Thứ bảy, 20/04/2024
Bắc giang 30 °C / 26 - 35 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Chính trị / Xây dựng Đảng
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Cần chính sách đặc thù thu hút nhân lực y tế dự phòng

Cập nhật: 19:05 ngày 21/09/2022
(BGĐT) - Để tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, ngày 5/5/2021, Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy Bắc Giang ban hành Chỉ thị số 05 về nâng cao năng lực y tế dự phòng (YTDP), đáp ứng tình hình mới trên địa bàn tỉnh (gọi tắt là Chỉ thị 05). Sau một năm thực hiện, công tác dự phòng có nhiều chuyển biến song vẫn cần được quan tâm bổ sung, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ. 

Củng cố hệ thống phòng dịch

Những năm gần đây, gánh nặng bệnh tật kép gia tăng trong cộng đồng, khi phải đối mặt với các tình huống y tế khẩn cấp, kéo dài như dịch Covid-19, công tác YTDP đã bộc lộ những hạn chế về năng lực dự báo, cảnh báo sớm; công tác giám sát dịch bệnh chưa tốt; các dịch vụ YTDP chưa phát triển. Một bộ phận người dân thiếu chủ động phòng bệnh và thực hiện các biện pháp phòng dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

{keywords}

Cán bộ Viện sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng T.Ư và Trung tâm Y tế huyện Yên Dũng lấy mẫu tại thị trấn Nham Biền.

Nguyên nhân là do cấp ủy, chính quyền có nơi chưa quan tâm sâu sát trong lãnh đạo, chỉ đạo; trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của một số cán bộ còn hạn chế. Cơ sở vật chất, trang thiết bị và chế độ đãi ngộ đối với lĩnh vực dự phòng chưa được quan tâm đầu tư đúng mức.

Thời điểm dịch Covid-19 bùng phát tại Bắc Giang, ngành y tế phải tập trung toàn lực lượng cho công tác phòng dịch. Những bất cập, lỗ hổng trong hệ thống YTDP cơ sở đặt công tác bảo vệ sức khỏe nhân dân trước nhiều khó khăn đòi hỏi ngành y tế phải quan tâm nâng cao năng lực, hiệu quả lĩnh vực này.

Trước thực tế đó, Chỉ thị số 05 của BTV Tỉnh ủy ban hành nhằm tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đối với lĩnh vực YTDP, nâng cao năng lực công tác YTDP đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. 

Ông Từ Quốc Hiệu, Giám đốc Sở Y tế cho biết: “Giai đoạn 2021-2025, toàn ngành tập trung nâng cao năng lực công tác YTDP bao gồm dự báo, cảnh báo sớm, giám sát, phát hiện bệnh truyền nhiễm, chủ động ứng phó với các tình huống dịch bệnh khẩn cấp, tăng cường quản lý bệnh không lây nhiễm, bệnh nghề nghiệp; kiện toàn mạng lưới YTDP đủ năng lực, đáp ứng yêu cầu tình hình mới”.

Theo ông Lê Tiến Cương, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, 8 tháng năm 2022, đơn vị chủ trì tổ chức 41 lớp bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ cho gần 3 nghìn cán bộ quản lý và nhân viên y tế trực tiếp làm nhiệm vụ chuyên môn. Ngoài cập nhật kiến thức mới về công tác giám sát phòng dịch, đơn vị tập trung tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật xét nghiệm, bảo quản, vận chuyển mẫu bệnh phẩm; dự phòng lây truyền viêm gan B từ mẹ sang con, an toàn tiêm chủng...

Trước thực tế dịch sốt xuất huyết xuất hiện rải rác trên địa bàn tỉnh từ tháng 5, tháng 6 và tăng mạnh trong tháng 7, Trung tâm triển khai nhiều hình thức đào tạo qua hội nghị hoặc trực tiếp tại địa bàn giúp cán bộ phát hiện sớm nguyên nhân và kỹ năng giám sát, khoanh vùng, chặn đứt nguồn lây, không để dịch bùng phát diện rộng.

