Thứ bảy, 20/04/2024
Bắc giang 24 °C / 24 - 27 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Yên Thế >>Tin tức - Sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Anh Lê Văn Tuân: Điển hình khởi nghiệp

Cập nhật: 13:45 ngày 24/03/2017
(BGĐT) - Học hết lớp 12, anh Lê Văn Tuân, thôn Đền Giếng, xã Hồng Kỳ, huyện Yên Thế (Bắc Giang) không thi đại học mà lựa chọn Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật tỉnh, theo học ngành chăn nuôi thú y. Với vốn kiến thức có được, anh áp dụng vào sản xuất, kinh doanh. Từ hai bàn tay trắng, sau 13 năm, anh đã có số vốn vài tỷ đồng. 
{keywords}

Anh Lê Văn Tuân (trái) tại cửa hàng của gia đình.

Tốt nghiệp ra trường năm 2003, nhiều người không thấy Tuân đi tìm việc làm mà suốt ngày quanh quẩn cải tạo vườn, xây chuồng trại nuôi gà, lợn. Nhiều người bóng gió, nuôi gà, lợn thì làm gì phải đi học nhưng anh lại nghĩ khác. Phải học mới có kiến thức áp dụng vào thực tế. Từ 20 triệu đồng vay qua kênh của tổ chức Đoàn cộng với huy động từ bạn bè, người thân, anh dốc vốn vào chăn nuôi. Lứa đầu, anh nuôi 22 con lợn siêu nạc và hơn 1 nghìn con gà Mía lai. Do chăm sóc theo quy trình kỹ thuật, lợn, gà nhanh lớn, lứa đầu lãi hơn 20 triệu đồng. Năm sau, anh nuôi lợn 40 con/lứa, đàn gà từ 1 nghìn lên gần 5 nghìn con/lứa. Để giảm giá thành, tăng lợi nhuận, anh dùng men vi sinh ủ cám, ngô, sắn (sản phẩm có sẵn tại địa phương) thay thế thức ăn công nghiệp.  

Cùng đó, anh mở cửa hàng bán thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi và con giống. Sản phẩm đều được nhập từ những doanh nghiệp có uy tín nên bảo đảm chất lượng, lượng khách hàng ngày một tăng.  Hiện mỗi tháng gia đình anh bán 60-70 tấn thức ăn chăn nuôi. 5 năm trở lại đây, từ chăn nuôi, dịch vụ, gia đình có lãi 300-400 triệu đồng/năm. Quy mô sản xuất, kinh doanh ngày càng lớn, ngoài lao động trong nhà, anh thuê thường xuyên 2 nhân công với mức lương bình quân 4-5 triệu đồng/người/tháng. Anh Vi Văn Quyết, lái xe kiêm giao hàng cho gia đình anh Tuân chia sẻ: "Tôi đã làm ở đây hơn 1 năm. Công việc phù hợp, thu nhập ổn định. Từ ngày làm việc tại đây, tôi không phải đi làm xa nên có điều kiện chăm sóc gia đình". 

Ngoài hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, ủ men thức ăn, anh còn hỗ trợ những hộ khó khăn, nhất là thanh niên về kiến thức phát triển kinh tế. Anh Nông Văn Hùng, thôn Trại Nhì (xã Hồng Kỳ) cho biết: "Nhờ anh Tuân cung cấp giống, thức ăn chăn nuôi nên tôi có điều kiện đầu tư phát triển kinh tế. Năm 2016, thu nhập từ nuôi gà, lợn của gia đình tôi đạt hơn 100 triệu đồng". Hay như gia đình anh Tô Minh Quân, thôn Trại Đảng (cùng xã), từ hộ khó khăn, do được anh Tuân hỗ trợ bằng cách cho mua chịu con giống, thức ăn (khi bán sản phẩm mới trả tiền) nên đến nay cũng có cuộc sống ổn định. 

"Lê Văn Tuân là điển hình trong phong trào lập nghiệp của thanh niên xã Hồng Kỳ. Cùng với phát triển kinh tế, anh còn tích cực tham gia các phong trào ở địa phương. Nhiều lần anh Tuân được địa phương và cấp trên khen thưởng"- Đồng chí Dương Đoàn Thanh, Bí thư Đảng ủy xã Hồng Kỳ nhận xét. 

Minh Huyền

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...