Thứ ba, 16/04/2024
Bắc giang 33 °C / 24 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

eMagazine
eMagazine
icon
0.5 1.0 1.5
Chia sẻ:

Các báo, bản tin tiền thân của báo Sông Thương

Cập nhật: 18:48 ngày 17/11/2021
 
{keywords}

Cách đây 60 năm, ngày 1/1/1962, Báo Sông Thương - tiền thân của Báo Hà Bắc và Báo Bắc Giang ngày nay xuất bản số đầu tiên. Trải qua những chặng đường lịch sử, thực hiện lời dạy của bác Hồ: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”, những người làm Báo Bắc Giang luôn nỗ lực vượt qua khó khăn, không ngừng đổi mới về nội dung và hình thức tờ báo, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Hướng tới kỷ niệm 60 năm ngày Báo Bắc Giang ra số đầu, Tòa soạn biên soạn những chặng đường xây dựng và phát triển của tờ báo.

Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, do tác động của báo chí cách mạng và phong trào đấu tranh của công nông dưới sự lãnh đạo của Đảng, một số trí thức và công chức tiến bộ đã tập hợp lại thành lập nhóm Hiện thực ở Phủ Lạng Thương. Nhóm dự định ra một tờ báo lấy tên là Hiện thực nhằm phản ánh đời sống của các tầng lớp nhân dân dưới chế độ thống trị của thực dân Pháp. Khi công việc chuẩn bị đã xong, kể cả việc đã xin giấy phép của Công sứ Bắc Giang nhưng do khó khăn về tài chính, báo không ra được.

Thực hiện chủ trương của Trung ương, từ tháng 12/1940 đến 3/1941, Ban cán sự Đảng tỉnh Bắc Giang mở một đợt tuyên truyền vận động nhân dân trong tỉnh hưởng ứng và ủng hộ cuộc Khởi nghĩa Bắc Sơn và Nam Kỳ. Tháng 1/1941, Ban cán sự Đảng tỉnh ra tờ báo lấy tên là "Phục quốc" làm cơ quan ngôn luận của Đảng bộ do đồng chí Trần Quốc Tuân, Trưởng Ban cán sự Đảng tỉnh phụ trách. Báo in li-tô, 2 trang, khổ 18 x 24cm, mỗi tháng một kỳ, mỗi kỳ 50 bản. Cơ quan in báo lúc đầu đặt ở thôn Bừng (huyện Lạng Giang), sau bị lộ phải chuyển đến thôn Hoàng Liên (huyện Hiệp Hoà).

Những người tham gia viết báo chủ yếu là các đồng chí trong Ban cán sự Đảng tỉnh và một số đồng chí khác. Báo phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, vận động nhân dân trong tỉnh ủng hộ du kích và nhân dân Bắc Sơn (Lạng Sơn), lên án thực dân Pháp và phát xít Nhật cấu kết với nhau đàn áp cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn, đàn áp bóc lột nhân dân Việt Nam, kêu gọi quần chúng đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền. Báo được lưu hành bí mật trong cán bộ, đảng viên và quần chúng cách mạng. Sau khi ra được 4 số, cuối tháng 3/1941, do khó khăn về tài chính, báo phải ngừng hoạt động.

Sau Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (5/1941), việc chuẩn bị lực lượng tiến lên khởi nghĩa giành chính quyền được xúc tiến mạnh mẽ. Đến cuối năm 1944, đầu năm 1945, cơ sở cách mạng được xây dựng rộng khắp trong toàn tỉnh. Trên phạm vi cả nước, phong trào cách mạng ngày càng dâng cao. Chiến tranh thế giới lần thứ hai sắp bước vào giai đoạn kết thúc. Phe Đồng minh liên tiếp giành thắng lợi trên khắp các mặt trận. Tình hình này làm cho mâu thuẫn giữa Nhật và Pháp ở Đông Dương càng trở nên gay gắt. Đêm 9/3/1945, phát xít Nhật nổ súng làm cuộc đảo chính lật đổ Pháp. Nhạy bén với tình hình, ngay khi tiếng súng đảo chính của Nhật vừa nổ ra, ngày 12/3/1945, Ban Thường vụ Trung ương Đảng triệu tập hội nghị mở rộng và ra Chỉ thị "Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta".

