Thứ bảy, 20/04/2024
Bắc giang 25 °C / - °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Quản lý, bảo vệ rừng: Khắc phục bất cập trong xử lý vi phạm

Cập nhật: 09:59 ngày 29/07/2021
(BGĐT) - Từ tháng 4/2021 đến nay, số vụ phát, phá rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh Bắc Giang tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, hầu hết các vụ việc đều khó tìm ra thủ phạm. Nếu tìm ra cũng mới dừng ở mức xử lý vi phạm hành chính nên tính răn đe chưa cao.

Ngang nhiên phá rừng

Nếu như trước đây, các vụ phá rừng tự nhiên chỉ xảy ra tại những khu vực hẻo lánh, trên núi cao thì nay diễn ra ngang nhiên, gần các tuyến giao thông có người thường xuyên đi lại. Đơn cử như vụ phá rừng tự nhiên tại thôn Vĩnh Hồng, xã Lục Sơn (Lục Nam) hồi đầu năm nay. Vị trí rừng bị phá chỉ cách đường tỉnh 293 khoảng 300 m, đoạn chân dốc đèo Bụt, giáp ranh giữa thôn Vĩnh Hồng, xã Lục Sơn và tổ dân phố Mậu, thị trấn Tây Yên Tử (Sơn Động). Người đi trên đường tỉnh 293 cũng dễ dàng nhìn thấy khu vực rừng bị phá. Tại đây, hàng nghìn cây tre vẫn nằm đổ rạp, úa vàng cạnh các đám cây, lá cháy đen. 

{keywords}

Hiện trường vụ phá rừng tại thôn Đồng Vành 2, xã Lục Sơn.

Ông Nguyễn Đức C, thôn Vĩnh Hồng nói: “Người dân âm thầm phát, phá diện tích rừng này từ lâu nhưng chính quyền địa phương và ngành chức năng không có biện pháp ngăn chặn”. Ông Dương Ngọc Hà, Phó Chủ tịch UBND xã Lục Sơn cho biết, diện tích rừng bị phá rộng 3 nghìn m2, trước đây đã giao cho hộ bà Nguyễn Thị Hiên, thôn Vĩnh Hồng quản lý, bảo vệ. Khi phát hiện sự việc, địa phương đã nhiều lần liên hệ giải quyết nhưng bà Hiên đều né tránh.

Theo UBND xã Lục Sơn, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn xã xảy ra gần 40 vụ vi phạm nhỏ lẻ về phát, phá rừng. Cá biệt, vụ đốt, phá rừng tự nhiên tại thôn Đồng Vành 2 giữa tháng 6 vừa qua (do Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Mai Sơn quản lý, bảo vệ) có diện tích lên tới 10 ha. Ngoài ra, tại các xã khác như: Bình Sơn, Vô Tranh, Trường Sơn, Nghĩa Phương cũng xảy ra việc phát, vén rừng.

Tại các địa phương có rừng khác như: Sơn Động, Lục Ngạn, việc người dân tự ý phát, phá rừng tự nhiên thời gian gần đây cũng diễn biến rất phức tạp. Tại Lục Ngạn, trên địa bàn các xã: Phong Minh, Sa Lý xảy ra 6 điểm phát, phá rừng khoanh nuôi tái sinh chưa có trữ lượng gỗ với diện tích 2,6 ha. Tại Sơn Động, mới đây Hạt Kiểm lâm huyện ra các quyết định xử lý, phạt vi phạm hành chính 21 triệu đồng đối với 3 cá nhân phá rừng tự nhiên tại thị trấn Tây Yên Tử. 

Bắc Giang hiện có hơn 160,69 nghìn ha rừng. Trong đó có 12,926 ha rừng đặc dụng; 19,825 nghìn ha rừng phòng hộ và 127,945 nghìn ha rừng sản xuất. Tỷ lệ độ che phủ rừng toàn tỉnh năm 2020 là 38%, cao hơn 0,2% so với năm 2019.

Điều đáng nói là tất cả các vụ phá rừng trên đều diễn ra theo cùng một “kịch bản”, đó là người dân phát luỗng (tỉa thưa) cây rừng. Sau một thời gian, những cây bị đốn hạ khô nỏ, người dân phóng hỏa đốt rồi trồng keo hoặc bạch đàn để chiếm đất. Trong vụ phá 10 ha rừng của Công ty TNHH một thành viên Mai Sơn tại thôn Đồng Vành 2, lực lượng chức năng còn phát hiện cả những vết đánh dấu chia lô, xí phần do người phá rừng để lại.

