Thứ bảy, 20/04/2024
Bắc giang 27 °C / 26 - 35 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Phòng, chống dịch Covid-19
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Chiến dịch tiếp tế cho 67.000 công nhân ở tâm dịch - Kỳ III: Đồng lòng sẽ thắng lợi

Cập nhật: 11:22 ngày 18/06/2021
(BGĐT) - Đợt dịch Covid -19 thứ tư bùng phát tại Bắc Giang chưa có tiền lệ bởi xuất hiện ở khu công nghiệp quy mô lớn, dịch lan nhanh, khó kiểm soát. Chiến dịch tiếp tế cho hàng chục nghìn công nhân lao động cũng chưa có tiền lệ… Làm thế nào để Bắc Giang giải quyết được những việc mới, việc khó chồng chất?

Cùng lúc hai chiến dịch gian nan

Để tăng cường sự chỉ đạo thần tốc dập dịch, tại huyện Việt Yên – tâm dịch nóng bỏng nhất, Ban Chỉ huy tiền phương phòng, chống dịch Covid -19 của tỉnh được thành lập. Trụ sở huyện Việt Yên, cả tháng nay đèn không tắt. Ban Chỉ huy tiền phương có khi tổ chức ngay cuộc họp lúc nửa đêm hoặc đi kiểm tra, động viên lực lượng tuyến đầu gác chốt, các y, bác sĩ chạy đua với thời gian xuyên đêm lấy mẫu xét nghiệm.

{keywords}

Dây chuyền sản xuất bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19 của Công ty Fuhong (KCN Đình Trám).

Cùng với lãnh đạo Ban Chỉ huy tiền phương, Tổ hỗ trợ công nhân của tỉnh, tôi đã nhiều lần vào tâm dịch. Gặp cán bộ xã, thôn, tổ Covid cộng đồng, trò chuyện với chủ nhà trọ, các cháu công nhân, tôi biết trong những ngôi nhà cửa đóng then cài kia đang chứa đựng bao nỗi lo toan không chỉ của các hộ dân mà còn của hàng chục nghìn công nhân ở trọ. Trong số công nhân ấy có hàng nghìn phụ nữ mang thai, nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi. Không lo sao được khi trên các phương tiện truyền thông con số F0, F1, F2 cứ nhảy múa mỗi ngày, không lo sao được khi tiếng còi xe cứu thương cứ hú liên hồi, không lo sao được khi lương thực, thực phẩm dự trữ đang vơi dần…

Sau hơn 1 tháng dịch bùng phát, tại Bắc Giang ghi nhận số ca F0 hơn 4.500, F1 hơn 25 nghìn và F2 là hơn 90 nghìn trường hợp. Đó là con số kỷ lục mà các đợt dịch trước ở Vĩnh Phúc, Đà Nẵng hay Hải Dương chưa từng có. Tôi đem thắc mắc này hỏi Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Bộ phận Thường trực đặc biệt của Bộ Y tế đặt tại Bắc Giang là vì sao cuộc chiến với Covid -19 ở Bắc Giang lại cam go đến vậy. Anh Sơn giải thích, dịch ở các địa phương trước đây chủ yếu ở cộng đồng. Còn tại Bắc Giang, dịch xuất phát từ trong khu công nghiệp với số lượng công nhân đông, làm việc trong môi trường kín, không gian hẹp; phần lớn công nhân tỉnh ngoài ở các xóm trọ với mật độ dày. Khi dịch bùng phát từ nhà máy đã lan ra cộng đồng rất nhanh và khó kiểm soát.

Đối mặt với cuộc chiến cam go ấy, tỉnh đã huy động cả hệ thống chính trị và mọi người dân vào cuộc. Những người chỉ huy cuộc chiến thấy vững vàng hơn, người dân, công nhân yên tâm hơn khi thường xuyên nhận được sự hỗ trợ kịp thời của đông đảo lực lượng từ tuyến trên, từ các tỉnh, thành phố bạn, sự ủng hộ của người dân cả nước.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn ghi nhận, các lực lượng chống dịch đã làm việc không kể ngày đêm. Thần tốc hơn nhằm tận dụng "giai đoạn vàng" trong phòng, chống dịch là giải pháp quan trọng hàng đầu để Bắc Giang kịp thời khóa chặt các nguồn lây, dịch không bùng phát trong cộng đồng.