Sau một năm thực hiện Chỉ thị, hệ thống phòng dịch tiếp tục được kiện toàn và củng cố từ tỉnh đến cơ sở. Các tuyến duy trì giám sát, điều tra, xác minh, dự báo tình hình, cập nhật thông tin đầy đủ và báo cáo theo hệ thống. Cơ quan chức năng tham mưu với cấp ủy, chính quyền đưa ra giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường phòng, chống dịch phù hợp với từng thời kỳ. 

Đến nay, tỷ lệ tiêm phòng Covid-19 của tỉnh ở các nhóm tuổi đạt cao so với nhiều tỉnh, TP trong cả nước. Các dịch bệnh như: Cúm, sốt xuất huyết, chân tay miệng... tiếp tục được theo dõi, kiểm soát chặt chẽ.

Nhiều khó khăn cần tháo gỡ

Được biết, toàn ngành Y tế có hơn 5,6 nghìn cán bộ, nhân viên nhưng chỉ có 551 cán bộ, nhân viên thuộc khối dự phòng. Trong đó, số lượng bác sĩ được đào tạo chuyên ngành YTDP là 70 người, thiếu rất nhiều so với yêu cầu công việc. Đơn cử như Trung tâm Kiểm soát bệnh tật hiện có 181 biên chế, so với đề án vị trí việc làm thiếu 15 chỉ tiêu. Hầu hết trung tâm y tế tuyến huyện đều thiếu nhân lực dự phòng.

Bác sĩ Đặng Thị Luyến, Phó trưởng Phòng Tổ chức - Hành chính (Sở Y tế) cho biết: "Lâu nay, sinh viên ngành y không mặn mà với hệ dự phòng. Bởi lẽ, phạm vi hoạt động chuyên môn của bác sĩ dự phòng bó hẹp trong khi bác sĩ đa khoa năng động hơn, có thể đảm nhiệm nhiều vị trí công việc khác nhau, có điều kiện làm ngoài để tăng thêm thu nhập. Thêm nữa, lĩnh vực này có tính chất chuyên sâu, đặc thù, phải tiếp xúc nhiều với dịch bệnh nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm trong khi thiếu cơ chế chính sách thu hút".

Chỉ thị số 05 của BTV Tỉnh ủy xác định mục tiêu đến năm 2025, có 80% lãnh đạo phụ trách lĩnh vực YTDP và trưởng các khoa, lĩnh vực y tế dự phòng có trình độ chuyên môn sau đại học với chuyên ngành đào tạo phù hợp, đến năm 2023 chỉ tiêu này đạt 100%.

Do thiếu cơ chế chính sách đãi ngộ nên nhiều người chưa mặn mà tham gia các chương trình đào tạo chuyên sâu. 

Từ năm 2021 đến tháng 8/2022, Sở Y tế, trung tâm y tế các huyện đã cử 127 lượt viên chức tham gia các chương trình đào tạo kỹ thuật mới, đào tạo sau đại học tại tuyến tỉnh, tuyến T.Ư. 

Tuy nhiên, không có hồ sơ nào đăng ký đào tạo chuyên ngành dự phòng. Còn ở tuyến xã, nhân lực tham gia phòng dịch chưa được đào tạo bài bản, chủ yếu trải qua lớp tập huấn theo phương thức cầm tay chỉ việc hoặc tích lũy kinh nghiệm.

Trung tâm Y tế huyện Yên Dũng và các trạm y tế xã, thị trấn hiện có 327 cán bộ, nhân viên nhưng chỉ có 25 người làm công tác YTDP. Lúc cao điểm, đội ngũ cán bộ phải gồng mình đảm đương công việc giám sát tình hình dịch bệnh, tổ chức tiêm vắc - xin phòng dịch Covid-19 và chương trình tiêm chủng mở rộng, quản lý, cấp thuốc điều trị định kỳ cho người mắc bệnh xã hội và bệnh không lây nhiễm. 

