hương Lâm, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) vẫn cố tình chống đối, gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng đến tiến độ dự án.
{keywords}

Nhà thầu san lấp mặt bằng CCN Việt Nhật.

CCN được thành lập theo đúng quy định

CCN Việt Nhật được UBND tỉnh Bắc Giang phê duyệt thành lập theo quyết định số 90/QĐ-UBND ngày 30/1/2018, chủ đầu tư là Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Bắc Giang; quy mô 49,66 ha, tại xã Hương Lâm và thị trấn Bắc Lý (Hiệp Hòa).

Trong quá trình thực hiện dự án, cơ bản các hộ dân đều nhất trí với chủ trương xây dựng CCN nhằm thúc đẩy KT-XH phát triển, tạo điều kiện giải quyết công ăn việc làm cho người dân địa phương. Hiện nay đã có gần 900 hộ nhận tiền bồi thường GPMB, còn hơn 30 hộ, chủ yếu ở thôn Hương Câu chưa đồng thuận.

Các hộ dân này cho rằng, việc thành lập CCN Việt Nhật và lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khi chưa được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ. Mặt khác, UBND huyện Hiệp Hòa đã tự ý triển khai dự án, điều chỉnh chuyển đổi mục đích đất trồng lúa sang đất CCN, thực hiện thu hồi đất.

Theo ông Hoàng Công Bộ, Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hòa, những ý kiến trên không có cơ sở. Tại khoản 1, Điều 10, Nghị định số 68/2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017 của Chính phủ quy định về điều kiện thành lập CCN không quy định phải có văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ.

Việc thu hồi đất của UBND huyện Hiệp Hòa để thực hiện dự án CCN Việt Nhật được thực hiện sau khi có văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển mục đích sử dụng đất.

Cụ thể, ngày 21/11/2018, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa để thực hiện dự án trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, trong đó có dự án CCN Việt Nhật; ngày 23/7/2019, UBND huyện Hiệp Hòa mới ban hành quyết định thu hồi đất để thực hiện dự án CCN Việt Nhật (đợt 1).

Chính sách minh bạch

Qua tìm hiểu thực tế cho thấy, năm 2016, nhằm tăng cường xúc tiến đầu tư của Nhật Bản vào địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã mời Chủ tịch Tập đoàn KaioKai - Nhật Bản, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp KaioKai tại Nhật Bản đến thăm, làm việc với tỉnh, khảo sát thực địa tại huyện Hiệp Hòa để đầu tư hạ tầng khu, CCN.

Được sự ủy quyền của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hòa đã ký biên bản ghi nhớ với Tập đoàn KaioKai Nhật Bản về việc đầu tư hạ tầng CCN tại xã Hương Lâm. Biên bản có giá trị trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày 10/9/2016 và sẽ được gia hạn khi có sự đồng ý bởi hai bên hoặc sẽ chấm dứt hiệu lực nếu các nội dung đã được thỏa thuận không được thực hiện mà không có lý do chính đáng.

Đến hết ngày 10/9/2017, biên bản ghi nhớ hết hiệu lực, UBND huyện không nhận được đề nghị tiếp tục gia hạn biên bản ghi nhớ hoặc thành lập CCN Việt Nhật của Tập đoàn KaioKai Nhật Bản. Thời điểm đó, CCN Việt Nhật vẫn chưa được UBND tỉnh thành lập theo quy định tại Nghị định 68/2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017 của Chính phủ, chưa xác định chủ đầu tư xây dựng hạ tầng CCN.

Do Tập đoàn Kaiokai Nhật Bản không có nhu cầu tiếp tục đầu tư xây dựng hạ tầng CCN Việt Nhật theo như văn bản ghi nhớ đã ký với UBND huyện Hiệp Hòa; theo đề nghị của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Bắc Giang, UBND tỉnh Bắc Giang đã phê duyệt thành lập CCN Việt Nhật do Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Bắc Giang làm chủ đầu tư. Nghĩa là không có chuyện, khi quy hoạch CCN Việt Nhật thì được phê duyệt cho Tập đoàn KaioKai Nhật Bản nhưng thực tế lại giao cho Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Bắc Giang như ý kiến thắc mắc của một số hộ dân thôn Hương Câu.

Một số người dân thôn Hương Câu cho rằng, dự án CCN Việt Nhật không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất nhưng Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Bắc Giang lại tự áp giá bồi thường thu hồi đất khi Nhà nước thu hồi; UBND huyện Hiệp Hòa không minh bạch trong cơ chế thi hành.

“Theo kế hoạch, hết năm 2022, việc xây dựng cơ sở hạ tầng CCN sẽ hoàn thành, song do một số hộ dân vẫn chưa đồng thuận trong công tác đền bù GPMB, có hành vi ngăn cản đơn vị thi công, nên ảnh hưởng tiến độ đề ra, hiện mới đạt khoảng 70% khối lượng xây dựng”, ông Nguyễn Ngọc Hải, Phó trưởng Ban Quản lý dự án CCN Việt Nhật, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Bắc Giang nói.

