Thứ bảy, 20/04/2024
Bắc giang 27 °C / 26 - 35 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Chính trị
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6: Nhịp cầu kết nối niềm tin

Cập nhật: 07:18 ngày 19/06/2021
(BGĐT) - Chưa bao giờ báo chí khởi sắc, muôn màu như ngày nay, “trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng”. Người được lợi hơn cả là bạn đọc. Tùy theo sở thích, điều kiện, bạn đọc có thể lựa chọn bất kỳ “món ăn tinh thần” nào, từ báo viết, báo điện tử hay phát thanh, truyền hình. 

Đó là lợi thế, song đặt ra thách thức không nhỏ đối với những người cầm bút, để mỗi tác phẩm báo chí như những nhịp cầu kết nối, nhân lên niềm tin trong cuộc sống, càng nhiều người đọc, người xem càng tốt.

Làm báo thời “4.0”

Đã thành thói quen từ lâu, mỗi sáng thức dậy, việc làm đầu tiên của tôi là lấy điện thoại lướt các trang báo điện tử, sau đó mở nghe tivi trong khi làm những việc cá nhân. Tin rằng đó cũng là nhu cầu của nhiều người; với những ai làm báo lại càng quan trọng, cập nhật được tình hình hằng ngày để tích lũy, làm giàu thông tin cho quá trình tác nghiệp của mình. Đôi khi đọc, nghe một mẩu tin có thể nảy ra một đề tài hay. 

{keywords}

Phóng viên tác nghiệp tại tâm dịch thị trấn Nếnh (Việt Yên). Ảnh: Danh Lam

Từ khi dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư, tôi cài điện thoại, có thông tin gì liên quan là được báo ngay. Qua mỗi tin, bài đăng tải trên các loại hình báo chí, ai đọc cũng thấy như được kết nối với các vùng dịch, thấu hiểu, muốn được chia sẻ với đồng nghiệp và những người đang vất vả đương đầu chống chọi lại loại vi-rút quái ác này. Có lẽ đó cũng là thói quen của rất, rất nhiều người trong thời kỳ bùng nổ thông tin nhờ sự phát triển của công nghệ mà gọi nôm na là thời đại “4.0”. Một ngày không đọc báo, nghe đài, hoặc xem tivi, hẳn không ít người thấy thiếu cái gì đó, như bị “lỗi một nhịp” với cuộc sống.

Người đọc có nhu cầu cao bao nhiêu thì đó là cơ hội tốt bấy nhiêu đối với nghề làm báo. Khó là chọn cái gì, viết thế nào cho đúng “khẩu vị” của nhiều người và mang đến cho họ những sản phẩm tốt nhất, kịp thời nhất, chứ không phải viết kiểu giật gân, câu view, câu like. Giữa bộn bề khó khăn, khi dịch Covid-19 đang phức tạp, điều đó lại càng cần thiết, là đòi hỏi đầu tiên đối với người cầm bút. Mỗi tác phẩm báo chí như một nhịp cầu kết nối, nhân lên niềm tin trong cuộc sống, để con người xích lại gần nhau hơn, hy sinh vì nhau. 

Tác giả không lăn lộn, đắm mình trong từng sự kiện, vụ việc, không tận mắt chứng kiến nỗi khổ đau của những người nhiễm bệnh, người bị cách ly, người thân của họ, sự vất vả của cấp ủy, chính quyền địa phương, mất ăn, mất ngủ vì dịch bệnh… thì không thể có tác phẩm nào làm nên điều quý giá ấy. 

Trong thời đại “4.0”, viết báo cần nhanh, nhưng trước hết phải chính xác. Trước mỗi vấn đề đặt ra, nhất là liên quan đến danh dự, sinh mệnh của con người, phải thận trọng tìm hiểu, xem xét ở mọi góc độ, hoàn cảnh của sự việc, đối chiếu nhiều kênh thông tin để chắt lọc tìm ra bản chất của nó, không cho phép sai. Thiết nghĩ đó là trách nhiệm, nghĩa vụ và lương tâm của người cầm bút.

