Thứ tư, 24/04/2024
Bắc giang 24 °C / 24 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Đời sống
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Người làm nghề nuôi lợn đen Nghệ An "cháy hàng" trước Tết

Cập nhật: 15:02 ngày 07/01/2022
Còn gần một tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần nhưng thời điểm này, nhiều hộ nuôi lợn đen bản địa ở các huyện miền núi Nghệ An đã "cháy hàng" vì lượng cung không đủ cầu.

Vài năm trở lại đây, vào mỗi dịp cận Tết, nhiều người buôn lợn đen (giống lợn bản địa) trong và ngoài tỉnh đều tìm về các huyện miền núi Nghệ An để "săn" hàng. Do ảnh hưởng của dịch tả châu Phi, năm 2021, nhiều hộ dân ở xã Tri Lễ, huyện Quế Phong (Nghệ An) chuyển sang nuôi lợn đen để phát triển kinh tế.

{keywords}

Thời điểm này, các cơ sở nuôi lợn đen trên địa bàn Nghệ An luôn được các khách hàng tìm đến mua dù mức giá không hề rẻ.

Từ đầu năm 2021, gia đình anh Kha Văn Lợi (Bản Xiềng, xã Tri Lễ) đã chăn thả 3 đàn lợn đen (tự nhân giống với 18 con). Đến cuối tháng 12/2021, đàn lợn đã có trọng lượng trung bình 30-35 kg/con, bán cho thương lái với giá 120.000/kg. Gia đình anh bán đi và thu về trên 50 triệu đồng.

Mặc dù nuôi số lượng ít hơn gia đình anh Lợi nhưng trước Tết, gia đình anh Lô Văn Cường (Bản Na Niếng, xã Tri Lễ) đã bán đàn lợn 10 con thả rông, thu về 30 triệu đồng.

Theo ông Vy Văn Hời, Chủ tịch hội Nông dân xã Tri Lễ, huyện Quế Phong, lợi dụng điều kiện địa hình, khí hậu, thức ăn… thuận lợi, nhiều năm nay trên địa bàn đã có rất nhiều hộ dân nuôi lợn đen để phát triển kinh tế.

"Giống lợn đen chủ yếu nuôi thả rông, ăn rau rừng, chuối, khoai, sắn... nên thịt săn chắc, thơm ngon, ăn thịt mỡ giòn không bị ngấy, nên được khách hàng rất ưa chuộng", ông Hời cho biết thêm.

Ông Phan Trọng Dũng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quế Phong, cho biết, tổng số đàn lợn toàn huyện nuôi trong năm 2021 là trên 26.000 con, trong đó lợn đen bản địa chiếm 75%.

"Giống lợn đen chủ yếu tập trung tại các xã như: Tri Lễ, Đồng Văn, Thông Thụ… Đây là những nơi có không gian rộng, nguồn thức ăn dồi dào nên người dân đã tận dụng để chăn thả. Hiện nay, chính quyền luôn khuyến khích người dân phát triển giống lợn bản địa này", ông Dũng cho biết thêm.

Cũng như huyện Quế Phong, huyện Tương Dương là trong những huyện có số lượng chăn nuôi lợn đen nhiều. Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, tổng đàn lợn của huyện Tương Dương là trên 20.000 con, trong đó lợn đen có trên 8.000 con.

Bà Kha Thị Hiền, Chủ tịch UBND xã Tam Quang, huyện Tương Dương thông tin thêm, trên địa bàn xã hiện có gần 60 hộ chăn nuôi lợn đen. Các hộ dân chủ yếu chăn nuôi theo quy mô nhỏ, từ 15-20 con/hộ gia đình, hộ nuôi nhiều đạt 50-60 con. Dịp Tết, nhu cầu lợn đen là rất lớn nên các hộ gia đình đang tích cực chăm sóc đàn lợn để phục vụ khách hàng.

"Hiệu quả kinh tế mà lợn địa phương đem lại là rất khả quan. Về lâu dài, xã khuyến khích người dân tự nhân giống lợn đen bản địa, phát triển chăn nuôi theo hướng thực phẩm sạch, bằng các thức ăn sẵn có của địa phương để giữ được chất lượng sản phẩm khi đưa ra thị trường", bà Hiền nêu giải pháp.

Để có thực phẩm chuẩn bị cho Tết và làm quà cho người thân, anh Nguyễn Văn Duy (40 tuổi, ở thành phố Vinh, Nghệ An), phải đặt mua hai con lợn đen từ trước rồi gửi gia chủ để Tết bắt. Theo anh Duy, sở dĩ anh phải đặt hàng từ trước như vậy vì sợ không có hàng.

Hơn một tháng nay, anh Nguyễn Hùng Cường (trú tại thị trấn Kim Sơn, huyện Quế Phong) - người chuyên buôn giống lợn đen luôn tất bật lo hàng cho khách hàng vì lượng cung không đủ cầu.

"Giá lợn đen bản địa ổn định từ 120.000-150.000 đồng/kg. Nguyên nhân lợn đen "cháy hàng" vào dịp Tết vì loại lợn này thịt săn chắc, thơm ngon. Người dân phải chăn nuôi trong các vùng sâu, vùng xa nên ngày càng khan hiếm, trong khi nhu cầu người mua rất nhiều, đặc biệt là dịp giáp Tết", anh Cường chia sẻ.

Lợn đen là một trong những giống lợn có sức đề kháng tốt, không kén thức ăn, dễ nuôi, dễ thích nghi với mọi điều kiện sống, nhất là những nơi rộng rãi, núi đồi. Tuy nhiên, hiện nay các huyện miền núi như: Kỳ Sơn, Quế Phong, Quỳ Châu... số lượng lợn đen đặc sản do đồng bào nuôi ngày càng giảm dần về số lượng. Nguyên nhân là do dịch bệnh, việc nhân giống khó khăn hơn.

Làng nghề sản xuất hàng Tết: Bảo đảm phòng dịch, liên kết tiêu thụ
(BGĐT) - Còn hơn một tháng nữa đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần. Thời điểm này, các làng nghề trên địa bàn tỉnh Bắc Giang bắt đầu chuẩn bị hàng Tết. Trong điều kiện dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, cùng với thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch, người dân chủ động liên kết, tìm đầu ra cho sản phẩm.
Nhà nông sáng tạo hàng Tết
(BGĐT) - Hàng Tết ắp đầy các chợ, siêu thị và tràn ra nhiều tuyến phố. Hút mắt người mua là nhiều mặt hàng nông sản độc, lạ, giá bán cao ngất. Nhà nông sáng tạo hàng Tết mỗi năm mỗi vẻ.
TP Bắc Giang: Bảo đảm nguồn cung, bình ổn thị trường hàng Tết
(BGĐT) - Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 đang đến gần. Hiện các doanh nghiệp, cơ sở thương mại tại TP Bắc Giang (Bắc Giang) đã chuẩn bị nguồn hàng dồi dào phục vụ nhu cầu tiêu dùng của các cơ quan, đơn vị và nhân dân trên địa bàn với phương châm cung ứng thuận lợi, hàng chất lượng, giá ổn định.

Theo Dân trí

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...