Thứ năm, 18/04/2024
Bắc giang 32 °C / 25 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Chính trị / Xây dựng Đảng
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Làm gì để đảng viên giữ mối liên hệ mật thiết với nơi cư trú? - Bài 1: Mối quan hệ hai chiều tích cực

Cập nhật: 13:52 ngày 13/12/2021
LTS: Đảng viên đang công tác về sinh hoạt nơi cư trú nhằm tạo mối quan hệ mật thiết giữa cán bộ, đảng viên với nhân dân; khắc phục biểu hiện xa dân, thiếu trách nhiệm trong các công việc ở nơi cư trú, đồng thời giúp các cấp ủy quản lý đội ngũ đảng viên toàn diện hơn. Đây là nội dung cũng là mục tiêu xuyên suốt của Quy định số 213-QĐ/TW ngày 2/1/2020 của Bộ Chính trị (thay thế Quy định 76-QĐ/TW ngày 15/6/2000).  

Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, việc thực hiện Quy định này ở nhiều nơi vẫn còn biểu hiện hình thức; mối quan hệ giữa đảng viên -  cấp ủy nơi cư trú còn lỏng lẻo, thiếu sự gắn kết. Điều này đòi hỏi cấp ủy các cấp cần có những giải pháp để thắt chặt hơn nữa mối liên hệ ấy.

{keywords}

Đảng viên đang công tác và cán bộ Trường THCS thị trấn Nham Biền (Yên Dũng) tham gia công tác phòng, chống dịch tại khu dân cư.

Thực hiện Quy định số 213-QĐ/TW, đội ngũ đảng viên đang công tác tại các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, lực lượng vũ trang trong tỉnh Bắc Giang (gọi chung là ĐV213) đã cơ bản thực hiện nghiêm việc giữ mối liên hệ với chi ủy cơ sở nơi cư trú, tích cực tham gia các nhiệm vụ chính trị của khu dân cư. Đại đa số đảng viên được cấp ủy nơi cư trú nhận xét, đánh giá tốt.

Đa dạng hình thức nắm bắt, quản lý

Theo Ban Tổ chức Tỉnh ủy, tính đến thời điểm 1/1/2021, toàn Đảng bộ tỉnh có 37.103 đảng viên thuộc diện giới thiệu về sinh hoạt nơi cư trú theo Quy định 213. Cấp ủy nơi công tác đã giới thiệu 36.835 đảng viên, số còn lại do mới kết nạp và mới chuyển đến. Sau 20 năm thực hiện Quy định 76 và gần 2 năm thực hiện Quy định 213 cho thấy, trách nhiệm đảng viên đang công tác thường xuyên giữ mối liên hệ với tổ chức đảng và nhân dân nơi cư trú từng bước được thể hiện. Thực tiễn chứng minh, việc thực hiện tốt quy định trên đang có tác dụng tích cực trong công tác xây dựng Đảng, củng cố mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân, giúp đảng viên gần dân hơn.

Để quản lý, theo dõi bảo đảm sự chặt chẽ, sát sao, trên cơ sở giới thiệu của các cấp ủy nơi công tác, đảng ủy các xã, phường, thị trấn rà soát, lập danh sách ĐV 213, phân công về giữ mối liên hệ nơi cư trú tại từng khu dân cư. Căn cứ hướng dẫn của cấp trên, các đảng ủy cơ sở chỉ đạo chi ủy chi bộ trực thuộc mở sổ theo dõi, hằng năm tổ chức họp ĐV 213 để thông báo tình hình, nhiệm vụ của địa phương, đưa ra các chuyên đề để đảng viên nắm được thông tin, tham gia đóng góp ý kiến xây dựng. 

Nhiều cấp ủy chi bộ nơi cư trú duy trì nghiêm túc chế độ sinh hoạt với ĐV 213 hai kỳ/năm theo đúng quy định. Một số nơi vận dụng sáng tạo việc quản lý, theo dõi bằng cách giao nhiệm vụ cho đảng viên của chi bộ phụ trách từng nhóm ĐV 213. Qua đó thuận tiện trong việc nắm bắt, truyền đạt các chủ trương, công việc của thôn, tổ dân phố. Cùng đó, lựa chọn những đảng viên có uy tín để phân công làm tổ trưởng tổ đảng 213 (nơi nào có đông đảng viên đang công tác chia thành nhiều tổ) nhằm hình thành các đầu mối liên kết với cấp ủy. Nhờ các cách nắm bắt, quản lý như vậy nên ĐV 213 ngày càng gắn bó với cấp ủy, gần gũi với nhân dân, tích cực tham gia các phong trào, hoạt động của địa phương.

