Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 25 °C / 25 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Yên Thế >>Kinh tế trang trại
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Xuân Lương, xanh những nương chè

Cập nhật: 07:00 ngày 09/06/2018
(BGĐT) - Khoảng 5 năm nay, xã Xuân Lương, huyện Yên Thế (Bắc Giang) được biết đến với những kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế, văn hóa, du lịch. Lợi thế của xã vùng cao đang được khơi dậy, phát huy và hứa hẹn tạo nên những đổi thay mới ở nơi vốn được coi là một trong những xã khó khăn vào bậc nhất của huyện.
{keywords}

Nông dân Xuân Lương đã chuyển đổi giống chè hạt sang chè cành qua đó nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm.

Nỗ lực giảm nghèo

Xuân Lương có 9/14 bản thuộc chương trình 135 (bản đặc biệt khó khăn). Hơn chục năm trước tôi có dịp lên đây, hình ảnh khó quên lúc ấy là con đường đất vào các bản luôn lầy lội, trơn trượt mỗi khi trời mưa. Từ vùng đất khó, Xuân Lương hôm nay đang có sự vươn lên mạnh mẽ từ kinh tế nông, lâm nghiệp, trong đó nổi bật là cây chè.

Vùng cao Xuân Lương mùa này nổi bật hơn từ những đồi chè thoai thoải tràn ngập màu xanh. Những cánh rừng keo bạt ngàn và dãy hoa rực rỡ sắc hương hai bên đường vào các bản đã tạo nên sức hút mạnh mẽ đối với nhiều người. Những địa danh như bản Ven, thác Ngà, Xuân Lung, Ngạc Hai, Thượng Đồng, cây lim nghìn tuổi và cả những nếp nhà sàn của người Cao Lan trở thành điểm đến ấn tượng của nhiều du khách.

Chủ tịch UBND xã Thân Nhân Khuyến cùng tôi vào bản Ven, nơi có 146 hộ, 97% trong số đó thuộc dân tộc Cao Lan. Bản có diện tích chè lớn nhất xã (hơn 23 ha). Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng bản Trần Văn Kính thông tin: Hai năm trước, bản có hơn 60 hộ nghèo thì nay giảm còn 35 hộ, có kết quả này nhờ chính sách giao đất, giao rừng của Nhà nước, sự mạnh dạn đầu tư theo hướng thâm canh cây lâm, nông nghiệp. Cộng thêm đồng bào được hưởng một số chính sách hỗ trợ từ nguồn vốn giảm nghèo đã tạo đà cho người dân vươn lên thoát nghèo.

Những cánh rừng trồng keo cho thu nhập khoảng 150 triệu đồng/ha, trồng chè cho thu nhập hơn 200 triệu/ha (sau khi đã trừ chi phí) là động lực để các hộ nhận thêm đất phát triển kinh tế. Nhiều hộ thoát nghèo và trở nên khá giả. Nhẩm tính của ông Kính, bản Ven có 5 hộ mua được xe hơi nhờ nguồn thu nhập chính từ trồng rừng và chè. 

Nói về cây chè, ông Kính kể: Được tuyên truyền, vận động và hướng dẫn của ngành chuyên môn, người dân đã chuyển từ giống chè hạt sang chè cành, quy trình sản xuất, chế biến mới cũng được áp dụng nên sản lượng, chất lượng nâng lên. Trước kia nhân dân quen sao chè bằng tay thì nay đầu tư máy, chè hái được đến đâu sao đến đấy nên không còn cảnh bị ôi và cháy. Việc chăm sóc đúng quy trình đã nâng được uy tín lẫn giá trị sản phẩm, đa phần các hộ sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu sinh học, đầu tư máy làm cỏ thay cho việc sử dụng thuốc trừ cỏ như trước. Để phục vụ cho sản xuất, chế biến chè, nơi đây đang được Nhà nước hỗ trợ xây dựng trạm biến áp điện, cộng thêm hệ thống tưới nước ngầm.

