Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 33 °C / 25 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Chính trị
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

6 yêu cầu nâng cao chất lượng phiên giải trình ở HĐND

Cập nhật: 20:29 ngày 21/02/2022
Hoạt động giải trình đã làm sáng tỏ nhiều vấn đề nóng mà cử tri và nhân dân quan tâm, chỉ rõ trách nhiệm và đưa ra các giải pháp nhằm khắc phục, tháo gỡ khó khăn. Các vấn đề đã yêu cầu giải trình tại phiên họp Thường trực HĐND tỉnh có tác động tích cực đối với các cơ quan quản lý, tạo sự thay đổi trong nhận thức, tư duy và thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước đối với lĩnh vực được pháp luật trao quyền. 
{keywords}

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang Lâm Thị Hương Thành phát biểu tại Hội nghị tổng kết hoạt động HĐND các tỉnh, TP khu vực phía Bắc năm 2021 và triển khai kế hoạch công tác năm 2022 diễn ra sáng nay 21/2 tại Hà Nội. Ảnh: Doãn Tấn, TTXVN

Đó là chia sẻ của Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang Lâm Thị Hương Thành với phóng viên.

Tiến tới kỳ họp không giấy tờ

Nhiệm kỳ mới của HĐND tỉnh Bắc Giang tiến hành bước đổi mới gì trong hoạt động, thưa bà?

Từ các diễn đàn của Quốc hội chúng tôi đã học tập được nhiều kinh nghiệm trong cách thức, phương pháp điều hành để vận dụng vào thực tiễn địa phương, với phương châm đồng hành cùng với UBND tỉnh để đáp ứng kịp thời, linh hoạt quá trình triển khai nhiệm vụ trong điều kiện thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế, Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang đã tổ chức thành công 6 kỳ họp. Trong đó có 2 kỳ họp chuyên đề nhằm giải quyết những vấn đề cấp bách, thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh với tổng số 68 nghị quyết được ban hành.

Bên cạnh đó, việc xây dựng phần mềm dành riêng cho đại biểu, thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động được đặc biệt quan tâm, tiến tới kỳ họp không giấy, các hoạt động giám sát, khảo sát… được tổ chức theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả đúng thẩm quyền và chương trình đề ra.

Cụ thể, Bắc Giang đã làm gì để nâng cao chất lượng các phiên giải trình cũng như hoạt động giám sát của HĐND, thưa bà?

- Hoạt động giải trình tại phiên họp Thường trực HĐND tỉnh là hình thức giám sát mới, lần đầu được quy định trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015. Giải trình tại phiên họp Thường trực HĐND là hình thức giám sát thường xuyên, là diễn đàn dân chủ thể hiện vai trò tích cực của Thường trực và đại biểu HĐND đối với những vấn đề dư luận và cử tri quan tâm.

Thông qua hoạt động giải trình nhiều vấn đề nổi cộm, bức xúc ở địa phương đã được giải quyết, đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của cử tri, tạo được sự đồng thuận và lòng tin của nhân dân đối với cơ quan quản lý nhà nước. Bên cạnh đó, hoạt động này cũng góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả giám sát của HĐND, góp phần nâng cao vai trò, vị thế của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương. Xác định tầm quan trọng đối với những nội dung đưa vào phiên giải trình, thời gian qua, Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang đã luôn chú trọng thực hiện nội dung này.

Để việc tổ chức các phiên giải trình đạt chất lượng, chúng tôi quan tâm làm tốt một số nội dung chính, chủ yếu sau:

Thứ nhất, lựa chọn nội dung giải trình: Đây là vấn đề số 1 quyết định đến chất lượng, hiệu quả hoạt động. Bắc Giang thường lựa chọn nội dung (chủ đề) qua hoạt động giám sát, khảo sát của HĐND, Thường trực cũng như các ban; có những vấn đề chúng tôi xác định đưa vào chất vấn tại kỳ họp (những vấn đề rộng, có tính lan tỏa, tuyên truyền) còn những vấn đề cụ thể, khó có thể giải đáp hết được qua chất vấn tại kỳ họp HĐND thì đưa vào giải trình tại phiên họp Thường trực HĐND. 

Ngay từ đầu năm, khi ban hành chương trình công tác năm, Thường trực HĐND tỉnh đã xác định nội dung, lĩnh vực giải trình cụ thể cho từng tháng, từng quý. Từ đó, giao trực tiếp cho một Ban của HĐND tỉnh chủ trì, phối hợp với các Ban khác nghiên cứu, lựa chọn đề xuất nội dung cần giải trình để Thường trực xem xét, quyết định. Thông thường những nội dung đề xuất tập trung vào các vấn đề nóng, phức tạp được đông đảo cử tri quan tâm hoặc là vấn đề còn có nhiều ý kiến khác nhau, trái chiều.

Khi đã lựa chọn được chủ đề cần giải trình, tùy từng lĩnh vực, Thường trực HĐND tỉnh giao cho các Ban của HĐND tiến hành nghiên cứu, thu thập thông tin, tổ chức khảo sát, tham vấn... Qua đó đề xuất các nội dung cụ thể, lựa chọn các ngành, các cá nhân liên quan đến nội dung cần giải trình. Các vấn đề này được Thường trực HĐND tỉnh xem xét, cho ý kiến tại các phiên giao ban hàng tuần…

Thứ hai, tổ chức giải trình: Chủ tọa phiên họp nêu nội dung yêu cầu giải trình, người có trách nhiệm giải trình; Trưởng Ban được giao chuẩn bị nội dung giải trình báo cáo tình hình thực tế qua giám sát, khảo sát hoặc qua các kênh thông tin khác và các yêu cầu giải trình; thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan báo cáo giải trình những vấn đề được yêu cầu; thành viên Thường trực HĐND tỉnh, đại biểu HĐND tỉnh tham dự nêu các câu hỏi yêu cầu làm rõ hoặc nêu những vấn đề còn khác nhau giữa báo cáo giải trình và thực tế. Người giải trình tiếp tục giải trình vấn đề được nêu ra; đại diện UBND tỉnh phát biểu làm rõ thêm. Chủ tọa phiên họp tóm tắt nội dung phiên giải trình và kết luận vấn đề được giải trình.