Cuộc chiến chống dịch cam go nhưng đâu chỉ có dập dịch, các đồng chí lãnh đạo tỉnh xác định, nếu chỉ đặt mục tiêu duy nhất là bằng mọi giá chống dịch, xem nhẹ các mục tiêu khác, có thể dịch sẽ chống được nhanh hơn một chút nhưng hậu quả về kinh tế xã hội sẽ rất kéo dài, nhất là vấn đề an sinh xã hội. Vì thế mà đúng lúc “nước sôi lửa bỏng” tỉnh vẫn có nhiều cách làm sáng tạo để hỗ trợ nông dân tiêu thụ khoảng 180 nghìn tấn vải thiều và tổ chức chiến dịch tiếp tế công nhân lao động không để ai bị đói, bị khát.

Với cơ sở vật chất, sức người, sức của có hạn, Bắc Giang đã phải huy động tối đa mọi nguồn lực cho các chiến dịch. Cả nước chi viện kịp thời cho Bắc Giang. Đã có 50 đoàn công tác với 3.500 người gồm các lực lượng đến tham gia tuyến đầu chống dịch. Tổng số kinh phí, vật tư, trang thiết bị phòng, chống dịch hỗ trợ trị giá hàng trăm tỷ đồng. Chỉ trong thời gian ngắn, toàn tỉnh thành lập 10 nghìn tổ Covid cộng đồng thu hút hơn 37 nghìn thành viên tham gia. Với chiến dịch tiếp tế đã huy động hàng nghìn nhân lực tại chỗ; các doanh nghiệp, đoàn thể, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh ủng hộ gần 1 nghìn tấn gạo, 20 nghìn thùng mỳ, 300 nghìn quả trứng, hàng trăm tấn rau xanh và nhiều nhu yếu phẩm khác cung cấp kịp thời cho công nhân lao động.

Tôi đi vào các xã, thị trấn giữa tâm dịch, chưa ở đâu lại có nhiều biển hiệu “0 đồng” đến thế. “Siêu thị 0 đồng”, “Chuyến xe 0 đồng”, “Bữa ăn 0 đồng”… để phục vụ lực lượng tuyến đầu, để hỗ trợ người dân, công nhân gặp khó khăn với tấm lòng nhân ái “một miếng khi đói bằng gói khi no”.

Chiến dịch của lòng nhân ái

Cả nước hướng về Bắc Giang, ủng hộ Bắc Giang chống dịch, Bắc Giang vì cả nước “gánh” thêm những việc mới, việc khó là điểm khác nữa trong đợt dịch này tại Bắc Giang mà Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn ghi nhận. Đó là việc giữ chân được hầu hết số công nhân ngoại tỉnh ở lại khi chưa được tầm soát lấy mẫu xét nghiệm, không để dịch lây lan ra các địa phương khác (thực tế 60% ca F0 trong tổng số hơn 4.500 ca nhiễm bệnh là công nhân ngoại tỉnh). Thêm một nhiệm vụ nặng nề với Bắc Giang là tổ chức tiếp tế cho 67 nghìn công nhân. “Cái khó ló sáng tạo”, Tổ hỗ trợ đời sống công nhân của tỉnh đã triển khai nhân rộng mô hình “Siêu thị 0 đồng” để giải bài toán tiếp tế kịp thời, hiệu quả.

{keywords}

Nhiều tập thể, cá nhân ủng hộ hàng vào "Siêu thị 0 đồng hỗ trợ công nhân”.

Cũng là “cái khó ló sáng tạo”, Bắc Giang triển khai mô hình mới, chưa có tiền lệ “chống dịch để sản xuất, sản xuất để chống dịch”. Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương chia sẻ, các khu công nghiệp của Bắc Giang nằm trong chuỗi cung ứng toàn cầu, việc khôi phục sản xuất trong bối cảnh vẫn còn dịch, kèm theo các điều kiện tuyệt đối an toàn nhằm tránh “đứt gãy” chuỗi cung ứng, tạo được công ăn việc làm cho công nhân. Đồng thời huy động khu vực doanh nghiệp tham gia hiệu quả công tác phòng, chống dịch, góp phần giảm gánh nặng về tiếp tế cho địa phương.

Tín hiệu tích cực đã hé mở, khu công nghiệp bắt nhịp vào sản xuất, công nhân trở lại nhà máy. Một số công nhân được chăm sóc y tế, sau nhiều lần lấy mẫu xét nghiệm đủ điều kiện trở về quê, dịch vụ thiết yếu được mở cửa, chiến dịch tiếp tế 67 nghìn công nhân dần khép lại.

Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Phạm Văn Thịnh gửi cho tôi xem báo cáo chiến dịch tiếp tế của Tổ hỗ trợ đời sống công nhân với danh sách các doanh nghiệp, đoàn thể, nhà hảo tâm ủng hộ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm dài dằng dặc. Nhóm thiện nguyện bà Thư Hà Nội ủng hộ hơn 14 tấn thịt gà, cá trị giá 3,3 tỷ đồng; Công ty An Thịnh Đà Nẵng ủng hộ 20 tấn gạo, 2 tấn cá khô, 5 tấn rau, ước tính gần 500 triệu đồng… Bà con quê Tân Trung, huyện Tân Yên thu gom rau củ quả từ vườn nhà gửi tặng công nhân và nhiều cái tên khác ở mọi miền đất nước.

Nhiều công nhân điện cho tôi nói công ty báo cho bọn cháu chuẩn bị ngày một, ngày hai sẽ đón đi làm. Tôi mừng cho các cháu vì những ngày cách ly dài đằng đẵng đã sắp qua.

Nhận tin nhiều công nhân đi làm trở lại, tôi vui như đang nhìn thấy những cánh chim sổ lồng, liền nhắn tin cho anh Thịnh; Bí thư Huyện Ủy Việt Yên Nguyễn Văn Dũng; Tổ trưởng dân phố My Điền 1 Phùng Minh Toản… mấy câu thơ vừa đọc được trên báo Bắc Giang: “…Bắc Giang ơi, hãy kiên cường chống dịch/ Nhận tấm lòng đồng cảm mọi miền quê/Nhà máy đó đây đã đi vào sản xuất/Hy vọng dịch tan, truyền nhuệ khí mọi nhà”.

“Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”, anh Thịnh và các anh đều thả biểu tượng trái tim và chia sẻ, nhuệ khí mọi nhà được hun đúc từ tinh thần đoàn kết, “bầu ơi thương lấy bí cùng”, lòng biết ơn về sự hy sinh thầm lặng của biết bao người. Tin rằng chúng ta sẽ tái thiết cuộc sống mạnh mẽ hơn từ nhuệ khí ấy.

Tôi không bao giờ mong trong cuộc đời làm báo của tôi và những người làm báo mãi sau này phải thêm một lần chứng kiến “chiến dịch tiếp tế 67 nghìn công nhân”, nhưng với tôi được tham gia vào chiến dịch này là một sự may mắn. Tôi vững tin hơn khi gặp bao con người mẫn cán, đầy ắp yêu thương, tay nắm chặt tay vượt qua gian khó. Tôi chợt nhớ câu nói của công nhân Phạm Thị Yến, người phụ nữ mang bầu 5 tháng mà tôi đã kể trong phóng sự ở kỳ II: “Em biết ơn mọi người nhiều lắm, em sẽ kể cho con em về tình yêu thương con người trong những tháng năm đặc biệt như thế này !”.

Bài, ảnh: Trần Đức
Chiến dịch tiếp tế cho 67.000 công nhân ở tâm dịch Bắc Giang- Kỳ 1: “Đêm trắng” lo đưa hàng cứu trợ
(BGĐT) - Đợt dịch Covid -19 thứ tư bùng phát, Bắc Giang bị ảnh hưởng nhất. Cùng với thực hiện các biện pháp thần tốc dập dịch tỉnh còn phải triển khai một chiến dịch không kém phần gian nan đó là tiếp tế cho 67.000 công nhân mắc kẹt trong các nhà trọ vùng phong tỏa. Chuyện về những “đêm trắng” tìm cách đưa hàng tiếp tế, về những con người mẫn cán và đầy ắp yêu thương được viết lên từ một chiến dịch chưa có tiền lệ.
Chiến dịch tiếp tế cho 67.000 công nhân ở tâm dịch - Kỳ II: Những “người mẹ hiền” của công nhân ở trọ
(BGĐT) - Số “Siêu thị 0 đồng hỗ trợ công nhân” tăng lên gấp 3 sau 10 ngày đã giải bài toán hóc búa của chiến dịch là huy động được lực lượng đông đảo tham gia. Đó là những người gần gũi, nắm sát nhu cầu thiết yếu và chẳng quản ngày đêm chăm lo cho công nhân như con em của mình.
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...