Qua tìm hiểu cho thấy, tại điểm d, khoản 3, Điều 62 Luật Đất đai năm 2013 ghi rõ: “Thực hiện các dự án do HĐND cấp tỉnh chấp thuận mà phải thu hồi đất bao gồm: Dự án xây dựng khu đô thị mới, khu dân cư nông thôn mới; chỉnh trang đô thị, khu dân cư nông thôn và CCN…”. Do đó, dự án CCN Việt Nhật thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất, không phải thuộc trường hợp chủ đầu tư tự thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Tung tin thất thiệt

Theo ông Dương Văn Lý, Phó trưởng thôn Hương Câu, nguyên nhân chính một số hộ dân chưa đồng thuận nhận tiền bồi thường GPMB là muốn tăng giá đền bù cao hơn. Họ so sánh với mức bồi thường của tỉnh Bắc Ninh, điều này sẽ khó thực hiện bởi mỗi tỉnh có những quy định khác nhau, tùy điều kiện thực tế.

Nhằm lôi kéo thêm nhiều người dân phản đối, hiện nay, một số đối tượng đã tung tin thất thiệt, gây hiểu lầm trong nhân dân, như cho rằng, chủ đầu tư dự án đang “thuê” cán bộ, chính quyền địa phương đứng ra GPMB, sau đó phân lô bán nền làm đất ở, không phải xây dựng nhà máy, xí nghiệp (!?). Có trường hợp lại tung tin, đã có người hỏi mua ruộng, với giá 200-300 triệu đồng/sào, cao gấp nhiều lần giá đền bù GPMB…

Hơn 30 hộ dân trên đã gửi đơn khởi kiện UBND huyện Hiệp Hoà, yêu cầu TAND tỉnh Bắc Giang hủy các quyết định hành chính liên quan đến công tác GPMB. Tuy nhiên, tất cả những yêu cầu đều bị bác bỏ tại phiên tòa sơ thẩm trong tháng 10 vừa qua. Sau đó, các hộ dân đã có hành vi chống đối cơ quan chức năng, giữ phương tiện, giữ công nhân của đơn vị đang thi công dự án.

Ông Phạm Ngọc Bính, một người dân thôn Hương Câu bày tỏ, công tác thu hồi đất, GPMB thực hiện dự án CCN Việt Nhật bảo đảm khách quan, trung thực, công khai, minh bạch. Gia đình ông đã nhận tiền đền bù GPMB khoảng 360 m2 để thực hiện dự án này.

Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện cùng các tổ công tác của huyện và xã Hương Lâm đã nhiều lần gặp gỡ, đối thoại, giải thích cho người dân về các chế độ, chính sách liên quan đến công tác bồi thường GPMB thuộc dự án CCN Việt Nhật. Tiếc thay, vẫn còn số ít hộ phản đối, thậm chí có hành vi gây mất an ninh trật tự. Dư luận mong muốn các cơ quan chức năng xử lý nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm, bảo đảm tính răn đe.

Các cấp chính quyền địa phương, nhất là UBND xã Hương Lâm tiếp tục tăng cường tuyên truyền bằng nhiều hình thức đến mọi người dân trên địa bàn về tính minh bạch của dự án; đấu tranh, phản bác những thông tin xuyên tạc, không đúng sự thật, tạo sự đồng thuận.

Bài, ảnh: Thành Nam
Xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật, bảo đảm tiến độ dự án CCN Việt Nhật
(BGĐT)- Ngày 11/11, khi nhà thầu đang thi công dự án Cụm công nghiệp (CCN) Việt Nhật thì một số người dân thôn Hương Câu, xã Hương Lâm, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) ra ngăn cản, giữ phương tiện và giữ người trái phép nhằm gây áp lực với chính quyền địa phương trong việc bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB). Mặc dù vụ việc đã được các cấp chính quyền, cơ quan chức năng xem xét, trả lời rõ ràng song một số cá nhân cố tình chống đối, gây mất an ninh trật tự.
Bắc Giang: Bắt giữ 7 đối tượng kích động, chống đối trong quá trình thi công dự án
(BGĐT) - Ngày 12/11, tại công trường đang thi công của Cụm Công nghiệp Việt Nhật, xã Hương Lâm, huyện Hiệp Hoà (Bắc Giang), một số người dân do tin theo những lời nói mang tính kích động đã ra công trường cản trở thi công, giữ người trái pháp luật và phương tiện của đơn vị thi công.
Sáp nhập cụm công nghiệp vào khu công nghiệp: Tăng sức hấp dẫn nhà đầu tư
(BGĐT)- Nhằm thu hút và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp (DN) đầu tư vào Bắc Giang được hưởng các chính sách ưu đãi, đồng thời giúp quản lý hoạt động sản xuất công nghiệp hiệu quả, tỉnh Bắc Giang đề ra mục tiêu đến năm 2030 sẽ sáp nhập 6 cụm công nghiệp (CCN) vào các khu công nghiệp (KCN). Từ nay đến năm 2025 hoàn thành sáp nhập 2 CCN vào các KCN.



Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...