Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 33 °C / 25 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Nhịp cầu bạn đọc
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Thi công kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Việt Hàn: Hàng nghìn m2 đất bị san lấp trái phép

Cập nhật: 16:22 ngày 12/05/2022
(BGĐT) - Công dân thôn Phúc Long, xã Tăng Tiến (Việt Yên - Bắc Giang) phản ánh đơn vị thi công san lấp mặt bằng Khu công nghiệp (KCN) Việt Hàn đổ đất ngoài chỉ giới thu hồi, lấn vào hàng nghìn m2 đất nông nghiệp của các hộ dân xung quanh.  

Ông Lê Văn Dong, một trong các hộ dân bị doanh nghiệp đổ đất san lấp vào ruộng canh tác cho biết: "Năm 2021, địa phương triển khai dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật KCN Việt Hàn, gia đình tôi và một số hộ cùng thôn có khoảng 4.000 m2 đất ở xứ đồng Đằng Cộc không thuộc chỉ giới thu hồi đất, nằm xen kẹp giữa KCN Việt Hàn và khu dân cư dịch vụ My Điền. Trong số này có hơn 3.000 m2 đất các hộ được giao không thu tiền sử dụng đất, còn lại do khai vỡ thêm". 

{keywords}

Khu vực ruộng của các hộ dân bị san lấp trái phép.

Tìm hiểu được biết, từ khi triển khai xây dựng KCN Việt Hàn đến nay, ông Dong và các hộ không được thông báo thu hồi đất đối với các thửa ruộng ở khu vực này nhưng cuối tháng 1/2022, ông phát hiện thửa ruộng của gia đình và các hộ xung quanh đã bị đơn vị thi công đổ đất san lấp gần hết.

Từ thông tin người dân phản ánh, ngày 29/1, UBND xã Tăng Tiến đã mời các hộ dân đến làm việc với ông Nguyễn Ánh Văn, phụ trách công trường thi công để làm rõ vụ việc. Ông Văn thừa nhận có việc đổ đất tràn sang phần ruộng canh tác của người dân và hứa sẽ phối hợp với địa phương khắc phục hậu quả. 

Nhưng sau hơn 3 tháng, phía đơn vị thi công vi phạm không những chưa khắc phục việc làm sai để trả lại ruộng canh tác cho người dân mà còn cùng cán bộ xã tuyên truyền, vận động các hộ nhận tiền đền bù đối với các thửa ruộng đã bị đơn vị thi công “lỡ” san lấp trái phép (?!). “Khi chúng tôi không đồng ý nhận tiền thì họ có thái độ chây ì, mặc kệ” - ông Dong nói.

Ông Thân Văn Giang, Chủ tịch UBND xã Tăng Tiến cũng khẳng định có việc đơn vị thi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật KCN Việt Hàn đổ đất ngoài chỉ giới thu hồi vào ruộng của nhiều hộ dân thôn Phúc Long. Hiện đã có 1 hộ nhận tiền đền bù còn 9 hộ chưa đồng thuận. Khu vực đất các hộ dân trên đang sử dụng thuộc địa giới hành chính do thị trấn Nếnh (Việt Yên) quản lý. Do đó, xã đã có văn bản đề nghị UBND thị trấn Nếnh kiểm tra, lập biên bản vi phạm, đồng thời báo cáo huyện xin chủ trương giải quyết.

Theo giới thiệu của lãnh đạo UBND xã Tăng Tiến, phóng viên liên hệ với lãnh đạo doanh nghiệp, nhân viên phụ trách san lấp mặt bằng tại KCN Việt Hàn để tìm hiểu nội dung đơn thư 9 hộ dân thôn Phúc Long phản ánh, nhưng đều bị những người này lấy lý do né tránh làm việc (?!).

Trao đổi với phóng viên, ông Lương Ngọc Đức, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Việt Yên thông tin: Ngày 26/4/2022, UBND thị trấn Nếnh đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng Vinaco ở TP Hà Nội - đơn vị được nhà đầu tư hợp đồng san lấp mặt bằng KCN Việt Hàn, đối với các hành vi: Gây cản trở hoặc thiệt hại cho việc sử dụng đất của người khác với hình thức đổ vật liệu xây dựng (vật liệu san lấp mặt bằng) lên đất canh tác của người khác tại xứ đồng Cộc Cạn (còn gọi là Đằng Cộc- PV) thôn Phúc Long (đất nông nghiệp xâm canh địa giới hành chính thị trấn Nếnh). 

Hành vi vi phạm thứ 2 là làm biến dạng địa hình, làm suy giảm chất lượng đất với hình thức tân đổ đất vật liệu xây dựng trên đất nông nghiệp chưa bồi thường giải phóng mặt bằng. Tổng diện tích bị đổ đất vi phạm là 2.407 m2.

Theo Điều 15, Nghị định 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, hành vi tự ý san lấp đất nông nghiệp làm thay đổi giá trị, cấu tạo, công dụng của đất, có thể bị coi là hành vi hủy hoại đất và bị phạt tiền từ 2-150 triệu đồng tùy thuộc vào diện tích đất san lấp. Ngoài ra, còn có thể bị xử lý về mặt hình sự theo Điều 228 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017 đối với các hình thức như: San lấp đất có tổ chức, phạm tội từ 2 lần trở lên, tái phạm nguy hiểm.

