Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 28 °C / 25 - 28 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Nêu cao trách nhiệm người đứng đầu, xử lý nghiêm vi phạm lâm luật

Cập nhật: 16:09 ngày 01/10/2022
(BGĐT) - Tháng 11/2017, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ban hành Nghị quyết số 249-NQ/TU về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang (gọi tắt là Nghị quyết 249). Nhờ Nghị quyết này, các diện tích rừng tự nhiên của Bắc Giang ngày càng được bảo vệ tốt. 

Số vụ vi phạm giảm

Cứ mỗi tuần một lần, 7 thành viên Tổ bảo vệ rừng cộng đồng bản Xoan số 1, xã Xuân Lương (Yên Thế) lại cùng nhau tuần tra, bảo vệ rừng (BVR) phòng hộ suối Ngà. Anh Nguyễn Văn Thành, tổ trưởng chia sẻ, tổ BVR của bản được thành lập năm 2018, nhận khoán bảo vệ gần 200 ha rừng phòng hộ suối Ngà. Mục tiêu giữ nguồn nước cho người dân địa phương và phát triển thành khu du lịch sinh thái Thác Ngà. 

{keywords}

Tổ bảo vệ rừng thôn Nam Bồng, xã Tuấn Đạo (Sơn Động) phối hợp với lực lượng kiểm lâm kiểm tra rừng lim xanh của bản.

Theo anh Thành, ngoài tuần tra chung, hằng ngày các tổ BVR của thôn còn cắt cử thành viên kiểm tra các tuyến đường vào rừng; canh gác cửa rừng; tuần tra theo tuyến… không để người lạ vào phát, phá, hoặc gây cháy rừng, đặc biệt là trong thời điểm hanh khô. 

Các hoạt động của tổ được thực hiện nghiêm theo kế hoạch của Hạt Kiểm lâm huyện và Ban Chỉ huy BVR và phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) của xã. “Dù kinh phí khoán BVR còn hạn chế nhưng chúng tôi vẫn làm hết trách nhiệm. Bởi mọi người coi rừng là tài sản chung của bản”, anh Thành nói.

Đồng chí Phùng Thị Ngọc, Bí thư Đảng uỷ xã Xuân Lương chia sẻ, là một trong những xã trọng điểm về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của Yên Thế nên địa phương luôn nhận thức việc chỉ đạo, điều hành, chịu trách nhiệm trong công tác BVR phải là người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền cơ sở. Ban Thường vụ Đảng uỷ xã giao các đồng chí cấp uỷ phụ trách các chi bộ, trước tiên phải tuyên truyền nâng cao nhận thức về quản lý, BVR và PCCCR cho đảng viên. 

Sau đó các chi bộ, đoàn thể chịu trách nhiệm tuyên truyền cho hội viên, đoàn viên và người dân hiểu nội dung, tinh thần Nghị quyết 249 để thực hiện. Nhờ đó, từ năm 2018 đến nay trên địa bàn xã Xuân Lương không có vi phạm về Luật Lâm nghiệp, tỷ lệ che phủ rừng đạt 53%, cao hơn bình quân chung của cả tỉnh (38%), góp phần để Yên Thế trở thành điểm sáng trong quản lý, bảo vệ, phát triển rừng của tỉnh.

Cùng với xã Xuân Lương và huyện Yên Thế, đến nay công tác quản lý, BVR của nhiều địa phương đã có chuyển biến rõ rệt, các vụ vi phạm lâm luật giảm theo hằng năm. Theo Chi cục Kiểm lâm Bắc Giang, sau khi Nghị quyết 249 được triển khai thực hiện, từ năm 2018-2020 toàn tỉnh chỉ lập biên bản, xử lý vi phạm 278 vụ, giảm 823 vụ so với giai đoạn năm 2015-2017; từ năm 2021 đến hết tháng 9/2022, toàn tỉnh xử lý vi phạm 178 vụ.

Gắn trách nhiệm người đứng đầu

Theo ông Nguyễn Văn Hiệu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Bắc Giang, trước khi Nghị quyết 249 ra đời, chính quyền một số địa phương trong tỉnh, nhất là cấp cơ sở chưa nhận thức đầy đủ vai trò, trách nhiệm trong công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng. Thậm chí có nơi còn phó mặc, cho đây là việc của lực lượng kiểm lâm.

Để khắc phục tư tưởng này, Nghị quyết 249 đã chỉ rõ, cấp ủy, chính quyền địa phương cấp huyện, xã và Chủ tịch UBND các cấp chịu trách nhiệm chính nếu để xảy ra phá, cháy rừng trên địa bàn. Các ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, chủ rừng lớn nêu cao trách nhiệm trong BVR và đất rừng. 