Lợi dụng công nghệ “4.0”, ngồi trong phòng điều hòa, lướt mạng, cóp nhặt thông tin, “xào nấu”, chế biến gia giảm để viết thì tác phẩm báo chí không thể có được hơi thở cuộc sống thấm đẫm mồ hôi nước mắt của người dân, người lao động; nhiều khi nói không đúng thực tế, làm cho bạn đọc hiểu sai bản chất vụ việc, thâm chí gây hoang mang cho nhân dân. Đó là điều không thể chấp nhận với những người làm báo chân chính, nhất là trong lúc cả nước đang vật lộn với đại dịch Covid-19 như hiện nay.

Thời đại “4.0” có nhiều lợi thế cho người làm báo, nhưng lạm dụng nó, báo chí sẽ ngày càng mất đi vị thế xã hội, mất đi những bạn đọc thân thiết của mình.

Nhanh nhưng phải đúng bản chất vấn đề

Hơn một năm qua, nhất là từ cuối tháng Tư đến nay, trên các trang báo, chương trình phát thanh, truyền hình, lượng tin, bài, ảnh về tình hình dịch Covid-19 chiếm số lượng lớn nhất, bởi đó là vấn đề nóng bỏng nhất, được nhân dân ở mọi miền đất nước quan tâm từng giờ, từng ngày. Trách nhiệm của báo chí là đáp ứng nhu cầu ấy. Nhờ việc nhanh nhạy, cập nhật kịp thời mà mọi người dân có thể biết, sáng, trưa và ngày hôm nay, cuộc sống tại các vùng tâm dịch như thế nào; Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hà Tĩnh,… có bao nhiêu người nhiễm, bao nhiêu người khỏi bệnh; cấp ủy, chính quyền, nhân dân vùng dịch, các ngành y tế, công an, quân đội đã phải vất vả như thế nào… 

{keywords}

Phóng viên tác nghiệp ở KCN Quang Châu. Ảnh: Danh Lam

Trong bối cảnh ấy, báo chí là cầu nối không thể thiếu, mỗi tác phẩm như một thông điệp quan trọng đưa sự chỉ đạo của Đảng, điều hành của Nhà nước đến với người dân sớm nhất, để biến ý Đảng thành ý thức, thành việc làm thiết thực của mỗi người dân. Không phải ngẫu nhiên Lễ ra mắt Quỹ Vắc-xin phòng, chống Covid-19 tổ chức tối 5/6 vừa qua được nhiều cơ quan báo chí tổ chức truyền hình, đưa tin trực tiếp. Báo chí như một người “đưa thư phát nhanh” chuyển Quyết định số 779 về việc thành lập Quỹ Vắc-xin phòng, chống Covid-19 của Thủ tướng Chính phủ đến hàng triệu người, kể cả đồng bào ta ở nước ngoài mà không cần đến khi có công văn từ trên xuống, qua các cấp, ngành, như thế thì không biết bao nhiêu ngày mới đến người dân. 

Theo Báo điện tử Chính phủ, ngay sau Lễ ra mắt, tức chỉ trong vòng hơn một tiếng đồng hồ, tổng số tiền các tổ chức, doanh nghiệp, bộ, ngành, địa phương đóng góp cho Quỹ là 6.600 tỷ đồng và 17 tỷ đồng đóng góp nhận được qua tin nhắn. 79 doanh nghiệp, cơ quan và nhiều cá nhân từ cán bộ hưu trí, người lao động đến học sinh ủng hộ Quỹ ngay tại Lễ ra mắt qua báo chí phản ánh đã trở thành nhân tố khơi dậy lòng yêu nước, lá lành đùm lá rách, khích lệ nhân dân cả nước, các nhà hảo tâm chung tay xây dựng Quỹ để góp phần sớm đẩy lùi đại dịch.

Vì dịch Covid-19 mà nhân dân nhiều địa phương như đang ngồi trên đống lửa. Các bộ, ngành, các lực lượng cùng người dân đều hướng về vùng dịch để chia sẻ khó khăn. Là người đồng hành với các lực lượng chống dịch, báo chí đã đưa tin nhanh, chính xác mọi việc làm, nghĩa cử tốt đẹp của nhiều người trong các hoạt động đầy tình nghĩa. Mỗi tác phẩm báo chí như một món quà nhỏ, động viên, tạo thêm động lực cho những người tự nguyện vào vùng dịch cùng nhân dân ở đây, đêm ngày khoanh vùng, cách ly, xét nghiệm các F1, F2, điều trị cho người bệnh. Nhiều tin bài, có khi chỉ là một bức ảnh đăng tải trên báo nhưng đã truyền cho bao người cảm hứng, niềm tin vào cuộc chiến này.

