Thứ tư, 24/04/2024
Bắc giang 23 °C / 24 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

eMagazine
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Có một nghị quyết của Đảng khơi dậy sức dân

Cập nhật: 22:29 ngày 28/10/2020
 
{keywords}
{keywords}

Lâu nay, khi tổng kết, đánh giá về công tác xây dựng Đảng, một trong những hạn chế, khuyết điểm được chỉ ra đó là việc thể chế, cụ thể hoá một số nghị quyết của Đảng còn chậm; tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu. Thế nhưng ở Bắc Giang, có một nghị quyết của Tỉnh uỷ đã làm thay đổi hẳn diện mạo nông thôn, đó là nghị quyết về làm đường giao thông. Tại kỳ đại hội đảng các cấp vừa qua, nhiều tiếng nói tại đại hội đã tổng kết nghị quyết như một minh chứng sinh động về việc đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp uỷ, để việc cụ thể hoá cũng như tổ chức thực hiện nghị quyết của Đảng không còn là khâu yếu.

{keywords}
{keywords}

Với phương châm Đảng có chủ trương, chính quyền cho cơ chế, đáp ứng đúng tâm tư, nguyện vọng của toàn dân, phong trào làm đường giao thông nông thôn ở Bắc Giang đã diễn ra mạnh mẽ, rộng khắp, người dân tham gia với tâm thế chủ động, phấn khởi. Từ sự đổi mới trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện của cấp uỷ, chính quyền, những tuyến đường vốn nhỏ hẹp, phần nhiều là đường đất, đã xuống cấp cứ dài rộng thêm theo thời gian.

{keywords}

Ở mỗi địa phương, rộng ra là cả nước, giao thông có vai trò đặc biệt quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống dân sinh. Cũng vì vai trò động lực thúc đẩy đó nên như nhiều tỉnh, thành phố khác, bê tông hoá đường giao thông nông thôn đã được nhiều địa phương ở tỉnh Bắc Giang thực hiện từ những năm 90 của thế kỷ trước. Song từ thời điểm đó cho đến sau này, việc chỉnh trang, nâng cấp giao thông mới dừng lại ở tự phát và chỉ thực hiện được ở những thôn xóm có điều kiện về kinh tế và đoạn đường thuận lợi.

Cũng từ tự phát nên đường làm không theo quy chuẩn kỹ thuật; mạnh ai nấy làm, mỗi nơi làm một kiểu dẫn đến không chỉ chất lượng không bảo đảm, đường nhanh hư hỏng, xuống cấp mà còn phát sinh mâu thuẫn, đơn thư khiếu kiện liên quan đến cánh thức huy động, quản lý kinh phí, thanh quyết toán công trình, ảnh hưởng đến tình làng nghĩa xóm, thậm chí vi phạm pháp luật.

Cụ thể hoá Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015- 2020, trong đó có giải pháp đầu tư kết cấu hạ tầng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; từ lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân và qua khảo sát thực tế các địa phương, ngày 11/5/2017, Tỉnh ủy Bắc Giang ra nghị quyết về việc tập trung giải quyết một số vấn đề cấp bách, trong đó có giao thông nông thôn. Đây cũng là lần đầu tiên Tỉnh ủy có kết luận xác định chủ trương, giải pháp cụ thể về cứng hoá đường giao thông ở nông thôn với mục tiêu là cùng với chủ trương, chính sách hỗ trợ của tỉnh, các địa phương khai khác tối đa nguồn lực trong nhân dân để xây dựng thôn xóm, phục vụ lợi ích của chính người dân.

Với tinh thần cấp ủy cho chủ trương, chính quyền cho cơ chế, để Nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống, quán triệt chỉ đạo của Tỉnh uỷ, ngay sau đó HĐND, UBND tỉnh kịp thời triển khai thực hiện. Sau thời gian tập trung khảo sát, nghiên cứu cơ chế hỗ trợ, ngày 13/7/2017, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 07 về chính sách hỗ trợ cứng hóa đường trục thôn, đường liên thôn và đường nội đồng gắn với giao thông liên thôn trên địa bàn tỉnh.