Khi xuất hiện ổ dịch, lực lượng dự phòng mỏng nên đơn vị y tế phải huy động thêm nhân lực khối điều trị hỗ trợ dập dịch. Bác sĩ Nguyễn Văn Huấn, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện cho biết: "Không chỉ thiếu về số lượng, trình độ chuyên môn của nhân viên y tế cũng chưa đồng đều. Trong 9 bác sĩ làm hệ dự phòng hiện có của đơn vị thì 5 người là bác sĩ đa khoa chuyển sang, chỉ có 4 cán bộ được đào tạo chuyên sâu về công tác dự phòng".

Gần đây trên địa bàn tỉnh có nhiều viên chức y tế xin nghỉ việc, chuyển từ đơn vị công lập sang tư nhân. Số lượng bác sĩ nghỉ việc từ năm 2020 đến tháng 6/2022 là 61 người, xu hướng tiếp tục tăng càng khiến việc sắp xếp, bố trí nhân lực đảm nhận công tác tại cơ sở y tế vốn khó lại càng thêm khó.

Để hoàn thành mục tiêu nâng cao năng lực YTDP theo Chỉ thị đề ra, thời gian tới, Sở Y tế tiếp tục chỉ đạo toàn ngành rà soát, sắp xếp bố trí nhân lực hợp lý. Tích cực tham mưu với cấp ủy, chính quyền tuyển dụng, kịp thời bổ sung chỉ tiêu bảo đảm năng lực, trình độ đào tạo phù hợp với vị trí việc làm và yêu cầu công việc của đơn vị. Tùy từng thời điểm, người đứng đầu phát huy vai trò chủ động, linh hoạt trong điều động nhân viên từ khối điều trị sang hệ dự phòng, bảo đảm công việc thông suốt, hiệu quả.

Được biết, năm nay, Sở Y tế tham mưu với UBND tỉnh tuyển dụng hơn 330 chỉ tiêu viên chức y tế, trong đó sẽ tăng cường nhân lực dự phòng cho các cơ sở y tế. Nhiều ý kiến đề xuất, Chính phủ, Bộ Y tế và UBND tỉnh tăng phụ cấp ưu đãi để giữ chân đội ngũ nhân viên y tế làm công tác dự phòng; ban hành chính sách đặc thù thu hút bác sĩ sau tốt nghiệp đại học về tỉnh công tác ở hệ dự phòng. 

Tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, giúp đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế có điều kiện làm việc hiệu quả, nâng cao năng lực giám sát, dự báo, kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Bài, ảnh: Hải Vân

Đại biểu Phạm Văn Thịnh: Ưu tiên nguồn lực cho hệ thống y tế dự phòng ở cơ sở
(BGĐT)- Ngày 8/11, tiếp tục đợt 2 của kỳ họp, Quốc hội tổ chức họp tập trung tại Thủ đô Hà Nội, thảo luận ở hội trường về kinh tế - xã hội, công tác tài chính - ngân sách và công tác phòng, chống dịch Covid-19. Đồng chí Phạm Văn Thịnh, đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang có bài phát biểu tham luận về công tác phòng, chống dịch Covid và phát triển kinh tế năm 2022.
Bộ Y tế đề xuất tăng cao nhất mức phụ cấp nhân viên
Khi xây dựng chế độ tiền lương mới, Bộ Y tế đề nghị Chính phủ tăng chế độ phụ cấp ngành y ở mức cao nhất để bảo đảm quyền lợi người lao động.
Khẩn trương xử lý tình trạng thiếu thuốc, vật tư và nhân lực y tế nghỉ việc
Chiều 23/6, tại Trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thường trực Chính phủ họp về cung ứng thuốc, vật tư và các giải pháp bảo đảm nguồn nhân lực cho ngành y tế.
Thủ tướng chỉ đạo bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế phục vụ khám, chữa bệnh
Tối ngày 5/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 778/CĐ-TTg về việc bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế để phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh.

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...