Thứ bảy, 20/04/2024
Bắc giang 24 °C / 24 - 27 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Vải thiều Bắc Giang đắt khách tại Nhật Bản

Cập nhật: 11:23 ngày 07/07/2022
(BGĐT) - Những ngày này, vải thiều Việt Nam, trong đó có vải thiều Bắc Giang đang là một trong những loại hoa quả nhập khẩu bán chạy nhất trong hệ thống siêu thị của tập đoàn AEON trên toàn Nhật Bản. Sau hai năm thâm nhập vào thị trường Nhật Bản, ngày càng có nhiều người dân “đất nước Mặt trời mọc” biết tới quả vải thiều của tỉnh Bắc Giang.

Tại sự kiện khai mạc Tuần hàng Việt Nam tại AEON vừa qua, ông Soichi Okazaki, Ủy viên Ban Điều hành AEON phụ trách khu vực ASEAN vui mừng nói: “Năm ngoái, chúng tôi chỉ nhập khẩu 5 tấn vải thiều tươi của Việt Nam và chỉ bán ở các siêu thị lớn. Năm nay, chúng tôi nhập khẩu tới 22 tấn vải thiều và đưa vào bán ở tất cả các siêu thị của AEON trên toàn Nhật Bản”. 

{keywords}

Khách hàng Nhật Bản mua vải thiều ở siêu thị AEON (Thủ đô Tokyo).

Theo ông Okazaki, quả vải thiều của Việt Nam vốn rất thơm và ngon. Tuy nhiên, năm nay, quả vải trông tươi và ngon hơn năm ngoái, có thể nhờ sự cải thiện về kỹ thuật bảo quản và khử trùng. Về phần mình, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam chia sẻ: “Tôi rất vui khi tới dự Tuần hàng Việt Nam tại AEON và chứng kiến sau hai năm dịch bệnh, Tuần hàng năm nay có rất nhiều cái mới: Đó là số lượng hàng lớn hơn rất nhiều, chủng loại rất đa dạng và đặc biệt số lượng vải thiều tăng hơn 10 lần so với năm 2021, sản phẩm rất ngon, mẫu mã đẹp”.

Tỉnh Bắc Giang bắt đầu xuất khẩu quả vải thiều tươi sang Nhật Bản vào vụ thu hoạch năm 2020. Ngay khi lô hàng đầu tiên có mặt tại đây, vải thiều Bắc Giang được người tiêu dùng sở tại và người Việt Nam sinh sống tại Nhật Bản đón nhận rất nồng nhiệt. Cho đến nay, trái vải của Bắc Giang đã có chỗ đứng khá vững chắc ở thị trường Đông Bắc Á này. 

Tại các sự kiện quan trọng gần đây như Lễ hội Việt Nam tại Nhật Bản hay Tuần hàng Việt Nam trong hệ thống siêu thị AEON, nhiều người tiêu dùng Nhật Bản đã thưởng thức vải thiều Bắc Giang và đánh giá rất cao hương vị, chất lượng của loại trái cây này. Bà Miyasaka Maiko, Hội trưởng Hội cựu sinh viên Rotary, nói: “Đây là lần đầu tiên tôi được thưởng thức quả vải thiều của Việt Nam. So với các loại vải khác ở Nhật Bản, tôi thấy quả vải của Việt Nam rất ngon”.

{keywords}

Đại sứ Vũ Hồng Nam (trái) và ông Soichi Okazaki, Ủy viên Ban Điều hành AEON phụ trách khu vực ASEAN (giữa) tại buổi khai mạc Tuần hàng Việt Nam tại AEON năm 2022.

Kiều bào Việt Nam tại Nhật Bản cũng đánh giá rất cao chất lượng của vải thiều Bắc Giang xuất sang thị trường này. Chị Trần Bình Hà, người Việt Nam sống tại Nhật Bản gần 8 năm nay, chia sẻ: “Tôi thấy cả hình thức, mẫu mã và chất lượng của vải thiều Bắc Giang đều rất tuyệt vời. Hôm nay, tôi mua nhiều để làm quà cho bạn bè”.

