Thứ bảy, 20/04/2024
Bắc giang 26 °C / - °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Pháp luật
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký, quản lý hộ tịch

Cập nhật: 17:27 ngày 16/05/2022
(BGĐT) - Thời gian qua, Sở Tư pháp Bắc Giang đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào đăng ký, quản lý hộ tịch. Thông tin được đăng ký đầy đủ, kịp thời; quản lý khoa học, trích xuất nhanh chóng, tạo thuận tiện cho tổ chức, cá nhân, góp phần quan trọng vào nhiệm vụ cải cách tư pháp.

Liên thông phần mềm

Hằng ngày, sau khi giải quyết các thủ tục đăng ký khai sinh của công dân trên hệ thống một cửa điện tử, chị Nguyễn Thị Thanh Nga, công chức Tư pháp - Hộ tịch xã Hợp Đức (Tân Yên) tiếp tục thực hiện các thao tác để liên thông dữ liệu đó với phần mềm đăng ký khai sinh điện tử và ghi chép vào sổ sách theo dõi đúng quy định. Chị chia sẻ: “Hệ thống một cửa điện tử và phần mềm đăng ký khai sinh điện tử giúp chúng tôi xử lý công việc tương đối hiệu quả, góp phần hỗ trợ, rút ngắn thời gian cho các cơ quan có thẩm quyền đăng ký hộ tịch”. Theo thống kê, năm 2021, huyện Tân Yên có hơn 6.500 trường hợp đăng ký khai sinh. 100% hồ sơ đều được tiếp nhận, xử lý liên thông.

Việc liên thông các hệ thống, phần mềm nói trên thực hiện từ giữa năm 2021. Sở Tư pháp đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông triển khai kết nối, trao đổi dữ liệu, tập huấn nghiệp vụ cho tất cả công chức Tư pháp - Hộ tịch. Cùng đó, thí điểm tại UBND phường Trần Phú và Lê Lợi (TP Bắc Giang) trong hai tháng và đã nhân rộng ra toàn tỉnh. 

{keywords}

Người dân xã Hợp Đức (Tân Yên) làm thủ tục khai sinh tại bộ phận một cửa của UBND xã.

Được biết, tỉnh Bắc Giang cũng thực hiện liên thông giữa hệ thống một cửa điện tử với phần mềm đăng ký kết hôn, khai tử điện tử. Vì là phần mềm dùng chung do Bộ Tư pháp triển khai nên không tránh khỏi tình trạng lỗi đường truyền, cập nhật thông tin chậm làm ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết công việc. Sở Tư pháp đã kiến nghị, đề nghị cấp trên về vấn đề này để sớm có biện pháp khắc phục triệt để.

Đăng ký hộ tịch trực tuyến

Năm 2021, Sở Tư pháp đã số hóa hơn 800 nghìn thông tin hộ tịch của toàn tỉnh. Năm 2022, đơn vị tiếp tục phối hợp số hóa sổ hộ tịch tại các huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Dũng, TP Bắc Giang. Theo bà Đỗ Thị Loan, Trưởng phòng Hành chính Bổ trợ tư pháp (Sở Tư pháp), khối lượng hồ sơ hộ tịch ở mỗi địa phương rất lớn, nếu lưu giữ bằng cách truyền thống sẽ có nguy cơ thất thoát tài liệu, mối mọt, cháy nổ cao, khó khăn trong thống kê, tra cứu. Vì vậy, việc số hóa sổ hộ tịch là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết. 

Người có yêu cầu đăng ký hộ tịch trực tuyến truy cập Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc Cổng dịch vụ công cấp tỉnh để đăng ký tài khoản. Sau đó cung cấp thông tin theo biểu mẫu điện tử tương tác, đính kèm bản chụp hoặc bản sao điện tử các giấy tờ, tài liệu theo quy định; nộp phí, lệ phí trực tuyến.