{keywords}

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và huyện Hiệp Hoà kiểm tra tuyến đường giao thông mới được đầu tư xây dựng ở xã Bắc Lý.

Theo Nghị quyết, lần đầu tiên từ trước đến nay, tỉnh có cơ chế hỗ trợ 100% vật liệu xi măng để “kích cầu” các địa phương làm đường. Đặc biệt, lượng xi măng cấp không hạn chế để khuyến khích các thôn, xã mở đường kết hợp đổ bê tông càng rộng, càng dài càng tốt song rộng tối thiểu phải từ 3,5 m trở lên. Thực hiện Nghị quyết, UBND tỉnh xây dựng kế hoạch, thành lập Ban chỉ đạo, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ngành, địa phương. Lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các cấp và các sở, ngành thường xuyên kiểm tra đôn đốc, kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc phát sinh ở cơ sở.

Dưới sự chỉ đạo của Tỉnh uỷ, các huyện uỷ ban hành nghị quyết chuyên đề và chỉ đạo chính quyền nghiên cứu, cân đối nguồn kinh phí, có chính sách, cơ chế hỗ trợ phù hợp với tình hình thực tế theo phương châm không để thôn, xã nào ở lại phía sau, cho dù là ở vùng thấp trũng hay khu vực miền núi, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc điều kiện còn khó khăn. Trên tinh thần đó, ngoài hỗ trợ của tỉnh, huyện Hiệp Hòa hỗ trợ 400 nghìn đồng/m3 bê tông với tuyến đường có chiều rộng từ 5m trở lên; huyện Lạng Giang hỗ trợ 100 triệu đồng/km với mặt đường rộng từ 3,5m trở lên và 200 triệu đồng/km đối với mặt đường rộng từ 4,5m trở lên. Huyện Lục Nam hỗ trợ 100 triệu đồng/km với các tuyến đường thuộc thôn bình thường, 200 triệu đồng/km với tuyến đường ở thôn, xã đặc biệt khó khăn. Huyện Sơn Động hỗ trợ 200 triệu đồng/km đối với tất cả các công trình làm đường. Trong khi đó huyện Yên Dũng hỗ trợ 20% giá trị đối với những công trình có nền đường là nền đất, hỗ trợ 100% vật liệu gồm cát, đá đối với công trình cải tạo, nâng cấp…

{keywords}

Người dân huyện Yên Thế ra quân làm đường giao thông.

Dù mỗi địa phương có cách thức hỗ trợ khác nhau song điều dễ nhận thấy là, hiếm có nghị quyết nào có sự thống nhất cao từ chủ trương lãnh đạo của cấp uỷ đến cơ chế hỗ trợ cụ thể của chính quyền như nghị quyết về làm đường giao thông.

{keywords}

Dù những điều kiện cần cho một chiến dịch lớn làm đường giao thông nông thôn đã có song thời gian đầu triển khai cũng chưa “xuôi chèo mát mái”. Nguyên do bởi số tiền được hỗ trợ dù tương đối lớn song mức mỗi hộ dân đóng góp đối ứng vẫn là con số không nhỏ.

Ở khu vực miền núi, vùng cao như Lục Nam, Lục Ngạn, Sơn Động, diện tích tự nhiên rộng, nhiều thôn, bản dân cư rải rác, địa hình chia cắt, đời sống còn khó khăn; tâm lý trông chờ, ỷ lại vào nhà nước còn hiện hữu. Đó còn chưa kể đường phải làm theo tiêu chuẩn mới được nhận hỗ trợ, trong khi trình độ, năng lực của cán bộ thôn, xã hạn chế cộng với ngại thực hiện các thủ tục liên quan nên nhiều nơi có tâm lý… bàn lùi.