Không ít người đưa điện thoại cho nhau xem, bình luận bức ảnh bác sĩ trẻ khoa Gây mê hồi sức, Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh với nụ cười lay động lòng người, đang cạo trọc đầu để lên đường đến với nhân dân vùng dịch Covid-19 Bắc Giang. Những người trong vùng dịch chắc sẽ ấm lòng khi xem bức ảnh ấy, bởi qua đó thấy được ý chí, tinh thần tự nguyện vô tư và niềm vui phấn chấn của những người chuẩn bị đến “chia lửa” với mình, không có mệnh lệnh hành chính, thúc ép nào. Những đồng nghiệp của anh, các lực lượng tham gia chống dịch nhìn bức ảnh như được tiếp thêm sức mạnh. Nghị lực của một bác sĩ trẻ qua bức ảnh trở thành nguồn cảm hứng truyền cho cả xã hội, nhân lên niềm tin trong cuộc sống. Người được chụp và cả tác giả bức ảnh không ai ngờ nó có sức lan tỏa, lay động lòng người đến vậy, mà hàng chục bài báo viết về bác sĩ ấy, kèm theo bức ảnh làm nên điều đó.

Công việc của báo chí là như vậy, ngày càng đáp ứng kịp thời, nhanh nhạy trước đòi hỏi của cuộc sống. Có điều, nhanh nhưng phải chính xác, không vì cạnh tranh thông tin mà “nhanh, ẩu đoảng”. Thực tế, không ít trường hợp đã phải chịu trận với báo chí. Chẳng may đâu đó xảy ra một sự cố gì là các phóng viên nhao vào, chưa kịp tìm hiểu cho kỹ “ngọn nguồn lạch sông”, viết một chiều phiến diện; chẳng khác gì thầy bói xem voi, người sờ vào cái chân thì bảo con voi to như cột đình, sờ vào cái đuôi thì nói con voi to như cái chổi, sờ vào cái tai thì bảo con voi như chiếc quạt mo… Ngay với bác sĩ trẻ Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh nói ở trên - một chuyện “hot” như vậy, nhiều báo trân trọng xưng tên anh là Đặng Minh Hiệu, nhưng có nơi lại viết Đặng Minh Hiếu. Thật là tối kỵ.

Trong thời đại “4.0”, viết báo cần nhanh, nhưng trước hết phải chính xác. Trước mỗi vấn đề đặt ra, nhất là liên quan đến danh dự, sinh mệnh của con người, phải thận trọng tìm hiểu, xem xét ở mọi góc độ, hoàn cảnh của sự việc, đối chiếu nhiều kênh thông tin để chắt lọc tìm ra bản chất của nó, không cho phép sai. Thiết nghĩ đó là trách nhiệm, nghĩa vụ và lương tâm của người cầm bút.

Bắc Văn
Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Thái gửi thư chúc mừng các cơ quan báo chí và đội ngũ người làm báo
(BGĐT) - Nhân kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, ngày 17/6/2021, đồng chí Dương Văn Thái, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh gửi thư chúc mừng các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và địa phương, các nhà báo, phóng viên, biên tập viên và những người làm báo. Báo Bắc Giang trân trọng đăng Thư của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Báo chí đưa "hơi thở cuộc sống" vào nghị trường
Nhân kỷ niệm 96 năm ngày báo chí cách mạng Việt Nam 21/6 (1930-2021) và chào mừng thành công của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, chiều 15/6, tại Nhà Quốc hội, Văn phòng Quốc hội đã gặp mặt và làm việc với đại diện các cơ quan báo chí.
112 tác phẩm sẽ được vinh danh tại Lễ trao Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XV, năm 2020
Trưa 3/6, Hội đồng Chung khảo Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XV năm 2020 đã chọn được 112/150 tác phẩm để trao giải, bao gồm: 1 giải Đặc biệt, 9 giải A, 25 giải B, 45 giải C và 32 giải Khuyến khích.
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...