Có Chỉ thị của Trung ương làm kim chỉ nam, phong trào cách mạng ở tỉnh Bắc Giang chuyển sang thời kỳ mới: Khởi nghĩa từng phần tiến lên Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn tỉnh. Mở đầu, ngày 12/3/1945, xã Xuân Biều (Hiệp Hoà) khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi. Tiếp theo, các phủ, huyện lần lượt khởi nghĩa giành chính quyền. Ngày 18/8/1945, khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở thị xã Phủ Lạng Thương, kết thúc quá trình vận động Cách mạng Tháng Tám ở tỉnh Bắc Giang.

Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ, nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Giang ra sức xây dựng, củng cố chính quyền, từng bước khắc phục khó khăn về các mặt, tích cực chuẩn bị lực lượng cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Cuối năm 1946, thực dân Pháp trắng trợn xâm lược nước ta một lần nữa.

{keywords}

Một trong những tác phẩm đăng trên báo Hà Bắc có bút tích của Bác Hồ.

Đáp Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân các dân tộc tỉnh ta từ miền núi đến miền xuôi nhất tề đứng lên kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Trước tình hình mới của cách mạng, đầu năm 1947, Ty Thông tin Bắc Giang kịp thời ra tờ Tin Bắc Giang làm nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến đường lối kháng chiến của Đảng, phản ánh tình hình thi đua yêu nước và kết quả các mặt hoạt động phục vụ kháng chiến kiến quốc ở các địa phương trong tỉnh. Ngoài những chuyên mục trên, Tin Bắc Giang còn đều đặn đăng các bài thơ ngắn, thơ đả kích giặc Pháp và bè lũ bán nước. Trực tiếp biên tập tờ Tin Bắc Giang là đồng chí Bành Bảo và Bành Châu. Tờ Tin Bắc Giang in li-tô, khổ 40 x 60cm, 2 trang, ra hàng tuần, mỗi kỳ 500 số. Tờ Tin Bắc Giang phát không thu tiền tới Ban Thông tin xã và các đội tuyên truyền xung phong làm tài liệu tuyên truyền, đọc trong các buổi họp, giao ban. Tin Bắc Giang có các văn nghệ sĩ nổi tiếng cộng tác thường xuyên như: Tú Mỡ, Anh Thơ, Trịnh Quang Chân.

Theo chủ trương của Trung ương, giữa năm 1949, Ban Tuyên huấn tách ra thành Ban Tuyên truyền và Ban Huấn luyện. Ban Tuyên truyền có nhiệm vụ tuyên truyền, cổ động các chủ trương, đường lối của Đảng đến quần chúng. Cuối năm 1949, Ban Tuyên truyền cho ra tờ Tin nội bộ do đồng chí Vũ Mạnh, Quyền Trưởng ban Tuyên truyền phụ trách. Tờ Tin nội bộ ra mỗi tháng 2 kỳ, sau tăng lên mỗi tuần một kỳ, 2 trang, giấy dó, khổ 20 x 30 cm. Vào các ngày kỷ niệm lớn của đất nước như; Kỷ niệm Ngày thành lập Đảng, Ngày Quốc tế Lao động, Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, tờ Tin nội bộ tăng lên 4 trang. Với khuôn khổ nhỏ hẹp, tờ Tin nội bộ chủ yếu đăng tin, bài viết về hoạt động của Đảng bộ, ngoài ra còn điểm tin tức quân sự trong nước và trong tỉnh... Tờ Tin nội bộ bước đầu đã làm tròn chức năng tuyên truyền, cổ động, tổ chức xây dựng Đảng.