Kịp thời nắm bắt khó khăn, trở ngại, cả hệ thống chính trị vào cuộc. Cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở tuyên truyền, vận động nhân dân; nhiều đảng viên nêu cao tinh thần gương mẫu, gần dân, sát dân làm công tác dân vận. Tháo gỡ khó khăn về thủ tục, Sở Giao thông - Vận tải tham mưu UBND tỉnh tổ chức các lớp tập huấn chuyên đề về lập kế hoạch, thẩm định, phê duyệt, áp dụng thiết kế mẫu, các bước thi công, nghiệm thu công trình cho cán bộ cơ sở.

{keywords}

Đổ bê tông đường giao thông tại huyện Lục Ngạn.

Khó khăn, trở ngại được tháo gỡ, khí thế làm đường dần diễn ra sôi nổi theo thời gian. Tại thôn Hoàng Phúc, xã Đồng Phúc (Yên Dũng) trước đây một số đoạn đường đã được đổ bê tông song nhỏ hẹp, xuống cấp. Thực hiện chỉ đạo của cấp trên, Chi bộ thôn họp ra nghị quyết lãnh đạo làm đường; ban quản lý thôn tổ chức họp toàn dân phổ biến chủ trương của cấp uỷ, mức hỗ trợ của cấp trên; đồng thời công khai dự toán, mức đóng góp kinh phí đối ứng.

Bí thư Chi bộ thôn Hoàng Phúc Vũ Trí Mầu cho biết, những ngày đầu triển khai, tối đến nhà văn hoá thôn luôn sáng đèn, cấp uỷ, ban quản lý không quản ngày đêm họp bàn. Qua tính toán, để cứng hóa bước đầu 4 km đường, ngoài hỗ trợ của tỉnh và huyện, mỗi khẩu phải đóng 400 nghìn đồng. Khi đưa ra mức này, nhiều người dân cho rằng cao quá. Được cán bộ, đảng viên vận động, giải thích, hộ dân dần hiểu nếu không có hỗ trợ của Nhà nước, mức đóng góp phải cao gấp ba lần mà chưa chắc đã làm được. Sau ba lần họp, toàn bộ 265 hộ dân trong thôn đã đồng thuận. Vậy là chỉ sau thời gian ngắn, không chỉ 4 km như dự kiến ban đầu mà toàn bộ hơn 10 km đường thôn, đường nội đồng được đổ bê tông với chiều rộng ít nhất 4,5 m, có chỗ hơn 10m bảo đảm cho phương tiện cơ giới vào ra vận chuyển hàng hoá, nông sản cho bà con. Ngày khánh thành đường giao thông, thôn như có hội.

{keywords}

Với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", toàn bộ hệ thống giao thông ở xã Mỹ Thái, huyện Lạng Giang được mở rộng, đổ bê tông, tạo thuận lợi cho sinh hoạt, sản xuất của người dân.

Tại huyện vùng cao Sơn Động có đông đồng bào dân tộc ít người sinh sống, không khí làm đường cũng sôi động. Thôn Rộc Nẩy, xã Cẩm Đàn chủ yếu là người dân tộc Nùng, đời sống chỉ trông vào nguồn thu từ lúa, cây ăn quả song thường bị mất giá do đường nhỏ hẹp, thương nhân không thể vào tận nơi thu mua. Nhận thấy cái khó từ chưa có đường, nhiều lần chi bộ, ban quản lý thôn họp bàn nhưng chưa có điều kiện thực hiện vì kinh phí đầu tư quá lớn so với mức sống của hộ dân. Sau khi tỉnh, huyện có cơ chế hỗ trợ, các hộ đã đóng góp hơn 600 nghìn đồng/khẩu cùng nhau đổ bê tông hơn 3 km đường. Quá trình thực hiện, các hộ còn chặt hơn 300 cây vải thiều - nguồn thu chủ yếu của mình, hiến 8 nghìn m2 đất và hàng trăm m tường rào để thôn mở rộng đường. Bà Nông Thị Chu, người dân trong thôn nói: “Trước đây, dù là trục chính của thôn đi qua cổng song đường nhỏ, nhiều đoạn lồi lõm rất khó đi. Mỗi khi trời mưa, đất từ sườn đồi sạt xuống dồn thành lớp dày, có đường mà cũng như không. Nay thì mọi sự đã khác, có đường mới, người dân chúng tôi ai cũng phấn khởi”.

