Thứ tư, 17/04/2024
Bắc giang 25 °C / 25 - 31 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Yên Thế >>Tin tức - Sự kiện
Yên Thế >>Tin tức - Sự kiện
icon
0.5 1.0 1.5
Chia sẻ:

Sớm giải quyết các vụ kiện tranh chấp đất rừng

Cập nhật: 08:40 ngày 13/10/2017
(BGĐT) - Nhằm giải quyết dứt điểm các vụ việc lấn chiếm, tranh chấp đất rừng, các công ty lâm nghiệp trên địa bàn huyện Yên Thế (Bắc Giang) đã thực hiện giải pháp khởi kiện các vụ án dân sự liên quan. Tuy nhiên, do vướng mắc về thủ tục pháp lý, nhiều vụ việc vẫn dở dang.
{keywords}

Diện tích rừng đang tranh chấp giữa Công ty Lâm nghiệp Yên Thế và người dân tại bản Chay, xã Canh Nậu (Yên Thế) vừa bị một số đối tượng chặt phá.

Năm 2012, Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Yên Thế (Công ty Lâm nghiệp Yên Thế) thực hiện vụ kiện đầu tiên đối với ông Nguyễn Văn Hồng, thôn Rừng Chiềng, xã Tiến Thắng lấn chiếm 1 ha đất lâm nghiệp. Căn cứ hồ sơ vụ việc và quy định của pháp luật, TAND huyện tuyên buộc ông Hồng trả đất và một phần tiền giống, phân bón, nhân công chăm sóc rừng cho doanh nghiệp (DN). Sau khi chấp hành bản án, gia đình ông Hồng được Công ty tạo điều kiện nhận khoán trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng trên diện tích này để có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Ngoài ông Hồng, từ năm 2013 đến nay, Công ty Lâm nghiệp Yên Thế đã khởi kiện 4 vụ tranh chấp đất rừng khác. Các vụ việc đều được TAND huyện thụ lý nhưng chưa giải quyết dứt điểm. Đơn cử, năm 2013, Công ty khởi kiện bà Lê Thị Nhiên, bản Chay, xã Canh Nậu lấn chiếm 2,4 ha đất lâm nghiệp. TAND huyện đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm, buộc bị đơn trả đất. Sau đó, bà Nhiên kháng cáo, tòa phúc thẩm TAND tỉnh đã đình chỉ bản án sơ thẩm, giao TAND huyện xét xử lại theo thẩm quyền với lý do một phần diện tích đất tranh chấp đã được UBND xã Canh Nậu xử phạt vi phạm hành chính, án sơ thẩm xét xử vượt quá yêu cầu khởi kiện. Đến nay, vụ án vẫn đang bị tạm đình chỉ vì bà Nhiên có đơn khởi kiện vụ án khác liên quan đến các quyết định hành chính của UBND xã Canh Nậu về diện tích đất này.

Công ty Lâm nghiệp Yên Thế cũng đang khởi kiện đòi đất đối với các bà: Bùi Thị Hòe, thôn Đền Cô, xã Tam Hiệp; Lê Thị Minh, Lê Thị Nguyệt, thôn Khuôn Đống, xã Canh Nậu. Đến nay, các vụ án đều bị TAND huyện đình chỉ và tạm đình chỉ do chưa đủ điều kiện khởi kiện, đương sự có khiếu nại liên quan đề nghị UBND tỉnh ra quyết định hủy các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho Công ty khiến TAND huyện chưa thể giải quyết. Việc tranh chấp, khởi kiện phức tạp, kéo dài đã gây thiệt hại về kinh tế, ảnh hưởng đến an ninh trật tự trên địa bàn. Nhiều diện tích rừng trồng đã đến kỳ khai thác, TAND huyện buộc phải ban hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, giữ nguyên hiện trạng tài sản tranh chấp nhưng nhiều hộ vẫn tìm cách khai thác.

Tại Lâm trường Đông Sơn (Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Đông Bắc) cũng diễn ra tình trạng tương tự. Ông Lê Công Lệ, Giám đốc Lâm trường cho biết, hiện có gần 350 hộ dân ở các xã Đông Sơn, Đồng Hưu, Đồng Tiến, Xuân Lương, Canh Nậu xâm lấn khoảng 400 ha đất rừng. Lâm trường đã nhiều lần cùng chính quyền địa phương đến từng hộ tuyên truyền, vận động trả đất nhưng không có kết quả. Hiện, đơn vị đang hoàn thiện hồ sơ, khởi kiện một số hộ ra tòa dân sự. 

Tuy vậy, việc khởi kiện đang gặp một số khó khăn do các hộ không hợp tác thực hiện thủ tục bắt buộc hòa giải tại cơ sở. Các vụ việc trên không được giải quyết dứt điểm khiến tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất rừng lan ra các xã Canh Nậu, Tam Tiến, Đồng Tiến, Tiến Thắng, Xuân Lương, Đồng Sơn… với diện tích tranh chấp, lấn chiếm gần 500 ha. Trong đó, Công ty Lâm nghiệp Yên Thế bị lấn chiếm, tranh chấp gần 60 ha; Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và thương mại Trường Lộc gần 10 ha; Lâm trường Đồng Sơn khoảng 400 ha.

Được biết, đến nay các DN lâm nghiệp trên địa bàn huyện đã khởi kiện 5 vụ án dân sự tranh chấp đất rừng; hoàn thiện hồ sơ chuẩn bị khởi kiện 5 vụ án khác nhưng đến nay mới chỉ có một vụ việc được giải quyết dứt điểm. Nguyên nhân do hiểu biết và ý thức tuân thủ pháp luật của người dân và DN còn hạn chế, việc thiết lập hồ sơ khởi kiện chậm, chưa đúng trình tự tố tụng dẫn đến các vụ kiện phải tạm dừng giải quyết nhiều lần. Công tác quản lý đất đai, bảo đảm an ninh trật tự của chính quyền một số xã chưa tốt khiến các vụ chặt cây, lấn chiếm đất thường xuyên xảy ra; một số xã chưa chủ động thực hiện nhiệm vụ giải quyết các vụ việc tại cơ sở. Công tác giải quyết, trả lời đơn thư của cơ quan có thẩm quyền chưa kịp thời; chưa có sự phối hợp giữa cơ quan công quyền và TAND dẫn đến các vụ kiện thêm phức tạp, kéo dài.

Trao đổi về hướng giải quyết các vụ án trên, ông Nguyễn Ngọc Chung, Chánh án TAND huyện cho rằng, theo quy định, một vụ việc không thể cùng lúc được giải quyết tại hai cấp, cơ quan khác nhau. Do vậy, các vụ án đang trong thời gian đình chỉ và tạm đình chỉ để chờ văn bản giải quyết, trả lời đơn, thư của UBND tỉnh. Theo thông tin mới nhất từ người dân, UBND tỉnh đã ban hành văn bản trả lời các hộ, các DN lâm nghiệp cần sớm hoàn thiện thủ tục hòa giải tại cơ sở, thu thập văn bản liên quan, hoàn thiện thủ tục khởi kiện, khởi kiện lại để TAND huyện thụ lý giải quyết theo thẩm quyền. Trong thời gian này, các đương sự có nhiệm vụ giữ nguyên hiện trạng tài sản tranh chấp, trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định.

Hồng Dương

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...