Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 33 °C / 25 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

eMagazine
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Hán Quận công Thân Công Tài - danh nhân lịch sử - nhà cải cách kinh tế tiêu biểu

Cập nhật: 20:26 ngày 31/12/2021
 
{keywords}
{keywords}
{keywords}

Thân Công Tài (1620-1683), tự là Phúc Khiêm quê ở thôn Như Thiết, xã Hồng Thái, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang (xưa là xã Như Thiết, huyện Yên Dũng, phủ Lạng Giang, trấn Kinh Bắc). Cuộc đời và sự nghiệp của Thân Công Tài gắn trọn với 5 đời vua thời Lê Trung Hưng. Đây là giai đoạn lịch sử đầy biến động, vua Lê - chúa Trịnh và các thế lực phong kiến tranh giành quyền lực làm cho tình hình đất nước trở lên rối ren bởi các cuộc binh đao nội chiến, đời sống nhân dân chịu nhiều cơ cực, ly tán, lầm than. Sinh trưởng và làm quan trong bối cảnh ấy, Thân Công Tài đã đem tài năng, trí tuệ hết lòng phò vua, giúp nước. Với tài thao lược, Thân Công Tài đã được giao trọng trách cầm quân đi dẹp giặc loạn ở các xứ Kinh Bắc, Thái Nguyên, Lạng Sơn và đều mang khúc ca khải hoàn, được triều đình ban thưởng, ngày càng trọng dụng.

{keywords}

Khu di tích mộ và đền thờ Hán Quận công Thân Công Tài tại xóm Ga, thôn Như Thiết, xã Hồng Thái (Việt Yên).

Căn cứ vào bài văn bia ở di tích địa điểm nghè Nếnh (thôn Ninh Khánh, xã Hoàng Ninh nay là thị trấn Nếnh), nghè Thượng Phúc (xã Tăng Tiến) và bài văn bia ở đền Tả Phủ (phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn) được biết: Năm 1672, Thân Công Tài được thăng làm quan Đề đốc đạo Kinh Bắc (lúc này gồm 3 xứ: Kinh Bắc, Thái Nguyên, Lạng Sơn). Ông cai quản về mọi lĩnh vực ở một vùng rộng lớn phía Đông Bắc của Tổ quốc, đồng thời ông được đặc trách kiêm giữ chức Trấn thủ Lạng Sơn.

{keywords}
{keywords}

Khu di tích Hán Quận công Thân Công Tài được tôn tạo khang trang.

Thân Công Tài là người khoan hòa, chuyên cần, khi làm quan luôn giữ mình thanh liêm, dốc sức làm việc vì dân, vì nước. Nổi bật là giai đoạn ông giữ trọng trách trấn giữ biên ải phía Đông Bắc. Với tài thao lược, giỏi bang giao, ông đã giữ được tình hình biên giới ổn định, đồng thời củng cố tình giao hảo tạo dựng sự đoàn kết giữa các cộng đồng dân tộc thiểu số vùng biên.

{keywords}

Ngoài nhiệm vụ giữ gìn an ninh biên giới, Thân Công Tài còn rất để tâm tới sự phát triển kinh tế nơi cửa khẩu, quan tâm tới việc mở mang đường, chợ giúp người dân làm ăn sinh sống. Ông nhận thấy tầm quan trọng cũng như vị trí thuận lợi trong việc giao lưu buôn bán hàng hóa giữa hai nước Việt - Trung nên chính ông là người khởi xướng việc san đồi, mở núi, làm rộng đường xá, mở mang khu vực Đoàn Thành (tên của vùng đất Lạng Sơn lúc bấy giờ) thêm 7 con đường, rồi lập thêm 7 phố phường để cư dân mở rộng buôn bán. Ông cùng Vũ Quận công Vi Đức Thắng (người bản xứ) giúp dân mở ra phố Kỳ Lừa, đưa nơi đây trở thành trung tâm buôn bán sầm uất, phồn thịnh, tấp nập trao đổi hàng hóa, thông thương xuôi ngược giữa 2 nước Việt - Trung. Nhân dân hai nước Việt - Trung lúc bấy giờ đã tôn ông làm “sư phụ” và là “lưỡng quốc khách nhân”.