Thành quả từ kết hợp của ý Đảng - lòng dân đã vượt xa dự kiến. Song cái được lớn nhất từ một chủ trương hợp lòng dân đó là từ cơ chế kích cầu của tỉnh, hiện nay dù đã kết thúc thời gian được hưởng hỗ trợ của tỉnh nhưng phong trào cứng hóa đường giao thông nông thôn ở các địa phương trong tỉnh vẫn diễn ra sôi động.

Từ nhà nhà đóng góp ngày công, kinh phí làm đường, thôn nọ “ngó” thôn kia, phong trào làm đường giao thông dần lan toả mạnh mẽ. Vào thời điểm nông nhàn, dịp cuối năm, hầu như thôn xã nào cũng sôi nổi không khí làm đường. Đồng hành cùng người dân, đội ngũ cán bộ chuyên môn tỉnh, huyện, cán bộ xã không quản sớm tối kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện; tổ chức điều phối, tiếp nhận, phân bổ xi măng cho các thôn.

Nhớ lại thời thời gian cao điểm làm đường, đồng chí La Văn Nam, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn thông tin: “Huyện ủy, UBND huyện liên tục chỉ đạo, tổ chức, hướng dẫn các xã, thị trấn rà soát, thống kê hệ thống đường chưa được cứng hóa. Huyện lấy những thôn làm trước tuyên truyền cho thôn bản làm sau; khó khăn ở đâu tháo gỡ ngay ở đó. Ngoài mức xi măng của tỉnh, ngân sách huyện hỗ trợ 150 triệu đồng/km cho các thôn đặc biệt khó khăn, 100 triệu đồng/km cho các thôn, khu phố còn lại, huyện còn quyết ngay cho các thôn 100% kinh phí vận chuyển xi măng đến công trình. Nhiều xã dành ngân sách xã hỗ trợ thêm cho các thôn. Với khí thế ấy, thành quả thu được trong chưa đầy ba năm là gần 1,2 nghìn km đường giao thông được đổ bê tông, đạt gần 100% tổng số chiều dài đường thôn của cả huyện. Những tuyến đường quê trải rộng uốn lượn bên vườn cây mùa nào trái ấy tạo nên bức tranh quê trù phú, ấm no”.

{keywords}

Ảnh 1, 2: Từ chủ trương, giải pháp đồng bộ của các cấp uỷ đảng, chính quyền, nhân dân các địa phương trên địa bàn tỉnh Bắc Giang hăng hái thi đua làm đường giao thông.

Ảnh 3: Đường về thôn Muối, xã Giáp Sơn (Lục Ngạn) sau khi được mở rộng, cứng hoá.

Theo tổng hợp của Sở Giao thông - Vận tải, sau ba năm thực hiện Nghị quyết của Tỉnh uỷ, toàn tỉnh cứng hóa được gần 5 nghìn km đường giao thông nông thôn, vượt hơn 221,7% kế hoạch đề ra ban đầu. Thành quả thu được từ sự kết hợp của ý đảng lòng dân đã vượt xa dự kiến. Song cái được lớn nhất từ một chủ trương hợp lòng dân đó là từ cơ chế kích cầu của tỉnh, hiện nay dù đã kết thúc thời gian được hưởng hỗ trợ của tỉnh nhưng phong trào cứng hóa đường giao thông nông thôn ở các địa phương trong tỉnh vẫn diễn ra sôi động. Niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của cấp uỷ đảng, điều hành, quản lý của chính quyền các cấp là tiền đề để tương lai không xa, toàn bộ hệ thông giao thông nông thôn của tỉnh sẽ được cứng hoá.

Thế Phương - Trịnh Lan
Ngọc Nhi
{keywords}
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...