Thứ bảy, 20/04/2024
Bắc giang 29 °C / 26 - 35 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Yên Dũng >> Tin tức - Sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Tích tụ ruộng đất sản xuất hàng hóa

Cập nhật: 09:50 ngày 12/01/2018
(BGĐT) - Hiện nay, nông dân ý thức rõ rằng sản xuất nông nghiệp dựa trên diện tích đất manh mún, nhỏ lẻ sẽ không hiệu quả. Tại Yên Dũng, không chỉ đẩy mạnh dồn điền, đổi thửa, bà con còn góp ruộng đất, liên kết với doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) để mở rộng sản xuất, "nhận lương" hằng tháng.
{keywords}

Nông dân xã Tiến Dũng góp ruộng, làm công cho HTX rau sạch Yên Dũng.

Cánh đồng lớn tiện cho sản xuất

Ông Hoàng Hữu Lân, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện  thông tin: Năm 2017, toàn huyện đã dồn đổi được hơn 840 ha đất, nâng tổng diện tích được dồn đổi lên 3.538 ha. Hiện trên địa bàn hình thành nhiều cánh đồng lớn, sản xuất tập trung như: Lúa thơm chất lượng cao (mỗi vụ khoảng 4.000 ha) ở các xã Tư Mại, Cảnh Thuỵ, Tiến Dũng, Đức Giang, Đồng Phúc; cánh đồng mẫu lớn sản xuất cây rau màu chế biến, rau an toàn ở xã Đức Giang, rau sạch ở xã Tiến Dũng, khoai tây chế biến ở xã Tư Mại...

Việc hình thành những vùng sản xuất tập trung đã tạo điều kiện thuận lợi để ứng dụng kỹ thuật máy móc, công nghệ. Không chỉ tăng lợi nhuận cho người sản xuất, việc tích tụ còn tạo sự gắn bó giữa hộ góp đất với doanh nghiệp, HTX, làm thay đổi tư duy canh tác nhỏ lẻ, phân tán sang hướng sản xuất quy mô lớn, gắn kết với thị trường. Ông Hoàng Văn Xuất, Chủ tịch UBND xã Tư Mại cho biết: Hơn chục năm trước, khoai tây chế biến Atlantic đã được trồng trên đồng đất Tư Mại. Tuy nhiên, ban đầu mạnh ai nấy làm. Sau khi dồn đổi ruộng, UBND xã quy hoạch vùng trồng, tạo điều kiện thuận lợi để bà con sản xuất tập trung, đứng ra tổ chức thu mua và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với Công ty Orion Vina (Hàn Quốc). Bà con thấy khoai tây có lợi nhuận hơn hẳn các cây trồng khác nên làm theo. Từ vài ha ban đầu, đến nay toàn xã có hơn 40 ha khoai tây chế biến, sản phẩm được bao tiêu toàn bộ. “Khi hình thành những cánh đồng lớn, sản xuất tập trung, có những quy định chuẩn về thời gian gieo trồng, thu hoạch, giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... nông dân phải thay đổi cách làm cũ, không thể thích làm lúc nào cũng được, chệch khỏi "quỹ đạo" là hỏng ngay”- ông Xuất khẳng định.

Hiệu quả tăng rõ rệt

Sau dồn điền, đổi thửa, hiệu quả sản xuất tăng rõ rệt. Từ khâu làm đất, gieo trồng, tưới tiêu cho đến vận chuyển nông sản đều thuận lợi, chi phí giảm. Trước kia mỗi hộ có khoảng chục thửa manh mún, rải rác ở khắp các xứ đồng thì nay chỉ còn vài thửa, nông dân đỡ tốn công sức khi không phải liên tục chạy đồng. Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, sau dồn đổi, phương tiện cơ giới được sử dụng góp phần giảm chi phí sản xuất, năng suất cây trồng tăng khoảng 15%. Tư duy của người sản xuất dần thay đổi từ sản xuất nhỏ lẻ, tự phát sang liên kết, hợp tác theo hướng bền vững. Nhờ đó nông sản có thị trường tiêu thụ với giá cao hơn thông thường. Chẳng hạn như sản phẩm gạo thơm Yên Dũng đã được nhiều người tiêu dùng biết đến; khoai tây chế biến Atlantic có liên kết với doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ sản phẩm...

Việc tích tụ ruộng đất thông qua hợp tác, liên kết nông hộ để tăng quy mô ruộng đất, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp đã xuất hiện ở Yên Dũng. Đi vào hoạt động từ tháng 4-2016, HTX Rau sạch Yên Dũng hiện có khoảng 200 hộ góp ruộng. Anh Triệu Văn Hải, quản lý sản xuất cho biết: Nắm bắt xu hướng thị trường, HTX thuê 30 ha ruộng của nông dân trên cánh đồng thuộc ba thôn ở xã Tiến Dũng để sản xuất rau an toàn cung cấp cho các bếp ăn công nghiệp, doanh nghiệp, nhà hàng, khách sạn, căng tin, trường học... trên địa bàn tỉnh và nhiều tỉnh, TP khác. Hiện HTX duy trì 50 công nhân làm thường xuyên. Nhà nào góp ruộng cũng được nhận vào làm. Ngoài cánh đồng bát ngát trồng bầu, dưa bao tử, đỗ cô ve, cải cúc, cải chíp, bắp cải, su hào, cà tím... HTX còn đầu tư xây dựng nhà lưới diện tích 5.000 m2 để trồng dưa lê Hàn Quốc; nhà tiền sơ chế nằm ngay tại nơi sản xuất, hệ thống đường giao thông, kênh mương nội đồng, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất hàng hóa.

Là một trong những chủ hộ cho HTX Rau sạch Yên Dũng thuê ruộng, bà Nguyễn Thị Hoa (58 tuổi) ở thôn Huyện, xã Tiến Dũng phấn khởi nói: "HTX thuê của gia đình tôi 5 sào trong 10 năm, trả ngay 50 triệu đồng (mỗi năm 1 triệu đồng/sào); mẹ tôi là bà Lê Thị Mai cũng góp 7 sào. Nếu trước đây, trên cánh đồng này tôi cấy hai vụ lúa, hết vụ lại đi làm bên ngoài bấp bênh thì nay vào HTX ngày nào cũng có việc, tiền công được trả 140.000 đồng/ngày. Ai làm thế nào hưởng công thế đó, không làm không có thu nhập, không có kiểu “đánh trống ghi điểm” như xưa. Nông dân ở tuổi này mức thu nhập như vậy là ổn lắm rồi". Tương tự, bà Nguyễn Thị Mến (47 tuổi) cũng được HTX trả 60 triệu đồng khi thuê của gia đình bà 6 sào ruộng. Ngoài ra bà còn có thu nhập đều đặn 4,2 triệu đồng/tháng khi làm công cho HTX.

Giai đoạn 2017-2020, huyện có chính sách hỗ trợ xây dựng và mở rộng các vùng rau tập trung. Theo đó chỉ đạo sản xuất theo hướng thành lập các HTX, tổ hợp tác, nhóm hộ để tích tụ ruộng đất, liên kết cung ứng giống, vật tư, phân bón, tiêu thụ sản phẩm. Hiện nay, trên địa bàn đã có 5 HTX hoạt động theo hình thức này. Qua đó tạo đà để Yên Dũng đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào đồng ruộng, hình thành thêm những vùng sản xuất hàng hóa tập trung theo yêu cầu thị trường.

Thu Phong

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...