Giữa năm 1950, thực hiện chủ trương của Đảng, Ban Tuyên truyền Đảng sáp nhập vào Ty Thông tin tuyên truyền, tờ Tin nội bộ hợp nhất với tờ Tin Bắc Giang lấy tên là Tin Bắc Giang trực thuộc Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh. Tờ Tin Bắc Giang in ti-pô, ra hàng tuần, 2 trang, khổ 40 x 60 cm. Nhiệm vụ chủ yếu của tờ Tin Bắc Giang là tuyên truyền cho cuộc kháng chiến lâu dài, anh dũng của dân tộc ta. Những tin, bài đăng trên tờ Tin Bắc Giang đã góp phần cổ vũ mọi tầng lớp nhân dân tham gia kháng chiến, củng cố lòng tin vào thắng lợi, vào sự lãnh đạo sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương và Chính phủ.

Những tờ tin của tỉnh trong kháng chiến chống Pháp khuôn khổ còn nhỏ, số lượng phát hành chưa nhiều, nội dung còn có những hạn chế nhất định, nhưng đã góp phần quan trọng trong công tác giáo dục chính trị tư tưởng. Thông qua các bản tin, cán bộ, đảng viên, nhân dân trong tỉnh hiểu rõ hơn tình hình thời sự trong nước, trong tỉnh, đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện của Đảng. Nhờ đó, đã góp phần cổ vũ, động viên nhân dân trong tỉnh hăng hái tham gia đóng góp nhân lực, vật lực cho kháng chiến, cùng quân và dân cả nước làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ, thừa nhận chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Tháng 9/1954, Bộ Chính trị họp đề ra đường lối, nhiệm vụ cho giai đoạn cách mạng mới của cả nước và nhiệm vụ trước mắt cho từng miền. Đối với miền Bắc, Nghị quyết chỉ rõ: "Phải nhanh chóng hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế và hoàn thành cải cách ruộng đất". Căn cứ Nghị quyết của Bộ Chính trị, Hội nghị Tỉnh uỷ cuối tháng 9/1954 xác định nhiệm vụ trước mắt của Đảng bộ và nhân dân toàn tỉnh là thực hiện lệnh ngừng bắn, tiếp quản vùng mới giải phóng, đấu tranh chống mọi hoạt động phá hoại của địch, tổ chức nhân dân hồi cư và giúp nhân dân chống đói, ổn định cuộc sống, khôi phục và phát triển kinh tế, xã hội, thực hiện cải cách ruộng đất, giữ vững an ninh trật tự.

Căn cứ nhiệm vụ của Tỉnh uỷ đề ra, các phóng viên tờ Tin Bắc Giang toả về các địa phương thu thập tin tức kịp thời phản ánh lên bản tin. Tờ Tin Bắc Giang thời kỳ này có nhiều bài viết về công tác chống địch dụ dỗ, cưỡng ép đồng bào di cư vào Nam; công tác cứu đói; công tác khai hoang, phục hoá, chống hạn; các địa phương, các cá nhân tiên tiến trong lao động sản xuất, giữ gìn an ninh trật tự thôn xóm...

{keywords}

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh với cán bộ, phóng viên tại lễ kỷ niệm 25 năm ngày thành lập Báo Hà Bắc (1988).

Kể từ khi ra đời (đầu năm 1947) đến khi chuyển thành Báo Sông Thương (cuối năm 1961), tờ Tin Bắc Giang đã lưu hành 15 năm trong suốt cuộc kháng chiến chống Pháp và những năm đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội. Tuy chưa phải là tờ báo của Đảng bộ, nhưng tờ Tin Bắc Giang đã phát huy được vai trò, tác dụng của một cơ quan ngôn luận, phục vụ đắc lực cho việc lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ và Ủy ban hành chính tỉnh.

Báo Phục Quốc, Tin Bắc Giang là những tờ báo tiền thân của Báo Sông Thương.

Tòa soạn (Tổng hợp từ Kỷ yếu Báo Bắc Giang nửa thế kỷ xây dựng và phát triển)
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...