Thứ năm, 18/04/2024
Bắc giang 28 °C / 25 - 31 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Yên Thế >> Người tốt - Việc tốt
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Đưa cán chổi xuất ngoại

Cập nhật: 07:00 ngày 15/07/2017
(BGĐT) - Lớn lên ở vùng quê nghèo - thôn Bến Trăm, xã Đông Sơn, huyện Yên Thế (Bắc Giang), anh Đoàn Văn Dũng (SN 1984) mất nhiều năm lặn lội đi làm thuê nơi đất khách quê người. Quãng thời gian ấy đã giúp anh Dũng nuôi ý chí khởi nghiệp và thành công với mô hình sản xuất cán chổi gỗ trên chính mảnh đất quê hương.
{keywords}

Anh Đoàn Văn Dũng hướng dẫn công nhân bọc màng cán chổi.

Sau 4 năm đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan (Trung Quốc), năm 2014, anh Dũng về quê. Đang loay hoay tìm con đường khởi nghiệp cho riêng mình, anh nhận thấy phế phẩm ở nhiều xưởng bóc gỗ chưa được tận dụng. Vì thế anh quyết định vay vốn mở xưởng chế biến cán chổi gỗ, nguyên liệu là lõi cây lấy lại từ các xưởng. Gom toàn bộ số vốn tích lũy được cộng với vay ngân hàng gần 1 tỷ đồng, anh Dũng đầu tư máy móc, mở rộng sân bãi, thuê nhân công...

Anh đi tham quan, học hỏi ở một số mô hình sản xuất cán chổi tại Hải Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng. Ban đầu chưa có kinh nghiệm, sản phẩm làm ra chưa phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng nên năm đầu xưởng không có lợi nhuận. Anh Dũng rong ruổi trên chiếc xe máy cà tàng quảng bá mặt hàng, bán lẻ từng chiếc cán chổi với quyết tâm không bỏ cuộc giữa chừng. Ông chủ trẻ chào hàng ở khắp nơi từ Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương... chấp nhận bán với giá rẻ hơn hoặc tặng dùng thử để tạo được niềm tin. Sau một thời gian anh mới có được những đơn hàng đầu tiên. “Nguyên liệu sẵn có, nghề cũng có trong tay thì còn sợ gì mà không làm. Làm cái gì ban đầu không khó khăn nhưng không thể vì thế mà nản, từ từ biết sắp xếp thì đâu sẽ vào đó…”. Anh suy nghĩ như vậy.

{keywords}

Cán chổi gỗ thành phẩm.

Nhận thấy nhu cầu của thị trường ngày càng lớn nên anh Dũng mạnh dạn đầu tư máy móc hiện đại như: Máy cắt lõi, nắn thẳng, tiện gien, lò hơi hấp màng co, ván ghim... tạo ra sản phẩm bắt mắt, bền chắc. Để cạnh tranh, anh Dũng chịu khó học hỏi kiến thức, kinh nghiệm qua bạn bè, mạng Internet. Đó là tiền đề để anh đưa sản phẩm tiếp cận thị trường nước ngoài. Những đơn hàng xuất khẩu cần bảo đảm các yếu tố như giao hàng đúng hẹn, mẫu mã đều, đúng yêu cầu nên anh Đoàn Văn Dũng tập trung vào quy trình sản xuất, kiểm duyệt khắt khe từng công đoạn. Bản thân là người kỹ tính, đòi hỏi cao trong công việc nên anh Dũng chưa bao giờ bằng lòng với hiện tại. Ngoài thời gian gặp gỡ đối tác, ông chủ trẻ còn thường xuyên cập nhật kỹ thuật, mẫu mã mới.

Năm 2016, anh Đoàn Văn Dũng là một trong 10 chủ mô hình phát triển kinh tế mang lại hiệu quả cao, được Tỉnh đoàn tuyên dương. Anh cũng là điển hình tìm ra hướng đi đúng, thành công sau xuất khẩu lao động.

Hiện mô hình của anh không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cho chính gia đình mà còn giúp mở ra hướng đi mới, góp phần tích cực vào giải quyết việc làm cho lao động địa phương, xóa đói giảm nghèo. Cán chổi gỗ tận dụng từ phế phẩm, là sản phẩm thân thiện với môi trường nên được nhiều khách hàng ưa dùng. Hiện sản phẩm đã xuất sang các nước: Bồ Đào Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Trung Quốc... Trung bình một tháng, anh bán hàng nghìn chiếc cán chổi thành phẩm, thu lãi 300 triệu đồng/tháng.

Ưu tiên lao động tại địa phương, xưởng của anh hiện có 20 công nhân, mức thu nhập bình quân từ 5 - 6 triệu đồng/người/tháng. Chị Nguyễn Thị Yến (SN 1987), thôn Bến Trăm, xã Đông Sơn nói: "Tôi làm việc tại xưởng của anh Dũng từ những ngày đầu. Làm việc ở đây thu nhập ổn định, không phải đi xa nên tôi có thời gian chăm sóc gia đình".

Thời gian tới, anh Dũng dự định học thêm Tiếng Anh để thuận tiện giao dịch với người nước ngoài mà không phải thông qua đơn vị trung gian. Thêm vào đó, anh dự định tiếp tục đầu tư dây chuyền máy móc công nghệ hiện đại, mở rộng kho bãi và quy mô sản xuất, kinh doanh.

Tuyết Mai

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...