Đơn cử như ở Đảng bộ thị trấn Nham Biền (Yên Dũng) có 780 ĐV 213, giữ mối liên hệ với 15 cấp ủy chi bộ tổ dân phố. Hằng năm, ngoài duy trì sinh hoạt định kỳ, Đảng ủy thị trấn chỉ đạo các chi bộ họp để kiểm điểm, đánh giá ĐV 213 thuộc diện quản lý vào dịp cuối năm, làm căn cứ để kịp thời xác nhận khi cấp ủy nơi công tác giới thiệu. Việc đánh giá tổng thể được dựa trên báo cáo của các đảng viên được phân công theo dõi, nắm bắt. 

Đồng chí Trần Văn Quỳnh, Phó trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Yên Dũng- đảng viên giữ mối liên hệ với cấp ủy Chi bộ tổ dân phố số 3, thị trấn Nham Biền chia sẻ: “Nhờ sự trách nhiệm, sát sao của cấp ủy nơi cư trú nên đội ngũ ĐV 213 của Chi bộ nắm bắt khá toàn diện vấn đề của địa phương. Kênh thông tin cấp ủy truyền tải thông qua các buổi sinh hoạt định kỳ và từ sự phổ biến trực tiếp của đảng viên trong chi bộ, nhất là đối với những việc đột xuất của địa phương cần sự tập trung trí tuệ, nhân lực, vật lực của số đông”. 

Quy định 213 đã góp phần tích cực nêu cao tinh thần trách nhiệm, tính tiền phong, gương mẫu của đảng viên đang công tác đối với nơi cư trú. Đồng thời giúp các cấp ủy cơ sở theo dõi, nắm bắt chặt chẽ đội ngũ này ngoài thời gian công tác.

Ở Chi bộ tổ dân phố số 2, phường Mỹ Độ (TP Bắc Giang), chi ủy chia đội ngũ ĐV 213 thành 2 tổ, lựa chọn phân công 2 đồng chí có uy tín, trách nhiệm phụ trách. Việc nắm bắt tình hình tư tưởng, nền nếp sinh hoạt, mối quan hệ của đảng viên với nhân dân; thông tin về những nhiệm vụ của tổ dân phố cần có sự đóng góp về trí tuệ, thậm chí tiền bạc... được cấp ủy chi bộ thực hiện thông qua hai đồng chí này, sau đó truyền tải tới những ĐV 213 là công dân trên địa bàn.

Đảng viên thể hiện tinh thần gương mẫu, trách nhiệm

Một trong 7 nội dung đối với đảng viên đang công tác ở nơi cư trú theo Quy định 213 là: "Gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân; tuyên truyền, vận động gia đình và nhân dân trên địa bàn dân cư thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của nơi cư trú".

Thực hiện yêu cầu này, cơ bản ĐV 213 đã phát huy rất tốt tinh thần nêu gương. Qua gặp gỡ, trò chuyện, nhiều ĐV 213 tâm sự: Về nơi cư trú, mình là công dân, việc chấp hành tốt các nội quy, quy định tại nơi cư trú là điều đương nhiên. Thậm chí là đảng viên lại càng phải gương mẫu, trách nhiệm hơn, từ lối sống, cách ứng xử với hàng xóm cho tới tham gia góp công, góp sức khi cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương cần.

Ở Đảng bộ thị trấn Kép (Lạng Giang), với tinh thần đảng viên đang công tác ở các cơ quan, đơn vị cũng là công dân địa phương nên mọi việc Đảng ủy đều chỉ đạo các chi bộ chuyển tải đến đội ngũ này. Thậm chí có những việc lớn, nhất là liên quan đến triển khai dự án hạ tầng hoặc đầu tư xây dựng công trình công cộng, Đảng ủy trực tiếp mời ĐV 213 liên quan cùng với đảng viên trong đảng bộ đến họp bàn, phổ biến, quán triệt nhằm tạo sự đồng thuận từ sớm. 