Thứ ba, sau khi kết thúc phiên giải trình, Thường trực HĐND tỉnh ban hành thông báo kết luận phiên họp gửi đến các cơ quan, đơn vị và cá nhân biết để tổ chức thực hiện. Trong kết luận phiên họp, Thường trực HĐND tỉnh phân công các Ban, Văn phòng chủ động theo dõi, đôn đốc thực hiện các kiến nghị và báo cáo Thường trực; đồng thời tham mưu, đề xuất phương án giải quyết đối với các kiến nghị chưa được giải quyết hoặc giải quyết chưa đầy đủ để các kiến nghị được thực hiện nghiêm túc.

Hoạt động giải trình của Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang đã cho thấy những hiệu quả rõ rệt: Xác định được tầm quan trọng của việc tổ chức giải trình tại phiên họp Thường trực HĐND hàng tháng. Nhiệm kỳ 2016-2021, Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang đã tổ chức 9 phiên giải trình với 17 nội dung được đưa ra xem xét, kết luận. Bước sang nhiệm kỳ mới (từ giữa năm 2021), Thường trực HĐND tỉnh đã tổ chức được 7 phiên họp. Trong đó dành 2 phiên tổ chức giải trình về 2 nội dung: Thực trạng công tác quản lý nhà trọ trên địa bàn tỉnh và Những tồn tại, hạn chế trong công tác tiếp công dân (TCD), giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC)…

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình tổ chức thực hiện hoạt động giải trình còn tồn tại, hạn chế gì, thưa bà?

- Đa số các đại biểu ở cơ sở (được mời) ít tham gia phát biểu và đặt câu hỏi giải trình, còn có tâm lý nể nang, ngại va chạm; các câu hỏi yêu cầu giải trình chủ yếu do các đại biểu chuyên trách đặt ra. Một số đại biểu nắm vấn đề chưa thực sự sâu, phiến diện nên trong tranh luận chưa thật sự sôi nổi, chưa đi đến cùng những vấn đề còn có quan điểm khác nhau…

6 yêu cầu nâng cao chất lượng phiên giải trình

Theo bà, để tiếp tục nâng cao chất lượng phiên giải trình trong thời gian tới, HĐND tỉnh Bắc Giang xác định tập trung vào những giải pháp cốt lõi nào?

- Một là, lựa chọn và xác định nội dung giải trình vẫn là yếu tố quan trọng hàng đầu. Giao nhiệm vụ, khuyến khích khả năng phát hiện vấn đề qua giám sát, khảo sát, tiếp xúc cử tri hoặc qua thực tế cuộc sống của các đại biểu chuyên trách, thành viên các ban để có nhiều nội dung đưa vào chất vấn, giải trình tại phiên họp Thường trực hàng tháng.

Hai là, nâng cao kỹ năng điều hành của chủ trì, dân chủ, khoa học, nắm chắc nội dung liên quan đến vấn đề đưa ra giải trình. Điều hành nội dung cần linh hoạt, gợi mở, tập trung, khuyến khích đối thoại, tranh luận đến cùng và kết thúc đúng lúc; nếu chưa sáng tỏ vấn đề thì chủ tọa điều hành phiên giải trình có kết luận hoặc yêu cầu người trả lời, trả lời trực tiếp đại biểu bằng văn bản hoặc vào phiên họp sau.

Ba là, khuyến khích, nâng cao tinh thần trách nhiệm của đại biểu HĐND, nhất là các đại biểu chuyên trách, các đại biểu là thành viên của các Ban trong nghiên cứu, đề xuất, tham gia hoạt động giải trình với phương châm: Rõ nội dung, chính xác về thông tin, bảo đảm đúng các quy định của pháp luật liên quan đến nội dung, yêu cầu giải trình.

Bốn là, đề cao trách nhiệm đối với cơ quan, đơn vị (người) giải trình, phải cụ thể, rõ ràng, đi thẳng vào vấn đề theo yêu cầu đặt ra, nêu rõ việc đã làm được, việc chưa làm được, nguyên nhân, xác định rõ trách nhiệm, tiến độ và biện pháp khắc phục. Người trả lời giải trình phải đề cao vai trò trách nhiệm cá nhân, nhận thức rõ những mặt tích cực và những thiếu sót để khắc phục, tránh tình trạng trả lời chung chung, đùn đẩy trách nhiệm của cá nhân, đơn vị mình.

Năm là, sau khi ban hành kết luận phiên giải trình, Thường trực HĐND, các Ban, các Tổ đại biểu và đại biểu HĐND tăng cường kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thực hiện của UBND và các ngành liên quan.

Sáu là, làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền. Phối hợp với Báo, Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh và các cơ quan thông tấn, báo chí đăng tải những thông tin, phóng sự, phỏng vấn về các nội dung được giải trình tại các phiên họp Thường trực hằng tháng để cử tri và nhân dân theo dõi, giám sát.

 Xin cảm ơn bà!

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự Hội nghị triển khai kế hoạch công tác HĐND năm 2022
Sáng 21/2, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị tổng kết công tác HĐND các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc năm 2021 và triển khai kế hoạch công tác năm 2022. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Theo báo Đại biểu Nhân dân

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...