{keywords}

Tư tưởng mở mang thương nghiệp, trên cơ sở mở mang đô thị từng bước của Thân Công Tài là một tư tưởng mới, táo bạo đương thời. Ông là người đặt nền móng đầu tiên cho sự phát triển kinh tế thương mại Lạng Sơn nói riêng và cũng là người đóng góp một tiếng nói khá sớm và mới mẻ cho nền kinh tế thương nghiệp đang hình thành của nước ta lúc bây giờ. Nhận định về vai trò của Thân Công Tài trong lịch sử, giáo sư Vũ Ngọc Khánh viết rằng ông “có khuynh hướng đô thị hóa trấn lỵ Đoàn Thành Lạng Sơn, là người có tầm nhìn xa rộng, khác với nhiều vị trấn thủ ngày xưa”, “Thân Công Tài đã tỏ ra có cái nhìn đô thị (dù còn bị hạn chế vì hoàn cảnh lịch sử trong điều kiện kinh tế tự nhiên và sản xuất nhỏ), đó là một nét mới trong tình hình văn hoá nông nghiệp ở Việt Nam những thế kỷ trước”. Nhiều nhà nghiên cứu lịch sử cũng đánh giá với cách nhìn đổi mới trong sự phát triển dân sinh, với những đóng góp cụ thể của ông trong việc mở mang thương nghiệp xứ Lạng, Thân Công Tài xứng đáng được tôn vinh là nhà cải cách kinh tế của dân tộc ta dưới thời phong kiến. Chính vì vậy, khi ông mất, các thương nhân hai nước Việt-Trung đồng lòng lập đền thờ ông, gọi là đền Tả Phủ (Phủ của quan Tả đô đốc, tên đầy đủ là Tả phủ linh từ) - ngôi đền đã được xếp hạng di tích quốc gia năm 1993. Trong đền có tấm bia đá gọi là Tôn sư phụ bi (bia tôn ngài làm sư phụ, tức là làm thầy, làm cha) dựng năm Chính Hòa thứ 4 (1683).

{keywords}

Khi còn làm quan, Thân Công Tài cũng luôn hướng về quê hương và công đức ở đây rất nhiều mẫu điền, quan tiền. Theo văn bia lưu trữ tại Viện nghiên cứu Hán Nôm (các số 9843-46, 23767-68) “Điền công bi” dựng tại lăng Thân tướng công năm Đức Nguyên thứ 2 (1675) cho biết: các xã Liên Hồ, Khánh Ninh, Văn Ninh, Yên Ninh, Lai Ninh, Mật Ninh, Động Ninh, tổng Mật Ninh, huyện Yên Dũng, phủ Lạng Giang, trấn Kinh Bắc nhận Thân Công Tài làm hậu Thần vì ông công đức 700 quan tiền sử, ruộng tổng cộng sản lượng 100 gánh...

Năm 1682, Hán Quận Công Thân Công Tài phụng mệnh triều đình lên ải Nam Quan nhận tù binh họ Mạc do nhà Thanh trao trả. Năm 1683, ông được thăng chức Đô đốc đồng tri, ông mất năm đó, hưởng thọ 64 tuổi, lúc mất được ban tên thụy là Minh Đạt phủ quân.

{keywords}

Mộ phần ông được an táng tại quê nhà thôn Như Thiết, xã Hồng Thái. Sau khi ông mất, không chỉ ở quê hương Như Thiết mà nhiều nơi khác từ Lạng Sơn đến Gia Lâm có tới 70 di tích thờ ông. Riêng ở huyện Việt Yên có 5 làng thờ ông làm hậu Thần, đó là địa điểm nghè Nếnh (thôn Ninh Khánh, xã Hoàng Ninh nay là thị trấn Nếnh), đình Điêu Liễn, đình Hồng Lãm, đền Như Thiết (xã Hồng Thái), và đình Thượng Phúc (xã Tăng Tiến)...

{keywords}

Mộ và đền thờ ông tọa lạc trên khu đất rộng rãi, bằng phẳng giữa xóm Ga, thôn Như Thiết.

Bên cạnh đó, các làng xung quanh khu vực thôn Như Thiết, xã Hồng Thái được Hán Quận Công Thân Công Tài công đức, để lại nhiều tình cảm tốt đẹp nhân dân đều hương khói phối hưởng, tôn thờ ông làm hậu Thần. Các lễ hội diễn ra ở đây đều gắn bó với hình ảnh và công lao to lớn của Thân Công Tài.

