Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 29 °C / 25 - 28 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

eMagazine
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Bắc Giang: Làng vú sữa nơi ngã ba sông

Cập nhật: 17:12 ngày 29/04/2021
 
{keywords}

Huyện Tân Yên (Bắc Giang) có không ít nông sản hàng hóa nhưng nổi tiếng hơn cả có lẽ là vải sớm Phúc Hòa và vú sữa Hợp Đức. Vào cữ tháng Tư, vú sữa bắt đầu cho thu hoạch. Có dịp tới đây, ai cũng trầm trồ trước những vườn vú sữa bạt ngàn, quả sai lúc lỉu.

{keywords}

Khi tôi đặt vấn đề muốn đi tìm hiểu về cây vú sữa ở xã Hợp Đức, chị Đào Thu Phương, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện nói luôn: Thế thì tới nhà ông Nguyễn Văn Cường, thôn Cửa Sông. Hỏi ra mới biết, không phải ngẫu nhiên chị Phương lại bảo đến đó. Ông là người đầu tiên trồng vú sữa ở làng, nhà ông hiện có cây vú sữa cổ thụ hơn 30 năm tuổi, đồng thời là hộ có diện tích cây trồng này lớn nhất xã. Không chỉ có vậy, ông còn là Giám đốc HTX Sản xuất và tiêu thụ vú sữa xã Hợp Đức với 20 xã viên.

{keywords}

Khu vườn trồng vú sữa của một hộ dân xã Hợp Đức.

Ông Cường năm nay 61 tuổi nhưng nhìn trẻ hơn nhiều so với tuổi, cả gia đình đang bận rộn với việc thu hoạch, đóng gói chuyển cho khách nhưng khi chúng tôi đến vẫn đon đả mời chào. Vợ ông nhanh tay bổ mấy quả vú sữa mời khách và nói: “Mới đầu vụ, vú sữa chưa ngon lắm, giống quả này phải nắng bổng lên mới ngọt. Đầu mùa, nhiều người hỏi mua, giá 30-40 nghìn đồng/kg nhưng vú sữa chưa chín già nên gia đình tôi không muốn bán. Nhiều khách quen, người ta mang đi biếu chỗ nọ, chỗ kia nên cứ đòi mua bằng được…”. Nghe vậy, tôi nghĩ thầm, người dân bây giờ đúng là tư duy sản xuất hàng hóa có khác, đã biết giữ gìn thương hiệu, sản phẩm chưa ngon quyết không bán ra thị trường sợ mang tiếng.

{keywords}

Câu chuyện về cây vú sữa bén rễ ở làng Cửa Sông giữa chúng tôi và vợ chồng ông Cường không liền mạch bởi lúc lúc ông lại nghe điện thoại có người đặt mua hàng, người đến lấy mẫu nước, sản phẩm chuẩn bị cho việc xây dựng vú sữa trở thành sản phẩm OCOP, khách quen đến thăm vườn…Tựu trung lại là cách đây hơn 30 năm, vợ chồng ông Cường được người thân cho mấy quả vú sữa, ăn thấy ngon nên lấy hạt trồng trong vườn nhà. “Người dân nông thôn trước đây là thế, ăn quả mít, quả na hay quả gì đó thấy ngon là nghĩ ngay tới việc mang hạt đi trồng. Phải khẳng định rằng tôi là người có duyên với cây vú sữa bởi tôi ươm được mấy cây cho anh trai một cây trồng 10 năm không ra quả trong khi đó cây vú sữa trong vườn nhà tôi sau 5 năm đã ra quả sai lúc lỉu cho đến tận bây giờ”-ông Cường nói.

{keywords}

Cây vú sữa cổ thụ nhà ông Nguyễn Văn Cường.

{keywords}

Hiện có hai giống vú sữa là quả tím và quả trắng. Vú sữa trồng ở Tân Yên cơ bản là giống quả trắng.

Cây vú sữa gia đình ông Cường trồng cho quả màu trắng ánh xanh lục có nguồn gốc từ miền Nam nhưng do hợp với thổ nhưỡng địa phương nên chất lượng tốt, giá bán thường cao hơn hàng chục nghìn đồng/kg. Từ một cây ban đầu, gia đình đã tự nhân giống trồng vú sữa trong vườn nhà. Năm 2012, được Nhà nước hỗ trợ, ông Cường tiếp tục mở rộng diện tích trồng vũ sữa. Đến nay, trong vườn nhà có hơn 200 cây vú sữa đã cho thu hoạch. Với 10 cây vú sữa đầu dòng, mỗi năm, ông còn cung ứng hàng nghìn cây giống cho người dân trong và ngoài xã. Tính sơ bộ từ bán quả và giống mỗi năm ông thu khoảng nửa tỷ đồng.

