Thứ bảy, 20/04/2024
Bắc giang 26 °C / 26 - 34 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Khoa học - Công nghệ
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Vợ chồng cô giáo nuôi tảo "thần kỳ" bỏ túi trăm triệu đồng mỗi tháng

Cập nhật: 14:49 ngày 18/07/2021
Là giáo viên nhưng chị Nguyễn Thị Dung ở TP Tam Điệp (Ninh Bình) có niềm đam mê với nghề nuôi tảo xoắn Spirulina. Nhờ nghề tay trái, mỗi tháng gia đình chị thu về cả trăm triệu đồng.

Bén duyên với vi tảo

Về xã Đông Sơn, TP Tam Điệp (Ninh Bình) hỏi thăm gia đình chị Nguyễn Thị Dung nuôi tảo xoắn ai cũng biết. Khu nuôi trồng tảo rộng hơn 1.000 m2 của gia đình chị nằm ngay bên đường được đầu tư khép kín với hệ thống nhà kính, lưới che khiến nhiều người mới đến tò mò.

{keywords}

Hệ thống nhà kính, che lưới khép kín với hàng chục bể chứa 10 m3 nước nuôi tảo của gia đình cô giáo Nguyễn Thị Dung ở TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình.

Vốn là giáo viên dạy môn Hóa, trước khi xin được về quê dạy học, chị từng tham gia giảng dạy tại trường cấp 3 Mường Nhé, tỉnh Điện Biên nhiều năm. Trong quá trình công tác, chị thường xuyên tìm hiểu và nghiên cứu nhiều mô hình liên quan đến hóa - sinh.

Năm 2016, chị Nguyễn Thị Dung được về công tác tại Trường THCS Đông Sơn, TP Tam Điệp. Một lần gia đình được tặng hộp tảo Mỹ, thấy dùng tốt cho sức khỏe, chị mày mò tìm hiểu và rõ hơn về loại vi tảo đang được nhiều nước trên thế giới nuôi trồng. Chị nghĩ: Tại sao mình không nuôi ở Việt Nam để không phải sử dụng hàng nhập khẩu?.

Từ ý tưởng cộng với tính chất công việc có liên quan đến môn Hóa - Sinh, chị cùng chồng lên mạng tìm kiếm các mô hình nuôi tảo xoắn ở nước ngoài, dịch các tài liệu về để tìm hiểu. Thấy loại vi tảo này rất "thần kỳ", có nhiều tác dụng, tốt cho sức khỏe, vợ chồng chị quyết tâm nuôi bằng được loại "siêu" thực phẩm này.

Năm 2017, chị Dung mua các bể nhựa và trang thiết bị về nuôi tảo xoắn Spirulina với mục đích làm thực phẩm cho gia đình sử dụng. Chị không ngờ, loại vi tảo này lại bén duyên với gia đình.

Quá trình nuôi trồng, chị không gặp nhiều khó khăn và nhanh chóng thu được thành quả là những kg tảo xanh rì đầu tiên.

"Lúc đầu, khi bắt tay vào nuôi và có những sản phẩm tảo xoắn đầu tiên vợ chồng tôi rất vui mừng vì bao nỗ lực tìm hiểu học hỏi của mình được đền đáp. Chúng tôi háo hức khi dùng những viên tảo đầu tiên do chính tay mình làm ra mà không phải đi mua các sản phẩm tảo nhập từ nước ngoài bán trên thị trường", chị chia sẻ.

Thấy công dụng của loài tảo xoắn Spirulina đúng là rất hiệu quả, tốt cho sức khỏe vì thành phần dinh dưỡng, nữ giáo viên chia sẻ cho người thân trong gia đình dùng. Nhiều người quen, bạn bè sau đó cũng đã lựa chọn sản phẩm do vợ chồng chị làm ra.

Thấy mô hình cho hiệu quả kinh tế cao, hai vợ chồng chị quyết định đầu tư xây dựng cơ sở nuôi trồng tảo với quy mô lớn để kinh doanh.

Thu nhập "khủng" từ nghề tay trái

Có kinh nghiệm nhiều năm nuôi tảo, đầu năm 2020, cô giáo Dung cùng chồng (cũng là thầy giáo) vay vốn và thành lập Hợp tác xã, đầu tư số tiền hàng tỷ đồng để xây dựng cơ sở nuôi tảo theo hướng nông nghiệp công nghệ cao.