Cần xử lý triệt để

Ông Nguyễn Minh Hải, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Lục Nam cho rằng, nguyên nhân xảy ra các vụ phát, phá, đốt rừng tự nhiên thời gian gần đây là do người dân lợi dụng tình hình các cấp, ngành đang tập trung cao cho công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp và chống dịch Covid-19. Một số chủ rừng là tổ chức trách nhiệm chưa cao, còn tư tưởng ỷ lại vào lực lượng chức năng và chính quyền địa phương. Hiệu quả trồng rừng kinh tế cho thu nhập cao, do đó nhiều gia đình đã tự ý phá, đốt, khai thác, lấn chiếm để trồng rừng kinh tế. Quá trình sắp xếp, chuyển đổi mô hình sản xuất, kinh doanh của Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Lục Nam và Mai Sơn kéo dài khiến người dân địa phương lợi dụng thời gian này để chiếm đất.

Theo ông Nguyễn Văn Hậu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Bắc Giang, việc người dân phá, lấn chiếm đất rừng tự nhiên để trồng rừng kinh tế diễn ra từ lâu nhưng rất khó giải quyết triệt để. Lý do là trước đây, nhiều diện tích đất rừng giao cho dân chỉ là đất trống, qua thời gian những diện tích đất này tái sinh thành rừng nên người dân cho rằng họ được quyền định đoạt cây mọc trên đất.

{keywords}

Nhiều gốc lim còn sót lại trong vụ đốt, phá rừng hồi tháng 6 vừa qua tại thôn Đồng Vành 2, xã Lục Sơn (Lục Nam).

Để xử lý vi phạm trong các vụ phá rừng đòi hỏi cơ quan chức năng phải bắt được quả tang đối tượng vi phạm hoặc đủ điều kiện như: Diện tích rừng bị phá hoặc trữ lượng gỗ trên diện tích rừng bị phá… thì mới đưa đối tượng ra xét xử. Nhiều vụ phát hiện thủ phạm nhưng không xử lý thu hồi rừng hoặc truy tố hình sự vì các đối tượng lách luật bằng cách “gặm nhấm” rừng với diện tích dưới mức quy định truy tố, thu hồi rừng. Đối với hành vi phá rừng trái pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng, theo quy định của luật là thu hồi rừng. Tuy nhiên, trường hợp vi phạm pháp luật về lâm nghiệp đến mức phải bị thu hồi rừng nhưng không vi phạm Luật Đất đai nên không thu hồi được đất. Vì vậy việc thu hồi rừng không khả thi.

Thực tế, những bất cập trong xử lý vi phạm Luật Lâm nghiệp là có cơ sở. Đòi hỏi ngành chức năng cần có kiến nghị để sửa đổi, bổ sung Luật sao cho phù hợp với thực tế. Tuy nhiên, xảy ra các vụ phá rừng gần đây là do cấp ủy, chính quyền địa phương có rừng đã buông lỏng quản lý. Việc chỉ đạo, điều hành quản lý, bảo vệ rừng chưa thường xuyên, thiếu quyết liệt. Một bộ phận cán bộ kiểm lâm thiếu sát sao phối hợp kiểm tra, tham mưu quản lý, bảo vệ rừng cho chính quyền địa phương. 

Ý thức của người dân và chủ rừng được nhà nước giao khoán, bảo vệ còn thấp. Để hạn chế thấp nhất việc người dân tự ý phát, phá, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng đòi hỏi chính quyền các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở, các tổ an ninh tự quản, tổ bảo vệ rừng, kiểm lâm địa bàn và các chủ rừng phải thường xuyên phối hợp kiểm tra rừng, tuyên truyền để người dân hiểu và chấp hành.

Bài, ảnh: An Khánh
Bắc Giang: Đốt dọn thực bì gây cháy rừng, một phụ nữ bị khởi tố
(BGĐT) - Bà Dương Thị Lương (SN 1958), trú tại thị trấn Nham Biền, huyện Yên Dũng (Bắc Giang) vừa bị khởi tố do vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy gây hậu quả nghiêm trọng.
Phá rừng tại Sơn Động, 3 cá nhân bị phạt 21 triệu đồng
(BGĐT)- Hạt Kiểm lâm Sơn Động (Bắc Giang) vừa ban hành các quyết định xử phạt 3 cá nhân về hành vi phát, phá rừng tự nhiên trái pháp luật tại huyện Sơn Động với tổng số tiền 21 triệu đồng.
Nhiều địa phương nguy cơ cháy rừng ở mức nguy hiểm
(BGĐT)- Theo Đài Khí tượng thuỷ văn Bắc Giang và tổng hợp theo dõi của Chi cục Kiểm lâm (Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Giang), đến ngày hôm nay (17/7/2021), thời tiết trên địa bàn tỉnh nắng nóng bất thường.
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...