{keywords}

Thôn Cửa Sông có 86 hộ với 330 nhân khẩu. Gặp chúng tôi, anh Thân Trọng Cường, Trưởng thôn say sưa kể về nguồn gốc địa danh Cửa Sông. Theo lời anh Cường thì nơi đây là khu vực hợp lưu của hai con sông: Sông Thương và sông Sỏi. Người dân quê anh vẫn thường nói vui với nhau rằng ở đây một con gà gáy người dân 3 huyện nghe thấy, đó là xã Mỹ Hà, Tiên Lục (Lạng Giang), xã Tân Sỏi (Yên Thế) và xã Phúc Hòa, Hợp Đức (Tân Yên). Có lẽ do có vị trí đặc biệt như vậy, đất đai được phù sa bồi đắp nên cây vú sữa đã nhanh chóng bén rễ ở đây.

{keywords}

Người dân xã Hợp Đức thu hoạch vú sữa.

{keywords}

Thương lái về tận vườn thu mua sản phẩm.

Từ vườn nhà ông Cường, cây vú sữa đã “lan ra”vườn bãi của nhiều hộ dân khác trong thôn. Ban đầu, người dân Cửa Sông trồng vú sữa để ăn là chính, khi vú sữa chín rộ mới mang ra chợ quê bán. Thấy vú sữa được giá, lại dễ trồng, hiệu quả hơn hẳn so với nhiều cây ăn quả khác, đặc biệt là được Nhà nước hỗ trợ nên những năm gần đây, diện tích cây vú sữa tăng đáng kể. Ở thôn Cửa Sông hiện nay, ngoài khoảng 10 hộ trồng nhiều thì hầu như nhà nào cũng có 1-2 cây vú sữa. Trong số tổng diện tích 20,8 ha vú sữa của xã Hợp Đức thì phần lớn tập trung ở thôn Cửa Sông.

{keywords}

Vú sữa là cây lâu năm, có nhiều ưu điểm như ít phải chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh. Đặc biệt là chưa bao giờ mất mùa (năng suất chỉ giảm hoặc tăng so với vụ trước) vì cây ra nhiều đợt hoa trong năm, đợt này không đậu thì đợt sau. Hơn nữa, mùa thu hoạch vú sữa ở đây lại muộn hơn so với vú sữa miền Nam và là cây ăn quả chín sớm hơn so với các loại cây ăn quả chủ lực ở miền Bắc. Vì thế việc tiêu thụ rất thuận lợi (tư thương tới tận vườn thu mua). Những cây vú sữa cổ thụ mỗi vụ có thể cho thu cả chục triệu đồng. Bà Nguyễn Thị Đối, thôn Cửa Sông tâm sự: “Vườn nhà tôi trồng vú sữa và bưởi. 40 cây vú sữa, mỗi năm được thu vài chục triệu đồng trong khi đó bưởi lại không hiệu quả. Tới đây, tôi dự định bỏ bưởi trồng thêm 20 cây vú sữa nữa”.

{keywords}

Cây vú sữa đã “bén rễ” mấy chục năm nay ở thôn Cửa Sông. Thế nhưng sản phẩm này trở thành hàng hóa và nổi tiếng gần xa chỉ khoảng chục năm trở lại đây khi huyện Tân Yên quan tâm mở rộng diện tích cây trồng này và từng bước nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Năm 2012, UBND huyện phê duyệt và thực hiện Đề án trồng cây vú sữa tại xã Hợp Đức giai đoạn 2012-2015 với mục tiêu từng bước mở rộng diện tích cây trồng này. Kết quả, trong 3 năm, các hộ dân nơi đây trồng mới được 12 ha. Ngoài ra, nhiều hộ dân tại các xã khác trong huyện như: Việt Ngọc, Ngọc Vân, Song Vân, Ngọc Thiện, Việt Lập, Liên Chung, Quế Nham, Cao Thượng, Cao Xá…đã tự mua giống vú sữa về trồng. Cùng đó, sản phẩm vú sữa đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa. Tại vùng vú sữa Hợp Đức, các đơn vị nghiên cứu đã thực hiện chọn tạo cây đầu dòng. Năm 2015, số lượng cây đầu dòng được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận là 20 cây, tạo điều kiện thuận lợi cho việc nhân giống và phát triển cây vú sữa trên địa bàn huyện.

