Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 31 °C / 25 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Nhịp sống trẻ / Gương mặt
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Thầy giáo Hoàng Văn Tiến: Khó khăn là động lực để phấn đấu

Cập nhật: 18:30 ngày 30/07/2021
(BGĐT) - Gần 20 năm trong nghề cũng là ngần ấy thời gian thầy giáo Hoàng Văn Tiến (SN 1977), Phó Hiệu trưởng Trường THCS Hương Sơn, huyện Lạng Giang (Bắc Giang) gắn bó với ngôi trường này, mang con chữ đến học sinh miền núi và nỗ lực cùng đồng nghiệp xây dựng trường chuẩn quốc gia. 

Chọn việc phù hợp

“Bố tôi là thương binh, chú ruột là liệt sĩ chống Mỹ. Suốt những năm tháng tuổi trẻ, tôi luôn trăn trở sẽ sống ra sao, làm gì để phát huy truyền thống của gia đình. Tháng 3/1997, tôi nộp đơn tình nguyện đi nghĩa vụ quân sự. Trong môi trường quân ngũ, tôi luôn cố gắng rèn luyện và học tập, nỗ lực theo binh nghiệp lâu dài”, thầy giáo Hoàng Văn Tiến mở đầu câu chuyện. 

{keywords}

Thầy giáo Hoàng Văn Tiến cùng lãnh đạo nhà trường kiểm tra cơ sở vật chất trước năm học mới.

Thế rồi gần hai năm rèn luyện ở đơn vị quân đội, anh Tiến nhận thấy mình không phù hợp nên xin ra quân về địa phương tham gia công tác Đoàn thanh niên. Thời gian này, qua các buổi tổ chức hoạt động tình nguyện kết hợp với các cơ sở giáo dục, anh thấy công việc của nhà giáo thật cao quý và cố gắng tự học, thi đỗ vào Trường Cao đẳng Sư phạm Ngô Gia Tự Bắc Giang.

Năm 2003, anh được phân công giảng dạy môn giáo dục thể chất tại Trường THCS Hương Sơn và gắn bó đến nay. Chọn đúng công việc phù hợp với sở trường nên gần 20 năm qua, anh Tiến có 14 năm đạt giáo viên giỏi cấp huyện, nhiều năm là Tổng phụ trách Đội, Bí thư Chi đoàn. Sau này, vừa giảng dạy anh vừa học để nâng cao trình độ, đến tháng 8/2016 được bổ nhiệm phó hiệu trưởng.

Đến năm học 2020-2021, Trường THCS Hương Sơn có diện mạo khang trang, khác hẳn hơn 10 năm trước. Nhiều thầy cô giáo kể, trước đây, nhà trường đứng trước nhiều khó khăn về cơ sở vật chất và đội ngũ. Phần lớn học sinh dân tộc thiểu số, nhiều phụ huynh chưa quan tâm việc học tập của con em. Quy mô học sinh lớn song cơ sở vật chất thiếu nên thường xuyên phải tổ chức học hai ca, các phòng chức năng cũng không đủ...

Xác định khó khăn chỉ là nhất thời, là phép thử lòng người, được sự hỗ trợ, giúp đỡ của Ban Giám hiệu nhà trường và đồng nghiệp, thầy giáo Hoàng Văn Tiến đã dày công nghiên cứu, tìm hiểu, cùng tập thể lãnh đạo nhà trường đưa ra nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập. Giai đoạn 2005-2008, khi trường chưa có thiết bị công nghệ, thầy Tiến cùng đồng nghiệp nghiên cứu, cải tạo chiếc ti vi cũ và các phụ kiện chế tạo rô bốt máy vi tính hình khối làm thành máy chiếu phục vụ dạy, học. 

Theo thầy Tiến, thời điểm khó khăn nhất có lẽ là cuối năm 2008 khi tập trung xây dựng trường chuẩn quốc gia, kinh phí từ ngân sách hạn hẹp. Thầy đã tham mưu với Ban lãnh đạo nhà trường giải pháp huy động nguồn lực tại chỗ, vận động đơn vị quân đội kết nghĩa và phụ huynh học sinh giúp đỡ. Nhiều tháng ròng rã, hết giờ giảng dạy, thầy Tiến cùng đồng nghiệp, phụ huynh lại xúc đất, đổ bê tông sân trường. Hiểu được hoàn cảnh khó khăn của học sinh miền núi, thay vì huy động đóng góp kinh phí, thầy vận động mỗi học sinh thực hiện kế hoạch nhỏ bằng việc góp từng bao sỏi, đá cuội. Hàng nghìn ngày công đã được bỏ ra, từng mét vuông sân đất dần thay thế bằng nền bê tông, khuôn viên nhà trường được chỉnh trang sạch đẹp.