Thực tế, để có được chỗ đứng vững chắc như hiện nay tại thị trường Nhật Bản, quả vải thiều Bắc Giang đã phải trải qua hành trình rất gian nan. Trong quá trình đó, chính quyền và người trồng vải ở Bắc Giang đã phải phối hợp rất chặt chẽ với các doanh nghiệp xuất khẩu để bảo đảm chất lượng quả vải xuất khẩu. Ông Tạ Đức Minh, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Nhật Bản, chia sẻ: “Nhật Bản là quốc gia có tiêu chuẩn nghiêm ngặt về vệ sinh an toàn thực phẩm đối với hàng nhập khẩu từ nước ngoài. 

Năm 2022, Hải quan Nhật Bản đưa ra yêu cầu kiểm tra dư lượng kháng sinh đối với các lô hàng vải thiều từ Việt Nam. Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản đã thông báo thông tin này tới các cơ quan hữu quan trong nước để nhanh chóng khuyến cáo tới các nhà sản xuất và xuất khẩu nhằm bảo đảm chất lượng trái vải theo tiêu chuẩn nhập khẩu của Nhật Bản. Do vậy, chỉ có những trái vải thực sự có chất lượng mới có thể thâm nhập thị trường này. Đây cũng là nguyên nhân khiến giá thành trái vải cũng tăng cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái”.

{keywords}

Chúng ta đã lấy được lòng tin của khách hàng thì phải giữ được lòng tin đó. Nếu chỉ một lô sản phẩm, một nhóm hàng nào đó có chất lượng kém hơn so với những gì đã quảng bá, chúng ta sẽ mất uy tín và một khi đã mất uy tín thì để lấy lại là rất khó”.

Ông Vũ Hồng Nam, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản.

Về phần mình, nắm bắt được thông tin về việc Nhật Bản sẽ gia tăng mức độ và tần suất kiểm dịch, các nhà sản xuất và xuất khẩu vải thiều Việt Nam đã chủ động trao đổi và nhất trí phối hợp với nhau để bảo đảm chất lượng trái vải tươi xuất khẩu. 

Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm, các doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Nhật Bản đã đẩy mạnh hợp tác trong việc chuyển giao công nghệ bảo quản mới của nước ngoài, từ đó giúp quả vải có thể giữ nguyên được màu sắc, hương vị trong thời gian lâu hơn so với trước đây. 

Trong khi đó, các hợp tác xã sản xuất và nông dân cũng chú trọng thực hiện quy trình quản lý chất lượng trong mọi khâu gieo trồng, chăm sóc, thu hái. Chẳng hạn, sau khi thu hoạch, quả vải được sơ chế ngay trong vòng 3 tiếng để bảo đảm giữ được độ tươi ngon. Trái vải cũng được đóng gói bắt mắt vào các bao bì với trọng lượng khác nhau nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng. 

Theo ông Nguyễn Ngọc Hà, Giám đốc Công ty TNHH Kome - một trong những nhà xuất khẩu vải thiều hàng đầu của Việt Nam tại thị trường Nhật Bản: “Việc đưa vải thiều của Việt Nam vào thị trường Nhật Bản là một hành trình gian nan, đòi hỏi các nhà sản xuất và xuất khẩu phải tuân theo một quy trình nghiêm ngặt như phải lấy mẫu xét nghiệm 5 lần trước khi thu hái để bảo đảm không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, phải được phân loại, xử lý, làm mát, khử khuẩn, tiệt trùng và đóng gói theo tiêu chuẩn Nhật Bản, phải có độ ngọt trên 17-18% độ Brix… 