{keywords}

Để nuôi được tảo xoắn, gia đình chị Nguyễn Thị Dung phải đầu tư hệ thống máy móc, trang thiết bị trị giá hàng tỷ đồng.

Với diện tích đất rộng hơn 1.000 m2 của gia đình, vợ chồng chị cho xây dựng hệ thống nhà kính - lưới, bể bạt an toàn có thể điều chỉnh ánh sáng và nhiệt độ tự động; hệ thống sục khí, máy lọc nước sạch RO, máy thu hoạch tảo và máy sấy lạnh để sấy khô tảo… Trong nhà kính gia đình chị Nguyễn Thị Dung đặt 40 bể nuôi (mỗi bể 10 m3).

Chị chia sẻ về quy trình nuôi tảo: "Trước tiên, bể nuôi được rửa sạch sẽ khử trùng sau đó cho nước sạch RO vào. Các chất dinh dưỡng được bổ sung vào bể, điều chỉnh độ PH, sau đó mới thả giống tảo vào bể nuôi. Khi giống được thả vào bể thì hệ thống sục khí Co2 hoạt động liên tục cả ngày lẫn đêm".

Trong quá trình nuôi, 2 vợ chồng chị thay nhau thường xuyên quan sát, kiểm tra tốc độ sinh trưởng của tảo.

"Nuôi tảo không phải cho thức ăn gì vì chúng tự dưỡng, chỉ cần thường xuyên kiểm tra độ dài của tảo để điều chỉnh môi trường cho hợp lý. Nhà tôi nuôi trong hệ thống nhà kính nên không bị phụ thuộc thời tiết, vì thế chủ động được sản lượng", chị Nguyễn Thị Dung cho hay.

Mỗi lứa tảo gia đình chị nuôi từ 20 - 30 ngày là cho thu hoạch. Mỗi bể 10 m3 cho thu về khoảng 20 kg tảo tươi. Hiện nay gia đình nữ giáo viên này có 40 bể nuôi, mỗi tháng thu khoảng 200 kg tảo tươi. Giá bán hiện nay là 1,5 triệu đồng/kg, chị nhẩm tính, trừ hết chi phí gia đình cũng có lãi cả trăm triệu đồng.

{keywords}

Sản phẩm tảo tươi nguyên chất được chị đóng khay bán cho khách hàng sử dụng, mỗi kg có giá bán 1,5 triệu đồng.

"Nói đến thu nhập cả trăm triệu mỗi tháng ai cũng muốn nuôi tảo xoắn ngay nhưng không phải ai cũng làm được. Rất ít người dám bỏ cả tỷ ra để nuôi loại vi tảo mà rất ít người biết đến loại thực phẩm này. Bên cạnh đó, không phải ai nuôi tảo cũng thành công được. Vì thế, ở Việt Nam chỉ rất ít cơ sở thành công với mô hình nuôi tảo", chị chia sẻ.

Tất cả các công đoạn nuôi tảo xoắn đều được tự động hóa, bên cạnh đó là thuê người làm, nuôi tảo xoắn cũng không cần cho ăn hay mất công chăm sóc. Vì thế, hai vợ chồng chị Nguyễn Thị Dung không bị ảnh hưởng nhiều đến công việc dạy học ở trường.

"Công việc chính của 2 vợ chồng vẫn là hoàn thành tốt nhiệm vụ dạy học. Nghề nuôi tảo chỉ là công việc "tay trái", được duy trì qua điện thoại điều khiển từ xa, hay hệ thống camera. Những lúc không có tiết dạy học trên trường thì vợ chồng tôi tranh thủ để kiểm tra các chỉ số xem tảo phát triển tốt hay không. Vì thế cả 2 vợ chồng chưa bao giờ để công việc phát triển kinh tế gia đình ảnh hưởng đến công việc dạy học", chị Nguyễn Thị Dung chia sẻ.

Miền Bắc bước vào đợt mưa dông dài ngày
Từ ngày 18/7 đến 21/7, ở khu vực Bắc Bộ có mưa rào và giông, cục bộ có mưa vừa, mưa to; riêng khu vực vùng núi Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 100-200 mm/đợt, có nơi trên 250 mm/đợt. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ tại các tỉnh miền núi.
Hà Nội dừng xe khách đi 37 tỉnh, thành phố
TP Hà Nội dừng hoạt động của các phương tiện vận tải công cộng đến 37 tỉnh, thành phố, chủ yếu là các địa phương phía Nam, từ ngày 18/7.

Theo Dân trí

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...