Quá trình thực hiện, cán bộ chuyên môn thu thập, phân loại, scan/chụp và tạo lập các file dữ liệu hộ tịch dưới dạng file Excel từ các sổ hộ tịch gốc để cập nhật vào hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch. Sau khi hoàn thành, các dữ liệu được chuyển đổi vào cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc. Nhờ đó, việc quản lý, lưu giữ, tra cứu thuận tiện, an toàn hơn. Đây là bước đệm quan trọng để tiến tới đăng ký hộ tịch trực tuyến đối với các thủ tục đã được liên thông. 

Theo hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ Tư pháp, từ ngày 18/2/2022, Bắc Giang là một trong 27 tỉnh, TP trong cả nước triển khai đăng ký hộ tịch trực tuyến cho người dân theo quy định tại Thông tư 01/TT-BTP của Bộ Tư pháp. Căn cứ đề nghị của Sở Tư pháp, UBND các huyện, TP chỉ đạo các phòng Tư pháp, UBND xã, phường, thị trấn, các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường tuyên truyền, phổ biến Luật Hộ tịch, các nghị định, thông tư liên quan đến cán bộ, nhân dân. Quan tâm chuẩn bị các điều kiện về trang thiết bị, cơ sở vật chất, hạ tầng nhằm bảo đảm việc kết nối, chia sẻ thông tin nhanh chóng, hiệu quả. Công chức Tư pháp-Hộ tịch là những người trực tiếp thực hiện được tập huấn, hướng dẫn đầy đủ. 

Anh Nguyễn Văn Thơ, Công chức Tư pháp-Hộ tịch xã Xuân Hương (Lạng Giang) cho hay: “Cùng với cơ quan đăng ký hộ tịch, chúng tôi cũng cập nhật kịp thời, đầy đủ, chính xác các thông tin hộ tịch đã được đăng ký vào phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử dùng chung; thường xuyên rà soát, kiểm tra, xử lý, bảo đảm thông tin trong phần mềm chính xác, thống nhất với thông tin trong sổ đăng ký hộ tịch. Việc điều chỉnh, sửa chữa, hủy bỏ mọi thông tin, dữ liệu hộ tịch điện tử trên phần mềm đều được thực hiện theo quy định của pháp luật”.

Bà Trương Ngọc Bích, Phó Giám đốc Sở Tư pháp cho biết, ứng dụng công nghệ thông tin vào chuyên môn, nghiệp vụ nói chung, trong đăng ký, quản lý hộ tịch nói riêng là xu thế tất yếu trong tương lai, nhằm rút ngắn thời gian, chi phí thực hiện, góp phần quan trọng vào nhiệm vụ cải cách tư pháp. Việc đăng ký hộ tịch trực tiếp (tại cơ quan đăng ký hộ tịch) hay đăng ký trực tuyến là quyền lựa chọn và tùy theo điều kiện, nhu cầu của mỗi công dân. Ở hình thức nào, cơ quan đăng ký hộ tịch vẫn phải bảo đảm tiếp nhận, giải quyết kịp thời, chính xác nếu hồ sơ đăng ký hộ tịch của công dân đầy đủ, đúng quy định.

Bài, ảnh: Mạc Yến

Sẽ nâng cấp cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc
Bộ Tư pháp cho biết, từ tháng 10/2020 đến nay, tất cả các cơ quan đăng ký, quản lý hộ tịch (11.000 UBND cấp xã, trên 700 phòng tư pháp cấp huyện và 63 sở tư pháp) với trên 18.000 tài khoản người dùng đã sử dụng phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử.
Khẩn trương xây dựng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử
Tại Thông báo số 163/TB-VPCP, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Tư pháp khẩn trương xây dựng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử theo đúng quy định của Luật Hộ tịch, bảo đảm kết nối, liên thông với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Bắc Giang: Từ ngày 15/9, công dân có thể đăng ký hộ tịch trực tuyến
(BGĐT)-Từ ngày 15/9/2020, Nghị định số 87/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, đăng ký hộ tịch trực tuyến chính thức có hiệu lực.
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...