Khi đưa sang Nhật Bản, trái vải thiều tươi cũng phải trải qua rất nhiều khâu kiểm định của phía Nhật Bản. Nhờ vậy, vải thiều Việt Nam xuất sang Nhật Bản có chất lượng cao và mẫu mã đẹp”.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cảnh báo việc thâm nhập được vào thị trường Nhật Bản đã rất khó nhưng duy trì chỗ đứng ở thị trường này còn khó hơn nhiều. Đại sứ Vũ Hồng Nam nói: “Chúng ta đã lấy được lòng tin của khách hàng thì phải giữ được lòng tin đó. Nếu chỉ một lô sản phẩm, một nhóm hàng nào đó có chất lượng kém hơn so với những gì đã quảng bá, chúng ta sẽ mất uy tín và một khi đã mất uy tín thì để lấy lại là rất khó”. 

Do đó, Đại sứ mong muốn các DN xuất khẩu đầu tư thêm các trang thiết bị, đầu tư công nghệ mới trong việc bảo quản để làm sao quá trình vận chuyển hàng hóa không bị ảnh hưởng về chất lượng. Điều quan trọng là người nông dân chúng ta phải tuân thủ các quy trình sản xuất, tuyệt đối không để dư thừa các loại hóa chất, cũng như các chất độc hại trong sản phẩm trước khi xuất khẩu.

Ngoài vải thiều, thời gian tới, Nhật Bản dự kiến sẽ cấp phép nhập khẩu cho nhãn tươi của Việt Nam trong năm nay. Đây là cơ hội lớn cho những người trồng nhãn ở Bắc Giang. Được biết, sau khi Nhật Bản cấp phép nhập khẩu cho quả nhãn của Việt Nam, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản sẽ tổ chức các chương trình để giới thiệu trái nhãn tươi tới đông đảo người tiêu dùng Nhật Bản cũng như người Việt Nam đang sinh sống tại Nhật Bản .

Đào Thanh Tùng (Từ Nhật Bản viết riêng cho Báo Bắc Giang)

Cửa khẩu Kim Thành (Lào Cai) mở cửa trở lại, vải thiều tiêu thụ thuận lợi
(BGĐT)- Theo thông báo của Ban Quản lý cửa khẩu Lào Cai, sau khi khắc phục sự cố dịch bệnh Covid-19 ngày 4/7/2022, hoạt động xuất nhập khẩu qua cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành (Lào Cai) khôi phục trở lại từ 16 giờ ngày 5/7/2022.
Sản xuất vải thiều theo hướng hữu cơ: Hiệu quả cao, môi trường sạch
(BGĐT) - Quả to, ngọt dịu, thơm mát, dễ tiêu thụ, giá cao là những ưu điểm mà sản xuất theo hướng hữu cơ đem đến cho sản phẩm vải thiều. Chính vì thế nhiều tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX), hộ dân tại huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) tích cực trồng vải theo hướng hữu cơ, góp phần xây dựng vùng quê này ngày càng xanh, sạch, đẹp.
Bắc Giang: Tiêu thụ hơn 120 nghìn tấn vải thiều thuận lợi, giá cao
(BGĐT)- Những ngày qua, việc thu hoạch, tiêu thụ vải thiều của các địa phương trong tỉnh, đặc biệt là tại huyện Lục Ngạn diễn ra khá thuận lợi.
Vải thiều không hạt 100 nghìn mỗi kg không có để bán
Gia đình ông Vi Văn Hiệu ở huyện Lục Ngạn lần đầu trồng thử nghiệm thành công vải thiều không hạt nhưng sản lượng ít, không đủ cung ứng thị trường.
Vietnam Airlines đưa đặc sản vải thiều Lục Ngạn lên các chuyến bay
(BGĐT) - Với nỗ lực đưa đặc sản
trái cây vùng miền đến với các hành khách trong và ngoài nước, cũng như mở rộng
hợp tác với các doanh nghiệp, địa phương trong việc quảng bá nông sản Việt với
thực khách thế giới, hãng hàng không Vietnam Airlines một lần nữa đưa vải thiều
Lục Ngạn (Bắc Giang) lên các chuyến bay sau 2 năm ngắt quãng vì dịch bệnh.


Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...