{keywords}

Vùng sản xuất vú sữa VietGAP Hợp Đức.

Năm 2018, thực hiện Nghị quyết về phát triển cây ăn quả và nâng cao hiệu quả kinh tế vườn đồi, huyện Tân Yên tiếp tục xây dựng và triển khai Đề án “Phát triển sản xuất vú sữa trên địa bàn huyện giai đoạn 2018-2020”. Mục tiêu nhằm mở rộng diện tích sản xuất, xây dựng vùng sản xuất tập trung, nâng cao năng suất, chất lượng quả vú sữa trên địa bàn huyện, từ đó nâng cao thu nhập, đời sống cho nông dân, góp phần tạo bước tăng trưởng kinh tế chung của toàn huyện.

{keywords}

Ghép cành nhân giống vú sữa.

Thông qua công tác tuyên truyền, hỗ trợ giá cây giống, phân bón và kỹ thuật, áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, đến nay, diện tích cây vú sữa của huyện Tân Yên đạt hơn 58 ha, trong đó diện tích cho thu hoạch 18 ha, sản lượng hàng năm ước đạt 150 tấn, giá bán dao động 30-40 nghìn đồng/kg tùy từng thời điểm. Hiện có 5 ha vú sữa sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, còn lại sản xuất theo hướng VietGAP. Địa phương cũng đã thành lập HTX sản xuất và tiêu thụ vú sữa xã Hợp Đức với hơn 20 xã viên, huyện hỗ trợ bao bì đóng gói sản phẩm, truy xuất nguồn gốc.

Ông Nguyễn Thế Huy, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Vú sữa là sản phẩm đặc trưng của Tân Yên, có chất lượng thơm, ngon, có lợi thế về thị trường tiêu thụ. Vì vậy, mục tiêu của huyện đến năm 2025 là tiếp tục mở rộng diện tích, phấn đấu đạt 120 ha (trồng mới khoảng 50 ha); xây dựng và chuyển giao một vườn ươm để chủ động nguồn cây giống vú sữa chất lượng; xây dựng hoàn thành chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm vú sữa Tân Yên, bảo hộ giống vú sữa Tân Yên và phấn đấu sản phẩm vú sữa đạt tiêu chuẩn OCOP trong năm nay”.

{keywords}

Để đạt được mục tiêu trên, trong thời gian tới, huyện sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp. Đó là tiếp tục tuyên truyền, vận động để người dân tích cực cải tạo vườn tạp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa cây vú sữa vào trồng, mở rộng diện tích, hình thành và mở rộng vùng sản xuất vú sữa tập trung: Hợp Đức, Liên Chung, Việt Lập, Cao Xá, thị trấn Cao Thượng, An Dương, Tân Trung, Việt Ngọc, Liên Sơn. Tích cực chuyển giao khoa học kỹ thuật về kỹ thuật ươm cây giống bằng phương pháp ghép từ cây vú sữa đầu dòng đã được chọn tạo, phối hợp với Viện Nghiên cứu rau quả (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) xây dựng thành công vườn ươm nhân giống bảo đảm tiêu chuẩn; chỉ đạo người dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong việc sản xuất thâm canh vú sữa, thực hiện nghiêm túc quy trình sản xuất vú sữa theo tiêu chuẩn VietGAP, tập trung cắt tỉa cành, phòng trừ sâu bệnh (đối với diện tích vú sữa trên 7 năm tuổi), nâng cao mẫu mã, chất lượng quả. Phối hợp với Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT), Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và PTNT thực hiện bảo hộ giống vú sữa Tân Yên và xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm vú sữa Tân Yên; đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm để xây dựng thương hiệu vú sữa Tân Yên. Cùng đó, có cơ chế hỗ trợ để mở rộng diện tích, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn quy định, truy xuất, bao bì đóng gói.

{keywords}

Vú sữa được mở rộng diện tích ra cả bờ bãi ven sông.

Với những nỗ lực đó, tin rằng sản phẩm vú sữa Tân Yên sẽ ngày càng được nhiều người biết đến và mang lại nguồn thu không nhỏ cho người dân nơi đây.

Huy Nam
Ngọc Nhi
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...