Không ngừng cống hiến

Để nâng chất lượng trường chuẩn theo tiêu chí mới, thầy Tiến cùng Ban giám hiệu nhà trường nghiên cứu, tham mưu với chính quyền địa phương xây mới 12 phòng học, khối nhà hành chính và các phòng chức năng với tổng kinh phí hàng chục tỷ đồng. Giữa năm 2020, nhà trường tiếp tục vận động xã hội hóa làm mới hơn 800 m2 sân bê tông, đến tháng 12 được công nhận lại chuẩn quốc gia. 

Thầy giáo Hoàng Văn Tiến luôn tâm niệm, dù ở bất cứ ngôi trường nào, học trò chính là người được thụ hưởng chất lượng giáo dục. Bởi vậy, với nguyện vọng xây dựng môi trường giáo dục văn minh, an toàn và hạnh phúc, thầy Tiến tham mưu xây dựng quy chế hoạt động lấy tiêu chí học sinh tích cực, hạnh phúc là thước đo.

{keywords}

Thầy giáo Hoàng Văn Tiến kiểm tra các thiết bị dạy học.

Với vai trò Phó Hiệu trưởng, thầy Tiến trực tiếp cải tạo hơn 300 m2 đất trống phía sau dãy nhà hiệu bộ làm khu vườn cho học sinh các lớp lao động trồng cây cảnh, hoa, rau xanh. Nằm ở địa bàn miền núi song trường là một trong những cơ sở đầu tiên có lò đốt rác thải, khu nhà vệ sinh hiện đại với hệ thống xả nước tự động, phần mềm phát nhạc vui nhộn; học sinh siêng năng rèn luyện, học tập, rèn luyện kỹ năng sống. Nhiều năm liền trường không có học sinh mắc tệ nạn xã hội, chất lượng giáo dục nâng lên.

Trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, xã Hương Sơn bị ảnh hưởng lớn. Khi thấy nhiều học trò, đồng nghiệp và gia đình nằm trong vùng cách ly y tế không thể thu hoạch được nông sản, thầy khoác áo bảo hộ lao động dầm mình trong nắng nóng nhận kết nối giúp tiêu thụ 31 tấn dứa và vải thiều cho hàng chục gia đình học sinh và người dân. Ngoài ra còn quyên góp, vận động vật tư y tế, kinh phí hỗ trợ các chốt kiểm soát dịch, khu cách ly. “Thầy Tiến là một trong những người có nhiều đóng góp cho trường. Thầy luôn tận tâm, tận tụy với công việc, là tấm gương điển hình cho đồng nghiệp, học trò noi theo”, thầy giáo Trần Sỹ Hùng, Hiệu trưởng Trường THCS Hương Sơn nhận xét.

Bài, ảnh: Vân Nguyên
Ba nghiên cứu khoa học sáng tạo, thiết thực
(BGĐT) - Qua quan sát, nắm bắt những vấn đề trong cuộc sống, với óc sáng tạo, nhiều thanh thiếu niên TP Bắc Giang đã nghiên cứu dự án, chế tạo sản phẩm có khả năng ứng dụng trong thực tiễn. Một số dự án, sản phẩm được đánh giá cao tại Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng TP Bắc Giang năm nay.
"Có một nghề" mang tên bộ đội
(BGĐT) - “Con xin lỗi mẹ ơi vì Covid. Mẹ ra đi con vẫn ở tuyến đầu. Nén nhang này con khóc mẹ trên chốt. Ngày bình yên con sẽ về ôm mẹ”. Những hy sinh thầm lặng, mất mát mà đồng đội trải qua khi tham gia phòng, chống dịch Covid-19 được Đại úy Vũ Văn Quốc, Chính trị viên phó Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 2, Sư đoàn 3 (Quân khu 1) viết thành ca khúc “Có một nghề”.
Hoàng Thị Kim Ngân: Nữ sinh năng động, tài hoa
(BGĐT) - Từ một cô học trò ít nói, nhút nhát, em Hoàng Thị Kim Ngân (SN 2003), lớp 12 chuyên Tiếng Trung, Trường THPT Chuyên Bắc Giang đã nỗ lực tự rèn luyện để trở thành nữ sinh năng động, tài hoa. 
Bắc Giang: Thầy giáo làng xây bể, dạy bơi cho trẻ
(BGĐT) - 6 năm trước, thầy giáo Ngô Văn Thoại (SN 1982), hiện công tác tại Trường Tiểu học Vô Tranh, huyện Lục Nam (Bắc Giang) đã vay mượn người thân xây dựng bể bơi riêng của gia đình. Từ đây, nhiều lớp dạy kỹ năng bơi được mở ra, có em trở thành vận động viên (VĐV) giành thành tích cao trong các giải thi đấu cấp huyện, tỉnh, quốc gia.
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...