Bắc Giang hiện có hơn 160,6 nghìn ha rừng tự nhiên, với hơn 49,4 nghìn chủ rừng, gồm 18 chủ rừng là tổ chức, còn lại là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư. Năm 2022, toàn tỉnh thực hiện khoán, hỗ trợ BVR với tổng diện tích gần 32,2 nghìn ha, kinh phí thực hiện hơn 12,6 tỷ đồng, đạt 102% kế hoạch.

Thực hiện chỉ đạo trên, cấp uỷ, chính quyền các địa phương và lực lượng chức năng yêu cầu các chủ rừng thường xuyên tuần tra, bám rừng. Người dân nâng cao ý thức sử dụng lửa khi thu dọn thực bì trồng rừng, phát nương bãi gần nơi có rừng để phòng cháy rừng. 

Ông Ngô Xuân Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và thương mại Trường Lộc cho biết, đơn vị được giao quản lý, bảo vệ và phát triển hơn 1,1 nghìn ha rừng tại Yên Thế. 

Năm 2019, doanh nghiệp đã thành lập lực lượng bảo vệ chuyên trách, phối hợp với lực lượng công an và kiểm lâm huyện kịp thời phát hiện, xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm. Đồng thời tuyên truyền để người dân hiểu, không phá, lấn chiếm đất rừng.

Để hạn chế các vi phạm lâm luât, ông Lê Đức Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Động cho rằng, kiểm lâm vẫn là lực lượng nòng cốt, cần tiếp tục tổng hợp khó khăn, vướng mắc của các chủ rừng để tham mưu với cấp có thẩm quyền xây dựng cơ chế chính sách trong quản lý, bảo vệ, hỗ trợ phát triển rừng. 

Tham mưu xây dựng các mô hình phát triển kinh tế rừng bằng những giống cấy mới, mang lại nguồn thu hằng năm, như: Quế, dổi, bồ kết… để người dân nâng cao thu nhập, từ đó không phát phá, lấn chiếm đất rừng tự nhiên.

Từ khi Nghị quyết 249 ra đời đến nay, công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh được cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở vào cuộc quyết liệt. Một số địa phương như Lục Ngạn, Lục Nam đã thẳng thắn phê bình, kiểm điểm người đứng đầu liên quan đến trách nhiệm quản lý, BVR. 

Thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt, triển khai Nghị quyết 249 và Kế hoạch số 12/KH-UBND của UBND tỉnh về việc triển khai Nghị quyết 249 một cách đồng bộ và hiệu quả. Đồng thời tăng cường phối hợp thực hiện quyết liệt, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp...

Bài, ảnh: Thế Đại

Tập trung triển khai các biện pháp ngăn chặn, xử lý tình trạng phá rừng tự nhiên
(BGĐT) - Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Giang vừa có văn bản đề nghị UBND các huyện, thành phố, Chi cục Kiểm lâm và các chủ rừng trên địa bàn tỉnh tiếp tục thực hiện tốt các biện pháp ngăn chặn, xử lý tình trạng phá rừng tự nhiên.
Triển vọng mô hình trồng rừng thâm canh gỗ lớn
(BGĐT) - Đầu năm 2022, Hội Làm vườn tỉnh Bắc Giang triển khai mô hình “Trồng rừng thâm canh gỗ lớn bằng giống keo lai nuôi cấy mô AH1”, với quy mô 24 ha tại huyện Sơn Động. Mô hình hứa hẹn cho hiệu quả kinh tế cao, đồng thời góp phần chống xói mòn đất, bảo vệ môi trường.
"Lợi ích kép" từ trồng rừng gỗ lớn
(BGĐT) - Phát huy lợi thế đất rừng, thời gian qua, nhiều tổ chức, cá nhân ở huyện Sơn Động (Bắc Giang) đã tập trung chuyển đổi từ trồng rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn. Các mô hình trồng rừng gỗ lớn mang lại "lợi ích kép" đó là cho hiệu quả kinh tế vượt trội và bảo vệ môi trường.
Đông Hưng: Kinh tế khởi sắc nhờ trồng rừng
(BGĐT)- Xã Đông Hưng (Lục Nam) có hơn 2.400 ha rừng, tập trung tại 3 thôn Cai Vàng, Đồng Xung và Am Sang. Những năm qua, nhờ tích cực trồng rừng và chế biến gỗ, người dân nơi đây có thu nhập cao, giảm nghèo bền vững.
Bắc Giang: Tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả đất lâm nghiệp, đẩy mạnh trồng rừng gỗ lớn
(BGĐT) - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang vừa có Công văn yêu cầu Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND các huyện, thành phố và các Công ty TNHH Lâm nghiệp tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả đất lâm nghiệp và đẩy mạnh trồng rừng gỗ lớn.
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...