Thứ tư, 24/04/2024
Bắc giang 26 °C / 24 - 27 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Giáo dục
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Dạy học theo chương trình mới: Chủ động thay đổi, đáp ứng yêu cầu

Cập nhật: 08:45 ngày 26/10/2021
(BGĐT) - Gần hai tháng qua, giáo viên nhiều trường trong tỉnh Bắc Giang gặp khó khi dạy những môn học, hoạt động giáo dục mới của lớp 6 theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Để tháo gỡ khó khăn, nhiều thầy, cô đã tự nghiên cứu, đổi mới để dần thích ứng với phương pháp quản lý, giảng dạy mới. 

Cử cán bộ hỗ trợ chuyên môn

Năm học này, chương trình giáo dục phổ thông mới được triển khai với lớp 2 và lớp 6. Đánh giá của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), từ kinh nghiệm dạy lớp 1 của năm học trước nên các thầy cô giáo đã linh hoạt, chủ động hơn trong việc khai thác, sử dụng thông tin, ngữ liệu từ sách giáo khoa và các tài liệu khác để phù hợp với bài học. 

{keywords}

Thầy giáo Nguyễn Nhật Hùng, Hiệu trưởng Trường THCS Thắng Cương (Yên Dũng) trong giờ dạy môn Toán tại lớp 6A.

Riêng đối với lớp 6, năm nay có nhiều môn học, hoạt động giáo dục mới như: Khoa học tự nhiên (tích hợp các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học), Lịch sử và Địa lý, Giáo dục địa phương, hoạt động trải nghiệm. Phương pháp giảng dạy cũng thay đổi từ dạy học theo chuẩn kiến thức kỹ năng sang định hướng phát triển phẩm chất năng lực học sinh. Vì thế, thầy cô khó tránh khỏi lúng túng.

Theo ông Ngô Quốc Đường, Trưởng phòng Giáo dục Trung học và Giáo dục dân tộc (Sở GD&ĐT), từ đầu năm đến nay, Sở GD&ĐT tổ chức hơn 10 cuộc sinh hoạt chuyên môn với giáo viên toàn ngành, đồng thời tổ chức đưa cán bộ, chuyên viên được đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu từng bộ môn, hoạt động về cơ sở chia sẻ khó khăn giúp các trường. 

“Với tinh thần cởi mở, sẻ chia, sau khi trực tiếp “mắt thấy, tai nghe” thầy cô chia sẻ vướng mắc khi sắp xếp thời khóa biểu, phân công giáo viên lên lớp giảng dạy, xây dựng kế hoạch giáo dục, thiết kế bài giảng… chúng tôi mới thấy hết những bất cập và từng bước hướng dẫn nhà trường tháo gỡ”, ông Đường chia sẻ. 

Như đầu năm học, Trường THCS Ngọc Sơn (Hiệp Hòa) vẫn bố trí 3 giáo viên từng bộ môn Vật lý, Hóa học, Sinh học lên lớp dạy môn Khoa học Tự nhiên trong khi nhà trường có giáo viên được đào tạo hai chuyên ngành Hóa học - Sinh học. Từ hướng dẫn của đoàn công tác, Ban giám hiệu nhà trường đã thay đổi thời khóa biểu, bố trí sắp xếp lại đội ngũ hợp lý hơn. 

Còn ở Trường THCS Tiền Phong (Yên Dũng) trước đây bố trí 1 giáo viên dạy tất cả nội dung của Tài liệu Giáo dục địa phương, không đúng với tinh thần đổi mới. Nhà trường đã nghiên cứu, phân công lại các thầy cô giáo căn cứ theo chuyên ngành đào tạo, năng lực để giảng dạy theo từng chuyên đề.

Tiếp tục tháo gỡ khó khăn

Để triển khai hiệu quả chương trình, một trong những nội dung Sở GD&ĐT yêu cầu đó là thầy cô tự học, thay đổi phương pháp, cán bộ quản lý lên lớp cùng giáo viên bộ môn để nhận diện và cùng tháo gỡ khó khăn.

Ở Trường THCS Cảnh Thụy (Yên Dũng), từ đầu năm học này Ban giám hiệu trực tiếp tham gia đứng lớp dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 6. Trong đó, thầy hiệu trưởng tham gia giảng dạy môn Toán; một đồng chí phó hiệu trưởng dạy Ngữ văn và một số chuyên đề của Tài liệu giáo dục địa phương. 

“Với các môn có tích hợp kiến thức như Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, chúng tôi giao cho 1 giáo viên chịu trách nhiệm chung, thống nhất với các thầy cô bộ môn còn lại về nội dung bài học, cách thức xây dựng hệ thống câu hỏi, đề kiểm tra để khơi gợi cho học sinh năng lực tư duy, sáng tạo, vận dụng kiến thức bài học xử lý vấn đề tương tự hoặc mới hơn chứ không theo công thức cho sẵn", thầy giáo Nguyễn Nhật Hùng, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ. 