Tại biên bản vi phạm này, ông Nguyễn Ánh Văn, cán bộ phụ trách công trường lý giải nguyên nhân việc san lấp mặt bằng KCN lấn sang đất ruộng của các hộ dân là do: Công ty được chủ đầu tư dự án KCN Việt Hàn hợp đồng san lấp mặt bằng nhưng do chủ quan không xem xét kỹ mốc giới nên đội xe thi công đổ đất lên phần diện tích đất nông nghiệp của các hộ dân… 

Được biết, dự án KCN Việt Hàn được Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư vào tháng 2/2021. Nhà đầu tư là Công ty TNHH Phát triển Fuji Phúc Long. Mục tiêu dự án là xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN. Địa điểm thực hiện dự án tại các xã Hồng Thái, Tăng Tiến và thị trấn Nếnh. Tiến độ thực hiện dự án trong năm 2021-2022. Trong đó quy mô sử dụng đất của dự án ở giai đoạn 1 là 50 ha nằm toàn bộ trên địa bàn xã Tăng Tiến.

Ông Lê Hoàng Bách, Phó Chủ tịch UBND huyện Việt Yên cho biết: Phần diện tích đất nông nghiệp của các hộ dân có đơn thư nằm ngoài chỉ giới thu hồi đất ở giai đoạn 1 của dự án. Việc UBND xã Tăng Tiến và doanh nghiệp vận động người dân nhận tiền đền bù, hỗ trợ phần ruộng đã đổ đất trùm lên là chưa đúng trình tự, thủ tục pháp luật quy định. 

Do đó, quan điểm của UBND huyện là doanh nghiệp làm sai thì phải xử lý và khắc phục hậu quả, trả lại tình trạng đất ban đầu cho người dân sử dụng. Hiện UBND huyện đang chỉ đạo đơn vị chuyên môn phối hợp với UBND thị trấn Nếnh và xã Tăng Tiến củng cố, hoàn thiện hồ sơ xử lý đối tượng vi phạm và yêu cầu doanh nghiệp thực hiện các biện pháp khắc phục, bảo đảm quyền lợi chính đáng cho các hộ dân liên quan.

Tuy nhiên, chúng tôi hết sức ngạc nhiên khi đến cuối ngày 10/5, cơ quan quản lý tại địa phương vẫn chưa xác định được chính xác đối tượng vi phạm trong vụ việc này. Bởi lãnh đạo UBND huyện Việt Yên thông tin: Biên bản vi phạm hành chính UBND thị trấn Nếnh lập ngày 26/4/2022 chưa đúng đối tượng vi phạm. 

Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng Vinaco không phải là doanh nghiệp có hành vi san lấp đất trái phép kể trên mà là một đơn vị khác (?!). Dù đối tượng vi phạm là doanh nghiệp nào thì đơn vị chủ đầu tư dự án xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Việt Hàn, UBND huyện Việt Yên, UBND thị trấn Nếnh và xã Tăng Tiến vẫn phải có trách nhiệm do để xảy ra vi phạm kể trên.

Bài, ảnh: Tuấn Dương

Khai thác đất san lấp mặt bằng: Vẫn tràn lan sai phạm
(BGĐT) - Những tháng đầu năm nay, hoạt động khai thác đất san lấp mặt bằng (SLMB) trái phép, sai phép diễn ra tại nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Bắc Giang và có chiều hướng diễn biến phức tạp. 

Công ty cổ phần Khoáng sản Bắc Giang không vận chuyển đất san lấp mặt bằng ra ngoài phạm vi dự án
(BGĐT) - Gần đây có một số trang thông tin phản ánh Công ty cổ phần Khoáng sản Bắc Giang, huyện Lạng Giang (Bắc Giang) được cấp phép khai thác quặng Barit hầm lò tại mỏ Barit Lăng Cao, xã Cao Xá, huyện Tân Yên nhưng lại đào núi đem đất đi bán. Trước thông tin trên, phóng viên Báo Bắc Giang đã tìm hiểu để làm rõ vụ việc.
Phát hiện vụ khai thác đất san lấp mặt bằng trái phép tại xã Liên Chung
(BGĐT) - Theo phản ánh của người dân, những ngày gần đây, tại thôn Lãn Tranh 2, xã Liên Chung, huyện Tân Yên (Bắc Giang) xảy ra tình trạng khai thác đất san lấp mặt bằng trái phép, gây thất thoát tài nguyên, mất an ninh trật tự địa bàn.

Bắc Giang: Hai trường hợp khai thác đất san lấp trái phép bị phạt 90 triệu đồng
(BGĐT) - Chủ tịch UBND huyện Lục Nam (Bắc Giang) vừa ra quyết định xử phạt 2 trường hợp ở xã Huyền Sơn có hành vi khai thác đất san lấp trái phép.
Vẫn “nóng” khai thác đất san lấp mặt bằng trái phép
(BGĐT) - Hơn một tháng trở lại đây, dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Bắc Giang cơ bản được kiểm soát, các hoạt động kinh tế khôi phục trở lại, trong đó có hoạt động khai thác đất sét làm gạch, đất san lấp mặt bằng (SLMB). Tại một số địa phương, tình trạng khai thác khoáng sản sai phép, trái phép gây thất thoát tài nguyên diễn biến phức tạp. 
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...