{keywords}

Trong quá trình phát triển thăng trầm cùng lịch sử, mặc dù đã trải qua sự tàn phá khắc nghiệt của thời gian và hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm ở thế kỷ XX nhưng chính quyền và người dân thôn Như Thiết, xã Hồng Thái vẫn luôn nêu cao ý thức, trách nhiệm, bảo tồn công trình văn hóa, tín ngưỡng mang giá trị lịch sử sâu sắc này.

Hiện di tích còn lưu giữ nhiều tài liệu, hiện vật quý như: 1 cây hương đá lục lăng niên hiệu Chính Hòa thứ 7 (1686), hệ thống 28 chân tảng bằng đá xanh, ngai thờ, bài vị, ống hương, cây đèn, bộ đài trầu... có ý nghĩa quan trọng trong việc tìm hiểu, nghiên cứu về lịch sử di tích và một thời kỳ đã qua của quê hương Việt Yên, Bắc Giang và của dân tộc.

{keywords}

Với những giá trị đặc biệt về lịch sử và văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xếp hạng Mộ và đền thờ Hán Quận công Thân Công Tài là Di tích quốc gia vào ngày 18/11/2015.

Hiện nay di tích Mộ và đền thờ Hán Quận công Thân Công Tài đã được UBND huyện Việt Yên quy hoạch, đầu tư tôn tạo khang trang trên diện tích 1,5ha gồm các hạng mục: Khu đền thờ, lăng mộ, bãi đỗ xe, khu dịch vụ, khuôn viên cảnh quan, đường vào di tích... Nơi đây trở thành một trong những điểm đến du lịch văn hóa, tâm linh quan trọng của huyện và tỉnh Bắc Giang.

{keywords}

Ngôi đền thờ được phục dựng khang trang trên quê hương Việt Yên địa linh nhân kiệt.

Từ thành phố Bắc Giang qua cầu Sông Thương, xuôi theo đường tỉnh 295B khoảng 7km, đến xóm Ga thôn Như Thiết (xã Hồng Thái) rẽ trái chừng 200m là tới di tích mộ phần và đền thờ ông. Quần thể di tích tọa lạc trên một khu đất rộng rãi, bằng phẳng, thoáng đãng. Đường đến di tích hiện nay đã được trải nhựa và bê tông hóa, rất thuận lợi cho du khách đến tham quan, chiêm bái.

{keywords}

Hằng năm, ngày 11 tháng 8 âm lịch, lễ hội truyền thống lại được tổ chức trang trọng để thể hiện lòng thành kính đối với các vị thánh, thần trong tín ngưỡng dân tộc và Hán Quận công Thân Công Tài-vị quan có nhiều công lao to lớn với quê hương, đất nước, người đã đặt những viên gạch đầu tiên cho sự mở mang giao thương, phát triển phố chợ Kỳ Lừa phồn thịnh, đưa quá trình thông thương giữa 2 nước Việt - Trung bước sang giai đoạn mới nhiều khởi sắc. Cũng vào ngày này hằng năm, chính quyền phường Hoàng Văn Thụ (thành phố Lạng Sơn), đại diện Ban Quản lý di tích đền Tả Phủ và nhân dân quanh khu vực phố chợ Kỳ Lừa lại tổ chức về di tích - quê hương của Hán Quận công Thân Công Tài tế lễ, bày tỏ tấm lòng biết ơn và tri ân sâu sắc.

{keywords}
{keywords}
{keywords}

Vào ngày 22-27 tháng Giêng, đại diện chính quyền, ban quản lý di tích Mộ và đền thờ Hán Quận công Thân Công Tài cũng tổ chức đến dự lễ tại đền Tả Phủ thể hiện mối quan hệ gắn bó khăng khít, bền chặt, tình đoàn kết của những người dân nơi ông sinh ra, trưởng thành và nơi ông đã có những cống hiến lưu danh sử sách.

{keywords}
{keywords}
{keywords}
{keywords}

Những hiện vật quý được lưu giữ tại khu di tích. 

Kim Phương
Hoài Thu
Ngọc Nhi
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...