Bí thư Đảng ủy thị trấn Nguyễn Thị Phương Thu cho biết: “Điều này không chỉ tạo ra mối liên hệ chặt chẽ giữa đảng viên đang công tác với cấp ủy nơi cư trú mà còn góp phần giúp địa phương tranh thủ được sự hỗ trợ. Như việc triển khai tu sửa, nâng cấp nhà văn hóa, do có sự kết nối thường xuyên nên tổ dân phố Lèo nhận được sự tư vấn về thiết kế từ các cán bộ, đảng viên là người địa phương đang công tác tại Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện như đồng chí Quyền, đồng chí Tưởng. Nhờ vậy công trình được thiết kế, tính toán hợp lý, chi tiết, giảm được chi phí, hiệu quả sử dụng cao”.

Tại Chi bộ tổ dân phố Tiền Tiến, phường Hoàng Văn Thụ (TP Bắc Giang), đồng chí Phạm Thị Hoan, Bí thư Chi bộ cho biết: Chi bộ tiếp nhận 110 ĐV 213 về sinh hoạt. Các đồng chí hầu hết đều có tinh thần trách nhiệm, gương mẫu đi đầu trong phong trào chung của tổ dân phố. Đầu năm 2021, Chi bộ đăng ký nội dung “Dân vận khéo”, vận động ủng hộ sửa chữa nhà cho gia đình bà Nguyễn Thị Hải (79 tuổi) hoàn cảnh khó khăn, trong đó ĐV 231 đóng góp khoảng 20 triệu đồng.

Trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, các ĐV 213 là thầy, cô giáo Trường THCS Hoàng Ninh, thị trấn Nếnh (Việt Yên) đã không quản nguy hiểm, chung tay cùng nơi cư trú miệt mài tham gia hoạt động phòng, chống dịch trong suốt mấy tháng hè. Ngoài sự đóng góp của từng cá nhân, mỗi đồng chí còn kêu gọi người thân, đồng nghiệp hỗ trợ lương thực, thực phẩm, đồ dùng y tế cho tới trực tiếp nấu các suất cơm phục vụ khu cách ly đặt tại trường. Ông Thân Mạnh Đăng, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Nếnh chia sẻ: “Sự chung tay ấy của các ĐV 213 có ý nghĩa rất lớn trong thời điểm địa phương phải căng mình chống dịch. Hình ảnh đẹp của các thầy cô giáo nói chung và các ĐV 213 nói riêng đã lan tỏa tinh thần tương thân, tương ái, nghĩa đồng bào tại đây”.

Hay như trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, nhiều đảng viên đương chức cũng tích cực tham gia các tổ bầu cử, đóng góp công sức, trí tuệ để Ngày hội bầu cử trên địa bàn dân cư thành công tốt đẹp. Không ít ĐV 213 còn là thành viên các Tổ Covid cộng đồng, hướng dẫn nhân dân cài đặt phần mềm truy vết; trực tiếp tham gia điều tra, truy vết các F hoặc nắm bắt, quản lý, theo dõi các trường hợp phải thực hiện cách ly y tế tại nhà, người đến - về từ địa phương khác. Rất nhiều thôn, tổ dân phố trong tỉnh triển khai xây dựng cơ sở vật chất văn hóa, công trình công cộng, khi cần đến nguồn lực xã hội hóa, ĐV 213 cũng tiên phong đóng góp gấp từ 2 đến 3 lần so với quần chúng.

Có thể khẳng định, việc giữ mối liên hệ giữa ĐV 213 với nơi cư trú là vô cùng cần thiết và có ý nghĩa. Cấp ủy nơi cư trú có những biện pháp quản lý, giáo dục ĐV 213, do đó đội ngũ này khi rời cơ quan, nhiệm sở, ngoài giờ hành chính trở về nhà vẫn được quản lý, giám sát bởi cấp ủy địa phương. Vì vậy, cấp ủy nơi công tác tương đối yên tâm về đội ngũ đảng viên của mình. Cùng đó, cấp ủy địa phương cũng tranh thủ được nguồn lực từ ĐV 213 đóng góp xây dựng địa bàn. Khi cấp ủy nơi công tác cần nhận xét, đánh giá, ĐV 213 đều được cấp ủy nơi cư trú quan tâm, có tác dụng tốt trong công tác cán bộ.

(Còn nữa)

Nhóm PV Xây dựng Đảng
Hướng dẫn mới về trách nhiệm của đảng viên đang công tác giữ mối liên hệ ở nơi cư trú
Ban Tổ chức T.Ư vừa ban hành Hướng dẫn 33-HD/BTCTW năm 2020 về thực hiện nội dung trong Quy định 213-QĐ/TW về trách nhiệm của đảng viên đang công tác thường xuyên giữ mối liên hệ với tổ chức đảng và nhân dân nơi cư trú. Cụ thể như sau:
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...