Để làm được điều đó, cá nhân thầy cùng tập thể giáo viên luôn trăn trở tìm hiểu phương pháp mới. Bằng nỗ lực "vượt lên chính mình", nhiều giáo viên ở trường đã ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin, thay đổi phương pháp giảng dạy, tạo hứng thú học tập cho học sinh. 

Năm học 2021-2022, tỉnh Bắc Giang có hơn 30,3 nghìn học sinh, 6,7 nghìn cán bộ quản lý, giáo viên dạy và học các môn học mới lớp 6 theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.

Tại các trường như: THCS Danh Thắng (Hiệp Hòa), THCS Việt Lập (Tân Yên), THCS Ngô Sĩ Liên (TP Bắc Giang), THCS Việt Tiến (Việt Yên), ban giám hiệu các trường xác định đổi mới dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông mới là nhiệm vụ trọng tâm trong năm học này nên phát động thi đua trong toàn trường quyết tâm thực hiện. Qua đó từ cán bộ quản lý đến giáo viên chủ động thay đổi để thích ứng với chương trình mới.

Thời gian tới, để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, Sở GD&ĐT sẽ tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên môn cấp tỉnh áp dụng đối với từng bộ môn, hoạt động giáo dục. Hình thức tổ chức trực tiếp tại các huyện: Lạng Giang, Lục Nam, Lục Ngạn, Tân Yên, Việt Yên và trực tuyến toàn ngành, trước mắt là với lớp 6. Toàn ngành phát động cán bộ, giáo viên chia sẻ sáng kiến, giải pháp hiệu quả áp dụng trong quản lý, giảng dạy theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. 

Ông Bạch Đăng Khoa, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: "Sở tiếp tục đề nghị các trường rà soát kế hoạch bảo đảm phân công nhiệm vụ rõ người, rõ trách nhiệm, đúng chuyên môn, không gây áp lực, quá tải cho giáo viên. Hiện tại ở một số địa phương có hiện tượng thừa, thiếu cục bộ về đội ngũ, Sở đề nghị các trường chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương điều tiết lại cơ cấu để bảo đảm triển khai chương trình hiệu quả. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị để ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, dạy học".

Về lâu dài, nhiều thầy cô mong muốn Sở GD&ĐT, các trường THCS có kế hoạch phối hợp với các trường đại học tổ chức đào tạo để nâng cao kiến thức, kỹ năng, đáp ứng yêu cầu của chương trình mới.

Bài, ảnh: Hải Vân

Năm học 2021-2022: Có 24 tỉnh, thành phố đang dạy học trực tuyến và qua truyền hình
Thông tin về tình hình tổ chức dạy học tại 63 tỉnh, thành phố đến thời điểm hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, có 25 địa phương tổ chức dạy học trực tiếp cho 100% học sinh; 14 địa phương kết hợp dạy học trực tiếp, trực tuyến và qua truyền hình; 24 địa phương dạy học trực tuyến và qua truyền hình.
Bắc Giang sẵn sàng chuyển sang dạy học trực tuyến, dạy trên truyền hình chuẩn bị cho các kỳ thi
(BGĐT) - Để kịp thời hoàn thành nội dung, chương trình năm học 2020-2021 đúng tiến độ trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Bắc Giang yêu cầu các đơn vị tuân thủ tuyệt đối các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các cấp, đồng thời triển khai hoạt động giáo dục phù hợp trong tình hình mới, sẵn sàng chuyển sang hình thức dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình. 
Chủ động điều chỉnh kế hoạch dạy học ứng phó với dịch Covid-19
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có công văn gửi các Sở Giáo dục và Đào tạo về việc chủ động điều chỉnh kế hoạch dạy học ứng phó với dịch Covid-19.
Tự chủ trong dạy học: Phát huy tính sáng tạo của giáo viên
(BGĐT) - Ngành Giáo dục tỉnh Bắc Giang đang đẩy mạnh trao quyền tự chủ trong chuyên môn, tạo nên nhiều thay đổi về cơ chế quản lý, tổ chức giảng dạy. Đây là điều kiện thuận lợi để mỗi nhà giáo phát huy năng lực, sức sáng tạo trong mỗi giờ lên lớp giúp học sinh nắm vững, hiểu sâu bài học.
Sử dụng SGK mới: Các trường điều chỉnh kế hoạch dạy học phù hợp, không gây quá tải
(BGĐT) - Ngay trong những tuần đầu tiên của năm học 2020-2021, một số phụ huynh có con học lớp 1 lo lắng chương trình giáo dục mới nặng quá sức với con em mình.
 
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...