Giá trị từ thương hiệu chè

Người dân Xuân Lương trồng chè mấy chục năm trước nhưng từ năm 2015, sau khi áp dụng quy trình, kỹ thuật sản xuất mới và cách làm chuyên nghiệp nên năng suất, chất lượng chè nâng lên. Cộng thêm việc xây dựng thành công thương hiệu chè bản Ven đã làm tăng giá trị sản phẩm. Từ vài chục ha, đến nay diện tích chè trong xã phát triển lên 245 ha, năng suất thời điểm cao nhất đạt 15 tấn/ha (cao gấp đôi so với bình quân chung toàn huyện). 

Nay, người trồng chè ở xã Xuân Lương không còn quan niệm “Chè Xuân Lương đựng ống bương, treo gác bếp để giữ hương” nữa mà thay vào đó đã từng bước ứng dụng công nghệ, kỹ thuật, các phương pháp sao, bảo quản mới để giữ cho hương vị chè đậm đà lâu hơn và có vị riêng.

Chủ tịch UBND xã Thân Nhân Khuyến cho biết: “Thương hiệu đã tạo nên giá trị của chè Xuân Lương - một trong những sản phẩm chủ lực của địa phương. Khi chưa có thương hiệu, giá chè tươi chỉ bán được 12 nghìn đồng/kg, sau khi xây dựng thương hiệu (năm 2015) giá tăng lên 60 nghìn đồng. 

Bởi thế nhân dân Xuân Lương vẫn nói vui: “Tiền không phải là lá nhưng nay lá lại là tiền”, thậm chí lá chè tươi già ở đây vẫn bán được 30 nghìn đồng/kg, đồng bào hái chè thuê mỗi người cũng có thu nhập hơn 200 nghìn đồng/ngày. Kinh tế phát triển, hiện 12/19 tiêu chí nông thôn mới của xã đã hoàn thành và mục tiêu đến năm 2020 sẽ về đích. Hộ nghèo trong xã còn 23,21%; giảm 12,8% so với hai năm trước và năm nay sẽ phấn đấu giảm từ 7 - 8%.

Mấy năm trước Xuân Lương không có những đồi chè rộng và đẹp mắt vì người dân trồng chè xen lẫn các loại cây khác. Nay, bà con đã phá bỏ cây tạp để chuyên canh chè. Đồng bào các dân tộc không còn quan niệm “Chè Xuân Lương đựng ống bương, treo gác bếp để giữ hương” mà thay vào đó đã biết ứng dụng công nghệ, kỹ thuật, phương pháp sao, bảo quản mới để giữ cho hương vị chè được đậm đà lâu hơn. 

Ông Khuyến cũng cho rằng, dù chè là cây chủ lực song địa phương vẫn chưa hài lòng với những gì đã có khi giá chè khô cao nhất ở Xuân Lương mới đạt 40 USD/kg, kém xa so với sản phẩm chè của những quốc gia lân cận. 

Để nâng cao hơn nữa giá trị sản phẩm đã đặt ra nhiều bài toán cho chính quyền, nhân dân và các doanh nghiệp trong việc áp dụng khoa học công nghệ vào chế biến, bảo quản và trước mắt sẽ là thay đổi thói quen sao chè bằng than củi sang điện khi trạm điện 3 pha chuẩn bị đi vào hoạt động trong thời gian tới.

Rời Xuân Lương khi chiều gần tắt nắng. Trước mắt chúng tôi vẫn là những nương chè xanh ngát uốn lượn bên những ngôi nhà mới xây nhiều kiểu dáng. Xuân Lương đang vươn mình mạnh mẽ trong công cuộc đổi mới hôm nay .

Sản lượng chè búp tươi ước đạt 1,8 nghìn tấn
(BGĐT) - Toàn huyện Yên Thế hiện có 515 ha chè đang cho thu hoạch, tập trung ở các xã Xuân Lương, Canh Nậu, Đồng Tâm, Tiến Thắng… Trong những tháng đầu năm, sản lượng chè búp tươi của huyện ước đạt 1,8 nghìn tấn, doanh thu ước đạt hơn 30 tỷ đồng. 
 

Nguyễn Hưởng

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...